Radio Vatican, 3/4/2012

Hội đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn đã gửi một điện văn cho các Phật tử nhân dịp lễ Phật Đản Vesakh/Hanamatsuri, điện văn mang tên: “Kitô hữu và Phật tử: cùng chia xẻ trách nhiệm giáo huấn thế hệ trẻ về công lý và hòa bình qua đối thoại liên tôn”.

Lễ Phật Đản Vesak, ngày quan trọng nhất trong niên lịch Phật giáo trên khắp thế giới, kỷ niệm ngày sinh nhật, giác ngộ và qua đời của Đức Phật. Tầm quan trọng của ngày này nằm ở chỗ có liên quan đến sứ điệp hoàn vũ của Đức Phật về hoà hình và được cử hành bởi các Phật tử ở Nam và Đông Nam Á Châu. Tại Nhật Bản có tên là Hanamatsuri, dịch nguyên văn là Lễ Hội Ngàn Hoa.

Điện văn này được Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran Chủ Tịch và Tổng Giám Mục Pier Luigi Celata, thư ký của Hội Đồng Giáo Hoàng đồng ký. Điện văn chú tâm đến nhu cầu giáo dục giới trẻ phải tôn trọng và hiểu biết các tín ngưỡng và nghi thức của các tôn giáo khác.

Điện văn nói, “Ngày nay, trong càng nhiều lớp học trên khắp thế giới, có các học sinh thuộc về nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau đang ngồi cạnh nhau, họ học cùng với nhau và học nơi nhau”.

Các bạn Phật tử thân mến,

1. Thay mặt cho Hội đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, một lần nữa, năm nay, tôi lại hân hoan chúc mừng các bạn nhân dịp Lễ Phật Đản Vesakh/Hanamatsuri. Tôi cầu chúc cho ngày lễ năm nay sẽ mang đến niềm vui và thanh bình đến trong trái tim của tất cả các bạn trên khắp thế giới.

2. Ngày nay, trong càng nhiều lớp học trên khắp thế giới, có các học sinh thuộc về nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau đang ngồi cạnh nhau, họ học cùng với nhau và học nơi nhau. Sự đa dạng này gây nên các thách đố và thúc đẩy những suy tư sâu xa hơn về nhu cầu giáo dục giới trẻ để họ biết tôn trọng và hiểu biết các tín ngưỡng và nghi thức của các tôn giáo khác, để họ tăng tiến trong sự hiểu biết chính tôn giáo của họ, để cùng tiến bước như những con người có trách nhiệm và sẵn sàng bắt tay với các tôn giáo khác để giải quyết các tranh chấp và cổ võ cho tình thân hữu, công lý, hòa bình và phát triển con người.

3. Cùng với Đức Thánh Cha Benedict XVI, chúng tôi công nhận là một nền giáo dục chân chính có thể trợ giúp cho một sự cởi mở cho sự siêu việt cũng như cho những người ở chung quanh chúng ta. Ở nơi nào nền giáo dục là một thực tại, thì nơi nó có cơ hội để đối thoại, để tương quan và lắng nghe cùng chấp nhận lẫn nhau. Trong một bầu khí như vậy, giới trẻ sẽ cảm nghiệm được họ là ai và có thể đóng góp những gì; họ có thể học để tăng trưởng trong sự tôn trọng các anh chị em có những tín ngưỡng và thực hành khác họ. Khi điều này xẩy ra, sẽ có niềm vui vì họ là những người biết liên đới và cảm thương, được mời gọi để xây dựng một xã hội công bình và thân hữu, do đó mang lại niềm hy vọng cho tương lai (Xem Sứ Điệp về Hòa Bình Thế Giới ngày 1 tháng 1, 2012).

4. Là những Phật tử, các bạn chuyển tiếp cho giới trẻ sự khôn ngoan về nhu cầu tự kiếm chế không làm hại người khác và sống cuộc sống quảng đại và thương cảm, một thực hành cần được quý chuộng và công nhận là một quà tặng cho xã hội. Đây là một phương cách cụ thể theo đó, tôn giáo đóng góp cho việc giáo dục các thế hệ trẻ, chia xẻ trách nhiệm và hợp tác với người khác.

5. Thật vậy, giới trẻ là một tài nguyên của tất cả mọi xã hội. Qua bản tính chân thật, họ khuyến khích chúng ta tìm giải pháp cho những vấn đề nền tảng về sự sống và sự chết, công lý và hòa bình, ý nghĩa của đau khổ, và những lý do để hy vọng. Do đó, họ giúp chúng ta tiến bộ trong hành trình về Chân Lý. Bằng sự năng động của họ, như những người xây dựng tương lai, họ thúc dục chúng ta phải phá hủy những bức tường, rất tiếc vẫn còn ngăn cách chúng ta. Bằng những câu hỏi và thắc mắc, họ nuôi dưỡng việc đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa.

6. Các bạn thân mến, chúng tôi xin được kết hiệp tâm hồn và cầu nguyện với các bạn, để cùng nhau chúng ta sẽ có thể hướng dẫn giới trẻ bằng gương sáng, và giáo huấn để họ trở thành công cụ cho công lý và hòa bình. Chúng ta hãy cùng chia xẻ trách nhiệm chung đối với các thế hệ hiện đại và tương lai, để nuôi dưỡng họ trở thành những con người hoà bình và kiến tạo hòa bình.