Chúa Nhật 7 Phục Sinh B ( Tđcv 1, 15-17,20a.20,26; 1Ga 4, 11-16; Ga 17, 11b-19).

Lời nguyện tha thiết của Chúa Giêsu nói lên tình yêu thương chan chứa mà Chúa đã dành cho loài người. Tất cả qui về tình yêu. Chính Chúa đã kết hợp chúng ta như cây nho và cành nho. Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống để cứu độ chúng ta. Nay Chúa lại muốn cho chúng ta được nên một trong Chúa. Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: Lạy Cha Chí Thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho con, để chúng được nên một như Ta (Ga 17,11). Thánh Gioan diễn tả rằng: Thiên Chúa là tình yêu và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy. Yêu nhau là muốn ở gần và ở bên nhau. Yêu là muốn kết hợp gắn bó với nhau. Chúa Giêsu muốn chúng ta nên một như sự liên kết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hợp nhất nên một, có nghĩa là nhiều thứ khác biệt kết thành một. Con số một tượng trưng sự kết hợp duy nhất từ một trăm điều, một ngàn thứ, một triệu sự, một tỷ người...đều là một. Chúng ta sống trong một gia đình, kết hợp thành một nhóm, xây dựng một cộng đồng, sống trong một quốc gia, cùng tin vào một tôn giáo và chung hưởng một thế giới tự do. Muôn giọt nước tạo thành một dòng suối chảy. Muôn nguồn sông, nguồn suối chảy dồn về một đại dương. Tất cả muôn vật được hình thành trong sự quan phòng của một Đấng Sáng Tạo. Như các tín hữu tuyên xưng: Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người Eph 4, 5-6).

Trong thân xác một con người bao gồm các chi thể và nhiều bộ phận khác nhau. Chúng ta kinh nghiệm trong thân xác của mình, nếu có một bộ phận trong người bị đau yếu, ngưng đọng, tắc nghẽn sẽ làm cả thân xác bải hoải và mệt nhoài. Cho dù chỉ là một cái dằm hay một chiếc gai nhỏ đâm vào da thịt, chúng ta đã cảm thấy nhói đau cả một thân xác. Một vết thương đau ảnh hưởng cả toàn tâm, sinh, lý của một con người. Các bộ phận tuy khác biệt nhưng cùng chung hưởng một nguồn sống. Thánh Phaolô viết: Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể (Rm 12, 4-5).

Quan sát vũ trụ qua kính viễn vọng, các nhà thiên văn đã ngắm nhìn một vũ trụ bao la kết hợp trong những giải thiên hà, ngân hà và các hệ hành tinh. Tất cả vũ trụ đều theo một qui luật di chuyển và hỗ tương. Sự sống của muôn loài cũng thế, tuy khác biệt về hình dạng và cơ cấu sinh hóa nhưng cùng chung một nguồn sự sống. Vũ trụ muôn loài đều qui về một mối và có cùng một nguyên cội. Chúng ta gọi là đệ nhất nguyên nhân. Tất cả mọi vật và mọi loài đều có cội nguồn và có gốc có tổ. Lần bước qua các thế hệ, con người có thể tìm về cội nguồn qua nguyên lý nhân qủa. Cùng một cội tổ nên mọi loài đều có cùng chung một định luật sống, một khuynh hướng và một cùng đích.

Khi mọi thành phần trong cơ cấu lưu chuyển hài hòa và ăn khớp với nhau thì sự vật di động đều hòa, máy móc chạy tốt và thân xác khỏe mạnh. Chúng ta có thể kinh nghiệm trong các công nghệ sản xuất giây chuyền, mọi bộ phận phải sinh họat đúng khớp, đúng lúc và đúng luật mới tạo ra những thành qủa sản xuất tốt. Hợp nhất trong hỗ tương. Đây là quy luật chung cho tất cả mọi loài mọi vật. Các thành phần không thể tách rời nhau nhưng dính kết với nhau một cách hài hòa đồng điệu. Bất cứ một vật dụng máy móc nào cũng vậy cần có sự liên đới và vào khớp với nhau như sợi giây xích khớp vào răng.

Sự hợp nhất những cái khác nhau tạo nên sự hài hòa. Mọi vật đều có hai phía: Có phải có trái, có trên có dưới, có ngang có dọc, có âm có dương, có cao có thấp, có đực có cái, có nam có nữ… Sự khác biệt này giúp bổ túc và hoàn thiện lẫn nhau. Hợp nhất không có nghĩa là biến đổi cái khác và người khác trở nên giống mình hay giống người khác. Mỗi cá vị có những đặc tính, khả năng và ước muốn riêng. Nhiều người hợp nhất với nhau trong cùng một lý tưởng, một khuynh hướng hay một đường lối nào đó. Họ có thể cùng nhau lữ hành trên cùng một đoạn đường đến một mục đích. Tuy nhiên họ vẫn giữ lại những đặc tính riêng tư của họ.

Suy ra trong một gia đình, một nhóm hội và một tổ chức cũng thế, nếu có những thành viên dị biệt, dở chứng, gây gỗ và phá tán thì cũng sẽ làm cho cả gia đình và đoàn hội bị chia rẽ đau thương và khổ sầu. Người ta thường nói: Một con sâu, làm rầu nồi canh. Một thành viên của một đạo giáo hay một quốc gia gây khủng bố phá hoại, thì đạo giáo hay quốc gia đó cũng bị họa lây. Sự liên đới của các thành viên về sự tốt hay xấu, vinh hay nhục, thành hay bại đều có ảnh hưởng tới nhau. Chúng ta không thể tách rời sống cô độc hay chối bỏ gốc tích của mình.

Chúng ta có chung với nhau về rất nhiều nhu cầu và khía cạnh cuộc sống. Chúng ta cùng chung một niềm tin vào một Thiên Chúa, cùng sinh hoạt trong một cộng đoàn và cùng nói một ngôn ngữ nhưng chúng ta có rất nhiều điều khác biệt. Đôi khi chúng ta huênh hoang ngoài miệng là phải đoàn kết, hợp nhất và yêu thương, nhưng thực tế cuộc sống thì mỗi người đi một nẻo, sinh hoạt một cách riêng tư và loại trừ lẫn nhau. Có những điều khác biệt giúp làm giầu thêm, bổ túc cho nhau và xây dựng tốt, nhưng cũng có nhiều việc gây nhức nhối, làm tổn thương và gây đổ vỡ. Điều quan trọng là mọi sự phải ăn khớp hòa hợp với nhau mới giúp cho sinh hoạt cuộc sống an vui và thư thái nhẹ nhàng. Kết hợp trong Chúa để đi tìm sự bình an đích thực: Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân (Col 3,15).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nguyện cầu cùng Chúa Cha cho các môn đồ. Chúa biết trước những gian truân thử thách mà các môn đồ phải đối diện trong thế gian. Sự gian ác của con người thế gian thì không ai có thể lường trước được. Cuộc sống có biết bao nhiêu sự xấu, sự dữ đã và đang hoành hành trong xã hội con người. Các môn đồ sẽ bị ghét bỏ vì danh Chúa. Chúa cầu xin: Con đã ban lời Cha cho chúng và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Từ đời này sang đời kia, không nơi này thì nơi khác, các nhân chứng của Chúa không tránh khỏi những chống đối, tẩy trừ, bách hại, nhạo báng và ghét bỏ. Chấp nhận theo Chúa là chấp nhận thánh giá của sự ghét bỏ. Để hóa giải những khác biệt về lý tưởng, ý thức hệ, niềm tin tôn giáo, chúng ta phải quay về nguồn như Chúa Giêsu đã nguyện cùng Chúa Cha: Xin hãy thánh hóa chúng trong sự thật: Lời Cha là chân lý.

Sống chân lý là sống trong sự thật. Chúng ta cần lắng nghe, rao giảng và làm nhân chứng cho sự thật. Thực hành suy tưởng sự thật, nói sự thật và sống trong sự thật của Chúa Kitô. Giữa đời trần thế có qúa nhiều sự gian dối, lừa lọc và vô minh. Rất nhiều lần chính chúng ta đã dùng những phương cách giả tạo, dối trá và bánh vẽ mơ hồ để dẫn dụ những người cả tin vào sự mê tín. Hãy tìm về nguồn chính thật là Chúa Giêsu Kitô. Điều quan trọng là chúng ta phải biết mình đang hợp nhất với ai và đối tượng nào. Hợp nhất với Chúa Kitô là chúng ta sẵn sàng từ bỏ ý riêng mình để đi theo đường lối và kết hợp với Giáo Hội tại thế trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hợp nhất nên một trong cùng một đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Xin liên kết chúng con về cùng một mối trong Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Amen.