Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã chào đón từng nguyên thủ quốc gia tại trung tâm hội nghị giữa lúc hàng ngàn cảnh sát bao bọc khu vực cấm vào xung quanh hội nghị.

Mục đích cuộc họp là giảm thiểu các khác biệt xung quanh một dự thảo hiến pháp được soạn ra nhằm tương ứng với việc mở rộng EU năm sau – từ 15 nay chuyển thành 25 thành viên.

Đa phần trong dự thảo được dự kiến sẽ thông qua, nhưng các khác biệt nghiêm trọng sẽ phải được giải quyết trong những tháng tới liên quan việc ai nắm quyền lực và duy trì ảnh hưởng tại Liên hiệp.

An ninh và chi phí tổ chức cho hội nghị kéo dài một ngày dự kiến tốn khoảng hơn 17 triệu đôla.

Nó diễn ra tại vùng ngoại ô Eur, khởi thủy do Benito Mussolini hình thành, và được chọn vì các đường phố rộng ở đây có thể dễ dàng kiểm soát chống lại những người phá rối.

“Đấu tranh hoặc thua cuộ̣c”

Lãnh đạo các nước châu Âu tụ tập ở bàn tròn tại địa điểm diễn ra hội nghị với mục đích bày tỏ quan điểm từng nước. Sau đó họ sẽ đi ăn trưa và để lại các vị ngoại trưởng, những người sẽ bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên.

Cuộc họp hôm thứ bảy sẽ thể hiện liệu ông Berlusconi có đạt được mục tiêu hoàn tất bản hiến pháp trước lúc kết thúc nhiệm kì chủ tịch EU của Italy vào tháng 12.

Một vài nước nhỏ hơn sợ họ sẽ mất tiếng nói của mình và đang chống lại một số đề xuất.

Các nhà phân tích dự đoán các đàm phán sẽ kéo sang tận năm sau khi mà các nước cố bảo vệ quyền lợi của nước mình.

Thủ tướng Ba Lan Leszek Miller có vẻ sẵn sàng cho các đàm phán căng thẳng khi nói đầu tuần này: “Nếu không chiến đấu, bạn sẽ thua.”

Dự thảo hiến pháp được đưa ra hồi tháng Sáu sau 16 tháng tranh luận dưới sự chủ trì của cựu tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing.

Ngoại trưởng Ba Lan Wlodzimierz Cimoszewicz nói với đài BBC: “Dự thảo đề xuất một sự thay đổi hệ thống lớn.”

“Theo chúng tôi...[hệ thống mới] tồi tệ hơn khi xét từ quan điểm về sự đoàn kết châu Âu và sự gắn kết của liên hiệp. Chúng tôi không thấy có lý do để chấp nhận không hạn chế chúng.”

Nhiều thành viên cũng không vui về đề xuất cắt giảm số ủy viên EU còn 15 người, vì sợ một sự mất ảnh hưởng. Hiện tại có 20 ủy viên, và sẽ có tổng cộng 25 một khi các thành viên mới của EU gia nhập.

Anh quốc cũng có một loạt quan ngại, bao gồm các đề xuất tước đi quyền phủ quyết về chính sách an sinh xã hội và thuế. Anh cũng lo về các đề xuất hội nhập các lực lượng quốc phòng châu Âu, vì sợ như thế sẽ thách thức vai trò của Nato.

Các thành viên cũng bất đồng về việc liệu hiến pháp có nên trực tiếp nhắc tới Thượng đế, Thiên chúa giáo hay tôn giáo.

Một vài quốc gia Thiên chúa giáo La mã, đặc biệt Ba Lan, Tây Ban Nha và Italy, đòi phải nhắc đến tôn giáo, nhưng Pháp kịch liệt phản đối. (BBC)