TEHRAN - Lãnh đạo tối cao Iraq, Ayatollah Ali Khamenei, cảnh cáo rằng nếu biểu tình tiếp tục diễn ra ở Teheran ông sẽ can thiệp và lúc đó những người biểu tình đừng trông mong được nương tay.

Những người biểu tình chống chính phủ đã xuống đường ở Tehran trong hai đêm liền. Các cuộc biểu tình bắt đầu từ khu học xá trường đại học Tehran, và tin tức cho hay phiền toái bắt đầu khi các nhóm sinh viên kình địch ném đá lẫn nhau.

Sau đó, có vẻ như đã có hàng ngàn dân thường đã tham gia cùng đám biểu tình. Những người biểu tình nói họ đã chán ngấy những cấm đoán trong đời sống thường nhật.

"Không ai ưa gì cái chế độ này nữa cả. Mọi người đang bị những áp lực. Không ai có thể sống một cách dễ thở cả. Không có tự do, không được phát biểu, không được làm gì hết. Không ai có thể chịu được mãi thế."

Nhưng rồi các nhóm Hồi Giáo có đường lối cứng rắn đã kéo tới để bảo vệ cho trường phái bảo thủ. Phóng viên đài BBC ở Iran là Miranda Eeles, cho biết bạo lực đã bùng phát.

"Khi tới nơi, tôi thấy có 50 thành viên của các nhóm Hồi Giáo cứng rắn đi xe máy, đó là những thanh niên có vũ trang bằng dùi cui và dây xích. Họ đã định nhằm vào các sinh viên khi đó đang ở trong khu học xá."

"Nhưng khi thấy cả các nhóm thường dân, là những người hưởng ứng lời kêu gọi từ đài truyền hình vệ tinh, thì họ đã tấn công vào nhóm dân thường, hai bên đã có những va chạm đầy bạo lực."

Các cuộc biểu tình có vẻ như đang diễn ra với quy mô tương đối nhỏ. Nhưng những gì đang xảy ra là chúng đã vượt quá ra ngoài cộng đồng sinh viên, vốn luôn mong manh. Vậy điều gì đã khiến cho thường dân tham gia vào các cuộc biểu tình? :

"Rất nhiều người đã xuống đường vì hưởng ứng lời kêu gọi từ các kênh truyền hình đặt tại Hoa Kỳ, kêu gọi mọi người hãy xuống đường."

Phóng viên BBC Miranda Eeles cho biết những người này không nhất thiết phải là sinh viên, rất nhiều người trong số họ là dân thường.

"Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều cửa hiệu bị đập phá và nhiều vụ va chạm giữa hai phía."

Nhưng có vẻ như đám người biểu tình rất dễ bị giải tán. Tin tức cho hay đã có ít nhất 10 người bị bắt; còn đêm trước đó thì số người bị bắt là 80.

Nhà cầm quyền có vẻ lo lắng và muốn tránh lặp lại cái cảnh biểu tình hồi mùa xuân 1999, khi mà một sinh viên đã bị giết và các vụ va chạm với cảnh sát đã kéo dài tới ba ngày.

Bộ trưởng tình báo đã cảnh báo rằng các cuộc biểu tình tiếp theo sẽ bị xử lý triệt để. Ông cũng cáo buộc các nhóm cực đoan địa phương cùng các cơ quan ngoại quốc về tình trạng này.

Người ta trông đợi các hãng truyền thông cùng những người biểu tình không phải là sinh viên sẽ phản ứng ra sao? Setareh Alavi thuộc ban tiếng Ba Tư của Đài BBC giải thích các nhóm đối lập người Iran ở hải ngoại có nhiều hoạt động chống chính phủ.

"Họ có các đài truyền hình phát bằng tiếng Ba Tư về Iran, chủ yếu là các đài đặt tại California và Los Angeles. Họ đang phát các chương trình về Iran với nội dung chủ yếu là giải trí nhưng có lồng thêm các thông điệp chính trị."

"Họ đã đưa vào các thông điệp gần đây của chính phủ Hoa Kỳ và của ngoại trưởng Colin Powell kêu gọi người Iran hãy gây áp lực lên chính phủ và lên chính thể nhằm đem lại những thay đổi."

Nhưng với quan hệ Hoa Kỳ – Iran vô cùng nhạy cảm, thì áp lực từ phía Hoa Kỳ nhằm đem lại thay đổi có thể sẽ là phản tác dụng.

Đó có thể là lý do vì sao Ayatollah Khamenei giờ đang cáo buộc Hoa Kỳ là nguyên nhân gây ra biểu tình. Động cơ của các cuộc biểu tình không phải là nhằm lôi kéo dân thường, mà chỉ để có các cuộc biểu tình.

Những người biểu tình đang chỉ trích không chỉ Ayatollah Khamenei, người đang ngự trên đỉnh cao của thể chế tôn giáo bảo thủ, mà còn nhắm vào tổng thống Khatami, người được coi là là niềm hy vọng to lớn của những ai muốn cải tổ tự do.

Những chỉ trích công khai không phải là chưa từng xảy ra, nhưng vẫn là những bước phát triển tương đối mới mẻ. Miranda Eeles của đài BBC nói điều đó cho thấy sự thất vọng sâu sắc của công chúng đối với tổng thống Khatami.

"Khi ông Khatami trúng cử tổng thống hồi năm 1997, rất nhiều ủng hộ viên của ông là thanh niên và phụ nữ. Họ thực sự tin rằng ông có thể đem lại những thay đổi. Họ bỏ phiếu cho ông vì ông chủ trương cải tổ."

"Nhưng trong bảy năm qua, họ thấy là những hứa hẹn đã không thành hiện thực. Tôi cho là giờ đây, họ coi ông cũng chỉ là một phần của thể chế tôn giáo mà thôi."

"Dẫu cho ông nói là ông sẽ cố gắng hết sức, nhưng thực sự là ông cũng chẳng làm tiến triển được điều gì. Vậy nên họ thấy rằng đã đến lúc ông nên từ nhiệm thì hơn."

Iran đã bị xáo trộn từ hàng tháng nay. Tin tức cho hay áp lực đòi thay đổi đã cao gần tới mức đỉnh điểm. Người ta trông đợi là sẽ có một cú đột phá làm lay chuyển thể chế tôn giáo.

Không ai biết là nó sẽ diễn ra dưới mô hình nào, hay ai sẽ là người chiến thắng. Hiện vẫn chưa rõ là liệu có phải những người biểu tình chỉ là những bọt bong bóng trên mặt nồi sôi sùng sục, hay đó là điểm khởi đầu cho cái gì đó nhiều kịch tính hơn sẽ diễn ra.(bbc)