Ngày Assisi 2011: Lòng đạo châu Á, theo gương Thánh Phanxicô

Colombo - "Tinh thần Átxidi (Assisi) là một tinh thần của sự thật, tình yêu, hòa bình, tự do, công lý và khiêm nhường vô hạn. Đây là tinh thần của lòng đạo đích thực" theo ý kiến của ông Anton Meemana, giáo sư Công Giáo tại Viện thần học Thánh Joseph Vaz thuộc Đại học Colombo và Kelaniya, nhân ngày Suy tư, đối thoại, và cầu nguyện cho hòa bình tại Átxidi, sẽ được tổ chức ngày 27-10. Cuộc hành hương này sẽ là dịp kỷ niệm 25 năm ngày Átxidi đầu tiên, đã được cử hành bởi ĐTC Gioan Phaolô II và các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới ngày 27-10-1986.

Theo giáo sư, Thánh Phanxicô thành Átxidi đại diện cho một "mẫu gương thực sự", bởi vì "mỗi ngày thách thức chúng ta hãy chọn truyền thống tốt nhất của mình và sống với nó một cách mạnh mẽ”. Meemana nói rằng chỉ có một người như vậy "có thể trở thành phước lành cho toàn thể nhân loại".

Giáo sư đã nêu ra: "Hòa bình và sự thật liên kết sâu sắc với nhau. Việc tìm kiếm sự thật là nền tảng của tất cả các nỗ lực xây dựng hòa bình. Các căng thẳng tín lý làm cho chân trời tâm linh của chúng ta mở rộng hơn...". Trong ý nghĩa này, giáo sư tin rằng "một Kitô hữu đích thực là một phước lành và một thách thức cho tất cả nhân loại, nhưng không bao giờ là một gánh nặng hay một sự ô nhục. Những người ngoài Kitô giáo không nên sợ các Kitô hữu đích thực".

Ông Meeman kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo hãy quan tâm đến vấn đề bách hại tôn giáo trên thế giới, đặc biệt là chống lại cộng đồng Kitô hữu: "Người nào giết chết một Kitô hữu, hoặc bất kỳ một người nào, là làm nhục tôn giáo của mình. Công bằng xã hội phải đến từ trái tim. Sự thức tỉnh tinh thần của châu Á phải canh tân bộ mặt thế giới, đốt cháy tâm hồn mọi người và làm phấn chấn linh hồn của nhân loại".

Cuối cùng, giáo sư đưa ra bốn gợi ý cho các nhà lãnh đạo tôn giáo tham dự Ngày Átxidi: "Tăng cường chương trình về công bằng xã hội, đoàn kết hơn với các nước thế giới thứ ba, làm chứng các giá trị cầu nguyện, và giải quyết công bằng kinh tế và sinh thái". (AsiaNews 24-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa