Tại Hội nghị thượng đỉnh về lương thực năm 1996, lãnh đạo của trên 180 quốc gia đã đồng ý giảm phân nửa số người bị đói trên thế giới trước năm 2015.

Nhưng theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Food and Agriculture Organization (FAO) của Liên Hiệp Quốc (LHQ), hiện chưa có sự tiến bộ nào cả, trên thế giới vẫn còn khoảng 840 triệu người không đủ ăn, tức là vẫn y như hồi năm 1996.

Tuy nhiên theo Tổ chức Lương Nông, tình hình một số nơi có cải tiến, thí dụ như Trung Quốc, số người suy dinh dưỡng giảm đi được 74 triệu.

Trong khi một số nơi khác lại tệ hại hơn, thí dụ như Cộng hòa Dân chủ Congo, số người nghèo đói đã tăng gấp ba. Theo LHQ, đói thường xuyên là vì nghèo, nhưng thiên tai, nội chiến, hay bất ổn chính trị và kinh tế cũng đóng một vai trò quan trọng ở đây.

Bản báo cáo của Tổ chức Lương Nông LHQ nhấn mạnh đến cái họ gọi là 'đói ngầm’ tức là trường hợp trong thực phẩm không có đủ chất dinh dưỡng, một tình trạng tác động đến 2 tỉ người trên thế giới. Phụ nữ và trẻ em đặc biệt có nhiều nguy cơ, bởi vì 140 triệu trẻ em không có đủ vitamin A nên có thể làm cho các em bị mù.

Để đối phó với nạn đói, LHQ phát động một chương trình chống đói với mục đích gia tăng đầu tư vào các nước đang phát triển 24 triệu đôla mỗi năm với hy vọng từ nay đến năm 2015 giảm được phân nửa số người bị đói trên thế giới.

Liên Hiệp Quốc ước tính nếu đạt được mục tiêu đó thì kinh tế thế giới sẽ tăng 120 tỉ đôla nhờ dân chúng khỏe mạnh và sống lâu hơn. (BBC)