CHIỀU SÂU VÀ CHIỀU RỘNG VÔ HẠN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận, lại giàu tình thương”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, thoạt tiên, có một cái gì đó gây sốc; một điều gì đó xem ra khá bất công khi Thiên Chúa không ngại đứng hẳn về phía người có lỗi; xem ra Người bênh vực tội nhân khá trộ tràng và nhất là, dường như, ai không biết xót thương như Người, thì Người coi họ là thù nghịch. Thế nhưng, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu và Chúa Cha, Đấng mà Ngài ví như ông chủ trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta có câu trả lời như một chân lý ngàn đời, chân lý đó được Thánh Vịnh đáp ca khẳng định, “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận, lại giàu tình thương”.

Vậy thì điều gì đã gây sốc? Bài đọc thứ nhất gây sốc, sách Huấn Ca viết, “Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm”; “Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù và nghiêm trị tội lỗi nó”. Ơ hay, như thế thì người bị anh em mình xúc phạm, người mà trước đó được coi là vô tội lại trở thành có tội, nên thù nghịch với Thiên Chúa nếu họ giận dữ và thịnh nộ với anh em mình; bấy giờ họ có kêu cầu, Thiên Chúa cũng làm ngơ; có van vái, Người cũng để ngoài tai, vì “Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?”; “Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?”.

Bài Tin Mừng cũng gây sốc, Phêrô háo hức đến hỏi Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?”. Với chúng ta, một lần cũng đã đáng mơ ước; Phêrô tha đến bảy lần là một điều gì đó quả tuyệt vời. Vậy mà với Chúa Giêsu thì không, với Ngài, chừng đó chưa là gì cả, còn quá ít; Ngài nói, “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. Tội nghiệp Phêrô! Ông tưởng, được ngần ấy là đã rất hào hiệp và quảng đại; ai dè, với Chúa Giêsu, chừng đó không ăn thua; không phải 7 lần nhưng phải gần cả 500 lần. Thật là sốc! Ngài đòi Phêrô tha theo cấp số nhân, cấp số mũ, cấp luỹ thừa và vô cùng; Ngài đòi ông tha theo cấp của trời, cấp của Thiên Chúa, cấp vô hạn. Khi nói điều đó, Chúa Giêsu nhắm đến chiều sâu và chiều rộng vô hạn của lòng thương xót cùng sự tha thứ nơi Thiên Chúa; Ngài nói đến cấp vô hạn của sức nặng thập giá như là món nợ của nhân loại mà Ngài phải gánh chịu. Ngài muốn chúng ta dành cho anh chị em mình cái vô hạn như Thiên Chúa đã dành cho nhân loại khi tha thứ và thương xót nó. Con số bảy nói lên rằng, phải tha hết, tha mãi; đặt lên bàn cân, bảy mươi lần bảy có trọng lượng ngang với thập giá, biểu tượng của lòng thương xót và thứ tha nơi Thiên Chúa, “Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận, lại giàu tình thương”.

Với nhiều người trong chúng ta, lời khuyên của Chúa Giêsu nghe có vẻ tốt lành về mặt lý thuyết; điều Ngài nói thật đầy cảm hứng và khích lệ khi chúng ta suy gẫm về chiều sâu, chiều rộng của việc tha thứ mà chúng ta được mời gọi để trao tặng anh chị em mình. Thế nhưng, trong thực tế, khi đối diện với vấn đề, điều này quả không dễ chút nào; nếu không nói là không thể khi phải tha vô hạn.

Vậy mà đòi hỏi tha thứ vô hạn của Chúa Giêsu, một đòi hỏi thiêng liêng vốn không phải là một lý thuyết hay một lý tưởng để chúng ta cố gắng đeo đuổi mỗi ngày; nhưng trái lại, nó phải trở thành một thực tế thiết thực mà chúng ta phải ôm lấy hết sức mình với sức mạnh của Chúa. Mỗi ngày, chúng ta phải tìm loại bỏ khỏi bản thân bất cứ một khuynh hướng nào, dù nhỏ đến đâu, là ôm hận và giữ trong lòng sự tức giận. Chúng ta phải tìm cách giải thoát mình khỏi mọi hình thức cay đắng và để cho lòng thương xót của Chúa chữa lành mọi tổn thương bằng thập giá của Con Một Người.

Hãy nhìn ngắm lòng thương xót của Người đối với chúng ta, hãy nhìn ngắm thập giá, trên đó, Con Thiên Chúa hấp hối. Từ khi chúng ta lãnh phép Rửa tội, Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi một món nợ không trả nổi, đó là tội nguyên tổ. Nhưng đó là chỉ là lần đầu; sau đó, với lòng thương xót vô bờ, Thiên Chúa tiếp tục tha cho chúng ta vạn lần, tha mỗi ngày, tha mọi lỗi lầm mỗi khi chúng ta xúc phạm đến Người, ngay cả khi chúng ta chỉ thể hiện một chút ăn năn dù là nhỏ nhất. Thiên Chúa là thế đó, “Đấng từ bi nhân hậu; Người chậm giận, lại giàu tình thương”.

Mỗi khi chúng ta bị cám dỗ khép lòng lại trước những anh chị em xúc phạm mình, dù họ có mở lời xin lỗi hay không, chúng ta hãy nhớ lại lời Thánh Phaolô trong thư Rôma hôm nay, “Không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình”; ích kỷ, không mở lòng để tha thứ, là sống cho mình; cũng như không ai chết cho mình, vì Chúa Kitô đã chết cho họ. Và nhất là chúng ta nhớ lại lời ông chủ nói với tên đầy tớ không biết tha thứ cho người anh em, “Tên đầy tớ độc ác kia, Ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi?”.

Ellen Johnson Sirleaf, nữ tổng thống Liberia, nghĩ rằng, đã đến lúc bà trả thù. Tuy nhiên, một trải nghiệm đã khiến bà thay đổi. Ngày nọ, khi đang ở gần một ngôi làng, đột nhiên bà nghe tiếng súng nổ; Weser, vệ sĩ của bà đã lập tức đẩy bà xuống đất. Dù bà được cứu, nhưng viên đạn đã cướp mạng cận vệ Weser. Sau đó, bà phát hiện kẻ bóp cò chính là hàng xóm của Weser, Asa, người đã được thuê để ám sát bà. Mười ba năm sau, nữ tổng thống Sirleaf một lần nữa đến thăm ngôi làng ấy và bắt gặp mẹ của Weser đang đem đồ ăn cho mẹ của Asa. Bà hỏi tại sao, mẹ Weser trả lời, “Sau sự việc 13 năm trước, Asa bỏ trốn và vẫn bặt vô âm tín. Mẹ của cậu ta bị bệnh, lại nghèo khổ, không còn gì để ăn”. Sirleaf không nhịn được, “Nhưng bọn họ là kẻ thù! Con trai bà ấy đã giết Weser!”. Câu trả lời của người mẹ khiến bà tổng thống kinh ngạc, “Tất cả đã qua rồi. Lấy oán báo oán, chỉ tăng thêm oán thù nhiều hơn”. Những lời của bà mẹ đã để lại cho Sirleaf một bài học sâu sắc, Liberia bị chiến tranh tàn phá cần sự tha thứ hơn là lòng thù hận! Kể từ đó, Sirleaf đã tha thứ cho những cựu thù chính trị của mình và nhận được sự cảm thông, ủng hộ từ những người Liberia. Bà là nữ tổng thống đầu tiên của châu Phi, bà đã tạo một tương lai bằng tha thứ và đối xử tốt với những kẻ thù; bà được giải Nobel Hoà Bình năm 2011. Đúng như Jonathan Lockwood Huie, mệnh danh ‘Triết gia của hạnh phúc’, từng nói, “Tha thứ cho người khác, không phải vì họ xứng đáng được tha thứ mà bởi vì bạn xứng đáng được thanh thản”.

Anh Chị em,

Ai đã trải nghiệm một niềm vui, bình an và tự do nội tâm đến từ việc được Thiên Chúa thứ tha, người ấy sẽ có khả năng mở lòng mình ra để, đến lượt họ, tha thứ cho anh chị em mình. Thập giá của Đức Giêsu Kitô là bằng chứng Thiên Chúa tha thứ cho mỗi người, đó cũng là chìa khoá mở cửa thiên đàng. Vì thế, mở miệng kêu xin tha thứ là mới lần bước đến ngưỡng thiên đàng, tha thứ cho người khác thực sự, mới là chìa khoá mở cửa thiên đàng khi mỗi người lấy thập giá của Chúa Giêsu làm tiêu chuẩn và khuôn mẫu cho thập giá đời mình. Tha thứ là đôi cánh thiên thần giúp họ bay lên tới Chúa vậy.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương; xin cho con một trái tim nhân ái như Chúa, để con tha thứ cho anh chị em con mà không cần dè giữ”, Amen.

(Tgp. Huế)