Chúa Nhật 3 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt 4, 12-17)
ÁNH SÁNG


Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian. Ngài đến thế gian để đốt lên ngọn lửa yêu mến và muốn lửa đó được bùng cháy lên. Chúa đã mở ra một chân trời mới trong công trình cứu độ. Tiên tri Isaia xưa đã loan báo rằng dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng. Những người sống trong lầm than, nay thấy ánh sáng bừng lên chiếu soi cho toàn dân đang trong bóng tối sự chết.

Dân chúng đi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng. Con người ngày ngày đã chế ngự bóng đêm bằng các phương tiện khoa học. Nơi nào có con người, nơi đó văn minh tiến bộ đã len lỏi vào. Họ đã có ánh sáng, có điện và đèn soi sáng. Khi chúng ta có cơ hội ngồi trên máy bay nhìn xuống lúc ban đêm, chúng ta thấy có ánh sáng chập chờn khắp các đại lục. Ánh sáng là dấu hiệu có sự hiện hữu của con người trên trái đất.

Quan sát, chúng ta nhận thấy những nơi văn minh sáng sủa nhất đã dần bị lu mờ bởi sự lạm dụng của con người. Lòng người đổi thay, ánh sáng bên ngoài càng sáng, thì ánh sáng trong lòng lại bị lu mờ vì tội lỗi, gian tham và bạo tàn. Bóng đêm của ma qủi đã theo vào nơi ánh sáng để tiêu diệt con người. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy nơi nào càng văn minh, càng nhiều ánh sáng thì con người càng đi sâu vào bóng tối tội lỗi. Những thành phố lớn và những tỉnh lỵ giầu có thường là những nơi ăn chơi trụy lạc và tiêu xài hoang phí.

Chúa Kitô là ánh sáng đã đến thế gian, nhưng thế gian không muốn tiếp nhận ánh sáng. Chúa dọi chiếu ánh sáng vào tâm hồn khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa Tội. Ngài mong ước ngọn nến cháy mãi và dọi chiếu ánh sáng trong tối tăm. Đó chính là ánh sáng đức tin. Ánh sáng đức tin cần đặt trên giá cao để soi sáng dẫn chúng ta đi.

Có gia đình nọ mời linh mục đến làm phép nhà. Chủ nhà hướng dẫn linh mục đi rẩy nước thánh các phòng ốc trong nhà. Chỗ nào cha thấy cũng sạch sẽ và ngăn nắp. Nên chỗ nào cha cũng rẩy nước thánh. Sau khi làm phép mọi nơi xong, tới khu hầm kho, bà chủ nhà chần chừ không muốn bước xuống và bà nói: Dưới đó lộn xộn và dơ dáy lắm cha ơi. Cha trả lời: Càng lộn xộn, càng dơ dáy thì càng phải làm phép. Phải đem ánh sáng vào chỗ tối tăm chứ.

Chúa mời gọi chúng ta hãy bước ra khỏi đêm tối và đi giữa ban ngày. Bóng tối là nơi rình rập của ma qủi. Chúng ta là con cái sự sáng, hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa Kitô.

TUẦN 3 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mc. 3: 22-30


Có mấy người luật sĩ nói rằng: Ông ấy bị qủy Bêelgiêbút ám và chính nhờ tướng qủy mà ông ấy trừ qủy. Đây là trò chơi chụp mũ của các ông luật sĩ. Họ thấy có quá nhiều người theo Chúa và tôn kính Chúa, họ trở nên ghen tương và muốn hạ danh giá của Chúa. Đúng là trò đời, thời nào cũng thế!

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với họ: Làm sao Satan có thể trừ Satan được. Nếu một nhà tự phân tán, nhà đó không thể đứng vững. Kinh nghiệm cuộc sống ở đâu cũng thế. Cả những tên đầu trộm đuôi cướp họ cũng phải đoàn kết với nhau để sống còn. Người ta có sống đời khủng bố giết chóc, họ cũng phải gắn bó và giữ bí mật cho nhau. Tại sao Satan lại đi xua trừ Satan. Những người luật sĩ đã phạm đến danh dự của Chúa. Cho dù họ không biết Chúa là ai, họ cũng không có quyền dối trá lừa đảo dân chúng.

Chúa Giêsu nói: Mọi tội lỗi mà con cái loài người đã phạm sẽ được tha, nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì muôn đời sẽ không được tha. Các nhà lãnh đạo tôn giáo dần dần trở thành thế đối nghịch với Chúa Giêsu. Họ không loại trừ một khả năng nào mà không tìm cách hạ bệ Chúa xuống. Họ đã làm một lỗi lầm rất lớn. Họ là những người thay mặt Thiên Chúa dẫn dắt dân chúng trong chân lý nhưng chính họ lại đi trong lầm lạc. Người mù dắt người mù cả hai sẽ rơi xuống hố.

THỨ BA
Mc. 3: 31-35


Đức Maria và anh em của Chúa vẫn thường đi theo Chúa. Họ đến để nâng đỡ và phụ giúp cho Chúa trong cuộc truyền đạo. Có lần Đức Mẹ cùng Chúa đi ăn tiệc cưới Cana. Làm sao Đức Maria có thể ngồi yên khi Con của mình ra đi loan báo tin mừng. Mẹ đi theo Chúa để cùng chia xẻ những vui buồn, những hiểu lầm và những sự chống đối của người đời.

Mẹ Maria thấu hiểu Chúa hơn ai hết nhưng Mẹ rất khiêm tốn, và âm thầm theo Chúa. Người ta báo cho Chúa biết rằng Mẹ ngoài kia đang tìm Chúa. Chúa Giêsu hướng dẫn họ về một hướng khác quan trọng hơn. Ngài hỏi: Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta? Ngài rảo mắt chung quanh và nói: Những ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta.

Hơn ai hết, Mẹ Maria là người suốt đời lắng nghe lời Chúa và luôn suy niệm trong lòng. Không phải Chúa Giêsu hạ thấp vai trò của Mẹ Maria nhưng chính Chúa đã giới thiệu cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời cho đời sống tông đồ của Mẹ. Chúa cũng mở rộng cửa ngõ để đón nhận mọi người gia nhập vào gia đình thiêng liêng của Chúa. Ai làm theo thánh ý Chúa người đó sẽ là người nhà của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa cho chúng con cơ hội để được gia nhập và chia xẻ tình thân thương như là anh chị em một nhà với Chúa. Xin cho chúng con noi gương Mẹ Maria luôn lắng nghe và biết thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống.

THỨ TƯ
Mc. 4: 1-20


Chúa Giêsu ngồi trên thuyền giảng dạy cho dân chúng đang đứng dọc theo bờ biển. Cảnh vẻ rất thơ mộng. Biển cả thì bao la. Chúa ngồi trên thuyền sóng vỗ bập bềnh. Chúa giảng về dụ ngôn người đi gieo giống. Chúa nói rằng: Trong khi gieo có hạt rơi xuống vệ đường, có hạt rơi trên đất đá, có hạt rơi vào bụi gai và có những hạt rơi vào đất tốt. Hạt rơi vào đất tốt mọc lên, nẩy nở và sinh hoa trái.

Chúa vừa giảng vừa giải thích dụ ngôn, có lẽ ai nghe cũng hiểu được ý nghĩa đích thực của dụ ngôn. Hình ảnh dụ ngôn rất sinh động, nó được đưa vào lòng người nghe. Những người đang đứng dọc theo bờ biển nghe Chúa giảng, có nhiều loại tâm hồn như trong dụ ngôn. Có những tâm hồn cứng như sỏi đá, có những tâm hồn hẹp hòi làm lời Chúa chết ngạt và có những tâm hồn như những mảnh đất phì nhiêu, lời Chúa được đón nhận và sinh hoa kết quả.

Dụ ngôn Chúa dạy không chỉ cho những người của hai ngàn năm về trước nhưng dụ ngôn lời Chúa nói cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta đón nhận lời Chúa thế nào? Tâm hồn của chúng ta ra sao? Có khi nào chúng ta nghĩ tâm hồn của chúng ta như đất vệ đường chai cứng, như sỏi đá vừa nghe nhưng lo lắng việc trần tục, như bụi gai trộn lẫn ham muốn ở đời và cũng có thể là mảnh đất tốt, biết đón nhận, lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống. Lạy Chúa, xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con thành mảnh đất tốt.

THỨ NĂM
Mc. 4: 21-25


Chúa Giêsu nói với dân chúng: Phải chăng đèn mang đến là để đặt dưới đáy thùng hay dưới gầm giường? Chẳng phải là đặt trên giá đèn sao? Đèn là để soi sáng cho mọi người trong nhà. Sống ở vùng quê, chúng ta thường dùng đèn dầu để đốt. Đèn được đặt trên cao để ánh sáng tỏa lan ra chung quanh. Cũng thế, khi chúng ta dùng bóng điện, điện treo trên trần nhà để dọi sáng cho cả phòng.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh cụ thể để đưa vào bài học áp dụng trong cuộc sống. Gương sáng cần được tỏ bày và những gì tốt lành cần được loan truyền ra chung quanh. Chúa nói rằng: Chẳng có gì che giấu mà không bị lộ ra. Sự thật thì chỉ có một. Chúng ta không thể đánh tráo sự thật và sự gian dối. Mọi sự đều sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Giữa ánh sáng ban ngày, chúng ta sẽ nhận biết thực hay giả.

Lời Chúa là lời chân lý. Lời Chúa là lời hằng sống. Chúa kêu mời chúng ta: Ai có tai để nghe thì hãy nghe. Nếu chúng ta biết lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành thì như người đốt đèn rồi đặt trên giá cao để nêu gương sáng cho mọi người. Biết rằng chúng ta sống là sống với và cùng người khác. Mọi lời nói và hành động của chúng ta đều ảnh hưởng tới người khác. Khi chúng ta nói tốt và làm việc tốt, chúng ta sẽ là gương sáng và khi chúng ta nói lời gian dối và làm việc mờ ám, chúng ta sẽ nên gương mù cho những người chung quanh. Chúng ta phải là đèn dọi sáng vào đêm tối.

THỨ SÁU
Mc. 4: 26-34


Hạt giống được gieo xuống đất từ từ phát triển mỗi ngày. Đất tự nó làm trổ sinh hoa trái. Cho dù con người không cần vun xới hay chăm sóc. Chúa Giêsu nói với dân chúng về Nước Thiên Chúa cũng giống như người kia gieo hạt giống xuống đất, dù người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ nẩy mầm và mọc lên.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để diễn tả về nước trời. Hạt giống lời Chúa cứ tiếp tục được gieo vãi trong lòng người từ thời này qua thời kia. Hạt giống âm thầm nẩy nở và phát triển. Chúng ta quan sát sự phát triển của Giáo Hội qua các thời đại. Từ một nhóm nhỏ các tông đồ mà Chúa Giêsu đã kêu gọi và trao ban sứ mệnh. Hạt giống đầu tiên đã gieo vào lòng các ngài và hạt giống được nhân lên qua các thế hệ.

Đã có biết bao nhiêu người được lắng nghe lời Chúa qua sách vở, truyền thanh, truyền hình, điện thư, sự giảng dạy và đời sống chứng nhân. Đây là một sự cố gắng liên tục của Giáo Hội qua mọi thời đại. Lời Chúa được lắng nghe, suy niệm và sinh hoa trái trong đời sống. Hạt giống ngoài đồng nội cần có đủ môi trường sinh sống là hạt giống phát triển nhưng hạt giống lời Chúa cần được gieo vãi và chăm sóc.

Lạy Chúa, lời Chúa là hạt giống sống động. Lời Chúa có nguồn sinh lực nội tại phát triển không ngừng. Xin Chúa cho lời Chúa thấm nhập tâm hồn của chúng con để sinh hoa quả.

THỨ BẢY
Mc. 4: 35-41


Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đối diện nhiều khó khăn làm cho chúng ta lo lắng và sợ hãi. Chúng ta lo lắng cho ngày mai, lo những gì đang tới, lo cho gia đình, lo cho con cái và lo cho công ăn việc làm. Lo lắng nhiều quá làm cho chúng ta sợ hãi. Sợ sẽ không thành công hay không có kết quả tốt. Sợ những cái ngoài tầm tay của chúng ta.

Lời Chúa nói với các tông đồ đang chống trả với sóng biển: Tại sao các con sợ hãi thế? Các tông đồ sợ chứ vì cuồng phong nổi lên và nước tràn ập vào thuyền gần chìm. Các ông sợ cho mạng sống của mình và mạng sống của Thầy nữa. Nhưng các tông đồ cũng có một chút hy vọng vào Thầy khi các ông đánh thức Thầy: Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao? Chúa quan tâm lắm chứ, Chúa muốn các môn đệ nhận ra bàn tay của Thiên Chúa có quyền trên sóng biển. Ngài nói với biển: Im đi, lặng đi. Tức thì gió ngưng, biển lặng như tờ.

Chúa củng cố lòng tin của các tông đồ bằng những phép lạ cả thể nhưng rồi lòng các ông đâu lại vào đó. Khi vào lại bờ, mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Các ông vẫn chưa nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa có quyền phép vô cùng. Các ông như vẫn còn mơ hồ thật thật hư hư về chính Thầy của mình. Niềm tin thật khó diễn tả. Đây là mầu nhiệm nhập thể, chỉ khi nào Con Người bị treo lên, khi đó họ mới có thể hiểu về con người của Chúa Giêsu.