TIẾT C: TÔN GIÁO VÀ CHÍNH QUYỀN ẢNH HƯỞNG ÐẾN TÊN CHÍNH NGƯỜI TÂY PHƯƠNG

Trong tiết này, ta tìm hiểu bốn vấn đề: (a) vai trò của tôn giáo, (b) luật lệ của các chính quyền Âu Châu, (c) luật lệ Anh, Mỹ, (c) vấn đề đổi tên tại tây phương.

1. Vai Trò Của Tôn Giáo: Hệ thống tên tại Âu Châu chịu ảnh hưởng bởi những khoản giáo luật của hai tôn giáo: Công Giáo và Tin Lành.

a. Luật lệ của Giáo Hội Công Giáo: Vấn đề này đã được trình bày chi tiết trong chương một, đoạn nói về Tên Thánh Của Người Công Giáo Việt Nam. Tuy nhiên, để quý độc giả tiện theo dõi, chúng tôi xin tóm lược như sau: Theo tập tục của đế quốc La Mã, khi người nô lệ được giải phóng, họ sẽ nhận tên chủ cũ làm tên của mình. Tuy nhiên, với người Công Giáo, họ không nhận tên chủ cũ mà nghe theo lời giáo huấn của giáo hội lấy tên các thánh trong Tân Ước, hay tên những vị thánh tử đạo làm tên riêng. Lời giáo huấn ấy được nói rõ trong công đồng Nicaea của Công Giáo họp năm 325. Công đồng quy định rằng, khi đặt tên, người Công Giáo không được phép lấy tên thần thánh của tôn giáo khác, mà phải lấy tên các thánh do Giáo Hội Công Giáo tấn phong hay thừa nhận.

Đến thời công đồng Tridentinô họp từ năm 1545 đến 1563, giáo hội Công Giáo lại một lần nữa xác định lập trường phải chọn tên thánh do giáo hội tấn phong làm tên chính thức. Công đồng cũng lưu ý các linh mục chủ sự nghi lễ rửa tội là nếu cha mẹ cố tình đặt tên không hợp tinh thần Kitô Giáo, thì phải tự động thêm vào tên người đó một tên thánh, và coi đó là tên thứ hai.

Tinh thần công đồng Tridentinô tiếp tục được duy trì trong bộ giáo luật ban hành năm 1917. Đến bộ giáo luật năm 1983, người ta không còn thấy điều khoản nào buộc người Công Giáo phải nhận tên thánh nữa, mà chỉ khuyến cáo rằng: Cha mẹ, người đỡ đầu và cha sở phải lo liệu để đừng đặt một tên không hợp với ý nghĩa Kitô giáo. Luật lệ là như thế, nhưng tại Ý, đất nước có Toà Thánh Vatican, có rất nhiều người mang tên các danh nhân và thần thánh La Mã xưa như đại đế Cesare, thần Venus, văn hào Cicero.

b. Luật lệ của Giáo Hội Tin Lành: Khi các giáo hội Tin Lành, đặc biệt là phái Thanh Giáo, tách ra khỏi Công Giáo, thì luật lệ và tập tục đặt tên người tây phương cũng thay đổi theo. Trước đây, chỉ những tên thánh được Giáo Hội Công Giáo thừa nhận mới trở thành tên chính. Đến khi giáo phái Tin Lành xuất hiện vào thời Trung Cổ, thì giáo phái này đi ngược lại Công Giáo trong vấn đề đặt tên. Trước hết, họ không chấp nhận những tên thánh do vị Giáo Hoàng La Mã tấn phong, cũng không chấp nhận tên thần thánh trong huyền thoại. Sau đó, họ nhận tất cả những tên trong kinh thánh Tân Ước và Cựu Ước, đồng thời biến các từ ngữ có ý nghĩa trong kinh thánh thành tên. Ví dụ Patience: nhẫn nại, Grace: duyên dáng, Truth: sự thật, Rejoice: vui mừng, Experience: kinh nghiệm, Deliverance: giải thoát, Tribulation: nỗi đau khổ, Peace: hòa bình, Silence: im lặng, Faith: đức tin, Hope: hy vọng, Charity: bác ái, Mercy: lòng nhân từ, Virtue: nhân đức.

Quan niệm rộng rãi này dẫn tới chuyện nhiều người Thanh Giáo thời Trung Cổ đặt tên rất dị kỳ như: Hate–evil: Ghét ma qủy, Sorry-for-sin: Tha thứ vì tội. If-Christ-had-not-died-for-thee-thou-would-have-been-dammed: Nếu Chúa không chết vì anh thì anh đã bị phạt đời đời rồi. Hiện tượng dị kỳ trên chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, giáo phái Tin Lành đã làm cho kho tàng tên người tây phương trở nên phong phú hơn.

2. Luật Lệ Của Các Quốc Gia Âu Châu: Như vừa trình bày, tên người tây phương bị ràng buộc hàng nghìn năm bởi hai tôn giáo là Công Giáo và Tin Lành. Nhưng, sau cuộc cách mạng Pháp năm 1789, đạo đời thành hai lãnh vực riêng biệt, thì một số dân Pháp không theo giáo huấn của giáo hội nữa, tự do chọn lựa tên. Kết quả là hệ thống tên Pháp cũng lâm tình trạng quá trớn như dân Anh thời Thanh Giáo. Chẳng hạn, có người đặt tên là Mort aux Aristocrates: Aristocrates phải chết, Racine de la Liberté: Racine của tự do, Café Billard: cà phê có trò chơi billard.

Để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn này, năm 1803, chính quyền Pháp thông qua đạo luật, theo đó, người Pháp chỉ được chọn những tên có trong danh sách được chính phủ chấp thuận. Theo danh sách này, những tên đã có trong lịch sử, hoặc tên những vị thánh được giáo hội Công Giáo kính nhớ mỗi ngày trong năm, mới được chính thức thừa nhận. Các quốc gia tây phương khác như Đức, Nga, Tiệp v.v.. đều có đạo luật tương tự như Pháp để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia.

Một vụ án nổi tiếng ở Pháp liên quan đến vấn đề tên là gia đình ông Jean-Jacques Le Goarnic có 6 người con tên là Adraboargen, Maiwenn, Gwendal, Diwezha, Sklerjen và Brann. Tất cả các tên trên đều không có trong danh sách chính thức của chính phủ Pháp nên khi ông Le Goarnic và 6 con xin nhập Pháp tịch, ông bị bác đơn vì lý do tên không hợp lệ. Ông đưa vấn đề ra toà án quốc tế. Vụ án kéo dài trong 25 năm và sau cùng ông và con ông mới được nhập Pháp tịch.

Một đứa chắt của chúng tôi sinh tại Đức, bố cháu đặt tên là Sofia Nguyễn Phạm. Văn phòng hộ tịch thành phố đã thắc mắc tên đệm Nguyễn. Cháu chúng tôi đã giải thích và sau cùng văn phòng hộ tịch mới chấp nhận.

3. Luật Lệ Của Anh Mỹ: Anh và Mỹ là 2 quốc gia tây phương duy nhất tôn trọng quyền tự do tuyệt đối của cá nhân trong việc lựa chọn hay thay đổi tên chính, trừ trường hợp sự thay đổi đó có mục đích gian lận. Sự tôn trọng này đưa đến kết quả là tạo ra vô số những vụ án thay đổi tên với lý do không chính đáng. Đồng thời số tên tại Hoa Kỳ tăng tới mức hàng vạn, vì một tên có thể biến ra hàng trăm tên mới. Ví dụ tên Catherine xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là tinh tuyền. Các quốc gia Âu Châu, nước nào cũng có tên Catherine dưới hình dạng khác nhau, nhưng tại Hoa Kỳ, tên Catherine có 190 dạng biến thể. Xin trích một vài biến thể để làm ví dụ Catherine, Cait, Caitrinn, Catarina, Cathleen, Karena, Kathy, Kitty, Trina, Trine, Yekatrin, Yekatrina v.v… Lý do một tên biến ra nhiều hình thức khác nhau là vì người Hoa Kỳ không muốn tên mình giống tên người khác.

Ngoài ra, dân Mỹ lại có quyền sáng tạo tên mới, không cần biết chính phủ chấp thuận hay không. Người sáng chế ra tên mới thường chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn tên đó có tạo ra âm thanh hài hòa, dễ nghe không. Ví dụ tên Gwyned không có trong từ điển nào, nhưng đã thấy trong xã hội Mỹ. Hiện tượng sáng tác tên mới khá phổ biến tại Hoa Kỳ.

4. Việc Đổi Tên Tại Tây Phương: Các nước tây phương áp dụng luật hộ tịch rất sớm nên dân chúng không có lệ tự tiện đổi tên như tại Trung Quốc và Việt Nam. Muốn đổi tên, phải làm đơn, nêu rõ lý do. Sau khi quan tòa phán quyết, họ mới được đổi tên. Khi có tên mới phải báo cáo cho các cơ quan: sở an sinh xã hội, sở tín dụng, nha lộ vận để điều chỉnh giấy tờ cá nhân Thủ tục rất rắc rối nên đổi tên là một dịch vụ của các luật sư tại Hoa Kỳ. Việc đổi tên thường bắt nguồn từ các lý do sau đây:

a. Đổi tên vì bị bó buộc. Tại tây phương, dưới thời quân chủ, vua có quyền bắt thần dân trong nước đổi tên. Quyết định này thường nhắm mục tiêu đồng hóa các sắc dân thiểu số. Năm 1654, vua Philip IV bắt các người thuộc sắc dân Moors, sống trong vương quốc Tây Ban Nha phải đổi tên theo hệ thống Tây Ban Nha. Năm 1848, chính quyền Hung Gia Lợi ra lệnh cho những người có tên họ Ðức, phải cải sang họ của Hung Gia Lợi.

Năm 1899, tại Đan Mạch, vì có quá nhiều tên giống nhau nên chính quyền khuyến khích dân chọn những tên ít người dùng tới, bằng cách giảm tiền lệ phí khi đổi tên.

Khi xưa tại Hoa Kỳ, chính quyền bang Pennsylvania ra luật định rằng, người Đức muốn được nhận công điền công thổ, phải đổi cách viết tên, không được viết theo kiểu Đức mà phải viết theo kiểu Anh ngữ.

Năm 1938, chính quyền phát xít Ý ra lệnh người dân chỉ được đặt một tên do chính phủ quy định. Khi muốn đổi tên, phải chịu biện pháp chế tài.

b. Đổi tên vì tự ý: Đổi tên vì tự ý thường bắt nguồn từ việc cá nhân cảm thấy không thoải mái với tên cũ. Học sinh sẽ đòi cha mẹ đổi tên, nếu ở trường các em bị bạn học chế diễu. Đổi tên vì tự ý có rất nhiều lý do. Ví dụ tại một phiên tòa ở Detroit, Michigan, quan tòa yêu cầu ông Antoni Przybysz cho biết lý do tại sao ông đổi tên. Ông trả lời: Có người gọi tôi là Anthony, người gọi Tony, người khác gọi Anton. Vậy để tránh lẫn lộn, tôi xin đổi sang Clinton Przybysz. Tại Colorado, ông Patrick Francis Butler xin tòa cho đổi sang tên Patrick Francis Rameses với lý do là thần linh báo mộng cho biết, ông thuộc hoàng tộc Rameses II ở Ai Cập. Tòa đã chấp thuận cho ông Butler đổi tên.

c. Đổi tên vì an toàn cá nhân. Khi một nghi can bị kết án, nếu phạm vào tội ác mà cả xã hội ghê sợ, những người có tên giống phạm nhân thường xin đổi sang tên khác vì sợ bị hiểu lầm là có liên hệ gia đình. Trường hợp điển hình là khi Al Capone, chúa trùm băng đảng tội phạm Mafia, bị kết án tử hình ở Hoa Kỳ, thì cả gia tộc Capone đã xin đổi sang tên khác.

Trước khi nhà độc tài Adolf Hitler (1889-1945) lên cầm quyền ở Đức, người ta thấy trong cuốn niên giám điện thoại ở một quận hạt thành phố New York có 11 tên Hitler, và 2 tên Hittler. Khi thế chiến chấm dứt, Adolf Hitler bị chết, người ta không thấy tên Hitler nào nữa.

Năm 1939, tại thành phố San Francisco có vụ nghệ sĩ Hilaire Hiler kiện nhà xuất bản, đòi bồi thường 100,000. Mỹ Kim vì trong cuốn sách hướng dẫn du lịch, đã viết sai tên ông thành Hilaire Hitler, giống tên nhà độc tài Đức.

Tại Nga, tên Trotsky rất phổ biến, nhưng khi nhân vật Leon Trotsky (1879-1940) bị đảng Cộng Sản Nga kết án phản quốc thì nhiều người dân Nga có tên Trotsky đã đổi sang tên khác, sợ bị vạ lây.

Theo Giáo sư J.N. Hook, thời đệ nhất thế chiến, Đức là kẻ thù của Mỹ nên những người Mỹ gốc Đức sợ bị trả thù nên đổi tên Đức sang tên Mỹ. Điều đáng chú ý là tên mới có ý nghĩa như tên cũ. Braun/Brown: nâu, Koch/Cook: đầu bếp, Koenig/King: vua, Schneider/Taylor: thợ may.

d. Đổi tên để hưỏng lợi lộc: Nếu cha mẹ đẻ không làm di chúc rõ rệt, thì người con gái muốn hưởng gia tài phải đổi tên để phù hợp với tên cũ của gia đình vì khi lấy chồng, tung tích cô bị xoá sạch, không còn dính dáng với gia đình cũ. Cô chỉ giữ mỗi tên cái, và lấy tên họ nhà chồng thay tên họ của cô.

Tài liệu đổi tên để hưởng lợi có rất nhiều nơi tòa án. Xin đan cử trường hợp nha sĩ đoàn Hoa Kỳ kiện bác sĩ nha khoa Edgar Parker vì quảng cáo là Dr. Painless Parker, tức bác sĩ chữa răng không đau. Họ kiện vì theo luật hành nghề, người chủ phải dùng tên chính thức. Ông bác sĩ liền xin đổi tên và trở thành bác sĩ Painless Parker, với hàm ý nha sĩ Parker chữa răng không đau.

Giáo sư J.N. Hook cho biết, khi làm ăn buôn bán tại Mỹ, nhất là thực hiện các chương trình quảng cáo thương mại trên truyền hình, người Do Thái thường đổi tên để tránh sự tẩy chay của phong trào bài Do Thái.

e. Đổi tên để phù hợp với nghề nghiệp. Trường hợp này áp dụng cho các minh tinh màn bạc, ca sĩ. Kinh đô điện ảnh Hollywood là nơi đẻ ra những tên vừa hay, vừa gợi cảm. Khi Hollywood khám phá ra tài năng mới, họ có sẵn một danh sách tên để đặt cho các tài năng mới. Sau đây là tên một vài tài tử Hoa Kỳ đã đổi tên:

Tên tài tử/ Tên nguyên thủy

Joan Crawford/ Lucille Le Sueur

Cary Grant/ Archibald Leach

Judy Garland/ Frances Gumm.

Gilbert Roland/ Luis Antonio Demoso De Alonzo

Các nhà trí thức thời Trung Cổ như Đan Mạch, Đức, Hòa Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ có phong tục La tinh hóa tên mình bằng cách thêm tiếp vĩ ngữ IUS hay US. Ví dụ nhà thảo mộc học Thụy Điển có tên tên thực là Karl Linné (1707-1778) đã La tinh hóa thành Linnaeus Carolus. Nhà toán học Đức Nicolaus Kaufmann thành Mercator. Nhà thần học Đức Schawarzert đổi thành tên Hy Lạp là Melanchton. Nguyên nhân nhận tên Latin hay Hy Lạp là vì hai thứ tiếng này được các nhà khoa học trên thế giới coi là thứ ngôn ngữ chung của họ.

f. Đổi tên vì lý do tôn giáo: Các Giáo Hoàng của đạo Công Giáo, từ vị tiên khởi là Phêrô, đến vị Giáo Hoàng đương thời là Gioan Phaolô đệ II, vị nào cũng nhận tên mới trong ngày lễ đăng quang. Ví dụ vị hồng y người Ý Angelo Giuseppe Roncalli (1881-1963), khi lên ngôi Giáo Hoàng, đã đổi tên là Gioan XXIII. Tập tục này, theo bách khoa từ điển Britannica, là bắt chước việc Chúa Giêsu đổi tên ông Simon thành Petrus, nghĩa là đá, khi đặt ông này lên ngôi vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo. Theo Elsdon C. Smith, các vị Giáo Hoàng cũng như vua chúa Âu Châu chỉ có tên chính mà không có tên họ, ví dụ Phaolô VI, vua Frederick I. Sở dĩ như vậy vì Âu Châu thời Trung Cổ có tập tục vua, qúy tộc, giới chức cao cấp của giáo hội được đặc quyền chỉ dùng tên chính. Hoàng gia Anh mới nhận tên lâu đài Windsor làm tên họ từ năm 1917. Các tu sĩ nam nữ Kitô Giáo thời Trung Cổ, khi chịu chức thánh hay khấn hứa trọn đời, cũng có phong tục đổi tên. Tên đó là tên vị thánh. Tục lệ này cũng giống trường hợp các tu sĩ Phật Giáo lấy họ Thích đặt trước pháp hiệu của mình. Tục đổi tên còn chứng tích nơi các sư huynh Công Giáo Việt Nam như các thầy dậy của tôi là sư huynh Boniface, Léopold, Jourdain, Félicien. Và khi còn nhỏ, tôi được các dì phước Isabelle, Madeleine dòng thánh Phaolô dậy dỗ.

Các người Hoa Kỳ khi cải sang Hồi Giáo, thường lấy tên mới giống như tên của các nước Hồi Giáo như Arab Saudi. Ví dụ vô địch thế giới quyền Anh hạng nặng là Cassius Marcellus Clay Jr. (1942- ), khi cải đạo sang Hồi Giáo, đã lấy tên là Muhammed Ali. Danh thủ bóng rổ của đội Lakers là Ferdinand Lewis Alcindor Jr. (1947- ) theo đạo Hồi vào năm 1971, lấy tên là Kareem Abdul Jabbar. Ngày 8 tháng 5 năm 2002, chính quyền Hoa Kỳ bắt giữ nghi can người Hoa Kỳ gốc Costa Rica tên là Jose Padilla vì tội âm mưu cho nổ bom nguyên tử cấp thấp (dirty bomb). Ông này là trùm du đãng, bị tù và sau khi ra tù theo đạo Hồi, lấy tên là Abdullah Al Mujahir.