Richard Fitzgibbons, M.D., là giám đốc Viện Hàn Gắn Hôn Nhân ở Philadelphia, Hoa Kỳ. Ông là một trong những người đóng góp cho cuốn “Torn Asunder: Children, the Myth of the Good Divorce, and the Recovery of Origins” (Grand Rapids: Eerdmans Publishing, 2017) và là đồng tác giả của cuốn “Forgiveness Therapy: An Empirical Guide for Resolving Anger and Restoring Hope” (American Psychological Association Books, 2014).

Lên tiếng trong một bài báo, tác giả này cho rằng chương Tám, Tông Huấn Amoris Laetitia, gây nhiều tai hại về phương diện tâm lý.

Hội chứng yêu mình thái quá (narcissism)

Thực vậy, theo ông, Chương Tám của Amoris Laetita vô tình hỗ trợ cho lòng vị kỷ, mẹ đẻ ra của hội chứng tự yêu mình thái quá.

Ông dành đến phân nửa bài báo để nói tới hội chứng này. Theo ông, hội chứng tự yêu mình thái quá là một xáo trộn tâm lý đã hằn sâu mọi ngõ ngách của xã hội ta, một xã hội bị thống trị bởi các phương tiện truyền thông, duy vật và luôn đi tìm thoải mái. Mặc dù các nhà tâm lý học vốn nhận nó là một xáo trộn nhân cách, nhưng các nhà huyền nhiệm, từ thuở hừng đông của Kitô Giáo, đã biết lòng vị kỷ là ấn bản thiêng liêng của bệnh hay lây này, một thứ bệnh mang lại tử vong cho linh hồn.

Việc phát triển của hội chứng tự yêu mình thái quá này được thấy rõ trong việc cường điệu hóa hình dáng thể lý, tài năng, sự giầu có và danh tiếng của mình. Về mặt thiêng liêng, nó là việc vinh quang hóa con người của mình hơn là thờ lạy Thiên Chúa. Thánh Augustinô viết rằng: “Chỉ có thể có hai tình yêu căn bản… Yêu Thiên Chúa đến quên cả con người mình, và yêu mình đến quên và chối cả Thiên Chúa”.

Hội chứng tự yêu mình thái quá phát xuất từ các cha mẹ nuông chiều, bắt chước người đồng lứa vị kỷ, tự cao tự đại, thích quyền lợi, tự qúy trọng mình một cách lệch lạc; tự thổi phồng mình, thiếu Đức Tin và thiếu lòng khiêm nhường. Người có quan điểm tự yêu mình thái quá sử dụng chủ nghĩa duy tương đối luân lý và đạo đức hoàn cảnh làm khí cụ luận lý để thuyết phục, và củng cố tinh thần tự yêu mình thái quá bằng cách tự để linh hồn mình chết đói ơn thánh và dựng lên các rào cản tâm lý quanh tâm hồn mình không cho nó tiếp nhận các sự thiện từ bên ngoài.

Theo Fitzgibbons, mặc dù có những lời khuyên hữu ích trong các chương khác của Amoris Laetitia, việc phổ biến chương Tám đã tiêu hủy mọi cái tốt của nó. Thực vậy, chương này rất có thể đòi các giáo sĩ Công Giáo sử dụng đạo đức hoàn cảnh, thứ đạo đức không cho phép đối cực nào chống lại lối suy nghĩ vị kỷ trong hôn nhân và trong Giáo Hội.
Người ta cho rằng hàng giáo sĩ tại một số giáo phận rất có thể sẽ rút lui và nhân danh sự đồng hành, phải chấp nhận việc bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội về luân lý tính dục và các bí tích hôn phối, Thánh Thể và Hòa Giải.

Lòng vị kỷ - kẻ thù chính của tình yêu vợ chồng

Theo Fitzgibbons, một trong các nguyên nhân chính gây tranh chấp hôn nhân và sau đó, gây căng thẳng trong gia đình, là lòng vị kỷ và biểu hiện cực đoan của nó là hội chứng tự yêu mình thái quá. Trong các sách vở nói về sức khỏe tâm thần, người ta đã chứng minh rằng sự căng thẳng hôn nhân, ở cả người chồng lẫn người vợ, có liên hệ với các tranh chấp có tính tự yêu mình thái quá (Kilmann & Verdemia, 2013). Theo các báo cáo, trong 20 năm qua, việc tranh chấp cá tính này đã gia tăng đáng kể trong văn hóa (Twenge & Whitaker, 2013). Người ta coi sự gia tăng trong các đặc điểm tự yêu mình thái quá và hội chứng tự yêu mình thái quá trong xã hội có liên hệ với sự thay đổi trong việc lan tràn Xáo Trộn Nhân Cách Tự Yêu Mình Thái Quá (Paris, 2012).

Trong việc huấn đạo hôn nhân, tranh chấp này thường được nhận diện như một trong các nguyên nhân dẫn đầu, nếu không muốn nói là đệ nhất đẳng, gây ra ly dị. Đó là kinh nghiệm nghề nghiệp của Fitzgibbons trong việc chữa trị hàng trăm cặp vợ chồng suốt hơn 40 năm qua.

Lòng vị kỷ cao độ khiến vợ chồng quay vào chính họ và gây trở ngại cho việc hiến mình, một việc cốt yếu để vợ chồng tín thác lẫn nhau và để tình yêu của họ nở rộ. Người phối ngẫu vị kỷ có thể trở nên hướng nội đến nỗi, theo lời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, họ trở thành tù nhân của chính họ.

Các lợi ích của việc giải quyết hội chứng tự yêu mình thái quá đã được khuyến cáo cho các cặp vợ chồng (Paris, 2012) và việc chữa trị nó đã được mô tả (Links & Stockwell, 2002; Solomon, 1998). Kernberg vốn mô tả việc cần phải thắng vượt hội chứng tự yêu mình thái quá để duy trì tình yêu (1995).

Việc khám phá và chữa trị cơn giận do tự yêu mình thái quá gây ra, một cơn giận vốn đe dọa hôn nhân và gia đình, đã được mô tả trong cuốn sách mà Fitzgibbons là đồng tác giả “Forgiveness Therapy: An Empirical Guide for Resolving Anger and Restoring Hope” (2014, p.211-214).

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và lòng vị kỷ

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người được Đức Phanxicô mô tả là vị thánh của các gia đình, đã viết về sự nguy hiểm của lòng vị kỷ đối với hôn nhân, gia đình và văn hóa:

“Các mối nguy hiểm đối với tình yêu cũng là các mối nguy hiểm đối với nền văn minh tình yêu. Ở đây, đầu tiên ta nghĩ tới lòng vị kỷ, không những lòng vị kỷ của các cá nhân, mà còn là lòng vị kỷ của các cặp vợ chồng hay, nói rộng hơn, lòng vị kỷ xã hội. Trong mọi hình thức của nó, lòng vị kỷ chống lại văn minh tình yêu một cách trực tiếp và triệt để” (Thánh Gioan Phaolô II, Thư Gửi Các Gia Đình, số 14).

Ngài cũng viết về sự lành mạnh và tương lai của hôn nhân như sau:

“Vì tình yêu chỉ có thể sống còn như một sự hợp nhất trong đó cái “chúng tôi” đầy trưởng thành được biểu lộ: nó sẽ không thể sống còn như một sắp xếp của hai con người vị kỷ” (Love & Responsibility, 2013, p. 71).

Trong cuộc tông du Hoa Kỳ đầu tiên, Thánh Gioan Phaolô II tuyên bố tại Washington D.C. rằng:

“Trong lòng bất cứ xã hội nào trong đó thần tượng là khoái lạc, là tiện nghi, và độc lập, mối nguy hiểm lớn lao đối với đời sống gia đình là sự kiện này: người ta đóng cửa trái tim và trở thành vị kỷ” (Thánh Gioan Phaolô II, 1979).

Cái hại tâm lý do lòng vị kỷ gây ra

Lòng vị kỷ tác hại một cách trầm trọng, và thậm chí có thể tiêu hủy các cuộc hôn nhân. Ảnh hưởng tai hại của nó thường lan tỏa một cách im lặng đến nỗi các cặp vợ chồng không nhận ra nó gây thương tích ra sao cho khả năng nhậy cảm, cho đi và yêu thương lẫn nhau của họ.

Lòng vị kỷ tác hại hôn nhân bằng nhiều cách, trong đó có:

• Rút lui vào chính mình, ít còn thông đạt
• Thiếu hiến mình cho tình yêu lãng mạn và tình bạn phu thê
• Thiếu trách nhiệm đối với người phối ngẫu của mình
• Đối xử với người phối ngẫu của mình như đối tượng tính dục
• Thiếu kính trọng đối với người phối ngẫu
• Có những tác phong muốn kiểm soát quá mức
• Phản ứng thái quá trong lúc giận dữ
• Không có khả năng xin tha thứ
• Không đối xử với người phối ngẫu như người bạn tốt nhất của mình
• Không mong muốn điều tốt nhất cho người phối ngẫu
• Yếu trong việc tỏ lời khen
• Quá tức giận khi mọi việc không xẩy ra như mong ước
• Nằng nặc đòi theo ý riêng của mình
• Chỉ muốn làm điều cảm giới thúc đẩy mình làm.
• Chú tâm tới phúc lợi riêng của mình chứ không chú tâm tới phúc lợi của người phối ngẫu.
• Có khuynh hướng tránh trách nhiệm trong một số phạm vi chính của đời sống
• Quá nhận thấy mình quan trọng
• Mất đi lòng tốt và sự thâm trầm
• Có tác phong không trưởng thành và quá tìm thoải mái
• Bị ám ảnh với việc làm dáng, hình ảnh thể lý và những gì mình có
• Có tác phong ưa kiểm soát
• Tự nuông chiều thái quá
• Tham vọng thành công mù quáng
• Quá chú tâm tới ấn tượng tạo ra hơn là việc làm của mình
• Mất đức tin
• Thiếu động lực để giải quyết các tranh chấp của vợ chồng
• Thiếu cởi mở đối với thánh ý Thiên Chúa liên quan tới số con
• Thiếu cảm thức nên một và sứ mệnh chung với người phối ngẫu
• Không sửa chữa con cái và người phối ngẫu
• Gét tự hiến hy sinh
• Sử dụng văn hóa khiêu dâm
• Sử dụng các phương tiện ngừa thai
• Não trạng tìm kiếm án vô hiệu.

Các trước tác sâu sắc của Thánh Gioan Phaolô II về lòng vị kỷ, hôn nhân, gia đình, tuổi trẻ, ngừa thai, ly dị, sống chung, kết hợp đồng tính và Phép Thánh Thể khiến ta hy vọng rằng thời thanh tẩy đã đến. Tuy nhiên, việc gia tăng ủng hộ mới đây dành cho các thái độ tự yêu mình thái quá và nền đạo đức hoàn cảnh đối với các cuộc kết hợp bất hợp lệ, sống chung và đồng tính hiện là mối đe dọa tâm lý và thiêng liêng chính đối với hôn nhân và cuộc sống gia đình Công Giáo.

Sự lớn mạnh của lòng vị kỷ và não trạng ngừa thai

Ngoài sự tai hại gây ra cho hôn nhân, sự lớn mạnh của lòng vị kỷ còn gây tác hại nặng nề cho chức linh mục và cuộc sống tu trì, các người phối ngẫu vô tội và 1,000,000 trẻ em ở Hoa Kỳ chịu chấn thương hàng năm vì nạn ly dị (1).

Lòng vị kỷ đóng một vai trò lớn trong việc gần 100,000 linh mục và tu sĩ bỏ lời khấn/cam kết từ thập niên 1970 (Mullan, 2001) (2). Nó ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc nổi loạn chống lại giáo huấn Humanae Vitae của Giáo Hội. Đạo đức hoàn cảnh với quyền tối thượng của lương tâm bản thân đã thay thế cho các giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội của Người.

Cùng một lúc, hội chứng yêu mình thái quá trong hàng Giáo Sĩ cũng đã bùng nổ trong phụng vụ (3) với thật nhiều lạm dụng phụng vụ và điều còn hệ trọng hơn nữa, trong việc từ khước không giảng dậy sự thật của Giáo Hội liên quan tới luân lý tính dục. Thay vào đó, người ta đã ủng hộ đạo đức học hoàn cảnh trong các chủng viện, đại học, và trường trung học Công Giáo, với việc khẳng định tính tối thượng của lương tâm bản thân (và đôi khi, lương tâm này thiếu giáo dục và đầy vị kỷ) so với giáo huấn của Giáo Hội. Các linh mục và giám mục nào không chịu giảng dậy sự thật của Giáo Hội về luân lý tính dục là đã không tự mình đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và sống theo sự thật của Người.

Kết quả choáng váng và đáng xấu hổ là cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội, với đặc điểm là cuộc xâm phạm tình dục đồng tính ồ ạt các thiếu nam của các giáo sĩ và tu sĩ Công Giáo Rôma (4). Không một người nam trưởng thành nào lại hành động ngược với bản chất nam giới của mình trong tư cách người bảo vệ giới trẻ ngoại trừ đã đầu hàng hội chứng tự yêu mình thái quá và niềm tin cho rằng mình có quyền sử dụng người khác như những đối tượng tính dục.

Tự yêu mình thái quá, lòng vị kỷ hiểm ác và nạn ly dị

Các phương tiện ngừa thai gây hại nặng nề cho lòng tin tưởng và tình yêu hôn nhân, với hiệu quả trực tiếp làm gia tăng lòng vị kỷ hiểm ác nơi người phối ngẫu, một điều sẽ dẫn tới cuộc tấn công của nạn dịch ly dị nơi người Công Giáo. Mối tương quan giữa việc sử dụng phương tiện ngừa thai và nạn dịch ly dị là điều không ai phủ nhận được.

Kinh nghiệm đau buồn của chúng ta cho thấy người phối ngẫu vị kỷ cao độ thường khởi diễn và được án vô hiệu mà không cần phải nhận diện hay thách thức gì về đặc tính trầm trọng của cuộc tranh chấp.

Amoris Laetitiae và lối suy nghĩ tự yêu mình thái quá

Nhiều thần học gia và triết gia đã viết về các nguy hiểm trầm trọng của chương Tám, Tông Huấn Amoris Laetitae, đối với các giáo huấn 2,000 năm nay của Chúa Kitô và của Giáo Hội. Đặc biệt, chương này ảnh hưởng tới các bí tích hôn phối, Thánh Thể và Hòa Giải. Nó làm người ta lẫn lộn và hướng dẫn sai các gia đình, giới trẻ cũng như các người trẻ và những ai đang sống trong các cuộc kết hợp ly dị, đồng tính và sống chung.

Theo viễn ảnh tâm lý, đe doạ trầm trọng nhất trong Amoris Laetitiae đối với hôn nhân, đời sống gia đình và trẻ em Công Giáo cũng như các Bí Tích và nền luân lý Công Giáo hệ ở sự kiện này: chương Tám ủng hộ và bênh vực lối suy nghĩ tự yêu mình thái quá và lòng vị kỷ, vốn là nền tảng của nền đạo đức học hoàn cảnh. Lối suy nghĩ này từng gây tác hại nặng nề cho hôn nhân, cho tuổi trẻ và các gia đình Công Giáo cũng như cho hàng giám mục và linh mục đã trên 50 năm nay. Ngày nay xem ra nó còn dạn dĩ hơn nữa nhờ một số đoạn trong Amoris Laetitia.

Chủ trương lương tâm bản thân trổi vượt hơn giáo huấn của Giáo Hội rõ ràng đã được phát biểu trong bản tuyên bố gần đây của các Giám Mục Malta; các ngài cho rằng người Công Giáo đang sống trong cuộc hôn nhân thứ hai đầy tính ngoại tình có thể cứ ở mãi trong tác phong tội nặng, được mọi người biết đến, mà vẫn không bị từ chối lãnh nhận Thánh Thể nếu họ “thừa nhận và tin” rằng họ “bình an với Thiên Chúa”.

Theo viễn ảnh tâm lý, lối suy nghĩ này chứng tỏ thái độ cao ngạo và tự yêu mình cao độ theo nghĩa cặp vợ chồng này dựa vào cảm xúc của mình để đưa ra các quyết định luân lý quan trọng, thay vị dựa vào sự thật mà Chúa và 2,000 năm giáo huấn của Giáo Hội đã ban hành.

Theo Fitzgibbons, lối suy nghĩ tự yêu mình thái quá được đoạn 301 của Amoris Laetitia hỗ trợ: “Giáo Hội nắm giữ cả một khối suy tư vững chãi liên quan tới các nhân tố và hoàn cảnh giảm khinh. Bởi đó, ta không thể đơn giản nói rằng mọi người trong bất cứ hoàn cảnh ‘bất hợp lệ’ nào đều đang sống trong trạng thái tội trọng và bị mất hết ơn thánh hóa”.

Cha Gerry Murray, một giáo luật gia, đã viết bài nhận định về bản tuyên bố của các giám mục Malta, đăng trên tờ L’ Osservatore Romano. Cha viết rằng “Văn kiện của các giám mục Malta là bằng chứng không thể chối cãi cho thấy: vì không có sự tái khẳng định nào của Đức Giáo Hoàng đối với kỷ luật và giáo huấn không thay đổi của Giáo Hội về hôn nhân, ly dị, ngoại tình, và việc lãnh nhận các bí tích, nên tính toàn vẹn của giáo huấn và sứ mệnh Giáo Hội sẽ bị xâm hại bởi chính các mục tử hồ đồ của Giáo Hội” (5).

Thanh tẩy Amoris Laetitiae

Fitzgibbons cho rằng: các đoạn văn nào trong Amoris Laetitiae ủng hộ nền đạo đức hoàn cảnh và lối suy nghĩ tự yêu mình thái quá nên được loại khỏi văn kiện. Các bí tích hôn phối và Chức Thánh, cũng như hàng triệu người trẻ vô tội, từng bị chấn thương nặng nề trong hơn 50 năm qua bởi lòng vị kỷ sâu xa và niềm tin cao ngạo của nó rằng người ta có thể trở nên giống Thiên Chúa và tự đưa ra các quyết định luân lý độc lập đối với Lề Luật của Người.

Việc biện minh cho lối suy nghĩ và tác phong tự yêu mình thái quá chứa trong một số đoạn của Amoris Laetitiae là một đe dọa trầm trọng đối với sự lành mạnh và vững ổn tâm lý của hàng triệu cuộc hôn nhân Công Giáo, các người phối ngẫu trung trinh, giới trẻ và các gia đình vô tội, vì đi ủng hộ nguyên nhân gây ra Xáo Trộn Nhân Cách Tự Yêu Mình Thái Quá.

Dù một số người nghĩ rằng vươn tay ra với những người hiện đang sống trong “các cuộc hôn nhân” bất hợp lệ là cảm thương họ, nhưng việc biến sự thật thành ‘mềm dẻo’ có thể gây cho các người phối ngẫu mà cuộc hôn nhân đang lung lay sẽ bỏ cuộc chiến đấu nhằm phục hồi cuộc hôn nhân của họ; các lời viết trong Amoris Laetitia xuất hiện như lời ủng hộ não trạng “bỏ cuộc” và thậm chí “cố gắng một lần nữa”.

Fitzgibbons nghĩ rằng: việc bác bỏ giáo huấn sâu sắc của Thánh Gioan Phaolô II về gia đình Công Giáo, một việc dường như có trong Amoris Laetitiae, cần được chấm dứt. Thay vào đó, các trước tác của vị đại thánh này về lòng vị kỷ và đạo đức hoàn cảnh trong Veritatis Splendor nên được tuân theo để việc thanh tẩy hôn nhân và đời sống gia đình, hàng giám mục và linh mục Công Giáo, vốn mong đợi từ lâu, có thể được tiếp tục, hơn là bị xâm hại.
___________________________________________________________________________________________
(1) McCarthy, M (Ed). (2107) Torn Asunder: Children, the Myth of the Good Divorce, and the Recovery of Origins. Grand Rapids: Eerdmans Publishing.
[2] Mullan, D. (2001) The Catholic Hiroshima. The New Oxford Review, Sept. 2001.
[3] Vitz, P & Vitz, D. (2007) The Problem of Narcissism in the Mass Today. Homiletic and Pastoral Review, November 2007
[4] Fitzgibbons, R. & O’Leary, D. (2011) Sexual Abuse of Minors by Catholic Clergy. Linacre Quarterly, 252-273.
[5] Fr. Gerald E. Murray - The Catholic Thing