TIẾT B. PHÉP KỴ HÚY TẠI VIỆT NAM

Việt Nam bị lệ thuộc Trung Quốc từ đời nhà Hán đến đời nhà Đường, đồng thời bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nên Việt Nam cũng áp dụng tục kỵ húy như tại Trung Quốc.

1. Lịch Sử Phép Kỵ Húy Tại Việt Nam: Đọc cổ sử, từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều đại Lê Đại Hành (980-1005), ta không thấy sử liệu nào đề cập đến vấn đề kỵ húy. Sau đời Lê Đại Hành, sử Việt bắt đầu ghi chép tục lệ này. Ta lần lượt duyệt qua từng triều đại:

a. Thời vua Lê Ngọa Triều (1005-1009): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho ta một chi tiết nhỏ như sau: Mậu Thân, niên hiệu Cảnh Thụy năm thứ nhất (1008) vua thân đi đánh hai châu Đô Lương, Vị Long bắt được người Man và vài trăm con người, sai lấy gậy đánh, người Man đau quá kêu gào, nhiều lần phạm tên húy của Đại Hành, vua thích lắm.

Qua câu văn trên, ta thấy tục lệ kỵ húy đã có tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng chưa được coi trọng.

b. Sang đến nhà Lý (1010-1225): Không có sử liệu nào cho biết triều đại này có áp dụng phép húy hay không và phải kiêng tránh những chữ nào. Chỉ có tài liệu nói năm Kỷ Mùi, niên hiệu Thuận Thiên thứ 10 (1019), vua Lý Thái Tổ cho lập thái miếu ở lăng Thiên Đức. Với tài liệu gián tiếp này, ta có thể suy đoán là triều Lý cũng có tục kỵ húy vì phép húy có liên hệ đến việc thờ cúng tổ tiên, tức việc thờ các vua tiền nhiệm trong thái miếu.

c. Đến đời nhà Trần (1225-1413): Phép húy được quy định rõ ràng và mở rộng. Năm 1232, Trần Thái Tông ban bố các chữ quốc húy và miếu húy. Đồng thời, trong mưu đồ tận diệt nhà Lý, Trần Thái Tông bắt đổi triều Lý thành triều Nguyễn, với lý do kỵ húy tên của nguyên tổ là Lý. Sang đời vua Trần Anh Tông, năm 1294, vua ban bố các chữ quốc húy:

Chữ húy của vua là Thuyên, của Nhân Tông là Khâm, của Thánh Tông là Hoảng, của Thái Tông là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa, của Nguyên Tổ là Lý. Các chữ nội húy: Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuận Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Thánh hoàng hậu là Hâm.

Năm 1298, niên hiệu Hưng Long, nhà vua ban thêm hai chữ húy là Ngụy và Châu.

Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long 1290, nhà vua ban thêm các chữ húy của Khâm Minh Đại Vương là Liễu, Thiện Đạo quốc mẫu là Nguyệt. Hai chữ Liễu và Nguyệt khi làm văn không được dùng đến. Các chữ Ngụy, Thấp, Nam, Càn, Tô, Tuấn, Anh, Tảng khi làm văn, phải viết bớt nét. Nhà Trần bắt đầu kiêng húy tên họ ngoại từ đây.

Gần 100 năm sau, năm 1395, vua Trần Thuận Tông (Tr.v.1388-1398) bỏ húy chữ Nguyệt và Nam, cho dùng lại như cũ.

Qua việc định phép húy trên đây, ta thấy nhà Trần quy định rất minh bạch và mở rộng phạm vi kỵ húy. Đến khi tha húy, triều đại này cũng ra sắc lệnh rõ ràng.

d.Sang triều đại hậu Lê (1428-1788): Vua Lê Thái Tổ (1428-1433) ra lệnh về vấn đề kỵ húy được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi như sau:

Ngày 20 ban các chữ húy tông miếu và chữ húy tên vua. Tất cả các chữ chính húy khi viết đều không được dùng, nếu đồng âm mà khác chữ thì không phải húy. Húy tông miếu có 5 chữ: Hiển Tổ Chiêu Đức Hoàng Đế húy là Đinh, Hiển Tổ Tỷ Gia Thục Hoàng Thái Hậu húy là Quách, Tuyên Tổ Hiến Văn Hoàng Đế húy là Khoáng, Trinh Từ Ý Văn Hoàng Thái Hậu húy là Thương, Húy của vua là Lợi, của hoàng hậu là Trần, của anh vua là Học.

Đời Lê Thái Tông (1433-1442), năm 1435, vua quy định không được viết những chữ chính về miếu húy hay ngự danh. Ai có họ tên trùng với chữ húy của Cung Từ Quốc Thái Mẫu là Trần nên phải đổi thành Trình. Đời Lê Nhân Tông (1442-1459), năm 1443, vua ban bố hai chữ húy. Tên vua là Cơ, tên húy của hoàng hậu là Anh, cộng với miếu húy, tất cả là 7 chữ.

Đời Lê Thánh Tông (1460-1497), năm 1462, khi ấn định phép thi Hương, nhà vua ra lệnh: Chữ húy của quốc triều nếu hai chữ liền nhau thì đều không được dùng, nếu rời ra chữ một thì cũng cho dùng thay chữ khác, khuyên ở bên ngoài.

Đời Lê Chiêu Tông (1516-1522), năm 1517, vua sai Lễ bộ thượng thư Đàm Thận Huy hiệu đính miếu húy và ngự danh. Miếu húy gồm 20 chữ, ngự danh là hai chữ Ỷ và Huệ. Những chữ húy khi làm văn hay khắc in sách đều không cấm, nhưng khi đọc phải tránh.

Dưới thời Nam Bắc phân tranh, sử cũ không thấy nói chúa Trịnh, chúa Nguyễn buộc dân chúng phải kiêng húy tên nào. Nhưng ngoài dân gian, tại miền Bắc, vì kỵ húy tên Tây Vương của Trịnh Tạc mà huyện Tây Châu đổi là huyện Nam Châu. Tại miền Nam, vì tránh tên Vũ Vương của chúa Nguyễn Phúc Khoát mà người miền Nam đọc vũ thành võ, tránh tên chúa Nguyễn Phúc Chu nên đọc chu thành châu, phúc thành phước.

e. Triều đại nhà Nguyễn (1802-1945): Nhà Nguyễn cũng như các triều đại trước, luật kỵ húy được mở rộng và áp dụng một cách nghiêm nhặt, bắt dân gian phải tránh tên các vua đang trị vì, các vua tiền nhiệm, và các bà vợ vua. Ngoài ra, nhà Nguyễn còn bắt các thí sinh không được dùng tên các cung điện, lăng tẩm nhà vua. Ví dụ để tránh chữ Long trong niên hiệu Gia Long và Mạng trong niên hiệu Minh Mạng mà người miền Huế phải đọc long thành luông, mạng thành mệnh. Vừa lên ngôi được một năm, năm 1803, vua Gia Long liền cho khôi phục chế độ kiêng húy. Sách Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn ghi lại sắc lệnh này như sau: Sắc bộ Lễ kính gửi chữ húy cho khắp trong ngoài, phàm tên người, tên đất, giống chữ thì đổi đi, làm văn thì tùy theo ý nghĩa mà thay chữ khác.

Đời Gia Long quy định các chữ sau đây thuộc loại trọng húy: Chủng, Noãn, Ánh, Luận, Hoàn, Lan. Khi đọc phải tránh âm, khi viết phải dùng chữ khác. Riêng các chữ Khang, Khoát, Thuần thuộc loại khinh húy khi đọc phải tránh âm, khi viết thêm bộ xuyên trên đầu. Bộ xuyên trên đầu các chữ kỵ húy thường được các sử gia ngày nay gọi là dấu nháy.

Ngoài ra, ngay khi lên ngôi, năm 1804, vua Gia Long cho xây Triệu Miếu ở kinh đô Huế để thờ vị tổ khai sáng là Nguyễn Kim và Thái Miếu để thờ các chúa Nguyễn được truy tôn lên chức vị Hoàng Đế. Đến đời Minh Mạng, năm 1821, ông vua này lại cho xây Hưng Miếu để thờ thân phụ vua Gia Long, tức Nguyễn Phúc Luân và bà vợ, đồng thời cũng cho xây Thế Miếu để thờ Vua Gia Long. Việc xây bốn miếu thờ nói lên việc nhà Nguyễn coi trọng phép kỵ húy. Qua các đời vua, phép húy ngày càng được bổ sung và đến thời Tự Đức (1848-1883), phép húy được coi là chặt chẽ nhất. Bằng chứng là người trong tôn phả phải tránh cả đến những tên cháu chắt hoàng tử, hoàng tôn, hoàng muội. Sách Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ ghi lại khoản luật này như sau:

“Phàm người trong tôn phả mà có tên đồng âm với quốc húy và người phụ nữ trong Tôn thất trùng tên với nhau, đều phải chọn chữ đổi lại. Ðến như vợ lẽ các phủ và vợ cùng con gái là người Tôn thất, nếu đồng âm với quốc húy cũng như con gái họ Tôn thất cùng hoàng tử hoàng tôn, hoàng nữ, hoàng muội mà tên trùng nhau thì cũng đều tiến hành trình lên phủ để đổi lại và ghi vào tôn phả.

Ngày mai: Các phương pháp tránh phạm húy tại Việt Na