□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Tham: Cơn Cám Dỗ Thời Đại


Sau năm 75, cả nhà tôi đói mờ con mắt. Bố mẹ tôi chạy vắt giò lên cổ nhưng gạo vẫn chạm đáy lu. Sáng anh chị em chúng tôi cứ thế mà gặm sắn luộc. Trưa và chiều, cơm độn với bo bo, năm thì mười họa được bữa thịt hoặc cá, nhưng bao giờ cũng kho mặn chát với muối! Gì chứ muối thì chả bao giờ thiếu ở Việt Nam. Vứt ngoài đường cũng không có mấy người hốt. Hèn chi dư thừa để kho cá kho thịt mặn chát cho đỡ tốn. Tôi tham ăn nổi tiếng trong nhà. Mẹ tôi hay mắng, “Cái thằng… Thùng bát chí thình!”, bởi tôi chuyên viên rình rình, không ai để ý, nhanh tay thò đũa gắp nguyên miếng thịt khúc cá cho thẳng vào miệng, nuốt chửng. Hên, chưa bao giờ chết nghẹt, nhưng tối hôm đó, chết khát! Thì ai biểu! Nguyên một miếng thịt, nguyên một miếng muối nuốt trôi, làm chi mà không nước ừng ực. Khát! Chỉ có nước mới trị được. Cứ thế mà uống, uống như chưa bao giờ được uống. Bụng căng phồng. Chạy bằng thích. Tào Tháo rượt. Ơi chạy! Ơi khát!
Học được bài học nhớ đời. Tôi bớt tham… Nhưng lần khát nhớ đời thứ hai thì tôi không được chọn lựa, bởi cơn khát tới khi thuyền gỗ đang bập bềnh sóng nước. Mờ sáng thuyền âm thầm rời bến. Chiều cùng ngày thuyền tiến thẳng vào hải phận quốc tế. Khi đó mới biết, trên thuyền chỉ có vài can nước. Con thuyền với hơn sáu mươi mạng người, chỉ có từng đó nước, cầm cự được mấy hồi? Lênh đênh phận nghèo với cơn khát bốn ngày, thuyền đỗ bến Marang, Mã Lai. Tôi mắt trắng dã, môi khô nứt nẻ từ dưới khoang thuyền ngước lên mở miệng năn nỉ với nhân viên Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ đang đứng trên bờ,
— Cô ơi, khát quá… Làm ơn cho xin miếng nước.
Cô nhân viên khuôn mặt trắng hồng quay đi ngay. Khoảng hai phút sau, cô quay lại cùng với mấy người thanh niên lực lưỡng, ai nấy khệ nệ bê trên tay mấy thùng nước sinh tố ướp đá lạnh. Cô vội vàng phân phát cho chúng tôi mỗi mạng người hai hộp nước. Chúng tôi xé hộp, uống ngay. Có nước sinh tố, chúng tôi thôi khát, hồi phục!
Dòng thời gian đẩy tới. Tôi định cư vùng Thung lũng Hoa Vàng, người Mỹ gọi Silicon Valley. Tôi đi học, ra trường, làm việc. Có tí ti tiền lương, tôi hăm hở kiếm tìm mua computer mới và laptop mới. Thế là lang thang ghé hết tiệm này sang tiệm khác, Best Buy, Fry’s Electronics, đủ mặt trên từng cây số. Computer hãng Dell, Best Buy đang on sale. Sony Laptop mỏng dính, Fry’s Electronics đang bán rẻ. Giờ ăn trưa, mấy tên bạn cùng phân khu tranh cãi ầm ĩ một góc phố về high tech và giá cả. Cứ như đám cháy nhà. Nhưng khổ! Làm ở hãng điện tử của Silicon Valley, tên nào chả rành sáu câu vọng cổ mùi rệu,
— Diệu em ơi đây là sự thật... The moment you open your computer box… that moment your computer becomes obsolete!/...Giây phút em khui mở máy vi tính, giây phút đó máy của em biến thành…đồ cổ”!
High tech mà, lúc nào cũng phải đi trước thiên hạ cả mấy chục năm. Thế mới tranh được miếng ăn ngon. Thì đấy, cứ nom đi, Windows 2000 xài chưa xong, Windows Vista xuất hiện, rồi bây giờ đang là mùa Windows 7. Memory, giữa thập niên 90, có được 4Mb là sang trọng kẻ cả lắm rồi. Thấm thoát nhảy cái vèo lên 1Gig, rồi 2, 4. Bây giờ là mấy? Chả biết nữa! Cứ thế đuổi theo, mệt nhoài, thở không ra hơi, bở hơi tai. Hồi xưa tham ăn, bây giờ tham high tech, tôi mua thêm software, cài thêm vào máy memory. Nếu không, máy chạy chậm rì như bà bầu. Ơi khát! Tôi uống hết ly nước này đến ly khác. Nhưng vẫn khát, khát khô cả hồn.
Thập niên 80 có được cassette nhạc 60 phút, 90 phút là vui. Trời mùa thu đỏ rực lá vùng thung lũng hoa vàng, tôi nằm mở nhạc nghe Khánh Ly, Khánh Hà. Hạnh phúc! Bước sang giữa thập niên 90, lần đầu tiên nghe tới chữ CD. Tôi tò mò tìm hiểu. Biết CD rồi, tôi như người ma nhập, bỗng nhiên hóa dại! Say mê CD, nhất là CD bán rẻ, 10 đô 3 CD, tôi hăm hở móc tiền mua cả đống. Nhiều quá, có tới hơn cả ngàn. Chất không hết tủ sách, tôi bỏ hộp (case), lấy đĩa cho vào Album, mỗi Album chứa được 100 CD. Giờ đếm lại, nguyên một ngăn tủ, trên dưới 15 cái Album đựng CD. Tưởng thế là thôi, không khát nữa. Nhưng tôi vẫn khát, vẫn cứ hăm hở tìm kiếm CD. Nhất là mỗi khi tiệm bán CD on sale mùa lễ, Tết. Tôi vác lên vai, tôi như người lên đồng, bị ma nhập, khuân về nhà bằng thích. Hết CD này tới CD khác. Thật thà khai báo thì đến là xấu hổ, bởi có những CD đến ngày hôm nay, tôi tình thiệt cũng chưa có dịp nghe qua, dù chỉ là một lần!
Hồi đó băng nhựa VCR, mở đầu máy coi Cô Gái Đồ Long mê tít thò lò Triệu Minh. Nhưng thoáng một cái, thấy thiên hạ bàn tán xôn xao về đĩa DVD. Ủa, DVD là cái chi vậy cà. Bạn tôi nửa đùa nửa thật,
— Muốn biết, cứ việc tới tiệm...
Tôi lái xe tới tiệm. Đúng như lời người bạn, tôi thấy liền DVD phim thời xưa, Cleopatra, Ben Hur, đủ cả, coi sướng cả mắt. Màn ảnh rõ tưởng như giơ tay ra là chạm được người đẹp mắt tím Elizabeth Taylor. Thế là thằng người chết khát chạy rông khắp cùng các tiệm nhặt mua cho bằng được DVD phim ưa thích. Mà lỡ nhìn thấy DVD không thích nhưng đang bán rẻ, mua luôn cho đã cơn khát.
DVD có rồi, nhưng cần tới đầu máy DVD, thế là lại hối hả chạy ra tiệm kiếm đầu máy DVD. Nhưng có đầu máy mà không có TV loại chiến thì làm sao mà đã cơn khát! Thế là lệ khệ bê luôn về nhà màn ảnh TV bự tổ chảng coi cho đã con mắt. Lúc đó mới thấy căn phòng khách nhỏ bằng cái lỗ mũi chứa làm sao cho nổi cái TV super size mới mua. Vậy là liều, tôi ôm nguyên cái TV cũ nhưng còn chạy ngon lành, mang thẳng ra tiệm bán đồ cũ Goodwill, ký tặng tại chỗ!
Ghé vào apartment chơi, mẹ tôi tinh mắt, hỏi liền,
— Ủa, cái TV cũ đâu rồi?
Tôi ngần ngại, ấp úng thật thà xưng tội. Mẹ tôi thoáng cau mặt,
— Mày, chỉ được cái phí của!
Tôi phân bua, một câu nói đụng chạm lung tung,
— Bên Mỹ mà mẹ, đâu phải như bên Việt Nam...
Mẹ tôi yên lặng, không nói chi. Nhưng nhìn mặt, tôi biết mẹ tôi không vui!
Khoảng một thời gian sau, ghé vào nhà người bạn, tôi giật mình nhận ra hắn có cái TV cùng hiệu Sony, nhưng đời mới hơn. Màn ảnh TV lớn hơn, nét rõ hơn cái TV tôi mới mua cách đây mấy tháng. Chiều Chúa Nhật hôm đó rảnh rỗi, tôi ngồi uống mấy lon bia với người bạn, cùng coi TV chương trình ca nhạc mới ra lò. Nhìn màn ảnh sân khấu với đèn sáng lấp lánh, khuôn mặt ca sĩ đẹp rực rỡ qua màn ảnh mới tinh, tôi tiếc hùi hụi cho cái TV mới mua cách đây mấy tháng. Đầu óc tôi lơ mơ nghĩ ngợi lung tung. Cơn khát thời đại cứ thế mà hành!
Tôi có người bạn thân cùng thời đi học. Thời sinh viên hắn cũng nghèo xơ xác như tôi bây giờ. Hai đứa phải thuê chung một căn phòng, nằm dưới đất. Lớp tối học xong, về tới nhà mười giờ khuya, nấu mì gói ăn đều đều. Nghèo! Hai đứa hồi sinh viên thiệt tình là trên răng dưới…khố! Giờ hắn ra trường, kỹ sư trưởng, có gia đình, đã mua nhà. Có lần tôi ghé vào gửi nhờ mấy thùng sách. Nhìn nhà xe của người bạn, tự nhiên tôi ngần ngại, bởi thấy trong đó đồ đạc chất cao có ngọn. Tã trẻ con mấy thùng xếp lớp lớp đụng sát trần. Màn ảnh monitor của computer mấy thùng giấy còn nguyên chưa bóc tem. La liệt… Và còn cả trăm thứ hầm bà lằng khác mà tôi không biết tên… Garage chứa hai xe, bạn tôi một, vợ hắn một. Từng đó thứ nhốt trong garage. Tôi thật sự cũng chẳng có chỗ để mà bước đi.
Thấy tôi cứ chiếu tia nhìn đăm đăm vào mấy thùng tã chất cao, bạn tôi phân bua,
— Bà xã thấy Costco bán on sale, khuân về nhà mấy thùng…
Nhìn đồ đạc chất đống ngổn ngang, bạn tôi giải thích,
— Hai đứa, đi đâu mà thấy đồ bán rẻ là tạt vào ngay...
Thấy mặt tôi ngớ ngấn như người dở hơi, bạn tôi nửa đùa nửa thật,
— Ông cứ lấy vợ đi… Biết liền…
Bạn tôi có gia đình, con mấy đứa. Phải tích cốc phòng cơ. Cho nên không lạ nếu bạn tôi gặp tã bán rẻ, ghé vào mua ngay. Nhưng còn mấy thùng màn ảnh monitor? Nghe tới chữ màn ảnh, người vợ cũng là bạn học thời xưa nói liền,
— Anh ấy, cứ cuối tuần là ghé vào Fry’s Electronics. Giờ xếp đó cả đống monitor, chả biết làm gì!?
Tôi suy nghĩ…tã cho con, bạn tôi không có chọn lựa, tương tự như lần vượt biên, tôi khát; nhưng màn ảnh computer, thì rõ ràng là khác…
Mùa Giáng Sinh về, cũng như mọi người dưới bầu trời Bắc Mỹ, đại gia đình chúng tôi tụ họp tại căn nhà của mẹ ăn tiệc Noel, rồi chia quà. Chị tôi gọi tên từng đứa cháu, tuần tự, từ nhỏ tới lớn. Tôi thấy các tên nhóc đều giống nhau ở một điểm: chẳng có tên nào, sau khi “khui thùng”, chịu khó để ra một hay hai phút, ngắm nghiá món quà Giáng Sinh mới nhận được từ bà, bố mẹ, các dì, các cậu. Nhận được gói quà, tên nào cũng vội vàng xé bỏ tờ giấy gói xinh đẹp, lục tung bên trong tìm kiếm. Thấy chân dung món quà rồi, hắn vội vàng liệng bỏ không thương tiếc món quà mới tinh, rồi hấp tấp quay sang gói quà bên cạnh; rồi lại vội vàng xé bỏ, lại tìm kiếm, lại quẳng bỏ không ngần ngại để quay sang gói quà khác. Cứ thế! Tôi ái ngại và thiệt tình là khó chịu khi nhìn thấy món quà xếp chữ mà anh tôi cất công tìm kiếm mấy tiếng đồng hồ trong thương xá đã được cô con gái rượu sáu tuổi đón nhận rất hững hờ. Tôi thắc mắc nếu cháu tôi chỉ nhận được một món quà Giáng Sinh duy nhất, hắn sẽ còn ơ hờ với bảng hình xếp chữ hay không?
Tôi chia sẻ nhận xét ở trên với người bạn. Thật bất ngờ người mẹ ba con cũng gật đầu đồng ý với tôi. Nhưng không chỉ dừng lại ở cái gật đầu, hai vợ chồng cô quyết định mùa Giáng Sinh vừa qua, thay vì dùng số tiền mua quà Noel cho mấy người con, họ đã tặng hết số tiền đó cho cơ quan từ thiện Salvation Armies. Tôi thiệt tình ngạc nhiên, hỏi liền,
— Ủa! Bộ không sợ mấy cháu tụi hắn buồn hay sao?
Bạn tôi gật đầu với lời nhận xét,
— Ông nói đúng. Hai vợ chồng cũng phải bàn với nhau, phải nói chuyện với mấy cháu, giải thích rõ ràng, là ba cháu vẫn nhận được quà Giáng Sinh từ bố mẹ. Nhưng số tiền dùng để mua quà Noel sẽ được tặng cho người nghèo.
Bạn tôi nói tiếp,
— Tôi còn phải cẩn thận nói thêm, “Bố mẹ muốn tụi con phải biết nghĩ đến người khác. Đồng thời học được bài học bớt đi lòng tham…”
Có một khoảng thời gian hiện tượng Occupy diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Occupy thoạt tiên xảy ra tại Wall Street vào ngày 17 tháng 9 năm 2011. Nhiều người kéo về Wall Street biểu tình phản đối lòng tham của những người phú hộ thiên niên kỷ thứ ba. Xuất hiện trên màn ảnh TV bảng hiệu của người biểu tình, tôi đọc được hàng chữ, “Share the world’s resources/Hãy chia sẻ tài nguyên thế giới”; hoặc, “Stop being greedy immediately/Chấm dứt ngay lòng tham không đáy”. Phong trào Occupy ngày càng lan rộng trên nước Mỹ và toàn cầu. Tại San Francisco, “Occupy San Francisco”. Tại Tokyo, “Occupy Tokyo”. Tại London, “Occupy London”. Tại Sydney, Melbourne, phố lớn Úc Châu, “Occupy Sydney”, “Occupy Melbourne”; và thêm nhiều thành phố lớn trên thế giới. Người người tụ tập, giơ cao biểu ngữ phản đối lòng tham không đáy của những nhà tài phiệt.
Người Do Thái có câu chuyện khá độc đáo về cơn khát. Theo như câu chuyện tại một phố kia có ông phú hộ, ngày ngày ông khoác vào người bộ quần áo sang trọng nhất, đẹp rực rỡ nhất cho những yến tiệc linh đình thâu đêm suốt sáng. Nhưng cắc cớ một điều, nằm ngay trước cửa nhà ông phú hộ có người hàng xóm hành khất ghẻ lở đầy mình. Người hành khất bần hàn chỉ có một giấc mơ nhỏ nhoi là được ăn những mảnh vụn thức ăn dư thừa rơi từ bàn ăn phú hộ. Nhưng rất tiếc ước mơ nhỏ nhoi này cũng không bao giờ trở thành hiện thực. Dòng đời đẩy tới, cuối cùng ông phú hộ nhắm mắt buông xuôi hai tay, để rồi ôm vào lòng “one way ticket to hell”! Dưới hỏa ngục, vào một ngày kia ngước mắt lên, ông phú hộ nhìn thấy Ông Trời. Thấy Ông Trời nhân hậu, ông phú hộ mở miệng năn nỉ xin một giọt nước, chỉ một giọt nước mà thôi, bởi ông đang khát khô với những ngọn lửa nóng trong lò lửa bừng bừng thiêu đốt! Nhưng trước lời năn nỉ nhỏ nhoi của ông phú hộ, Trời lắc đầu, nói ngay,
— Trễ quá rồi con! Trễ quá rồi!
Một giọt nước chẳng là chi. Một trăm giọt nước cộng lại hóa ra một chén nước lạnh cũng không là gì. Không ai buôn bán một giọt nước. Chẳng ai nỡ lòng từ chối một chén nước lạnh với người qua đường. Hồi xưa tôi khát, mở miệng xin nước với nhân viên Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ, họ cho ngay. Nhưng thật lạ lùng, yêu cầu nhỏ nhoi, chỉ xin một giọt nước làm nguội đầu lưỡi của ông nhà giàu trong Hỏa Ngục cũng bị Ông Trời nhân hậu thẳng tay từ chối.
Tôi nghĩ tôi bị cơn khát thời đại hành như ma hành bởi THAM. Hồi ở Việt Nam, tôi tham ăn, hay thò đũa gắp nguyên khúc cá miếng thịt kho mặn chát cho vào miệng, nuốt trôi. Hên là chưa chết nghẹn, chỉ bị khát!
Bởi tham cho nên gặp CD, DVD bán rẻ, dù có là CD hoặc DVD chẳng phải loại mình ưa thích, cũng khuân vác về nhà chật chội căn phòng chung cư bé tí ti.
Bởi tham, cho nên tôi cứ như con bò, ngong ngóng nhìn đồng cỏ xanh tươi của hàng xóm, mà quên đi cỏ xanh ngay trong vườn nhà, với là tới; cho nên có lần đã dám quẳng bỏ nguyên cái TV đang chạy ngon lành!
Bởi tham, cho nên tôi hóa ra người chết khát, cứ ăn, cứ đổ vào trong bao tử bao nhiêu thìa muối, cho nên khát, khát dài dài!
Lòng tham, như một định luật, bao giờ cũng dẫn tới những cơn khát. Lòng tham càng cao, cơn khát càng nhiều!
Tôi hy vọng, chỉ có bớt đi lòng tham lam, khi đó tôi sẽ thôi, không bị hành hạ bởi những cơn khát, trong thiên niên kỷ thứ ba, tôi gọi “cơn cám dỗ thời đại!”.
□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com