Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, tướng Phạm Văn Trà, sẽ bắt đầu chuyến công du Hoa Kỳ có tính cách lịch sử từ ngày 8 đến ngày 12 tháng 11.

Theo tin của hãng AFP từ Hà Nội, một tạp chí trên mạng Internet ở địa phuơng cho biết như thế hôm thứ Năm. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên đến thủ đô Hoa Kỳ của một giới chức quân sự cao cấp nhất của quốc gia cộng sản này.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Vietnam Net, tướng Trà cho biết ông sẽ làm việc cốt yếu với 3 viên chức của Hoa Kỳ là cố vấn an ninh quốc gia Condoleeza Rice, ngoại trưởng Colin Powell và bộ truởng quốc phòng Donald Rumsfeld.

Đây là chuyến đi đáp lễ chuyến viếng thăm Việt Nam hồi tháng 3 năm 2000 của nguyên bộ truởng quốc phòng Mỹ, ông William Cohen.

Nghị trình thảo luận trong chuyến đi bao gồm vấn đề quân nhân mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ, cùng vấn đề tác nhân cam là chất khai quang mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Tướng Trà còn cho biết chính phủ Việt Nam đang cứu xét việc thảo luận với Hoa Kỳ về phuơng thức bảo đảm hoà bình trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, chuyến đi này sẽ không đề cập đến một liên minh quân sự nào hay việc ký kết một hiệp ước quân sự nào cả.

Tuớng Trà cũng cho biết sẽ đi thăm một số đơn vị quân đội tại Hoa Kỳ. Quan hệ song phuơng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã dần dà cải thiện kể từ sau khi hai nuớc cựu thù thiết lập bang giao năm 1995, và cao điểm là việc ký kết hiệp định thương mại lịch sử hồi tháng 7 năm 2000.

Nay mai, một chiến hạm của Hoa Kỳ sẽ ghé cảng thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô cũ của miền nam, tức Saigon, là nơi quân đội Mỹ đã di tản vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, kết thúc cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên, các thành phần trong chế độ ở Hà Nội vẫn tỏ ra hoài nghi về các ý đồ “đế quốc’ của chính phủ Mỹ, và Việt Nam từng lên tiếng đả kích hành động quân sự của Hoa Kỳ tại Iraq.

Hà Nội và Washington mới đây cũng bầy tỏ sự bất đồng sâu xa về các vấn đề nhân quyền. Tướng Trà nói rằng các vấn đề này có thể sẽ xuất hiện trong các cuộc thảo luận của ông với ông Powell nếu phía Hoa Kỳ nêu lên. (VOA)