II. Thương xót và công lý



Thương xót không phải mới đây mới có. Dọc dài lịch sử dân Do Thái, không lúc nào họ không cậy nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Và từ lúc những con người khốn khổ trên đất Palestine kêu gào lòng thương xót của Ngôi Lời Nhập Thể, không lúc nào trong lịch sử Kitô Giáo lại thiếu tiếng kêu xin thương xót, không phải chỉ trên môi miệng những con người cá thể mà là cả cộng đồng Kitô Hữu thế giới: từ đông sang tây, lúc dâng hy lễ tạ ơn, lúc nào cộng đồng ấy cũng khởi đầu bằng ba lời thống thiết: xin Chúa thương xót chúng con!

Thành thử nói tới thương xót, không một Kitô hữu nào phản đối, bất đồng. Có điều, lòng thương xót, trong bối cảnh hiện nay, mang theo nhiều âm hưởng khiến nhiều người lo ngại, và mỗi lần nói tới nó, họ đều thận trọng nhắc đến công lý, ít nhất cũng bằng số lời họ nói về nó. Thiển nghĩ đó là lập trường của những người như Tiến sĩ Jeff Mirus, trong một loạt ba bài đóng góp cho Năm Thương Xót.

1. Ánh sáng thế gian: Luân lý là sinh tử, nhưng lòng thương xót là đầu tiên

Thực vậy, trong một loạt ba bài gần đây về lòng thương xót, Tiến Sĩ Mirus cố gắng trình bày quan điểm mà ông cho là “quân bình” khi nói tới lòng thương xót. Bài đầu tiên tựa là “Light of the world: Morality vital, but mercy first”.

Tiến Sĩ khởi đầu bằng cách trích lại nhận định của Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn của Cha Antonio Sparado, S.J., chủ bút tạp chí La Civiltá Cattolica (tháng Chín, 2013):

“Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Không thể như thế được. Tôi không nói nhiều tới các vấn đề đó, và tôi đã bị người ta chỉ trích là vì vậy. Nhưng khi nói tới các vấn đề này, ta phải nói tới chúng trong ngữ cảnh của chúng. Về việc này, giáo huấn của Giáo Hội rất rõ ràng và tôi là con cái Giáo Hội, nhưng không cần phải nói về các vấn đề ấy mọi lúc”.

Tuy cho rằng các vấn đề trên có bao giờ được đề cập trong các bài giảng đâu mà cho là lúc nào cũng nói tới chúng, Tiến Sĩ Mirus nhận định: ở đây, Đức Phanxicô muốn lưu ý tới một vấn đề sâu sắc hơn đó là làm cách nào Giáo Hội truyền thụ được sứ điệp của Chúa Giêsu cho những người mà cuộc sống chưa được sứ điệp này biến đổi.

Yếu tính của Tin Mừng

Theo Tiến Sĩ Mirus, sứ điệp nền tảng của Tin Mừng là Thiên Chúa yêu thương ta ngay cả khi ta còn sống trong tội lỗi, Chúa Giêsu Kitô chết cho ta trước khi ta ăn năn. Chính đáp trả đầy biết ơn và tín thác của ta vào lòng thương xót này đã giúp ta trở thành các tạo vật mới, bỏ tội lỗi và cái chết lại phía sau. Tin Mừng là đây: không phải ta tự nâng mình ra khỏi các cạm bẫy của ta, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương đưa ta vào cõi sống mới. Bởi thế, chỉ cần chấp nhận và lớn lên trong tình yêu này, các vết thương sâu hoắm nhất của ta cũng sẽ được chữa lành và các khát vọng sâu xa nhất của ta sẽ thành toàn. Chúa không mong mỏi chi hơn việc làm ta được lành lặn nhờ lòng thương xót của Người, nhờ Người lôi kéo ta vào tình yêu vô lượng của Người.

Trong Tân Ước, có cả hàng tá, thậm chí hàng trăm, lời diễn tả thực tại trên. Thí dụ, đoạn bất hủ trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma chẳng hạn:

“Vậy, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người, qua đức tin, chúng ta được vào hưởng ơn ấy, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Ðức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:1-8; nên xem cả chương 5).

Chính Chúa nhiều lần nói đi nói lại những điều như “những người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu; Tôi đến không để gọi người công chính, mà là kẻ có tội” (Mc 2:17). Và “nếu các ông yêu những kẻ yêu các ông, thì nào có công trạng gì? Vì ngay những kẻ tội lỗi cũng yêu những người yêu chúng” (Lc 6:32). Và “tôi cho các ông hay tội của nàng, dù rất nhiều, vẫn đã được tha, vì nàng yêu nhiều; nhưng ai được tha ít, là vì yêu ít” (Lc 7:47). Khi những người đau khổ tin Người sẽ chữa mình, Người thường nói như thế này: “hãy an tâm, các tội của con đã được tha” (Mt 9:2).

Ta hãy trở lại với Thánh Phaolô. Trong một bài giảng thời danh, ngài tuyên bố "Vậy thưa anh em, xin biết cho điều này: chính nhờ Ðấng ấy mà ơn tha tội được loan báo cho anh em; và tất cả những gì anh em đã không được tha để nên công chính nhờ Luật Môsê, thì nhờ Người, mọi kẻ tin đều được nên công chính” (Cv 13:38-39). Ngài cũng thuật lại cho Vua Agrippa điều chính Chúa nói với ngài lúc ngài trở lại, giữa khi đang phạm tội:

“Nhưng ngươi hãy chỗi dậy, đứng thẳng lên. Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều Ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết. Ta sẽ cứu ngươi thoát khỏi tay dân Dothái và các dân ngoại: Ta sai ngươi đến với chúng để mở mắt cho chúng, ngõ hầu chúng rời bóng tối mà trở về cùng ánh sáng, thoát khỏi quyền lực Xatan mà trở về cùng Thiên Chúa; ngõ hầu nhờ tin vào Ta, chúng được ơn tha tội và được hưởng phần gia tài cùng với các người đã được thánh hiến" (Cv 26:16-18).

Thánh Phêrô thì viết “Chính Người mang lấy tội lỗi ta trong thân xác Người trên thập giá, để ta chết cho tội lỗi và sống cho sự công chính. Nhờ các vết thương của Người, anh em đã được chữa lành” (1Pr 2:24). Và để kết thúc chủ đề này, Thánh Gioan tuyên xưng “Tình yêu hệ ở việc này: không phải ta yêu Thiên Chúa nhưng Người yêu ta và sai Con của Người tới chuộc tội cho ta” (1Ga 4:10).

Thực Tại của Thống Hối

Nhưng dĩ nhiên ta sẽ bảo: có rất nhiều dịp trong đó Chúa, các tông đồ và các nhà truyền giảng Tin Mừng nói tới việc thống hối ăn năn, tới nhu cầu phải sống thoát tội lỗi, tới lời truyền “hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Tác phong luân lý chắc chắn là thành phần rất quan trọng của việc thực thi ý Chúa và nếu ta đã được Chúa Kitô cứu vớt, thì khó lòng ta có thể hành động như thể điều này không quan trọng. Chủ điểm, ở đây, vì thế là phải hiểu thứ tự ưu tiên. Trong truyền thống Kitô Giáo, điều luôn luôn đúng là: lòng thương xót đi trước sự ăn năn. Lời truyền “hãy đi và đừng phạm tội nữa” luôn luôn tới sau lời quả quyết: “cả tôi nữa cũng không lên án chị” (Ga 8:11).

Chúa Giêsu Kitô không bao giờ đòi ta phải xứng đáng thì Người mới tha thứ. Ngược lại, chính qua việc đổ lòng thương xót ra khi ta còn sống trong tội, Người đã đem lại sự biến đổi nội tâm, giúp ta, với ơn thánh của Người, có khả năng thống hối tội lỗi quá khứ và chiến thắng cùng các tội lỗi ấy trong tương lai. Không ai có thể thống hối mà lại không có ơn thánh. Không ai có thể lớn lên trong nhân đức mà không có thêm ơn thánh. Chúng ta không theo phái Pelagian, tức chủ trương tự sức mình, không cần Thiên Chúa. Thân phận ta đáng buồn, sơ sác, đói khát, và luôn mong mỏi điều gì đó có thể trám đầy nỗi trống vắng không tài nào chịu thấu của ta. Chúa Cha thấy điều đó rất rõ, từ chốn thánh thiện cao vút nhìn thấy kẻ tội lỗi từ xa, và vội vàng chạy tới ôm lấy ta trong vòng tay yêu thương của Người.

Chính điều đó đập bể trái tim bằng đá của ta. Cùng với người con trai hoang đàng, mọi mưu tính lợi hại của ta tan biến thành nước mắt. Và nếu đây là những dòng nước mắt buồn sầu, thì đồng thời chúng cũng là những dòng nước mắt hân hoan. Thời khắc này chính là khởi điểm của thần kịch Kitô Giáo. Đây là cách và là cách duy nhất những người trở lại đã được hạ sinh.

Và giờ đây, có người sẽ bảo: đúng, dĩ nhiên điều trên đúng. Nhưng mà. Nhưng mà, còn gì nữa không? Dĩ nhiên là còn. Nhưng nếu quá chú trọng tới chữ “nhưng”, ta liều mình ném yếu tính của Tin Mừng vào bóng tối. Liều mình ta dập tắt ngọn lửa đang bừng cháy... Trong một vài dòng kế tiếp, ta hãy xét xem việc này diễn ra thế nào. Ta hãy hỏi xem, dù với những ý định tốt nhất, ta vẫn thỉnh thoảng làm lu mờ Ánh Sáng Thế Gian ra sao.

2. Chối bỏ tội lỗi là thiếu lòng thương xót

Như đã nói trên đây, ta sẽ xét xem nhiều khi, dù có ý hướng tốt, ta vẫn thường làm lu mờ lòng thương xót của Tin Mừng ra sao. Sự thất bại này thường phát sinh từ tính tự mãn (complacency) của ta, không chịu thừa nhận một mầu nhiệm quan trọng.

Mầu nhiệm đó là lòng thương xót và sự công lý của Thiên Chúa thực sự không phải là hai điều khác nhau. Đó chỉ là hai cách để con người hiểu Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn đơn giản và được nhận diện đích thị là tình yêu. Do đó, Thiên Chúa vừa tha thứ vừa trừng phạt do cùng một tình yêu. Sách Cách Ngôn khuyên ta; “Này con, chớ khinh thường khi Ðức Chúa sửa dạy con, đừng chán ngán khi Người khiển trách. Vì Ðức Chúa khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý” (Cn 3:11-12). Ấy thế nhưng thánh vịnh gia khẩn khoản: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (Tv 51:1).

Khi tự mãn, ta trở nên lười lĩnh. Khi lười lĩnh, ta tìm cách đi tắt, xử sự với người khác, và cả với ta, không cần lưu tâm tới việc kết hợp với Thiên Chúa. Như thế, khi tự mãn, ta gần như luôn luôn làm những điều Thiên Chúa không làm. Một là ta kết án người có tội hai là chối bỏ tội lỗi. Ta dám coi việc đầu là thiếu thương xót, việc sau là thiếu công bình. Nhưng thực ra, chúng vừa thiếu thương xót vừa thiếu công bình vì cùng thiếu tình yêu.

Chính vì thế, trong cùng đoạn phỏng vấn ngài của cha Antonio Spadaro, SJ, Đức Phanxicô nói rằng:

“Điều quan trọng hơn cả là lời tuyên xưng đầu hết: Chúa Giêsu Kitô đã cứu vớt cha. Trong khi vị giải tội, chẳng hạn, luôn có nguy cơ một là quá khắt khe hai là quá lỏng lẻo. Cả hai thái độ ấy đều không phải là thương xót vì cả hai đều không thực sự xem xét trách nhiệm của hối nhân. Người khắt khe rửa tay để mặc trách nhiệm cho giới răn. Người lỏng lẻo rửa tay bằng cách đơn giản cho hay: ‘đây không phải là tội’ hay một điều gì tương tự. Trong thừa tác mục vụ , ta phải đồng hành với người ta, và ta phải chữa lành vết thương của họ” (xem phần tựa là Giáo Hội Như Một Bệnh Viện Dã Chiến).

Tại sao bác bỏ tội lỗi lại phản bội lòng thương xót?

Nhiều vấn đề liên quan tới mối liên hệ của ta với Thiên Chúa, nhưng điều có tính ưu tiên vừa hợp thời vừa hợp lý là Thiên Chúa yêu thương chúng ta khi ta còn sống trong tội, và chính tình yêu này đã đốt lên trong ta cả ước muốn lẫn khả năng yêu Người trở lại. Ta sẽ thấy một hạnh phúc càng ngày càng lớn hơn với đà chín mùi của mối liên hệ này. Đây là một diễn trình kết hợp giúp ta nên “trọn hảo như Cha trên trời là Đấng Trọn Hảo” (Mt 5:48).

Điều này thấy rõ ngay trên bình diện tự nhiên. Ta được dựng nên như những hữu thể qui hướng về việc hợp nhất với Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao ta cảm thấy trống vắng và bất mãn, dường như có điều gì đó mất đi, cho tới lúc ta hiểu ra rằng Người yêu thương ta xiết bao và ta bắt đầu đáp trả tình yêu này. Như Thánh Augustinô từng viết một cách tuyệt diệu rằng “Lạy Chúa, trái tim chúng con thao thức không yên cho tới khi chúng an nghỉ trong Chúa”.

Các câu truyện về việc trở lại thường thuật lại việc người trở lại ý thức được lòng thương xót của Thiên Chúa, một ý thức có tính quyết định, bất kể là từ từ hay tức khắc. Người trở lại thường bắt đầu với một cuộc sống không thỏa mãn, trĩu nặng buồn sầu, giận dữ, trống vắng, thiếu thốn, thất vọng hay vô dụng, nhưng rồi cuộc sống này đột nhiên thấy Nước Thiên Chúa mở cửa đón chào. Điều này cho thấy người Cha thương yêu của ta sẽ ban cho ta điều ta cần để ta biến đời mình thành một cuộc kết hợp với Người. Hiệu quả thứ nhất của việc ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa là lòng hy vọng.

Trên bình diện tự nhiên, nghĩa là trước khi có Mạc Khải và việc ta hiểu biết ơn thánh, ta đã coi tác phong của ta như là một thành phần cấu tạo ra nan đề cuộc sống. Một cách đặc trưng, ta tìm kiếm đủ loại khoái lạc, và càng hưởng khoái lạc, ta càng cảm thấy mình kém toàn vẹn hơn. Ta cảm thấy ta tan tác, dù chưa hiểu rằng sự toàn vẹn của con người tùy thuộc việc họ sắp xếp mọi tình yêu của họ theo tương quan với tình yêu Thiên Chúa.

Tuy nhiên, mọi người đều phần nào biết đúng và sai, tốt và xấu và cái biết này phát sinh từ chính bản nhiên họ, điều ta có thể gọi là luật tự nhiên. Ta cảm thấy mình như sống dưới một sự phán xét nào đó; điều này hàm nghĩa có sự hiện hữu của một quan tòa và một nhà lập pháp. Dù việc này có bị gột rửa khỏi tim óc ta bằng tẩy não triệt để của nhà nước toàn trị hay bằng việc ta bác bỏ vì kiêu căng hay đam mê, mọi con người lành mạnh đều đã cảm nghiệm nó. Mọi con người lành mạnh cũng tiếp tục cảm nghiệm nó trong cái ta gọi là tiếng lương tâm, dù lương tâm này có bị đào tạo méo mó ra sao.

Một cách diễn tả khác về điều trên là: bác bỏ ơn gọi nên hoàn thiện như Thiên Chúa là bác bỏ chính bản nhiên ta. Đây là lý do tại sao những người bác bỏ thực tại của tội, bằng cách làm suy giảm hay chối bỏ các giới răn của Thiên Chúa, không thể cho mình có lòng thương xót được. Đúng hơn, họ cung hiến một lối thoát rẻ tiền bằng cách biện giải (rationalization). Điều này tạm thời làm trí khôn thoả mãn trong khi sự kiêu căng và các đam mê của ta tiếp tục làm ta sao lãng các khát vọng sâu xa nhất của mình. Ta tan tác thêm nhân danh chính tôn giáo!

Lý do rất đơn giản: thương xót mà không mời gọi người được thương xót bước vào tình bạn chân chính với Thiên Chúa vô cùng thánh thiện là đồ giả mạo. Không được thừa nhận, đồ giả mạo này chỉ là một con đường sai lạc khác làm ta đui mù trước quyền lực biến đổi của tình yêu Thiên Chúa. Còn nếu đã cảm nghiệm đủ quyền lực này rồi, ta sẽ hiểu ra rằng ta bị nhục mạ bởi những người chuyên giảm thiểu tối đa sự tội, sự ăn năn và thập giá. Ta đã được tặng viên đá chứ không phải tấm bánh, một thứ trò cười nhột nhạt đối với khát vọng của trái tim ta.

Cái sai của lỏng lẻo

Các Kitô hữu dễ sa vào lỗi lầm trên khi đối xử với người khác dù là với thiện ý, chỉ vì hiểu sai ý niệm nhân hậu. Tuy nhiên, có biết bao lần sự mập mờ này thực ra chỉ là một biện giải vì tự mãn do tinh thần thế gian của ta? Dù sao, nói theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sự thất bại này phát sinh từ tinh thần lỏng lẻo. Nó là một thất bại đi theo con người đang tìm kiếm phẩm giá toàn vẹn mà họ được kêu gọi trở nên. Hiển nhiên, đây là xu hướng “tự do” hay “duy hiện đại”, một xu hướng đang được các ảnh hưởng duy tục hiện nay khuếch đại một cách ngoạn mục.

Bác bỏ, không cho một con người thể hiện trọn vẹn phẩm giá của họ, sự toàn thiện họ được kêu gọi, tư cách làm con Thiên Chúa mà họ vốn được hứa ban, không thể nào trung thực gọi là thương xót được. Phải ưu tiên tuyên xưng tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa trước nhất. Không bao giờ được phản bội bằng cách giả đò rằng ta chẳng hề cần tới tình yêu và sự tha thứ này. Phương thức này chỉ để ta ở lại trong tội, và do đó, trong tan tác, trống rỗng và cô đơn. Trọn chủ điểm thương xót là đem ta ra khỏi chính ta để bước vào trước Thánh Nhan Thiên Chúa.

3. Mổ xẻ việc trở lại

Mỗi người được Chúa lôi kéo một cách khác. Có thể nói có bao nhiêu mẫu nhân cách thì có bấy nhiêu “động lực khả tín” trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng như đã nói ở trên, phần lớn các câu truyện trở lại thường chú trọng tới giây phút lúc họ cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa một cách mạnh mẽ. Cuối cùng họ khám phá ra niềm hy vọng ngay giữa các tan tác của họ.

Điều này đúng cho cả những người như chúng ta, vốn được dưỡng dục làm người Công Giáo. Đến một lúc nào đó, Đạo Công Giáo không còn chỉ là một cách sống được chấp nhận nữa, trái lại đã trở nên một hồng ân diệu kỳ mà ta không hề tự mình kiếm được. Tiến Sĩ Mirus cho hay: đó chính là kinh nghiệm của ông. Có những lúc ông gần như dám cho rằng mình đang “làm ơn” cho Chúa bằng việc trì chí cổ vũ chân lý, vì, ít nhất, ông tin rằng ông không giống như những người khác (Lc 18:11). Đấy có lẽ là cơn cám dỗ chung của những người vốn là Công Giáo từ trong nôi, họ cho mình chính thống ngay từ trong bản năng.

Nhưng rồi đến một lúc nào đó, khi bị dồn ép tứ bề thọ địch, cả bên trong lẫn bên ngoài, ông bắt đầu nhận ra mình yếu ớt và lệ thuộc Thiên Chúa biết chừng nào. Lượng đức tin, đức cậy và đức mến ở trong ông được thâm hậu hóa đáng kể nhờ khám phá ra nhu cầu cần thương xót nơi ông. Trước đây, ông chưa bao giờ nghĩ tới nhu cầu ấy, quả là một thiếu sót lớn.

Điều này xem ra như mới hôm qua, mà thực đã xẩy ra cả 30 năm nay. Khi hiểu ra cảnh khốn khổ nếu không có Chúa của mình, bạn không quên được điều này. Nhưng trước khi hiểu ra việc đó, ta vẫn thường có khuynh hướng muốn giúp người khác bằng cách đưa mình ra làm khuôn mẫu, thay vì phục vụ họ như những người được Chúa Kito sai đến (2Cor 5:20).

Ông cho rằng chứng tá của Nữ Tu Miriam James Heiland, SOLT, quả rất giá trị với cuốn sách mới của bà tựa là Loved as I Am (Được Yêu Thương Như Tôi) do nhà Ave Maria xuất bản. Nếu đọc thêm tựa đề phụ của cuốn sách “Một Lời Mời Trở Lại, Được Chữa Lành và Tự Do Nhờ Chúa Giêsu”, ta sẽ hiểu rõ việc trở lại vốn được cảm nhận ra sao: như một chữa lành, tự do và, dĩ nhiên, biết ơn.

Choáng váng biết mình là con nuôi, ngay từ nhỏ đã bị lạm dụng tình dục, không thoả mãn với các thành tựu thể thao, tiệc tùng và đàn ông cũng như rượu chè, Nữ Tu Miriam tha thiết đi tìm một mục tiêu thỏa đáng cho đời mình. Bà quả không giống như phần đông tuổi trẻ của nền văn hóa ngày nay. Bà hết sức cần được tình cha dẫn vào toàn vẹn, một diễn trình vẫn đang tiếp diễn qua sự giúp đỡ của Thiên Chúa cũng như của con người cả sau khi bà đã đáp lại tiếng Chúa Kitô và ơn gọi sống đời tận hiến của mình.

Từ năm 1998, Nữ Tu Miriam đã là một nhà truyền giáo của Tu Hội Đức Đức Bà Chúa Ba Ngôi Rất Thánh. Cuốn sách của bà ngắn thôi, vào khoảng 100 trang, gồm cả các câu hỏi để suy nghĩ sau khi mô tả từng giai đoạn trong hành trình trở lại của bà, một hành trình, xét cho cùng, tùy thuộc việc cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa giữa bao tan tác của cuộc đời.