Chúng tôi vừa có một chuyến công tác trên địa bàn xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, với công việc quen thuộc là phát học bổng cho học sinh hiếu học, chia sẻ cho bệnh nhân nghèo và thăm một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn làng.

Từ sân bay Vinh, chúng tôi đến thẳng giáo họ Kẻ Sừa của giáo xứ Làng Nam trong cơn mưa khá nặng hạt, nơi đang có thánh lễ đồng tế mừng kính ngày sinh nhật Đức Mẹ. Hiệp dâng thánh lễ cùng cộng đoàn ở đây, chúng tôi mới thấy lòng đạo sốt sắng của người giáo dân, tham dự kín nhà thờ - ngôi nhà thờ mà phía trước và phía sau là đồng lúa xanh mướt. Còn thánh lễ đồng tế do quí cha thuộc Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn (là linh mục chánh xứ của một số nhà thờ trong giáo phận Vinh) và một cha xứ dòng Đa Minh cùng hiệp dâng.

Xem Hình

Chúng tôi được cha xứ và quí ông trong giáo họ mời dự tiệc buổi trưa, song ấn tượng nhất là cùng được trò chuyện với quí Sơ ngồi cùng bàn. Người Nghệ An nói giọng rất đặc biệt nên khi nghe ai nói gì, chúng tôi phải lắng tai nghe; thấy chúng tôi lóng ngóng không hiểu, một sơ khá xinh đẹp, có nụ cười tươi giòn bèn “thông dịch”, tôi chân thành nói: “Cha hoặc Sơ nói thì em còn nghe được, còn hai ông trùm Nghệ An nói chuyện với nhau, em mà hiểu thì “chết liền”! Các Sơ cười nắc nẻ vì lời thổ lộ chân thành này. Một Sơ còn giải thích cho chúng tôi về đặc sản vùng miền này như bánh đúc lá (giống như bánh giò ở Sài gòn), món cháo dê có đậu xanh...

Sau đó, cha chánh xứ Làng Nam là linh mục GB. Nguyễn Quyết Chiến và chúng tôi lên xe về nhà thờ chính của giáo xứ cách đó vài cây số. Giáo xứ Làng Nam thuộc quí cha Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn đảm trách, nằm trên địa bàn xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc; với hơn 80 năm thành lập, hiện giáo xứ có 1.700 giáo dân sinh sống tại bốn giáo họ là Làng Nam, Kẻ Sừa, Đông Thuận và Nguyệt Đàm. Tuy chỉ cách thành phố Vinh chừng 15 km và cách Tòa Giám mục Xã Đoài khoảng 7 km, nhưng nơi đây thường được kể như “vùng sâu vùng xa”. Giáo dân là những người thuần nông, sống dựa vào những thửa ruộng bạc màu nên cái nghèo luôn đi liền kề, con em có ít cơ hội đến trường. Những năm gần đây, giáo xứ đã có nhiều tiến triển, nhiều gia đình đã chuyển từ thuần nông sang làm các nghề thủ công và kinh doanh. Đặc biệt, thương hiệu “Cốm Làng Nam” đã trở thành đặc sản cho dân quanh vùng.

Quang cảnh khuôn viên nhà xứ rộng rãi, nhiều cây xanh, không những chúng tôi thích bầu khí thoáng đãng ở đây mà còn ngạc nhiên về mức độ sạch sẽ quanh nhà xứ, nhà thờ; thật tuyệt vời cho chúng tôi khi tạm trú ở đây hai ngày!

Nghỉ trưa được hai giờ đồng hồ, cha xứ lại cùng chúng tôi đi thăm những gia đình nghèo trong thôn. Con đường làng của miền bắc trung bộ rất thưa người nhưng cây cối hai bên làm chúng tôi có cảm tưởng đang đi dã ngoại. Làng quê có quang cảnh thanh bình thế mà không thiếu những hoàn cảnh quá khắc nghiệt, đáng thương. Một chị có bốn con, đứa nhỏ còn ẵm trên tay, chồng phải sang tận bên Lào làm việc kiếm sống, để chị ở nhà với bốn con thơ dại; có căn nhà khác tốc hết mái với ba đứa trẻ ở quanh đó, em gái lớn nhất đã biết thẹn thùng khi có người hỏi thăm, hỏi ra mới biết bố mẹ chúng nó vỡ nợ bỏ trốn, để lại ba đứa ở với bà ngoại, sáng ngày mai đi lễ, em được học bổng...Cha gọi mấy đứa lại chụp hình còn chúng tôi cho chúng mấy tờ tiền để mua bánh ăn làm chúng cứ cười thẹn thùng. Một bà mẹ trẻ khác cũng ôm vào lòng bốn đứa con, trong đó có hai đứa sinh đôi, hai đứa bị bệnh.

Chẳng có ai trao học bổng ở ven đường, thế mà chúng tôi đã làm điều đó với ba bà cháu khốn khổ kia vì bà đang làm lúa trên mảnh đất nhỏ, hấp tấp gọi hai thằng cháu về vì có cha đến thăm. Lại có nhà kia sinh bảy đứa con, tất cả đều đi học, khi có cha và chúng tôi đến thăm người bố trẻ xúc động òa khóc rưng rức. và một gia đình chúng tôi đến thăm lúc khuya thì chồng mới từ bệnh viện tâm thần về, còn thằng bé lớn bệnh thận, tay như hai que củi...

Sáng Chúa Nhật, chúng tôi tham dự thánh lễ cùng với các em thiếu nhi toàn giáo xứ, từ các giáo họ qui tụ về đây. Rất nề nếp nghiêm trang. Việc phát học bổng được diễn ra nhịp nhàng, tốt đẹp. Khi 30 em lên nhận học bổng thì những cháu khác nhận phần bánh ăn sáng, xem ra cháu nào cũng hớn hở. Theo chúng tôi nghĩ, giúp học bổng là chọn những vùng có các cháu ham học, những hoàn cảnh tương đối có thể vươn lên được, còn quá ngặt nghèo như ở vùng cao miền bắc thì đã có những tổ chức lớn hơn trợ giúp.

Từ nhà thờ bước ra, chúng tôi lên xe đi thăm gia đình một thành viên trong nhóm Bông Hồng Xanh; khi vào Sài Gòn dự tu, bạn này đã đồng hành cùng chúng tôi, nay bạn đã khấn trọn đời. Có đi thăm mới biết gia đình của bạn này thuộc giáo xứ Bố Sơn, có đến 3.700 giáo dân...Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, ở vùng này, người ta thường sang nước Lào mưu sinh, gia đình khá giả hơn thì tìm cách sang Đài Loan lao động; còn “nhà giàu” hơn nữa thì sang Châu Âu để lao động phổ thông. Anh tài xế nói: ‘Cô thấy nhà nào xây to thì chắc chắn là nhà ấy có người đi lao động nước ngoài”. Còn dân thường thì đa số vay tiền ngân hàng xây nhà, mua xe rồi trả dần. Người dân Nghệ An thật hiếu khách, nhưng chúng tôi phải ra về để dùng cơm trưa với cha chánh xứ Làng Nam.

Trong bữa cơm trưa Chúa Nhật, khi nghe tôi khen nức nở về nề nếp giáo xứ thì cha chánh xứ cho biết: “Khi nhận quản xứ này, tôi phải cố gắng huấn luyện các em vì vùng này nói chung, có nhiều chuyện phức tạp, luyện tập từ cách ăn nói, đến đi đứng trang phục. Hễ đến nhà thờ thì áo quần phải đoàng hoàng, cháu nào không mua được thì cha may cho. Cổ võ người lớn mặc áo dài, nam giới bỏ áo sơ-mi trong quần...thế là thành nề nếp; rồi còn tập cho sốt sắng trong việc thờ phượng nữa...”. Chúng tôi cũng đáp lời theo “cá tính” của mình: “Thôi thì một trăm con chiên, cha cũng cố gắng ôm trọn cả trăm con, đừng vì một vài con có tính cách khác biệt, hoặc độc đáo hơn mà bộc lộ sự cục bộ trong cộng đoàn vì không thể “cào bằng” trong một tập thể!”. Cha cười. Những lần dùng cơm trong nhà ăn đều có những câu chuyện “thời sự giáo xứ” làm chúng tôi rất thích.

Đặc biệt, chiều ngày Chúa Nhật, chúng tôi xuống bếp, khu riêng biệt để xem các em Thiếu Nhi Thánh Thể ở đây nấu cháo cho bệnh nhân, dưới sự “chỉ huy” của một sơ lớn tuổi. Tuy hoàn cảnh nấu nướng có phần đơn sơ nhưng nồi cháo cũng đầy đủ chất dinh dưỡng thịt xương, tim cật.... Sau đó các em mang lên xe tải chở đến bệnh viện, múc vào những chiếc ly nhựa rồi phát cho bệnh nhân. Riêng nhóm chúng tôi, trước đó đã liên hệ với các bác sĩ của Bệnh viện Lao và Phổi này để được phát phong bì tiền cho ba mươi bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Cha xứ và một người trong chúng tôi vào phát trực tiếp, nhanh gọn và thân thiện. Rồi xe lại chở cha xứ và chúng tôi đi qua con đường lớn và đường thôn để về nhà thờ.

Buổi tối, chúng tôi lại được mời “ăn cỗ” của nhà ông chánh trương. Rất “Nghệ An”, mọi người cụng ly rượu bé tí xíu, cười nói rôm rả, có cả chính quyền xã đến tham dự. Ông trưởng giáo họ Kẻ Sừa nói với tôi: “Giáo họ còn phần đất rộng, cũng muốn làm một trung tâm gì đó...”. Chúng tôi cười. Quả thật, vùng thôn quê Nghệ An đất rất rộng rãi, khuôn viên nhà thờ đi mỏi cả chân, còn nhà dân thì cách nhau cũng xa, hẳn là làm cho người dân quê Nghệ An tâm hồn cởi mở, hiếu khách.

Chúng tôi tham dự giờ chầu Thánh Thể cuối ngày Chúa Nhật cùng với giáo xứ mà thấy lòng ấm áp, như một lời từ giã giáo xứ rất sốt sắng trong việc thờ phượng.

Sáng hôm sau, trước khi ra sân bay, chúng tôi tranh thủ đi vào khuôn viên Tòa Giám Mục Vinh. Thật là đẹp và rộng rãi! Có một số chủng sinh đang dứng ở đó. Đã nhiều lần chúng tôi đọc tin tức về nhà thờ Xã Đoài, nay mới nhìn thấy tường tận, lòng không khỏi xúc động. Hình ảnh Giáo Hội trên quê hương nơi nào cũng thấy thân thương trong lòng chúng tôi.

Chúng tôi đi ngược ra bãi biển Cửa Lò của Nghệ An. Quang cảnh thoáng đãng, dãy biệt thự, khách sạn đối diện với bãi biển đẹp và sang trọng, làm chúng tôi có cảm tưởng đang du lịch một nước Đông nam á, thậm chí đẹp hơn Hồng Kông! Đi xe điện quanh bãi biển, ông tài xế cho biết thời tiết ở đây rất khắc nghiệt; nếu nóng thì nóng như “cửa lò”, còn lạnh thì tê cả tay chân!

Đi ngang thành phố Vinh để ra sân bay mới thấy sự khác biệt giữa nông thôn và thành phố của tỉnh Nghệ An. Anh tài xế cho biết, ở đây nhiều người có xe hơi, thậm chí một nhà có hai ba cái; những dãy phố có cửa hàng buôn bán sang trọng, đẹp mắt, đường phố rộng đẹp.

Chúng tôi về đến Sài Gòn với món quà trong tay là bánh cốm, đặc sản quê hương Làng Nam như đánh dấu một địa danh mà chúng tôi vừa đi qua với một tấm lòng.