Đức Hồng y Gracias: Giáo Hội và giới trẻ châu Á có thể giúp đỡ phương Tây suy đồi

Mumbai – Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục tổng giáo phận Mumbai, và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ, đã được bầu làm Tổng thư ký của Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC). Liên Hội đồng Giám mục châu Á là cơ quan đại diện cho 19 Hội đồng Giám mục quốc gia, bao gồm 28 nước thành viên ở châu Á. FABC phối hợp công việc của Giáo Hội tại các nước này, và liên lạc với Vatican và các chính phủ. Ban Thư ký Trung ương của FABC làm việc tại Hong Kong và là cơ quan phục vụ chính của FABC, một cơ quan phối hợp công việc trong FABC và với các văn phòng bên ngoài và các cơ quan ở các nước châu Á khác.

Nhiệm vụ của Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC) bao gồm: trao đổi thông tin và kinh nghiệm; thúc đẩy sự học hỏi và nghiên cứu về các vấn đề chung cho các thành viên của FABC, đặc biệt là trong các lĩnh vực truyền giáo, công lý, hòa bình, thích nghi văn hóa và các khía cạnh khác của phát triển con người; thiết lập liên lạc với các tổ chức liên quan của Toà thánh và hội nghiên cứu quốc tế; tổ chức hội nghị, các cuộc họp và hội thảo về các chủ đề có liên quan; và thúc đẩy đối thoại với các Kitô hữu khác, với thành viên của các tôn giáo châu Á khác, và mọi người thiện chí, sự hiểu biết lẫn nhau và đối mặt với vấn đề chung ở châu Á.

Dưới đây, hãng tin AsiaNews độc quyền phỏng vấn Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng thư ký mới của FABC.

Hỏi: Thưa Hồng y, đâu là tầm nhìn của Liên Hội đồng Giám mục châu Á?

Đáp: Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC) nên hỗ trợ tất cả các Hội Đồng Giám Mục khác ở châu Á, ngoài việc phối hợp, FABC phải là một kênh để trao đổi về công tác tông đồ, và đặc biệt để giúp đỡ các Hội đồng Giám mục yếu như như Lào, Campuchia, Kazakhstan, trong khi các nước mạnh hơn như Ấn Độ có thể chia sẻ nhân viên, chuyên môn và nguồn lực.

Trong công việc và nhiệm vụ của họ, FABC phải tập trung vào các thực tại của châu Á hôm nay: thực tại lịch sử, văn hóa, tôn giáo, chính trị - xã hội và kinh tế.

Hỏi: Thưa Hồng y Gracias, Ngài là một nhà vô địch về tự do tôn giáo ở Ấn Độ, châu Á và thế giới. Là Tổng thư ký của FABC, làm thế nào Ngài sẽ giải quyết các thách thức của tự do tôn giáo và sự bất khoan dung và trào lưu chính thống ngày càng tăng?

Đáp: Châu Á cũng là cái nôi của các tôn giáo lớn của thế giới: Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn giáo. Đây là nơi sinh của nhiều truyền thống tâm linh khác như Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Bái hoả giáo (Zoroastrianism), Kỳ na giáo (Jainism), đạo Sikh và Thần đạo.

Tự do tôn giáo là một Quyền Phổ Quát và chắc chắn là một trong các vai trò của FABC, để chứng tỏ cho thế giới thấy cách thức các Tôn giáo hoạt động và làm việc hướng tới đối thoại liên tôn và đối thoại liên văn hóa. Cộng tác với nhau vì lợi ích của nhân loại, khẳng định các giá trị tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết và hòa bình. Tất cả chúng ta đều kiếm tìm Chân Lý, và do đó chúng ta có một mục tiêu chung và chúng ta có các điều chung nhiều hơn những điều chia cách chúng ta. Châu Á có thể dạy cho xã hội toàn cầu về tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và các cách thức hiệu quả của đối thoại.

Đáng buồn thay, trong khi chủ nghĩa chính thống đang gia tăng là nguyên nhân của sự quan ngại, cầu nguyện và đối thoại, cũng có các câu chuyện của chứng tá, nơi đó sự thiện vượt qua sự dữ, những câu chuyện của hy vọng, vì châu Á có một di sản văn hóa phong phú và với xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo của mình, châu Á đã là một mô hình cho sự chung sống hòa hợp và hòa bình của các bộ tộc, dân tộc và cộng đồng khác nhau.

Xây dựng các cầu nối hiểu biết, thúc đẩy đối thoại liên tôn, và làm việc hướng tới xây dựng Vương quốc của Chúa là Vương quốc tình thương, hòa bình, sự thật và hòa hợp công lý, hiểu biết lẫn nhau cách chân thành, và cùng nhau duy trì và cổ vũ công bằng xã hội và các giá trị đạo đức, cũng như hòa bình và tự do cho tất cả mọi người.

Châu Á là phong phú về văn hóa; chúng tôi có thể đóng góp cho Giáo Hội phổ quát và có vị trí xứng đáng trong xã hội.

Hỏi: Làm thế nào châu Á đối mặt với các thách thức của chủ nghĩa thế tục và là một biểu tượng cho phương Tây thế tục?

Đáp: Châu Á là một lục địa của sức sống tâm linh. Chúng tôi người châu Á có một cảm thức về Thiên Chúa, và Thiên Chúa là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi và gia đình của chúng tôi. Do đó, châu Á có thể đóng góp vào tầm quan trọng của Thiên Chúa và gia đình trong cuộc sống của chúng tôi, để chống lại các lực lượng của thế giới thế tục.

Trong gia đình châu Á, con cái được yêu thương như là quà tặng của Thiên Chúa. Các gia đình có một vị trí quan trọng trong nền văn hóa của chúng tôi. Các giá trị như lòng thảo hiếu, yêu thương và chăm sóc người già và người yếu, yêu mến và hoà hợp với trẻ em, được đề cao trong tất cả các nền văn hóa và truyền thống tôn giáo của châu Á.

Chúng tôi biết rằng sự thế tục hóa dẫn đến sự loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và sự tan rã ngày càng tăng của gia đình. Đây là sự đóng góp của châu Á với thế giới thế tục: tầm quan trọng của Thiên Chúa và gia đình.

Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm kinh tế của thế giới phương Tây. Thông điệp ‘Bác ái trong sự thật’ (Caritas in Veritate) của Đức Thánh Cha thân yêu của chúng ta yêu cầu đưa đạo đức vào trong đời sống chính trị và kinh tế của chúng ta: châu Á cho thấy rằng nó có thể làm như vậy.

Chúng tôi, những người dân châu Á, thấm nhuần các giá trị tôn giáo và văn hóa, chúng tôi có thể cho thế giới thấy cách thức mang Thiên Chúa từ góc cạnh của cuộc sống và xã hội vào trung tâm của cuộc sống chúng tôi, gia đình chúng tôi, xã hội và thế giới.

Hỏi: Thưa Hồng y, Ngài là một nhà lãnh đạo trẻ, đang dẫn dắt một lục địa trẻ. Đâu là các hy vọng của Ngài cho giới trẻ châu Á?

Đáp: Các người trẻ tuổi là hiện tại, và châu Á là một lục địa trẻ, với khoảng 60% các người trẻ tuổi của thế giới, đầy sức sống và có năng lực cho sự đổi mới.

Thanh niên là sức mạnh lớn nhất của chúng tôi, và chúng tôi hy vọng củng cố thanh thiếu niên của chúng tôi, tạo cho họ niềm hy vọng và các kỹ năng: làm việc với các chính phủ, làm cho họ trở thành các nhà lãnh đạo của ngày mai, và với các giá trị đạo đức và tầm nhìn, vốn có thể tạo nên một sự khác biệt tích cực trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, vì lợi ích chung.

Chúng tôi biết rằng hạt giống của đức tin đang hiện diện trong giới trẻ châu Á, và chúng tôi muốn nuôi dưỡng đức tin này, bằng cách gây tính lạc quan và hy vọng trong các người trẻ của chúng tôi.

Giới trẻ châu Á giải quyết vấn đề văn hóa sự chết với một cam kết sự sống, một tầm nhìn của hy vọng và một luân lý đổi mới của công bình và trách nhiệm: thúc đẩy một nền văn hóa sự sống, trở nên người xây dựng một nhân loại mới. (AsiaNews 24-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa