CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN A

Is 55,6-9; Pl 1,20c-24.27a; Mt 20,1-16a

BAO DUNG NHÂN HẬU NOI GƯƠNG THIÊN CHÚA

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 20,1-16a

(1) Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vuờn nho nhà mình. (2) Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. (3) Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. (4) Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (5) Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy”. (6) Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? “ (7) Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !”. (8) Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót cho tới những người vào làm trước nhất”. (9) Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. (10) Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn. Thế nhưng cũng chỉ được lãnh một người một quan tiền. (11) Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: (12)“Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ. Thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. (13) Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có đối xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền hay sao? (14) Cầm lấy phần của bạn mà đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. (15) Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bung, mà bạn đâm ra ghen tức? (16a) Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu. Còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.

2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN THỢ LÀM VƯỜN NHO

Bài Tin Mừng hôm nay ví Nước Trời do Đức Giê-su lập giống như câu chuyện một ông chủ vườn kêu thợ làm vườn nho. Có 4 tốp người được kêu vào 4 thời điểm khác nhau trong ngày. Khi trả lương, chủ vườn lại trả lương từ người làm vào giờ chót tới người vào làm từ giờ đầu. Mỗi người đều được trả một quan tiền. Khi bị phiền trách, ông chủ cho biết ông đã không bất công khi trả lương đúng theo thỏa thuận. Còn việc ông trả cho người sau bằng người đầu là do lòng nhân hậu của ông. Cũng vậy, sau này Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho mọi người gia nhập vào Nước Trời là Hội Thánh. Dù là dân ngoại vào trễ hay dân Do Thái vào từ đầu, tất cả đều được hưởng ơn cứu độ. Chỉ cần họ có đức tin là đủ.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-2: + Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc: Bên Do Thái vào mùa hái nho, ngay từ sáng sớm, các chủ vườn thường ra ngã ba đường hay ra chợ người để thuê người đi làm công cho mình. Chủ vườn nho tượng trưng Thiên Chúa muốn mời gọi tất cả mọi dân tộc đều được đi làm vườn nho tức là được gia nhập vào Nước Trời là Hội Thánh. + thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền: Vào thời Đức Giê-su, chủ vườn nho thường trả lương công nhật cho thợ làm vườn là một quan tiền. Ở đây ông chủ đã hứa trả lương công nhật là một quan tiền ngay từ khi thuê họ vào làm việc.

- C 3-7: + Giờ thứ ba: Thời bấy giờ thời gian một ngày được tính từ lúc mặt trời lặn. Vì thế luật qui đình ngày Sa-bát bắt đầu từ 18g00 chiều thứ sáu. Nhưng khi tính giờ, người Do Thái lại tính từ lúc mặt trời mọc vào buổi sáng. Thời gian từ mặt trời mọc đến mặt trời lặn được chia làm 12 giờ. Vậy giờ thứ nhất, thứ ba, thứ sáu, thứ chín và thứ mười một tương đương với 6 giờ, 9 giờ, 15 giờ và 17 giờ như ngày nay. Giờ lao động của người Do thái mỗi ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 18 giờ chiều. + Ông chủ vườn mời người đi làm vườn nho: Thiên Chúa muốn cho mọi người đều được hưởng ơn cứu độ, và người ta có thể vào Nước Trời là gia nhập Hội Thánh ở nhiều thời điểm khác nhau. + Tôi sẽ trả công cho các anh hợp lẽ công bằng: Trả lương công bằng, nghĩa là người làm thuê sẽ không bị thiệt thòi về tiền công. + Khoảng giờ thứ sáu rồi giờ thứ chín, ông lại ra và cũng làm y như vậy: Ông chủ nôn nóng đi kêu thợ làm trong nhiều thời điểm khác nhau trong ngày mà không tính toán thiệt hơn, cho thấy lòng bao dung nhân hậu của Thiên Chúa. Người không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống. + Khoảng giờ mười một: Giờ thứ mười một tương đương với 17 giờ chiều, là giờ cuối của ngày. Thợ chỉ phải làm một tiếng. + Vì không ai mướn chúng tôi: Những người này đứng không suốt ngày do không được ai thuê mướn. + Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !: Ông chủ kêu thợ vào làm vườn nho vào giờ cuối là do lòng thương xót, chứ không do nhu cầu công việc. Điều này cho thấy ơn cứu độ được ban cho không, hoàn toàn do tình thương bao dung của Thiên Chúa, chứ không do công khó của con người.

- C 8-10: + Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót cho tới những người vào làm trước nhất: Việc trả lương cách khác thường khi đảo lộn thứ tự trước sau và tiền lương một quan tiền được trả cho các người thợ làm việc nhiều ít khác nhau. Khi sắp xếp việc trả lương như vậy, ông chủ muốn diễn tả tình thương bao dung của Thiên Chúa đối với hết mọi người. Bất cứ ai dù là Do thái hay dân ngoại, dù theo đạo từ khi mới sinh hay trước khi chết, nếu thành tâm tin yêu Thiên Chúa thì đều được Người cho hưởng hồng ân cứu độ.

- C 11-13: + Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: Họ trách móc ông chủ hai điều: Một là họ phải làm việc vất vả suốt từ sáng sớm đến chiều tối, đang khi những người làm vào giờ thứ mười một chỉ phải làm có một giờ. Hai là họ phải chịu sự nắng nôi khó nhọc, đang khi những người làm sau vào ban chiều không chịu nắng gắt. Họ muốn được chủ trả lương cao hơn những người làm sau. + Này bạn: Kiểu xưng hô này vừa khoan dung lại vừa trách nhẹ mong họ nghĩ lại. Giống như Đức Giê-su đã nói với Giu-đa khi anh ta dẫn dân quân Đền thờ đến bắt Người trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x. Mt 26,50). + Tôi đâu có xứ bất công với bạn?: Việc trả lương một quan tiền cho những người thợ đến sau không gây thiệt hại gì cho những người làm trước. Những người làm từ giờ thứ nhất đã nhận đủ một quan tiền, theo đúng thỏa thuận ban đầu.

- C 14-16b: + Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt: Việc trả lương cho người đến làm sau cũng được một quan tiền là do lòng quảng đại của ông chủ, chứ không do công lao của họ. Qua đó Đức Giê-su muốn dạy: Dân Do thái đừng ganh tị với lương dân khi Thiên Chúa cũng ban cho lương dân được thừa hưởng lời hứa cứu độ giống như họ. Người tín hữu đạo đức cũng đừng ganh tị với các tội nhân hay người lương khi thấy Chúa đối xử nhân từ, cho họ được ơn cứu độ vào lúc cuối đời. + Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức: Ông chủ vạch rõ tâm địa ganh ghét xấu xa của nhóm thợ làm sáng sớm, không muốn người làm sau được bằng họ.

4. CÂU HỎI:

1) Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn ám chỉ ai? Việc ông chủ vườn nho đi kêu mời người đi làm vườn nho cho ông trong nhiều thời điểm khác nhau có ý nghĩa gì?

2) Người Do thái thời xưa tính ngày mới bắt đầu từ khi nào? Mỗi ngày có bao nhiêu giờ lao động và thời giờ ấy tương đương với giờ hiện nay ra sao? Giờ thứ mười một hiện nay là mấy giờ chiều?

3) Ông chủ hứa trả lương công nhật là bao nhiêu và hứa trả lương hợp lẽ công bằng nghĩa là gì?

4) Việc ông chủ đi kêu thợ làm vườn nho vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, nhất là vào giờ thứ mười một cho thấy ông là người thế nào?

5) Việc trả lương thợ của ông chủ vườn khác thường ở điềm nào? Điều này nhằm nói lên điều gì về tình thương cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta?

6) Những người làm từ giờ thứ nhất phiền trách ông chủ thế nào?

7) Qua câu trả lời, ông chủ cho thấy việc ông trả lương bằng nhau cho những người làm công thời gian nhiều ít khác nhau có bất công như họ kêu trách không?

8) Ông chủ phê phán ra sao thái độ của bọn thợ làm từ giờ thứ nhất?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền hay sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,13-15).

2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐA-VÍT ĐỐI XỬ BAO DUNG ĐÁP LẠI SỰ GANH GHÉT HẬN THÙ CỦA SA-UN:

Theo sách Sa-mu-en, Đa-vít là vị anh hùng tài hoa trẻ tuổi đã lập được chiến công oanh liệt. Ông đã cứu nguy cho dân quân Ít-ra-en bằng cách giao chiến một-chọi-một với tên đại tướng khổng lồ Gô-li-át thuộc quân Phi-li-tinh, đã hạ gục y bằng một phát bắn đá thô sơ và đã dùng chính thanh gươm của y mà chặt đầu y. Sau đó quân Ít-ra-en thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, tràn lên giết hại rất nhiều quân địch Phi-li-tinh. "Khi Đavít thắng trận trở về, phụ nữ từ hết mọi thành của Ít-ra-en kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Đa-vít với trống con, tiếng reo mừng và não bạt. Họ ca hát như sau: "Vua Sa-un giết được hàng ngàn, Đa-vít giết hàng vạn".

Thế là từ lúc ấy, lòng ghen tỵ sục sôi trong lòng vua Sa-un, khiến nhà vua tìm cách giết chết Đa-vít. Có lần phóng giáo vào Đavít khi anh đang gảy đàn để phục vụ đức vua. May mà Đa-vít đã kịp né tránh và đã thoát chết trong gang tấc. Rồi sau đó, khi Đa-vít chạy trốn, vua Sa-un đã đích thân truy đuổi, quyết hạ sát cho bằng được Đa-vít để trừ hậu họa. Lần kia khi đang bị truy đuổi, Đa-vít đã có cơ hội trốn ngay bên vua Sa-un trong một cái hang tối, Đa-vít đã có thể giết chết Sa-un để trả thù, nhưng ông không làm thế, mà chỉ cắt một miếng ở giải áo của vua để chứng minh lòng trung thành của mình mà thôi (Samuen I, ch 17-18).

2) MỘT ÔNG VUA NHÂN TỪ QUẢNG ĐẠI:

Tại nước Tây Ban Nha có một ông vua tên là An-phong-sô rất nhân từ và quảng đại. Ngài thường cải trang làm thường dân vi hành đó đây để tận mắt chứng kiến những nỗi đau khổ và oan ức của nhân dân do bọn quan lại địa phương gây ra, để kịp thời sửa sai chấn chỉnh. Ngày nọ, đức vua cải trang đến một tỉnh lẻ và thuê một phòng trọ trong một nhà nghỉ bình dân. Sáng hôm sau, nhà vua yêu cầu bồi phòng mang đến cho ông một chiếc gương để cạo râu. Khi đem chiếc gương cho vị khách, anh bồi phòng thấy khuôn mặt ông khách rất dễ mến, nên đã chủ động bắt chuyện: “Này ông, tôi có cảm tưởng ông không phải là loại khách du lịch bình thường”. Nhà vua tò mò muốn biết anh bồi phòng nghĩ gì về mình, nên hỏi: “Sao anh lại nói như vậy?” Người bồi phòng trả lời rằng: “Vì tác phong và vẻ bề ngoài của ông có cái gì đó khác với dân bình thường. Chắc ông phải là người thuộc triều đình nhà vua tại thủ đô Ma-trít (Madrid) cũng nên”. Nhà vua chỉ đáp lại cách mập mờ: “Một cách nào đó anh nói cũng đúng đó!” Anh bồi phòng lại hỏi thêm: “Vậy hẳn ông phải là một quan chức luôn được hầu cận đức vua?” Nhà vua trả lời: “Anh đoán thật chẳng sai chút nào”. Người bồi phòng càng tò mò hơn và hỏi tiếp: “Phục vụ đức vua thì thông thường phải làm những việc gì hả ông?” Nhà vua mỉm cười hóm hỉnh đáp: “Ồ, làm nhiều việc lắm, đại loại như bây giờ tôi sắp phải cạo râu cho ngài”.

Người bồi phòng trong câu chuyện trên đã gặp được chính đức vua và được ngài hé mở cho biết phần nào sự thật về ngài. Các câu đối đáp giữa đức vua và người bồi phòng cho thấy thái độ nhân từ và khoan dung giống như ông chủ vườn nho, tượng trưng cho Thiên Chúa trong Tin Mừng hôm nay. Những người đi làm vườn trễ ám chỉ dân ngoại và những kẻ tội lỗi. Họ được Thiên Chúa mời gia nhập Hội Thánh vào nhiều giờ khác nhau, cũng có người đi làm vào giờ thứ mười một, tức là tin theo Chúa vào lúc cuối đời trước khi chết. Đây cũng là trường hợp của người trộm lành trên cây thập giá ở bên phải Đức Giê-su. Ông ta nhờ lòng tin và sự thành tâm sám hối, nên đã được Người tha tội và còn hứa sẽ lập tức ban hạnh phúc thiên đàng cho anh như sau: “Tôi bảo thật anh: hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (x. Lc 23,42-43).

3) TÂM ĐỊA XẤU XA CỦA HAI KẺ THAM LAM VÀ GANH TỊ:

Ở Ấn Độ truyền tụng một câu chuyện vui như sau: Trong triều đình có hai viên quan phục vụ cho nhà vua được một thời gian lâu. Một ông có tính ganh tị, còn ông kia lại có tính tham lam.

Để sửa chữa tật xấu cho hai quan chức này, vua cho triệu vời cả hai vào chầu. Nhà vua loan báo sẽ thưởng công xứng đáng cho cả hai vì đã có công phục vụ nhà vua nhiều năm qua. Vua hứa sẽ ban thưởng cho họ bất cứ điều gì. Có điều phần thưởng vua ban sẽ tùy ý muốn của hai người: Ai mở miệng xin trước sẽ được phần thưởng như ý của mình, nhưng người kia lại sẽ được ban thưởng cho gấp đôi số đó.

Sau khi nghe vua phán, cả hai vị quan đều im lặng suy tính. Kẻ tham lam suy tính: Nếu ta xin trước thì sẽ chỉ nhận được một nửa so với tên kia. Còn người ganh tị lại nghĩ: Ta dại gì mà mở miệng xin trước để cho tên kia được hưởng lợi gấp đôi của ta. Cứ như thế một lúc lâu vẫn chẳng thấy ai trong hai viên quan mở miệng ra xin trước. Cuối cùng nhà vua yêu cầu đích danh viên quan có tính ganh tị được quyền xin trước. Hắn đã kịp nghĩ ra cách xin có hại cho kẻ kia như sau: "Thần xin đức vua ban cho thần bị chột một con mắt". Hắn xin như vậy để cho viên quan kia bị mù cả hai mắt. Chính sự ganh tị đã làm cho hắn mất đi tính người. Câu chuyện cho thấy: Ở đời, người ta do lòng ganh tị dễ sinh ra hờn oán nhau: Chỉ một miếng ăn, một chén gạo, một món lợi nhỏ cũng đủ để họ ra tay làm hại kẻ khác...

4) SỐ PHẬN CỦA KẺ CÓ LÒNG GANH GHÉT THÙ HẬN:

Trong một vở kịch, nhà đạo diễn JEAN A-NOU-ILB đã dàn dựng cảnh ngày phán xét chung theo trí tưởng tượng của ông: Những kẻ lành đang đứng thành hàng chen nhau để lần lượt được thánh Phê-rô cho vào thiên đàng … Nhưng rồi khi thấy bên hàng đối diện có nhiều người tội lỗi trộm cướp đĩ điếm cũng đang xếp hàng để vào thiên đàng. Họ nhìn nhau, không thể hiểu được tại sao Chúa lại cho bọn người đầu trộm đuôi cướp kia cũng được vào thiên đàng giống như mình. Rồi họ bất mãn và hè nhau la ó phản đối Chúa đã bất công khi làm như thế. Họ nói to: “Tôi mà biết thế này thì khi còn sống tôi cứ ăn nhậu say xỉn và chơi bời dâm đãng ! Cần gì phải vất vả sống ngay chính và làm các việc bác ái !”. Họ còn động viên nhau phản đối Thiên Chúa bằng cách không thèm vào Thiên Đàng. Cuối cùng cả bọn đã tự loại mình ra khỏi Thiên Đàng để vào trong Hỏa Ngục, nơi dành cho ma quỷ và những kẻ đi theo chúng, đúng như lời Chúa phán như sau: “Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho Tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó…” (Mt 25,41).

3. SUY NIỆM:

1) NGƯỜI CON CẢ VÀ CÁC THỢ LÀM VƯỜN GIỜ THỨ NHẤT:

Trong dụ ngôn về người cha nhân hậu, anh con cả đã có thái độ bất mãn với người cha khi ông tỏ lòng bao dung tha thứ cho đứa em hư hỏng đã bỏ đi hoang, giờ quay về nhà. Không những ông không trừng phạt tội bất hiếu của nó, mà còn truyền cho gia nhân giết dê béo ăn mừng. Người con cả đã tỏ thái độ bất mãn ganh ghét khi không thèm vào trong nhà và còn lên tiếng phiền trách cha: “Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê con để vui vẻ với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về, thì cha lai giết bê béo ăn mừng nó !” (Lc 15,28-30). Trong Tin mừng hôm nay, những người đi làm từ sáng sớm cũng cằn nhằn ông chủ vườn nho khi thấy ông trả lương cho người đi làm vào giờ thứ mười một, dù chỉ làm việc một tiếng đồng hồ, cũng được trả lương một quan tiền, ngang bằng với họ đi làm từ giờ thứ nhất, chịu nắng nôi khó nhọc trong suốt cả ngày.

Khi Đức Giê-su ra giảng đạo, các kinh sư và người Pha-ri-sêu cũng tỏ thái độ khó chịu khi thấy Người đối xử thân tình với bọn thu thuế, gái điếm và những kẻ tội lỗi. Như một mục tử tốt lành, Người đi tìm từng con chiên lạc, đem lại cho những người bất hạnh niềm vui và hạnh phúc. Người mời họ ăn năn sám hối và hứa ban Nước Trời cho họ. Như vậy, Đức Giê-su cho rằng người tội lỗi cũng được hạnh phúc trong Nước Trời ngang bằng các kinh sư và người Pha-ri-sêu, là những người tuân giữ từng điều luật nhỏ mọn và đã tự hào mình là một người công chính.

2) THẾ NÀO LÀ THÓI XẤU ĐỐ KỴ GANH GHÉT?

- Ngày từ thuở bình minh của nhân loại, sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, sự dữ đã lọt vào thế gian. Ca-in đã tỏ thái độ ganh tị với em là A-ben, khi thấy Thiên Chúa chấp nhận lễ vật của A-ben và bỏ không nhận lễ vật của mình. Do lòng đố kỵ, Ca-in coi A-ben là kẻ thù và đã ra tay giết chết em. Cuối cùng hắn đã bị trừng phạt. Như vậy kẻ ganh tị vừa huỷ diệt người khác, lại vừa tự hủy chính mình.

- Trong Tin Mừng hôm nay, những người thợ làm việc từ sáng sớm cũng đã cằn nhằn ông chủ vì đã trả lương cho người thợ làm vườn nho sau được một quan tiền, ngang bằng với họ đã chịu nắng nôi vất vả suốt cả ngày. Giả như ông trả cho người làm sau số tiền ít hơn thì chắc họ đã không cảm thấy bực bội như thế. Như vậy kẻ ganh tị do không có tình yêu thương nên đã không “vui với người vui, khóc với kẻ khóc”. Họ không coi các người thợ vào làm việc sau họ là bạn, nhưng là đối thủ cạnh tranh. Họ coi sự may lành của kẻ khác lại là mối họa cho mình.

3) ĐẶC ĐIỂM CỦA KẺ CÓ LÒNG ĐỐ KỴ GANH GHÉT:

- Khó chịu khi thấy các bạn đồng trang lứa hơn mình:

Đặc điểm thứ nhất là cảm thấy khó chịu khi thấy bạn bè hơn mình. Khi nghe bạn thi đậu, có việc làm mới lương cao, được thăng chức, sắm được xe mới hay tậu được nhà mới, … thì người có lòng ganh tị thay vì “vui với người vui” để gửi lời chúc mừng, họ lại cảm thấy bực bội khó chịu và tìm cách hạ giá trị của người đó. Trái lại, khi thấy bạn bè sa cơ thất bại, thì người ganh tị lại cảm thấy hả hê vui sướng !

- Hay nói xấu những ai hơn mình:

Do thói xấu đố kỵ làm mờ mắt, họ luôn nghĩ mình hơn người khác, nên khi thấy bạn bè hơn mình, họ liền đả kích nói xấu kẻ đó để thỏa mãn lòng ganh ghét. Nếu cần, họ sẵn sàng thêu dệt thêm bớt, “ít xít ra nhiều”, nhằm hạ giá trị của người kia xuống.

- Không thừa nhận thành công của người khác:

Người có lòng ganh tị thường không thừa nhận thành công của người khác, vì nó đồng nghĩa với sự thất bại của mình.

- Hay so bì với người khác:

Họ thường nói: “Tại sao người kia không tài giỏi bằng tôi, không thông minh như tôi mà được cấp trên đặt làm sếp của tôi?”

“Tại sao người kia không xinh đẹp bằng tôi, nhưng lại có được một gia đình hạnh phúc như vậy?”

“Tại sao người kia có cha mẹ giàu sang, còn tôi lại không được như thế?”...

4. LÀM GÌ ĐỂ TRÁNH THÓI ĐỐ KỴ GANH GHÉT?

- Mỗi người chúng ta, đều ít nhiều có tính xấu ganh ghét đố kỵ này. Điều cần làm là thay vì đố kỵ ganh tị với sự thành công của người khác, chúng ta hãy coi sự thành công của người khác là động lực thúc đẩy mình cố gắng vươn lên.

- « Tranh đua chứ không ganh đua »: Trong sân đá banh, cầu thủ cần cố gắng chạy nhanh hơn để giành bóng, không được ngáng chân hoặc thúc cùi chỏ hay nắm áo đối phương kéo lại để giành bóng...

- Bao dung với tha nhân noi gương Thiên Chúa: Cách ứng xử của ông chủ trong dụ ngôn chính là điều Chúa muốn dạy hôm nay: Ngài mời gọi những người thu thuế đang bị loại trừ, những người tội lỗi đang bị khinh dể được vào Nước Trời. Với những ai hay so đo, tính toán với tha nhân, Thiên Chúa sẽ theo luật công bằng mà đối xử với họ; Còn đối với những kẻ hay thương xót người, thì sẽ được Ngài xét xử xót thương.

- Chúa muốn chúng ta làm gì?: Mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho những nén vàng là những tài năng khác nhau... Trong ngày phán xét Chúa không hỏi chúng ta đã làm được những gì lớn lao, đã nắm giữ những chức vụ gì? Mà Ngài chỉ hỏi về đức tin thể hiện qua hành động mến Chúa yêu người của chúng ta. Chính thái độ đối xử với tha nhân hôm nay thế nào mà chúng ta sẽ được thưởng hay bị phạt trước tòa phán xét sau này.

4. THẢO LUẬN:

Ta nên làm gì để noi gương lòng nhân ái bao dung của Thiên Chúa: khi thấy bạn bè thành công hơn mình: họ thi đậu, còn ta thi rớt, họ hát hay và được nhiều người mến mộ còn ta thì không?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY THIÊN CHÚA CHA ĐẦY LÒNG TỪ BI NHÂN HẬU.

Xin ban cho con trái tim quảng đại bao dung của Chúa Giê-su và trái tim từ ái của Mẹ Ma-ri-a.

Xin cho trái tim con không ích kỷ để khép lại cho riêng mình, nhưng biết mở ra đón nhận tha nhân.

Xin cho trái tim con nên giống trái tim tự bi nhân hậu của Chúa Giê-su.

Xin cho lòng con vượt trên mọi tranh chấp nhỏ nhen và mọi sự trả thù ti tiện.

Xin cho tâm hồn con luôn được bình an, không giận hờn ganh ghét những ai hơn con.

Xin giúp tình cảm của con luôn được quân bình: không quá vui khi thành công, cũng chẳng quá buồn sầu khi thất bại.

Xin cho con khiêm tốn và bình tĩnh đón nhận những phê bình xây dựng của tha nhân.

Xin cho trái tim con đủ lớn để yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ không ưa con và những người con không ưa họ.

Xin cho vòng tay con luôn mở rộng để đón nhận mọi người, không coi ai là kẻ thù, nhưng biến thù thành bạn, bằng thái độ chân thành và hành động bác ái yêu thương.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.