Một "cách mạng ngoại giao " nhỏ ở Vatican

Tinh giản công việc cho Giáo Triều

ROMA – Đó là một "cách mạng ngoại giao" nhỏ, đã được công bố và thực hiện ngày 15-12 tại Vatican, nhân dịp ĐTC Biển Đức XVI tiếp 11 Đại sứ mới bên cạnh Tòa Thánh đến trình thư uỷ nhiệm, theo Đài phát thanh Vatican.

Thật vậy, khi Đức Giáo Hoàng tiếp 11 Đại sứ, thông thường các nhà báo - không chỉ các đại sứ - nhận được 12 bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng: mỗi diễn văn cho Đại sứ một quốc gia - trong ngôn ngữ chính thức của quốc gia này - và một bài diễn văn chung.

Nhưng sáng 15-1, chỉ có một diễn văn chung được công bố: bài diễn văn riêng cho từng nước được loại bỏ. Đó là một thói quen được thiết lập bởi ĐTC Phaolô VI trước kia, và mỗi Đại sứ cũng trao một bài diễn văn cho Đức Giáo Hoàng.

Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh giải thích sự tinh giản công việc của Phủ Quốc Vụ khanh Toà thánh.

Linh mục Federico Lombardi nói rõ rằng trong buổi trình thư uỷ nhiệm, các đại sứ mới sẽ không trao bài diễn văn cho Đức Giáo Hoàng, và Đức Giáo Hoàng cũng không trao diễn văn cho mỗi đại sứ mới.

Cha cũng xác định rằng việc này không phải nhằm “tránh mệt mỏi cho Đức Giáo Hoàng", nhưng "tinh giản công việc cho Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh”.

Trong thực tế, vào thời ĐTC Phaolô VI, số lượng các Đại sứ bên cạnh Toà thánh là khoảng 90 vị, nhưng hiện nay số lượng này gần gấp đôi.

Theo Cha Lombardi, cải cách này cũng sẽ áp dụng cho các đại sứ thường trú, nhưng ĐTC sẽ dành cho các vị nhiều “thời gian gặp gỡ hơn", nhân các buổi tiếp “riêng tư”, chứ không “tập thể”.

Cha Lombardi nhận xét, ngoài ra, cải cách của lễ trình thư uỷ nhiệm này được áp dụng “vì sự đơn giản và phù hợp với các tập tục ngoại giao hiện nay".

Cha nhắc lại rằng Đức Giáo Hoàng có "nhiều cơ hội khác để thể hiện sự gần gũi và quan tâm của Ngài với các nhà ngoại giao", hoặc qua các "sứ điệp đặc biệt" trong "những dịp đặc biệt" hoặc "trường hợp đặc biệt quan trọng".

Cha nhận xét rằng "mỗi năm, ĐTC đều gửi sứ điệp nhân ngày Quốc khánh của mỗi nước, hoặc nhân dịp các ngày kỷ niệm quan trọng, hoặc các sự kiện đau buồn cho người dân ở nước này hay nước khác”. (ZENIT.org 15-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa