ATHENS - Họp trong không khí khác biệt ý kiến về Iraq, Hội nghị Thượng đỉnh Athens đã chính thức nhận thêm 10 nước vào Liên Hiệp Châu Âu.

Dù quyết tâm liên kết lục địa từ Tây sang Đông đang cao nhưng Liên Hiệp Châu Âu cảnh báo rằng có những hạn chế về khả năng mở rộng của tổ chức này.

Trong không khí đón mừng trọng thể một thời điểm lịch sử, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu có xu hướng muốn đảm bảo với các nước láng giềng rằng họ sẽ không bị bỏ rơi bên ngoài.

Trong một hội nghị tụ họp cả thẩy 41 quốc gia, trong đó có cả nước Nga. Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkans, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu cam kết rằng họ sẽ không thay lằn ranh Chiến Tranh Lạnh bằng những lằn ranh mới.

Chủ tịch Ủy hội châu Âu Romano Prodi nói rằng châu Âu mở rộng không phải trong tinh thần vị kỷ và loại trừ những nước khác.

Nhưng nếu có thể dùng từ câu lạc bộ để chỉ Liên Hiệp Châu Âu giàu có hơn nhiều so với các nước cộng sản cũ, thì vé vào cửa lần này không được trao cho các nước như Ukraina và Moldova vốn thuộc Liên bang Xô Viết trước đây.

Thay vào đó, Liên Hiệp Châu Âu cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, hợp tác chặt chẽ hơn trong việc chống tội phạm và nạn buôn người, cũng như hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực giao thông và năng lượng.

Liên Hiệp Châu Âu chưa bao giờ xác định biên giới địa lý cuối cùng nhưng nay thì tổ chức này bắt đầu làm việc đó.

Nhiều người tin rằng chỉ riêng việc nhận vào thêm 10 nước mà đa số nghèo và ít dân vào năm tới đã đủ khó khăn lắm rồi.

Và như một quan chức của Đức phát biểu thì nay là lúc Eu cần dừng lại để suy nghĩ. Cũng theo ông này thì Liên Hiệp Châu Âu không nên hứa mà không giữ được lời hứa.

Có quá nhiều ứng viên

Thế những bên ngoài Liên Hiệp Châu Âu vẫn đang có rất nhất nhiều nước hy vọng đến lượt mình làm thành viên.

Rumani và Bulgaria hy vọng sẽ vào EU năm 2007.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bắt đầu đàm phán vào năm 2005 nếu như tình hình nhân quyền của họ cải thiện và Thổ Nhĩ Kỳ giúp được hai phần của đảo Síp thống nhất.

Ngay đầu năm nay Croatia cũng đã đăng ký sẽ đàm phán gia nhập EU. Bốn nước khác trong vùng Balkans cũng quyết tâm đi con đường tương tự.

Các nước này hy vọng Liên Hiệp Châu Âu sẽ cho họ biết một lộ trình rõ ràng vào Hội nghị Thượng đỉnh tới vào tháng Sáu này.