CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn khác
Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16
Mầu nhiệm Thiên Chúa vốn là một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu đối với lý trí của con người, nếu không có mạc khải, chúng ta không thể nào biết được bản tính sâu xa của Thiên Chúa. Liên quan đến vấn đề này, phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày với chúng ta chủ đề: “Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác – Dieu est Total Autre.” Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu chủ đề này qua những điểm sau đây: 1) Thiên Chúa hoàn toàn khác về hữu thể; 2) Thiên Chúa khác về tư tưởng và đường lối; 3) Lời mời gọi sống theo cách hành xử của Thiên Chúa.
1- Khác biệt về hữu thể
Theo mạc khải của Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác biệt chúng ta về hữu thể. Theo Bổn Lẽ Cần dạy, “Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, vô thủy, vô chung, thông minh vô cùng, phép tắc vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi.” Tự bản chất, Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác, Đấng luôn luôn mới mẻ, Đấng siêu việt, vượt trên mọi sự và mọi loài.
Hữu thể của Thiên Chúa khác biệt với hữu thể của các loài thụ tạo. Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi hiệp nhất nên một, nhưng vẫn là ba. Đó là điều mà đầu óc con người không thể thấu hiểu. Thiên Chúa vẫn mãi mãi ở trong huyền nhiệm của Người. Nên các Giáo Phụ cho rằng: “Bản chất của Thiên Chúa không thể diễn tả.” Bởi lẽ, Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8), mà tình yêu bao giờ cũng huyền nhiệm, bao giờ cũng tuyệt vời và siêu việt hơn mọi so đo tính toán của con người.
Chỉ nhờ mạc khải và ở trong huyền nhiệm tình yêu, chúng ta hiểu được điều gì đó về bản thể của Thiên Chúa và sự khác biệt nơi Người.
2- Khác biệt về tư tưởng và cách hành xử
Bản chất của Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt, nên tư tưởng và cách hành xử của Thiên Chúa cũng hoàn toàn khác biệt so với con người. Điều này được diễn tả trong bài đọc I: “Thật vậy, tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta... Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các người và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy (Is 55,8-9). Quả thế, tư tưởng của Thiên Chúa khác biệt với tư tưởng của loài người. Bởi vì, Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, hiểu biết mọi loài, nên Người nhìn xa trông rộng. Trong khi đó, con người là thụ tạo, nên tư tưởng con người luôn có giới hạn và hẹp hòi.
Thiên Chúa không chỉ khác về tư tưởng, nhưng còn khác về đường lối và cách hành xử của loài người. Bài Tin Mừng hôm nay là một minh chứng về cách hành xử của Thiên Chúa hoàn toàn khác với mọi so đo tính toán của loài người. Thiên Chúa có tiêu chuẩn và logic riêng, không theo tiêu chuẩn con người.
Thông thường, ai làm nhiều sẽ hưởng lương nhiều, ai làm ít sẽ hưởng lương ít. Trong dụ ngôn này, ông chủ không hành xử theo logic đó. Ông trả cho người thợ làm việc từ giờ thứ ba (từ sáng sớm) một đồng và người thợ làm việc từ giờ thứ 11 cũng lãnh một đồng. Xem ra có vẻ bất công, vô lý và mâu thuẫn với lập luận con người. Đây là một dụ ngôn để diễn tả cách hành xử rất khác biệt của Thiên Chúa. Theo cách hành xử này, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói một cách dí dỏm rằng: “Chúa Giêsu không biết làm toán, không biết làm kinh tế.” Đó là một cách nói diễn tả Thiên Chúa không có tính toán theo cách thức của con người, nhưng theo cách thức của tình yêu.
Trong Tin Mừng, chúng ta còn có nhiều chứng tá về sự khác biệt của Thiên Chúa qua các dụ ngôn của Đức Giêsu như người chăn chiên có 100 con chiên, ông bỏ 99 con để đi tìm 1 con chiên lạc (x. Lc 15,4-7). Dụ ngôn về một người đàn bà có 10 nén bạc, nhưng mất một nén, sau khi tìm được nén bạc đã mất, bà vui mừng mở tiệc mừng (x. Lc 15,8-10). Hay như dụ ngôn người cha nhân hậu có hai người con, đứa con thứ bỏ nhà ra đi hoang đàng, nhưng sau đó nó trở về, người cha không nhớ gì hết ngoài niềm vui vì được gặp lại người con thứ... (Lc 15,11-32).
Tất cả những dụ ngôn này muốn nói đến cách thức, niềm vui và lối hành xử của Thiên Chúa khác biệt với con người. Bởi vì Thiên Chúa hành động theo tiêu chuẩn và logic của tình yêu.
3- Hé mở một con đường
Như vậy, qua cách hành xử đó, Thiên Chúa hé mở cho chúng ta một chân trời mới, một hy vọng mới:
Điều thứ nhất, ơn cứu độ là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Bất kỳ lúc nào, dù vào giờ cuối cùng, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta đến để làm vườn nho cho Chúa, để được cứu độ. Thiên Chúa ban ân sủng một cách rộng rãi, phong phú và nhưng không cho chúng ta.
Điều thứ hai, chúng ta được mời gọi từ bỏ lối lý luận hẹp hòi, toan tính của loài người, để can đảm đi vào đường lối và logic của Thiên Chúa, đó là logic của tình yêu.
Điều cuối cùng là chúng ta xin cho có được tầm nhìn của Thiên Chúa và hành xử giống Thiên Chúa, hành xử theo tiêu chuẩn của Tin Mừng, tiêu chuẩn của tình yêu hơn là tính toán hẹp hòi. Chúng ta không chỉ sống theo sự công bằng, nhưng còn phải theo bác ái và quảng đại tương quan với tha nhân. Theo cách đó, chúng ta sẽ được nên giống Đức Kitô và sống theo đường lối của Thiên Chúa trong đời sống mình. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/