Trong cuộc phỏng vấn với tờ La Stampa vừa qua, khi được hỏi về lời chỉ trích của phe cực hữu tại Hoa Kỳ cho rằng ngài là một người Mácxít, Đức Phanxicô đã cho hay: “Ý thức hệ Mácxít sai lầm. Nhưng tôi đã gặp nhiều người Mácxít trong đời, họ rất tốt, nên tôi không thấy bị xúc phạm… Không điều gì trong Tông Huấn mà lại không thể tìm thấy trong học thuyết xã hội của Giáo Hội. Tôi không nói theo quan điểm kỹ thuật, điều tôi cố gắng làm là đưa ra một bức tranh của những gì đang diễn ra. Trích dẫn chuyên biệt duy nhất tôi sử dụng là trích dẫn liên quan tới “các lý thuyết nhỏ giọt” là các lý thuyết giả định rằng tăng trưởng kinh tế, do thị trường tự do khuyến khích, sẽ nhất thiết thành công trong việc tạo ra công bằng và bao gồm xã hội nhiều hơn trên thế giới. Hứa hẹn là khi chiếc ly đã đầy, nó sẽ tràn ra, đem lợi lại cho người nghèo. Nhưng điều thực sự xẩy ra là khi chiếc ly đầy, nó lại phình to hơn một cách đầy ảo thuật nên chẳng có chi tràn tới người nghèo cả. Đó là câu duy nhất nhắc đến lý thuyết chuyên biệt này. Tôi xin nhắc lại, tôi không nói theo quan điểm kỹ thuật nhưng theo giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Điều này chắc chắn không có nghĩa (tôi) là một người Mácxít”.

Nếu họ cho rằng chỉ vì ngài theo sát học thuyết xã hội Công Giáo mà bị coi là Mácxít thì tất cả các vị giáo hoàng trước đây cũng đều là Mácxít cả sao! Thực vậy các trước tác của Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI không những bênh vực các nhận định của Đức Phanxicô trong Niềm Vui Tin Mừng mà cả ngữ cảnh chuyên biệt của chúng nữa và vai trò lớn lao hơn của Giáo Hội đối với kinh tế và luân lý nói chung. Sau đây là lời Đức Bênêđíctô:

“Để tìm ra các giải pháp thực sự dẫn ta tiến lên, các ý tưởng mới về kinh tế là điều cần thiết. Nhưng các biện pháp như thế xem ra không thể quan niệm được hay đúng hơn không thể áp dụng được nếu không có các thúc đẩy về luân lý. Chính ở điểm này, cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và kinh tế trở nên vừa khả hữu vừa cần thiết.

“Tôi muốn được nói rõ phần nào điểm chính xác của vấn đề. Thoạt nhìn, theo chính lý thuyết kinh tế cổ điển, việc Giáo Hội và nền kinh tế nên thực sự có chung với nhau điều gì là điều không hiển nhiên, ngoại trừ sự kiện Giáo Hội cũng có cơ sở làm ăn của mình và do đó, cũng là một nhân tố của thị trường. Ở đây, Giáo Hội không nên bước vào cuộc đối thoại trong tư cách chỉ là thành viên của thị trường mà đúng hơn trong quyền hạn là Giáo Hội”.

Đức Bênêđíctô nói tiếp để nghiêm khắc lên án nền kinh tế học của Adam Smith, đặc biệt là hệ thống trong đó “các hành động tự ý về ‘luân lý’ mâu thuẫn với luật lệ thị trường và xua đuổi các nhà kinh doanh hợp luân ra khỏi cuộc chơi”, vì ngài coi nền kinh tế này như một phạm nhân mà Giáo Hội buộc phải chống lại:

“Các thành công lớn lao của lý thuyết này che đậy các giới hạn của nó trong một thời gian dài. Nhưng nay, trong một hoàn cảnh đã thay đổi, các tiền gỉa định triết lý có tính chiến thuật của nó và do đó các vấn đề của nó đã trở nên rõ ràng hơn. Mặc dù chủ trương này nhìn nhận tự do của các doanh gia cá thể, và tới mức ấy, có thể gọi là tự do, nhưng thực sự trong cốt lõi, nó vẫn có tính duy định mệnh. Nó tiền giả định rằng xét theo cấu trúc của con người và của thế giới, trò chơi tự do của các lực lượng thị trường chỉ có thể hành động theo một hướng mà thôi, tức là, hướng tự điều chỉnh giữa mức cung và mức cầu, và sự hiệu năng và tiến bộ về kinh tế”.

Tuy nhiên, như Đức Phanxicô nhận định, “ý thức hệ Mácxít cũng sai lầm” luôn. Đức Bênêđíctô không ngần ngại ủng hộ nhận định này. Ngài viết:

“Về phương diện cấu trúc lý thuyết và nghiệm tác (praxis) kinh tế của nó, hệ thống Mácxít, xét như một nền kinh tế quản trị tập trung, là một phản đề triệt để của kinh tế thị trường. Người ta trông mong được cứu rỗi vì không có việc tư nhân kiểm soát các phương tiện sản xuất, vì cung và cầu không bị sự cạnh tranh của thị trường đem vào thế hoà hợp, vì không có chỗ để kiếm chác lợi lộc tư riêng, và vì mọi qui định đều phát xuất từ cơ quan quản trị kinh tế trung ương. Ấy thế nhưng, bất kể sự triệt để chống lại các cơ chế kinh tế cụ thể này, vẫn còn các điểm chung trong các tiền giả định triết lý sâu xa hơn. Tiền giả định đầu tiên hệ ở sự kiện này: chủ nghĩa Mác cũng có tính định mệnh thuyết trong bản chất của nó và cả nó nữa cũng hứa hẹn một cuộc giải phóng hoàn toàn như là thành quả của thuyết duy định mệnh. Vì lý do này, quả là một sai lầm nền tảng khi giả thiết rằng hệ thống kinh tế tập quyền là hệ thống hợp luân, ngược với hệ thống có tính máy móc của nền kinh tế thị trường. Điều này trở nên rõ nét qua việc Lenin chấp nhận luận đề của Sombart là luận đề cho rằng trong chủ nghĩa Mác, không hề có một mảy may đạo đức, mà chỉ là các luật lệ kinh tế”.

Ở đây, ta thấy rõ: ít là một phần, Đức Bênêđíctô muốn nói tới các nhận định ở đoạn 57 của Niềm Vui Tin Mừng. Các nhận định này cho rằng: “Đằng sau thái độ này ẩn nấp việc chối từ luân thường đạo lý và chối từ Thiên Chúa. Luân lý thường bị người ta nhìn một cách khinh khi và châm biếm nào đó. Nó bị coi là phản tác dụng và quá nhân bản bởi vì nó tương đối hóa tiền bạc và quyền lực. Nó bị coi như một mối đe dọa, vì nó lên án việc thao túng và hạ giá con người. Cuối cùng, luân lý đề cập đến một Thiên Chúa là Đấng kêu gọi một đáp trả dấn thân, là điều ở ngoài các loại thị trường. Khi các loại này đã được tuyệt đối hóa, Thiên Chúa bị coi là không thể kiểm soát được, không thể thao túng được, và thậm chí nguy hiểm, bởi vì Ngài kêu gọi con người tới sự viên mãn và độc lập khỏi bất kỳ loại nô lệ nào”

Để nhấn mạnh đến cách bênh vực của ngài, và nói cho ngay, kiểu trình bày sắc bén hơn của ngài, đối với các phê phán kinh tế của Đức Phanxicô trong Niềm Vui Tin Mừng, Đức Bênêđíctô nhận định:

“Ta không thể ngây thơ coi hệ thống tư bản tự do như là hệ thống cứu thế được nữa (dù với những điều chỉnh nó nhận được lâu nay). Ta không thể còn coi như thế được nữa trong thời đại Kennedy, với chủ nghĩa lạc quan của Đoàn Hòa Bình; các nghi vấn của Thế Giới Đệ Tam có thể là không vô tư, nhưng chúng không hề vô căn cứ. Việc tự phê của các tuyên tín Kitô Giáo liên quan tới đạo đức học chính trị và kinh tế là đòi hỏi trước nhất.

“Một sự kiện lịch sử mỗi ngày mỗi trở nên hiển nhiên hơn là: việc phát triển của các hệ thống kinh tế tập chú vào ích chung tùy thuộc một hệ thống đạo đức nhất định; hệ thống này chỉ có thể phát sinh và duy trì nhờ các xác tín mạnh mẽ về tôn giáo. Ngược lại, điều cũng trở nên hiển nhiên là sự suy thoái của hệ thống đạo đức này thực sự có khả năng khiến các định luật của thị trường sụp đổ hoàn toàn. Chính sách kinh tế nào nhằm phục vụ không những thiện ích của tập thể, đúng hơn, không những ích chung của một nhà nước nhất định, mà còn nhằm phục vụ ích chung của gia đình nhân loại đều đòi phải có một nền đạo đức tối đa và do đó một sức mạnh tôn giáo tối đa. Ngày nay, việc đào tạo ý chí về chính trị chỉ dùng các định luật kinh tế cố hữu để hướng tới mục tiêu này, dù với tất cả các phản kháng nhân đạo, xem ra vẫn là điều hầu như bất khả. Nó chỉ có thể thể hiện được nếu các sức mạnh mới về đạo đức được hoàn toàn thả tự do. Nền đạo đức nào nếu tin mình có thể làm ngơ kiến thức kỹ thuật của kinh tế thì không phải là một nền đạo đức mà là một chủ nghĩa duy đạo đức. Một thứ phản đề của luân lý. Phương thức khoa học nào nếu tin mình có khả năng quản trị mà không cần một triết lý hành động (ethos) là đã hiều lầm thực tại con người. Do đó, không khoa học chút nào. Ngày nay, ta cần một hiểu biết tối đa chuyên biệt về kinh tế, nhưng cũng cần một triết lý hành động tối đa để cái hiểu chuyên biệt về kinh tế có thể phục vụ các mục tiêu đúng đắn. Chỉ bằng cách này, kiến thức của nó mới có thể vừa có tính thực tiễn về chính trị vừa có thể chấp nhận được về xã hội”.

Điều đáng chú ý là lời bênh vực của vị giáo hoàng hưu trí đã được viết ra từ tháng Mười Một năm 1985, gần 30 năm trước khi công bố Niềm Vui Tin Mừng.

Theo Andrew M. Haines, Pope Benedict Defends Francis on Markets and Ethics, Ethika Politika (http://ethikapolitika.org/2013/12/16/benedict-defends-francis-markets-ethics/) 16 tháng 12, 2013.