Hội nghị thượng đỉnh của liên minh châu Âu thủ đô Copenhaghen của Đan Mạch lần này có ý nghĩa quan trọng vì nó sẽ đặt dấu chấm hết cho những chia rẽ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh trên lục địa này.

10 quốc gia thuộc khối cộng sản trước đây sẽ được mời tham gia Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2004. Tuy nhiên cuộc hội nghị lại phảng phất chút không khí nặng nề vì những tranh cãi vào phút chót về chi phí mở rộng khối, và thời hạn mà các lãnh đạo EU đặt ra cho Thổ Nhĩ Kỳ để có thể bắt đầu các vòng thương lượng gia nhập.

10 nước được mời tham gia EU trong hội nghị thượng đỉnh lần này gồm có Ba Lan, Hungary, Czech, Slovakia, Slovenia, 3 nước cộng hòa vùng Baltic Estonia, Latvia và Litva, cùng các đảo quốc vùng Địa Trung Hải là Malta và đảo Síp.

Các lãnh đạo châu Âu có thể tỏ ra nhiệt tình với ý tưởng thống nhất châu Âu, nhưng tình thật thì tiền vẫn là điều làm cho họ bận tâm nhiều nhất. Với tình trạng trì trệ về kinh tế hiện nay, Đức và các nước khác một mực nói rằng, họ không thể chi nhiều hơn 40 tỷ euro để thực thi kế hoạch mở rộng đầy tham vọng nhất của khối.

Ứng cử viên nặng ký nhất của đợt kết nạp này là Ba Lan đang đòi thêm 2 tỷ euro cho thỏa thuận gia nhập EU, giữa lúc người dân nước cộng hòa này đang ngày càng trở nên hoài nghi hơn về những lợi ích kinh tế của việc gia nhập khối sử dụng đồng Euro.

Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Ramussen báo động trước rằng những cuộc thương lượng gay go sẽ chiếm lĩnh nghị trình, và hội nghị sẽ có thể kéo dài hơn dự tính.

Tuy nhiên, có vẻ như ngày càng có nhiều thành viên nhất trí rằng, EU sẽ đặt ra một thời hạn cụ thể cho Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu các vòng đàm phán để gia nhập. Trước đó tổng thống Mỹ George W. Bush đã có 1 cuộc điện đàm với thủ tướng Đan Mạch, yêu cầu lãnh đạo EU hãy có một cử chỉ rõ ràng hơn với một đồng minh quan trọng của Mỹ.

Bộ trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babajan nói: "Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ đợi những diễn biến lạc quan từ hội nghị Copenhaghen, đặc biệt là khi chúng tôi đã có thái độ chuẩn bị rất nghiêm túc. Có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ như thế trong vòng 1 thập kỷ qua."

Mọi chuyện sẽ còn tùy thuộc phần nhiều vào vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong 1 nỗ lực vào phút chót, với liên hiệp quốc làm trung gian mong đạt được 1 thỏa thuận chấm dứt tình trạng chia rẽ kéo dài từ 30 năm qua ở đảo Síp, để 1 đảo quốc thống nhất có thể gia nhập EU vào năm 2004. (BBC)