LỜI NGUYỆN XIN TRONG THỊ KIẾN

Ba tông đồ thân tín mà Chúa Giêsu đưa vào vườn Cây Dầu, đó là Giacôbê, Gioan và Phêrô. Hôm nay họ được đưa lên núi cao, trước khi vào vườn khổ nạn với Chúa. Hai hình ảnh tương phản nhau. Hình ảnh ở vườn Cây Dầu, một Đức Giêsu đau khổ và xao xuyến đến đổ mồ hôi máu với một Chúa Giêsu trên núi cao mà thánh sử Mác-cô đã tả lại là “Y phục Người trở nên rực rỡ trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy”(Mc 9,3), không những thế, còn có tiếng của Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”(Mc 9,7).

Nơi Đức Giêsu, không phải là hai con người nhưng là hai bản tính. Bản tính Thiên Chúa để hôm nay thể hiện cho các tông đồ nhìn thấy “Chúa là ánh sáng bởi ánh sáng. Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Còn trong vườn cây dầu thì các tông đồ được chứng kiến bản tính nhân loại mà Đức Giêsu đã mặc lấy. Đau khổ và sợ hãi đến toát mồ hôi máu. Để các tông đồ không bị vấp ngã vì bản tính nhân loại của Đức Giêsu phải đau khổ trước sự chết thì Đức Giêsu cho các ông nhìn thấy bản tính của Thiên Chúa nhằm cho các ông được kiên vững trong lòng tin. Quả là đứng trước một thị kiến quan trọng như vậy, Phêrô không thể không thốt lên những điều được Thánh Thần Chúa thúc đẩy. Điều lạ lùng là Phêrô nói nhưng lại không biết mình nói gì. Nội dung đầy Thần Khí nhưng hành động của Phêrô thì lại rất con người!. Thần Khí đã thúc đẩy Phêrô nói lên điều mà người Kitô hữu của chúng ta khát mong, đó là cứu cánh, đó là Thiên đàng. Vì Thiên Chúa ở đâu thì Nước Trời ở đó.

Thần hứng của Phêrô thốt lên là: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”. Đó là tiêu điểm mà đức tin của người Kitô hữu nhắm tới. “Chúng con được ở với Chúa” là tất cả tiến trình của ơn cứu độ, là mục đích của người Kitô hữu, là cứu cánh đời đời của niềm tin. Nhưng Phêrô nói mà lại không biết mình nói gì để chúng ta thấy được rằng, trong thân xác của Phêrô có “Thánh Thần cầu thay nguyện giúp bằng những tiếng than khôn tả”(Rm 8,26). Tiếng cầu ấy hôm nay thốt lên thay cho toàn thể nhân loại chúng ta một niềm khao khát được thấy Chúa và được ở với Chúa và đó là cùng đích của cuộc đời. Chúa Giêsu không nói gì, Ngài đàm đạo với Êlia – đại diện cho tiên tri; Ngài đàm đạo với Môisê – đặc trưng cho lề luật. Ngài không nói gì với Phêrô, Giacôbê và Gioan, nhưng có tiếng của Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.

Và rồi Đức Giêsu đã nói, Ngài nói sau khi thị kiến đã qua đi, tất cả trở về với hiện tại. Điều Ngài nói đầu tiên là “phải xuống núi”, mặc dù Phêrô xin “được ở đây thì tốt lắm”. Điều Ngài nói tiếp theo là “Con người phải chịu đau khổ, chịu kết án và chịu chết”, là những điều mà các tông đồ sợ hãi. Nhưng hôm nay, Ngài nói thêm một điều nữa là “Các con không được nói cho ai khác cho đến khi Con Người từ trong cõi chết sống lại”. Một mặc khải tiếp theo này khiến cho các tông đồ thấy khó hiểu. Các ông hỏi nhau “từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Thư của thánh Phaolo gửi tín hữu Roma đã giải thích cho chúng ta điều thắc mắc của các tông đồ, rằng: “Thiên Chúa đã không dung tha cho chính con của Người” (Rm 8,32)và vì thế nên chúng ta được một của lễ trọn hảo, thánh thiện là chính Con Thiên Chúa tế lễ, đền tội thay cho loài người. Và sau khi đã đền thay cho loài người thì việc Đức Kitô từ trong cõi chết sống lại là hoàn tất chương trình cứu độ, con người cũng sẽ được Phục Sinh như Đức Giêsu “Là trưởng tử những kẻ từ trong cõi chết sống lại”(Cl 1,15). Như vậy, Đức Giêsu không chỉ tiên báo trước về cuộc khổ nạn, mà Ngài còn tiên báo trước về cuộc Phục Sinh chiến thắng tử thần. Và có thể nói, đây là những mạc khải trọn vẹn, những mạc khải cuối cùng cho các tông đồ thấy rõ tiến trình ơn cứu độ của Đức Kitô. Các tông đồ chưa hiểu, nhưng quan trọng là các ông nhớ để sau này, khi chứng kiến Đức Kitô từ trong cõi chết Phục Sinh, các ông nhớ lại lời Thầy đã nói với mình trước khi đi khổ nạn cho tới khi Con Người từ trong cõi chết sống lại.

Cuộc biến hình trên núi hôm nay, hay nói chính xác hơn là Chúa tỏ thánh nhan của Chúa cho các tông đồ cũng là đồng thời mạc khải hết chương trình cứu độ cho các ông thấy. Các ông thấy cả những đau khổ trong thân phận con người của Đức Giêsu. Các ông thấy cả hình ảnh một Đức Giêsu chiến thắng vinh quang, phục sinh hiển hiện. Chỉ có một điều là các ông không hiểu, vì Đức Giêsu đã từng nói với Phêrô: “Các con không biết việc của Thiên Chúa, các con chỉ biết việc của loài người”(Mt 16,23). Những gì tiếp theo nằm trong tiến trình đã được thể hiện qua thị kiến hôm nay. Ẩn ý rằng các ông không được nói với ai cho tới khi con người từ trong cõi chết sống lại. Như vậy, nếu gạt bỏ cách thức suy nghĩ tự nhiên của con người, gạt bỏ cách thức mà Chúa gọi là “tên cám dỗ” trong con người của Phêrô, đại diện cho Hội Thánh, cho mỗi người chúng ta hôm nay để chấp nhận vác Thánh Giá đi theo chân Chúa thì tất cả bừng sáng rõ ràng. Chỉ khó hiểu cho những ai không chấp nhận được con đường khổ giá của Đức Kitô. Nói như vậy để mỗi người chúng ta hôm nay đi sâu vào mầu nhiệm khổ giá và sự chết của Đức Kitô và ẩn sau khổ giá đó là vinh quang Phục Sinh của Ngài đã được tiên báo trong hình ảnh thị kiến cũng như những lời căn dặn kỹ càng của Đức Kitô với các tông đồ.

Còn gì nữa để chúng ta nghi ngờ?; Còn gì nữa để chúng ta phân vân?. Có chăng là sự luyến tiếc của những người, nói như Phêrô mà không biết ý nghĩa của lời nói, rằng: Muốn tìm Thiên Đàng ở trần gian này. Muốn định cư trên trái đất này mãi mãi. Muốn biến trần thế này trở thành thiên đàng vật chất. Chỉ có những người ấy mới không thấy tiến trình của ơn cứu độ. Cho nên, ai là người xả thân vác Thập Giá đi theo Đức Kitô thì tất cả đã bừng sáng như trên núi Tabor hôm nay. Chỉ có mỗi một điều, người ta có dám dấn bước hay không? Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta trong Mùa Chay thánh này, hãy can đảm lên, hãy mạnh mẽ lên, hãy tin tưởng hơn nữa vào trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Tất cả đã được quan phòng, đã được hoạch định và đã được tiên báo.

Lạy Chúa Giêsu Kitô khổ nạn,
Xin cho chúng con nhớ lời Chúa Cha,
trong áng mây sáng chói hôm nay:
“Đây là Con Ta rất yêu dấu,
các ngươi hãy nghe lời Người”.
Chúng con xin vâng nghe lời Đức Kitô,
vì khi chúng con biết vác Thập Giá theo Người,
chúng con thấy trời mở ra.
Khi chúng con đi sâu vào mầu nhiệm khổ nạn của Ngài,
chúng con lại thấy sức mạnh của sự chiến thắng.
Và khi chúng con đi vào trong mồ mai táng với Ngài,
chúng con lại thấy sự sống Phục Sinh huy hoàng.
Xin cho chúng con một lần nữa
ý thức và thực hành Lời Chúa Cha phán hôm nay:
“Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Amen.


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc