Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi Diễn Đàn kinh tế thế giới lần thứ 44 đang tiến hành tại Davos, Thụy Sĩ, cho tới ngày 25-1 tới đây, với sự tham dự của 2.500 người, trong đó có 40 vị quốc trưởng và thủ tướng chính phủ, ông Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon, chủ tịch Ngân hàng trung ương Âu châu Mario Draghi. Ngoài ra cũng có nhiều đại diện của các tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ (Ong). Về phía Công Giáo có ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, ĐHY Luis Tagle, TGM Manila, ĐHY John Onayekan, TGM Abuja, Nigeria, Đức TGM giáo phận Dublin, Diarmuid Martin.
Dưới đây là bản dịch toàn văn sứ điệp của ĐTC, được ĐHY Turkson tuyên đọc chiều ngày 21-1-2014.
Kính gửi Giáo Sư Klaus Schwab
Chủ tịch điều hành Diễn Đàn Kinh Tế thế giới
Tôi rất biết ơn vì Giáo Sư đã mời tôi lên tiếng tại cuộc gặp gỡ thường niên của Diễn Đàn Kinh Tế thế giới, tiến hành như thường lệ tại Davos-Klosters vào cuối tháng này. Tin tưởng rằng cuộc gặp gỡ này sẽ mang lại cơ hội để suy tư sâu xa hơn về những nguyên nhân cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới trong những năm gần đây, tôi muốn cống hiến vài suy tư với hy vọng có thể làm cho cuộc thảo luận tại Diễn Đàn thêm phong phú và góp phần hữu ích vào công việc quan trọng của Diễn Đàn.
Thời đại chúng ta có những thay đổi đáng kể và những tiến bộ đầy ý nghĩa trong các lãnh vực khác nhau với những hệ luận quan trọng đối với đời sống của nhân loại. Thực vậy, ”chúng ta phải ca ngợi những biện pháp đã được đề ra để cải tiến an sinh của dân chúng trong các lãnh vực như săn sóc sức khỏe, giáo dục và truyền thông” (Niềm vui Phúc Âm, 52), không kể nhiều lãnh vực hoạt động khác của nhân loại, và chúng ta phải nhìn nhận vai trò cơ bản của các hoạt động kinh doanh tân thời trong việc tạo nên những thay đổi ấy, bằng cách kích thích và phát triển tiềm năng bao la của trí tuệ con người. Tuy nhiên, những thành công đã đạt được, cho dù đã giảm bớt nghèo đói cho nhiều người, nhưng chúng thường dẫn đến tình trạng gạt bỏ nhiều người hơn ra ngoài xã hội. Thực vậy, đa số dân chúng thời nay vẫn còn phải chịu tình trạng bất an hằng ngày, nhiều khi với những hậu quả bi thảm.
Trong bối cảnh cuộc gặp gỡ của quí vị, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các lãnh vực chính trị và kinh tế khác nhau trong việc thăng tiến một lối tiếp cận bao gồm, để ý đến phẩm giá của mỗi người và công ích. Tôi muốn nói đến một quan tâm cần phải có khi đề ra mỗi quyết định về chính trị và kinh tế, nhưng nhiều khi quan tâm ấy chỉ là một suy nghĩ mà thôi. Những người làm việc trong các lãnh vực này có một trách nhiệm rõ ràng đối với tha nhân, đặc biệt là những người mong manh, yếu thế nhất và dễ bị thương tổn. Thật là điều không thể chấp nhận được sự kiện mỗi ngày có hàng ngàn người tiếp tục chết vì đói, mặc dù có đủ số lượng thực phẩm và nhiều khi lương thực ấy bị phung phí. Cũng thế, chúng ta không thể không xúc động vì nhiều người tị nạn đang tìm kiếm những điều kiện tối thiểu để sống xứng đáng, chẳng những họ không được tiếp đón, nhưng nhiều khi bị chết đau thương trên đường di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Tôi biết những lời này thật là mạnh, và bi thảm, nhưng những lời này đều tìm cách khẳng định và thách thức khả năng của đại hội này làm sao kiến tạo được một sự khác biệt. Thực vậy, những người đã chứng tỏ khả năng của họ trong việc đổi mới và cải tiến cuộc sống của nhiều người qua tài năng và nghề nghiệp chuyên môn của họ có thể góp phần thêm bằng cách dùng những năng khiếu của họ để phục vụ những người vẫn còn sống trong nghèo khổ lầm than.
Vì thế, điều đang cần bây giờ là một sự ý thức mới mẻ, sâu xa và bao quát về trách nhiệm của tất cả mọi người. ”Doanh nghiệp là một ơn gọi, một ơn gọi cao quí, với điều kiện những người dấn thân trong doanh nghiệp thấy mình được thách thức vì một ý nghĩa lớn lao hơn trong cuộc sống” (Niềm Vui Phúc Âm, 203). Những người nam nữ ấy có thể phục vụ công ích một cách hữu hiệu hơn và làm cho các tài nguyên của thế giới này có thể được nhiều người sử dụng hơn. Tuy nhiên, sự gia tăng bình đẳng đòi phải một cái gì rộng lớn hơn là sự tăng trưởng kinh tế, tuy rằng nó giả thiết phải có sự tăng trưởng kinh tế. Trước tiên nó đòi ”phải có một nhân sinh quan siêu việt” (Biển Đức 16, Bác ái trong chân lý, 11), vì ”nếu không có viễn tượng về sự sống đời đời, thì những tiến bộ của con người trong thế giới này sẽ bị thiếu sinh khí (ibid.). Nó cũng đòi phải có những quyết định, những cơ cấu và tiến trình nhắm tiến tới sự phân phối quân bình hơn của cải, kiến tạo những nguồn mạch công ăn việc làm, và thăng tiến toàn diện cho người nghèo, không phải chỉ giới hạn vào vấn đề an sinh mà thôi.
Tôi xác tín rằng từ thái độ cởi mở như thế đối với siêu việt, một tâm thức mới về chính trị và kinh doanh có thể thành hình, một tâm thức có khả năng hướng dẫn mọi hoạt động kinh tế và tài chánh trong viễn tượng một lối tiếp cận hợp luân lý đạo đức, thực sự là nhân bản. Cộng đồng doanh nhân thế giới có thể cậy dựa nơi nhiều người nam nữ có đời sống lương thiện và thanh liêm cao độ, công việc của họ được gợi hứng và hướng dẫn nhờ những lý tưởng cao cả như sự trong sạch, quảng đại và quan tâm đối với sự phát triển đích thực của gia đình nhân loại. Tôi kêu gọi quí vị tận dụng những tiềm năng lớn lao này về mặt nhân bản và luân lý và đương đầu với thách đố này một cách quyết liệt và nhìn xa trông rộng. Tôi biết trong mỗi bối cảnh đều phải có những đòi hỏi về khoa học và chuyên nghiệp, nhưng tôi xin quí vị đảm bảo sao nhân loại được sự giàu sang phục vụ chứ không bị giàu sang cai trị.
Ông Chủ tịch và các bạn thân mến,
Tôi hy vọng rằng quí vị có thể nhìn thấy trong những lời vắn tắt này một dấu chỉ mối quan tâm mục vụ của tôi và như một đóng góp xây dựng để giúp cho hoạt động của quí vị trở nên cao thượng và nhiều thành quả hơn. Tôi tái cầu chúc cho cuộc gặp gỡ này được thành công, trong lúc tôi cầu xin Chúa chúc lành cho quí vị và các tham dự viên diễn Đàn, cũng như cho gia đình và hoạt động của quí vị.
Vatican ngày 17 tháng giêng năm 2014
+ Phanxicô