WASHINGTON - Có tin đồn rằng phe diều hâu ở Washington sẽ có chính sách cứng rắn hơn với Iran mà hậu quả có thể dẫn đến một sự đối đầu như với Iraq, thậm chí cả chiến tranh.

Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đã lên án Hoa Kỳ trong bài diễn văn trước quốc hội hôm thứ Ba.

"Các ông phải làm thế này thế này thì chúng tôi mới gạt ra khỏi cái gọi là trục ma quỹ. Nói chuyện kiểu gì vậy? Họ nghĩ họ là ai chứ?"

Qua hôm sau thứ Tư, cả tổng thống Mohammad Khatami lẫn ngoại trưởng Kamal Kharrazi nhân cuộc họp các nước Hồi giáo ở Teheran cũng lên tiếng chỉ trích Washington.

Mới đây các phóng viên đã phục sẳn bên ngoài bộ ngoại giao ở Washington để chờ ngoại trưởng Colin Powell bước vô. Họ hỏi, ông có biết tin gì về chính sách cứng rắn hơn đối với Iran hay không?

"Hôm nay có nhiều tin quá nhưng tôi không kiểm chứng được."

Nhưng trả lời như vậy không có nghĩa là chuyện này không có. Cánh bồ câu ở Washington đã một lần phải nhường bước cánh diều hâu trong chuyện Iraq. Không lẻ thêm một lần nữa?

Những gì bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld tuyên bố khiến người ta phải suy nghĩ, và ông đã nói huỵch toẹt ra.

"Nếu để nói lên sự thật thì không còn nghi ngờ gì nữa là trong quá khứ cũng như hiện tại các thành viên cao cấp của Al Qaeda có mặt ở Iran, và họ đang bận rộn hoạt động."

Nhưng không phải chỉ có ông Donald Rumsfeld nghĩ như vậy đâu. Dân biểu Dân Chủ chủ tịch ủy ban tình báo của hạ viện Mỹ, bà Jane Harman nói Iran đã bị chú ý tới từ lâu rồi.

"Nhiều người trong chúng tôi cảm thấy Iran là mối nguy rõ và hiện hữu hơn là Iraq trong năm rồi, và trong những năm gần đây."

Bà dẫn chứng: nào là Iran trang bị vũ khí cho khủng bố Hezbollah hoạt động dọc theo biên giới Israel; nào là Iran đã tìm cách gởi 50 tấn vũ khí cho nhà chức trách Palestin;

"Iran cũng chế tạo vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt, và nếu so với Iraq, Iran đã gần chế được vũ khí nguyên tử rồi."

Người ta đồn đoán sẽ sớm có một cuộc họp các quan chức cao cấp của Mỹ để bàn một chính sách mới, cứng rắn hơn.

Có bao gồm việc tiệ́n chiếm Iran hay không, giáo sư Raymond Tanter trước đây làm trong ban an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Reagan, nghĩ là không.

"Bởi vì Saddam là một nhà độc tài chúng ta cần có vũ lực mới hạ bệ ông ta được. Trong khi Iran đã là một nước đa nguyên, có nhiều đảng phái khác nhau. Cho nên điều ta cần làm là củng cố phong trào dân chủ, hổ trợ cho những người có chủ trương ôn hòa đang lãnh đạo đất nước."

Giáo sư Tanter nói trong trong các giải pháp đang được phe chủ chiến cứu xét là hổ trợ cho phe đối lập, tức nhóm Mujahadeen, đóng ở Iraq trước đây được Sadam Hussein hậu thuẫn.

Chính phủ Bush xem nhóm này là khủng bố, nhưng Nhà trắng có thể thay đổi. Phát ngôn nhân Ari Fleischer không nói thẳng như vậy, nhưng giải thích chính sách của Hoa Kỳ là có một số ở Iran muốn thay đổi chính phủ và họ xứng đáng được giúp đỡ.

"Iran là một trong những nước rất trẻ, tuổi trung bình của người dân ở đó chưa tới 30, nhưng lại có một lớp lãnh đạo mà nhiều người dân không nghĩ là đáp ứng được các nhu cầu của họ, về nhân quyền, và những quyền cơ bản khác."

Iran không muốn bị Hoa Kỳ xem là mối đe dọa. Đại sứ Iran tại Anh, Morteza Sarmadi nói chính sách của Nhà trắng là nguy hiểm.

"Dường như đang có khuynh hướng một số thế lực chính trị bên Mỹ theo đuổi chính sách hành động đơn phương. Có thể bây giờ họ nhắm tới Iran và điều này nói chung rất nguy hiểm. Trong trường hợp Iraq có lẻ chính sách này thành công, nhưng chúng ta cũng thấy kiểu chính sách như vậy bị chỉ trích nhiều lắm."

Đại sứ Iran cũng bác bỏ cáo giác của Washington là chính phủ ở Teheran cố tình che dấu các thành viên của Al Qaeda.

"Chúng tôi có chung đường biên giới rất dài với Afghanistan và Pakistan, và có một thành viên Al Qaeda đã vượt biên. Chúng tôi bắt giữ một số đông và trả họ về nguyên quán. Số người của Al Qaeda và Taleban bị bắt ở Iran nhiều hơn ở bất cứ nước nào."

Một phân tích gia trong vùng làm việc cho đài BBC, Enayat Fani nói Hoa Kỳ thật ra đã bắt đầu hành động chống lại Iran dù chỉ mới ở qui mô nhỏ.

"Người Mỹ nói chung đang đầu tư cho các chiến dịch tâm lý và họ chi ra rất nhiều tiền. Họ đã mở một đài phát thanh 24/24 hướng về Iran, họ đang tính mở đài truyền hình nữa. Mục tiêu của họ bây giờ là tâm lý chiến."

Nhân dân Iran có được giúp hay không chưa thấy chính phủ Bush nói gì. Nhưng đã có những tiếng nói nhiều ảnh hưởng ở Washington đang kêu gọi một hình thức can thiệp nào đó.(bbc)