Trong vòng vài tuần qua, Ðan Mạch đã ráo riết hoạt động để lấp đi sự khác biệt giữa cái mà các nước xin gia nhập muốn và cái mà các chính phủ trong EU sẵn sàng cho.

Giải pháp dung hòa gồm có những khoản đóng góp nhẹ hơn để bảo đảm là những nước hội viên mới không trở thành những nước đóng góp chính yếu vào ngân sách của EU.

Ðiều này sẽ không thể chấp nhận được đối với các nước Cộng sản cũ, là những nước nghèo hơn nhiều so với mức trung bình của EU. Nhưng đề nghị này vẫn chưa thoả mãn các đòi hỏi của giới nông gia tại Trung Âu, bởi vì họ sẽ nhận được chỉ một phần tư ngân khoản mà nhà nông ở các nước Tây phương nhận được.

Ðể làm dịu bớt đi, Ðan Mạch đã đề nghị là các nước mới đến chỉ cần phải đóng góp tới 45 phần trăm của mức đóng góp này vào năm 2004, và mỗi năm kế tiếp đó sẽ phụ thêm vào 5 phần trăm. Nhưng sẽ không có khoản tiền mới – ngân quĩ sẽ đơn thuần được chuyển từ các trợ cấp khác của EU và từ ngân sách riêng của nước mới tới .

Thủ tướng Ðan Mạch Anders Fogh Rasmussen đã cho biết: "Tôi xin nhắc nhở quí vị là những thoả thuận này bao gồm một số nhân nhượng, những nhân nhượng quan trọng cho các nước hội viên và chúng ta tất cả đều biết là nhiều nước xin gia nhập sẵn sàng đúc kết các cuộc thương thảo trên căn bản này."

Ngân sách eo hẹp
Các lãnh đạo châu Âu có thể tỏ ra nhiệt tình với ý tưởng thống nhất châu Âu, nhưng tình thật thì tiền vẫn là điều làm cho họ bận tâm nhiều nhất. Với tình trạng trì trệ về kinh tế hiện nay, Đức và các nước khác một mực nói rằng, họ không thể chi nhiều hơn 40 tỷ euro để thực thi kế hoạch mở rộng đầy tham vọng nhất của khối.

Ứng cử viên nhiều triển vọng nhất của đợt kết nạp này là Ba Lan đang đòi thêm 2 tỷ euro cho thỏa thuận gia nhập EU, giữa lúc người dân nước cộng hòa này đang ngày càng trở nên hoài nghi hơn về những lợi ích kinh tế của việc gia nhập khối sử dụng đồng Euro.

Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Ramussen báo động trước rằng những cuộc thương lượng gay go sẽ chiếm lĩnh nghị trình, và hội nghị sẽ có thể kéo dài hơn dự tính.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ
Tuy nhiên, có vẻ như ngày càng có nhiều thành viên nhất trí rằng, EU sẽ đặt ra một thời hạn cụ thể cho Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu các vòng đàm phán để gia nhập. Trước đó tổng thống Mỹ George W. Bush đã có 1 cuộc điện đàm với thủ tướng Đan Mạch, yêu cầu lãnh đạo EU hãy có một cử chỉ rõ ràng hơn với một đồng minh quan trọng của Mỹ.

Bộ trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babajan nói: "Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ đợi những diễn biến lạc quan từ hội nghị Copenhaghen, đặc biệt là khi chúng tôi đã có thái độ chuẩn bị rất nghiêm túc. Có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ như thế trong vòng 1 thập kỷ qua."

Mọi chuyện sẽ còn tùy thuộc phần nhiều vào vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong 1 nỗ lực vào phút chót, với liên hiệp quốc làm trung gian mong đạt được 1 thỏa thuận chấm dứt tình trạng chia rẽ kéo dài từ 30 năm qua ở đảo Síp, để 1 đảo quốc thống nhất có thể gia nhập EU vào năm 2004. (BBC)