Ký giả kỳ cựu chuyên viết về Vatican, John Allen Jr., có cái nhìn rất quân bình về Đức Phanxicô. Nhân dịp kỷ niệm năm thứ năm, ngày ngài được bầu làm giáo hoàng, Allen cho rằng dù yêu hay ghét ngài, Đức Phanxicô vẫn là một vị giáo hoàng có liên quan tới ta.

Dù yêu dù ghét, ngài vẫn có liên quan

Theo ký giả trên, lượng giá bất cứ một nhân vật lớn nào mà tiếng Anh bắt đầu bằng chữ “P” như President (Tổng Thống, Chủ Tịch), Prime Minister (Thủ Tướng), Premier (Thủ Hiến), thẩy đều dễ rơi vào chủ quan tính. Nên khi bạn nghĩ không biết một vị giáo hoàng có làm tốt công việc của ngài hay không thì trước nhất còn tùy ở việc bạn nghĩ vị ấy nên làm những gì. Và về phương diện này, ý kiến rất đa dạng.

Thí dụ, nếu bạn thuộc loại người Công Giáo thấy mình đang sống trong một thế giới hồ đồ và rối rắm, nên coi phẩm tính quan trọng nhất nơi một vị giáo hoàng là sự rõ ràng về tín lý và luân lý, thì Đức Phanxicô hẳn không khá bao nhiêu. Thế nhưng, đối với những người Công Giáo tin rằng Giáo Hội đã trở nên quá cứng ngắc trước khi Đức Phanxicô nhậm chức, quá chú trọng tới những khoản luật hẹp hòi về các vấn đề luân lý gây tranh cãi, thì vị giáo hoàng hiện nay chắc chắn xuất hiện như một thành công vĩ đại.

Tuy nhiên, dù ghét hay yêu ngài, ngài vẫn là vị giáo hoàng có liên quan. Trước nhất, ngài có liên quan về phương diện văn hóa tại rất nhiều nơi khác nhau, nơi phong cách và ngôn từ phi quy ước của ngài, cộng với sứ điệp thương xót của ngài, liên tục lôi kéo sự chú ý và bình luận rộng rãi. Thậm chí khi bị vây khốn và chỉ trích nặng nề, Đức Phanxicô vẫn là thỏi nam châm lôi cuốn các phương tiện truyền thông.

Đức Phanxicô cũng có liên quan về phương diện chính trị, với các chính phủ khắp thế giới theo dõi sát nút các ưu tiên của ngài và các chính khách thuộc đủ mọi xu hướng đều tìm cách khai thác các đặc sủng của ngài để có lợi cho chính nghĩa của mình, dù ngài không luôn luôn có tính quyết định về phương diện chính trị, như sự thành công đầy ngạc nhiên của đảng phản di dân trong cuộc tổng tuyển cử ở Ý đầu tháng này đã chứng tỏ.

Cuối cùng, Đức Phanxicô có liên quan về phương diện giáo hội học. Điều này xem ra có vẻ kỳ lạ khi nói về một vị giáo hoàng, vì “liên quan” là điều dĩ nhiên. Thế nhưng, dù vị giáo hoàng nào cũng hết sức có liên quan về phương diện thiêng liêng và thần học, Đức Phanxicô có liên quan một cách hết sức ngạc nhiên ở điểm đã đặt để hướng đi cho việc tranh luận trong Đạo Công Giáo. Mọi cuộc tranh luận chính trong Giáo Hội ngày nay, bất chấp bạn theo chủ trương nào, đều hướng về phía lượng định tài lãnh đạo của Đức Phanxicô.

Ba thước đo trên không tự động cho ta hay liệu Đức Phanxicô có đang đưa Giáo Hội tiến theo hướng đi đúng hay không, hoặc liệu ngài có đang đặt để các ưu tiên đúng trong việc nối vòng tay lớn với thế giới hay không. Chúng không cho thấy liệu di sản của ngài có lâu bền hay không hay chỉ chỉ như ánh chớp lóe lên rồi tắt ngúm. Và chúng cũng không cho thấy liệu một ngày kia ngài có được tưởng nhớ như một vị thánh hay không, như chính ngài mới đây có nói đùa rằng ngài và Đức Bênêđíctô XVI đang có tên trong “danh sách chờ” được phong thánh.

Thế nhưng các tiêu chí trên quả có ý muốn nói: bất luận người ta phán kết đúng sai ra sao về triều giáo hoàng này, nó vẫn là điều quan trọng, quan trọng đối với thế giới, quan trọng đối với các nhà lãnh đạo thế giới, và quan trọng đối với Giáo Hội mà Đức Phanxicô đã được mời gọi lãnh đạo cách nay 5 năm.

Xin xem các chi tiết về ba tiêu chí trên trong bài “Francis at five years: Love him or hate him, this is one relevant pope” đăng trong Crux ngày 13 tháng Ba, 2018.

Lời nguyền rủa nhiệm kỳ hai

Charles Collins, chủ bút điều hành của tạp chí Crux, thì tự hỏi theo kiểu Mỹ rằng không biết Đức Phanxicô có bị “lời nguyền rủa của nhiệm kỳ hai” hay không.

Nhiệm kỳ tổng thống Mỹ là 4 năm. Năm thứ năm dĩ nhiên là thuộc nhiệm kỳ hai, nếu được tái cử. Giáo hoàng không có nhiệm kỳ, nên hỏi như thế chỉ là một phép loại suy. Như Collins viết, nhiệm kỳ hai của 1 Tổng Thống Mỹ thường hay có tai tiếng, tỷ lệ ủng hộ xuống thấp, kết thúc nhiệm kỳ trong “rên rỉ” chứ ít khi vênh vang. Nixon với Watergate, Reagan với Iran-Contra, Clinton với Lewinsky, Bush với khủng hoảng tài chánh, Obama với Snowden.

Về triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, theo tác giả này, sau 4 năm, mọi sự xem ra đang đi xuống. Phải chăng cũng tại “lời nguyền rủa của nhiệm kỳ hai”?

Theo Collins, cho đến giờ này, năm 2018 đang là một annus horribilis (năm kinh hoàng) cho Đức Giáo Hoàng, khiến cho việc kỷ niệm năm thứ năm trở thành ảm đạm hơn, ít tưng bừng hơn 4 lễ kỷ niệm trước đây.

Collins nêu bằng chứng việc ngài xử lý vụ Đức Cha Barros của Chile liên quan tới tai tiếng tình dục Karadima, coi nó như một thứ “trật đường rầy” ở ngay những ngày đầu tiên của năm mới, khiến cho tiếng tăm đấu tranh chống lạm dụng tình dục của ngài bị hoen ố nhiều. Về mặt cải tổ tài chánh, ngài cũng không khá hơn gì: một số viên chức cao cấp ở Ngân Hàng Vatican một là bị kết án hai là bị tố cáo phạm những tội khác nhau về việc quản trị bậy các tài khoản. Libero Milone, cựu tổng thanh lý viên, bị sa thải không được nêu lý do, đã lên tiếng cho rằng mình bị mất chức vì cải tổ quá năng nổ. Mặt khác, tổ chức bác ái Papal Foundation, trụ sở đặt ở Hoa Kỳ, phản đối lời yêu cầu của Đức Phanxicô cung cấp 25 triệu đôla cho một bệnh viện của Tòa Thánh ở Rôma.



Về phía Giáo Hội hoàn vũ đối với Đức Phanxicô, năm 2018 cũng không khả quan bao nhiêu. Collins nêu trường hợp việc hòa giải giáo hội “quốc doanh” Trung Hoa với giáo hội “hầm trú” của nước này đang gặp đề kháng mạnh của một số nhà lãnh đạo Công Giáo Trung Hoa, trong đó, có Đức Hồng Y Zen, người từng cho rằng Tòa Thánh đang “bán đứng” giáo hội “hầm trú” ở Trung Hoa.

Đức Phanxicô cũng đã phải chùn bước trong vụ diễn ra tại giáo phận Ahiara ở Nigeria: ngài từng ra tối hậu thư cho các linh mục ở đây phải chấp nhận vị giám mục do Tòa Thánh bổ nhiệm; nhưng khi thấy tối hậu thư không hữu hiệu, ngài đã chấp nhận đơn từ chức của vị giám mục liên hệ.

Collins cho rằng bảng liệt kê còn nhiều và đây mới chỉ là tháng Ba. Theo ông, hình như “lời nguyền rủa của nhiệm kỳ hai” ứng dụng cả vào Đức Phanxicô. Ông cho rằng các học giả thường nêu lý do gây ra “lời nguyền rủa” này là sự mệt mỏi kiệt lực. Làm tổng thống Hoa Kỳ không phải chuyện dễ: các áp lực không ngừng dẫn đến các sai lầm. Không những thế, chính “nhân dân” cũng mệt mỏi luôn, mệt vì các nhà lãnh đạo của mình, nên ít tha thứ cho họ trong khi lượng định lời ăn tiếng nói và việc làm của họ.

Còn Đức Phanxicô thì sao? Collins cho rằng đến một mức nào đó, ngài cũng vậy. Hiện nay, ngài đã 81 tuổi và mặc dầu ngài còn nhiều sức sống vào tuổi này hơn hai vị tiền nhiệm, nhưng đã có những dấu hiệu mệt mỏi trong các biến cố công cộng. Vụ Đức Cha Barros đã lấy mất chất Teflon, tức chất làm cho lời chỉ trích không dính, khỏi triều giáo hoàng của ngài, khiến cả những người người ủng hộ ngài nhất (như Đức Hồng Y O’Malley) cũng ngỡ ngàng. Cả việc cải tổ Giáo Triều cũng thế, ngày càng tỏ ra xa vời hơn, khiến người cựu trào (old guard) người Ý xem ra đang tái nắm quyền kiểm soát Giáo Triều trở lại.

Biết thích ứng

Tuy nhiên, theo Collins, Đức Phanxicô là người biết thích ứng, mau mắn chỉnh sửa nếu thấy cần. Bất chấp lời tuyên bố như đinh đóng cột rằng mình “chắc chắn” Đức Cha Barros vô tội, ngài vẫn đã gửi điều tra viên đáng kính nhất của Giáo Hội, là Đức Tổng Giám Mục Charles J. Scicluna, đích thân đi điều tra lại sự việc.

Và mặc dù các tai tiếng liên tục về tài chánh đang làm các quan sát viên Vatican có cảm giác nhàm chán, nhưng những người trong cuộc cho hay hiện có dấu hiệu các cải tổ đang có hiệu quả, dù chậm chạp hơn người ta mong đợi.

Điều quan trọng hơn cả là Đức Phanxicô vẫn hết sức nổi tiếng và có khả năng làm dịu cơn bão tố mà ngài đã khởi sự đầu năm 2018.

Điều đã làm và điều chưa hoàn tất

Nhân dịp kỷ niệm này, tạp chí Crux đã phỏng vấn khá nhiều nhân vật Công Giáo có tiếng để xem xem điều gì làm họ ngạc nhiên nhất về triều giáo hoàng của Đức Phanxicô và điều gì ngài chưa hoàn tất.

Đức Hồng Y Dolan của New York cho rằng “hồng phúc lớn nhất của Đức Phanxicô là đã đem giáo huấn vượt thời gian của Giáo Hội và trình bầy nó một cách mới mẻ, mạnh bạo và thích thú.Ngài giúp người ta có cái nhìn tươi mát đối với Giáo Hội Công Giáo, và nhờ thế tiến tới chỗ biết Chúa Giêsu, và cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Người”.

Theo Đức Hồng Y Dolan, không nên nói đến “thất vọng hay những điều chưa hoàn tất, vì Rôma giống như một sông băng! Luôn có nhiều việc hơn để làm”. Chính ngài, sau 9 năm làm Tổng Giám Mục New York, danh sách những điều phải làm càng lúc càng dài hơn trước nhiều. Cả Đức Gioan Phaolô II, sau 27 năm làm giáo hoàng, vẫn còn nhiều điều “chưa hoàn tất”! Điều quan trọng nhất là đem người ta đến với Chúa Giêsu, điều này được Đức Phanxicô làm một cách tuyệt diệu.

Tuy nhiên, một số người như Juan Vicente Boo, phóng viên tại Rôma của nhật báo ABC Tây Ban Nha và là tác giả hai cuốn sách về Đức Phanxicô, thì sau khi kể ra các thành tựu rất nhiều của ngài, có đề cập đến những điều gây thất vọng. Ông kể ra 3 “sự kiện”: cựu bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin không nhậy cảm lắm đối với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục; vụ trưởng vụ Kinh Tế không làm việc theo nhóm và đương kim bộ trưởng bộ Phụng Tự hai lần bị Đức Phanxicô “nói ngược lại” một cách công khai.

Nữ tu Simone Campbell, giám đốc chấp hành của tổ chức vận động hành lang NETWORK cho Công Bằng Xã Hội Công Giáo thì kể ra hai điều “thất vọng”: quyền lãnh đạo của nữ giới và tai tiếng lạm dụng tình dục.

Carolyn Woo, nguyên giám đốc chấp hành Sở Cứu Trợ Công Giáo, cũng đồng quan điểm với Nữ Tu Campbell.

Greg Burke, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho rằng: thành tựu lớn nhất của Đức Phanxicô là làm cho thế giới đơn sơ nhận ra điều này: Thiên Chúa yêu thương ta, bất chấp các tội lỗi của ta; và theo Chúa Giêsu là một niềm vui lớn. Ngài cũng thách thức ta biết chia sẻ tình yêu này với người khác. Ông chỉ nêu ra 1 việc “chưa hoàn tất”: đó là giúp mọi người trong Giáo Hội biết rằng ta ở đây để phục vụ chứ không tỏ uy quyền.

Linh mục John Wauck, giáo sư truyền thông ở Giáo Hoàng Đại Học Thánh Giá ở Rôma, thì cho rằng Đức Phanxicô có khả năng khiến người ta lắng nghe ngài hơn hai vị tiền nhiệm. Việc ngài được đăng hình trên bìa tờ Rolling Stone là 1 bằng chứng. Cha cho rằng lý do không hẳn vì Đức Phanxicô nói những điều họ thích nghe, lý do chính đi trước cả điều ngài nói. Ngài là người “tự nhiên, dễ tiếp cận, có nhân cách 1 người bình thường... như khuôn dung người cha quen thuộc chứ không quá giáo sư như Đức Bênêđíctô hoặc lớn hơn đời thường như Đức Gioan Phaolô II”.

Cha cho rằng những việc chưa hoàn tất gồm: giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, cải tổ nền tài chánh Vatican, cải tổ truyền thông, cải tổ Giáo Triều Rôma. Tuy nhiên, “thất vọng” lớn hơn cả là ta đã dành quá nhiều nghị lực và thì giờ vào việc tranh luận nội bộ về tông huấn Amoris Laetitia mà quên khuấy việc nhìn ra ngoài, nên thứ “Giáo Hội nhìn ra ngoài... chưa ngẩng đầu lên được”.

Cuộc cách mạng của lòng âu yếm dịu dàng

Trên website riêng của ngài, Cha Thomas Rosica, người cho rằng từng tháp tùng Đức Hồng Y Bergoglio vào mật nghị hội bầu ngài làm giáo hoàng và từ đó, theo dõi ngài sát nút trong suốt 5 năm qua, lắng nghe mọi người thán phục ngài, mọi môn đệ của ngài và mọi lời chỉ trích ngài, thì cho rằng khi chọn tên hiệu Phanxicô, ngài đã “khẳng định sức mạnh của lòng khiêm nhường và sự đơn sơ. Tu sĩ Dòng Tên người Á Căn Đình này không chỉ chứng thực tính bổ túc của các đường lối Inhã và Phansinh. Ngài còn mỗi ngày chỉ cho ta thấy tâm và trí gặp nhau ra sao trong tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận. Và quan trọng hơn cả, Đức Phanxicô nhắc nhở ta hàng ngày rằng ta cần Chúa Giêsu xiết bao, và ta cần người lân cận dọc hành trình của ta biết chừng nào”.

Cha nhấn mạnh rằng: “vào xế chiều ngày 13 tháng Ba, 2013, Jorge Mario Bergoglio nhận được ơn gọi ra đi, tái thiết, tu sửa và hàn gắn Giáo Hội. Có những người hân hoan miêu tả ngài như một nhà cách mạng mạnh bạo, gan dạ được phái đến để rung chuyển con thuyền. Nhiều người khác nghĩ ngài đến để gây ra một cuộc đắm tầu vĩ đại. Nhưng cuộc cách mạng duy nhất mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khai mở là cuộc cách mạng của lòng âu yếm dịu dàng, chính thuật ngữ ngài dùng trong văn kiện ‘Niềm Vui Tin Mừng’ (số 88).

“Nhiều người gọi Đức Phanxicô là nhà cách mạng vĩ đại. Lần duy nhất ngài dùng chữ ‘cách mạng’ là trong Niềm Vui Tin Mừng số 88, khi ngài nói đến cuộc cách mạng của lòng âu yếm dịu dàng nơi Chúa Con mặc lấy xác phàm. Tôi cũng nghĩ còn một cuộc cách mạng khác mà Đức Phanxicô đang chỉ cho ta: đó là cuộc cách mạng của lối sống bình thường... tác phong mục vụ bình thường của người Kitô hữu...”