Vào một buổi sáng đầy nắng của Tháng Chín, Patty Fallone và một người bạn đang cuốc bộ dọc theo Park Avenue ở New York, thì một người đàn ông chặn họ lại. Ông ta hỏi: “Các chị có nghe nói về chiếc máy bay đâm vào tòa Tháp Đôi chưa?”. Nếu bộ mặt ông ta không nghiêm chỉnh đến thế, thì câu hỏi này chắc chắn sẽ bị liệt vào loại bông đùa để mở màn cho một câu chuyện. Cả hai người phụ nữ đều chưa biết gì về các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, nên khi nghe người đàn ông đưa tin, chỉ trong tích tắc họ hiểu ngay tầm quan trọng của vấn đề. Patty ngước mắt nhìn về hướng nam. Bên kia tòa nhà Met Life, cách đó mấy dẫy phố, nàng thấy khói bốc ra từ Khu Hạ Manhattan.

“Chúa ôi” nàng buột miệng nói, dù không được ai báo tin, “chồng tôi chắc chết”. Patty biết chắc: nếu các xúc cảm của nàng lúc đó lộ ra trên nét mặt, thì sự biểu lộ ấy sẽ hằn vào tâm trí người khách lạ suốt đời.

Đột nhiên, thế giới của Patty diễn ra thật chậm chạp. Mới 35 tuổi, Patty như người vô hồn bước ra khỏi lề đường xuống phố, giữa những luồng xe cộ đang thi nhau vượt qua; người bạn vội kéo nàng trở lại lề đường, và dìu nàng hẳn vào phía trong. Từ căn phòng của bạn, nàng gọi cho Trường St Ignatius Loyola nơi 4 đứa con của nàng đang học. Nàng dặn nhân viên nhà trường đừng nói gì với bày trẻ trước khi nàng tới. Sau đó, nàng gọi cho bác sĩ rồi ngồi thừ trước màn ảnh truyền hình. Trong cơn hốt hoảng, nàng không còn nhớ rõ Anthony, 39 tuổi, chồng nàng, một người buôn bán chứng khóan tại Cantor Fitzgerald, làm việc ở Bắc hay Nam của Tòa Tháp Đôi. Nàng nghĩ mình phải tìm được xác chồng. Nhưng khi chứng kiến tòa tháp thứ hai xụp đổ, nàng thấy điều ấy không cần thiết nữa.

Khi nàng tới nơi, trường St Ignatius đã đầy phụ huynh. Điều này làm nàng hơi bỡ ngỡ vì nàng có cảm giác các biến cố này chỉ diễn ra cho riêng nàng mà thôi. Có ai mất người thân không? Nàng tự hỏi.

Phần đông các học sinh được đưa tới phòng tập thể dục. Nhưng các con nàng, Katie 11 tuổi, Alexandra 10 tuổi, Anthony 7 tuổi và Patrick, 5 tuổi, vừa mới bắt đầu trọn ngày đầu tiên học lớp vườn trẻ, thì được đưa tới văn phòng hiệu trưởng. Khi các con bước vào, Patty có linh cảm chúng đã biết rõ hung tín rồi.

Được vị hiệu trưởng nhà trưởng, một tâm lý gia, và linh mục Walter Modrys, S.J., lúc ấy là cha xứ giáo xứ St Ignatius Loyola, tháp tùng, Patty đăm đăm nhìn các con. Nàng còn nhớ như in khuôn mặt đứa con gái út. Chẳng còn gì để làm ngoài việc cho các con biết sự thật. Nàng nói: “Tòa nhà nơi Bố làm việc bị đánh xập và Bố đã qua đời”. Giọng đầy hy vọng, một đứa bảo: “Biết đâu Bố thoát được hả má?”. Nàng buông thõng: “Bố không thoát được”. Nhìn quanh gian phòng nơi có những người lớn khác ngồi, nàng thấy không ai trả lời cách khác. Nàng tự nghĩ: mình phải lo liệu lấy thôi! Quay qua các con, nàng nói tiếp: “Má còn đây. Chúng ta còn đây. Chúng ta được an lành. Má còn đây để săn sóc các con”.

Đường về nhà thật xa

Patty cùng các con đợi ở nhà người bạn chờ ai đó đến lái xe đưa về nhà tại Roosevelt Island, một giải đất dài 2 dặm nằm giữa Manhattan và Queens. Gia đình Fallones vốn là thành viên tích cực của cộng đoàn đa dạng nhưng rất gần gũi nhau này. Thành thử, ngay giữa cảnh tang chế, Patty vẫn ưu tư lo lắng cho những người đàn ông đang làm việc tại tiệm thịt nguội của cộng đoàn, một người gốc Ai Cập, một người gốc Palestine. Nàng hy vọng không ai trong họ trở thành mục tiêu của kỳ thị và hận thù trút không đúng chỗ. Nàng muốn cộng đoàn của nàng, “cái thế giới tí hon đa dạng” của nàng, nàng vẫn gọi như thế, không biến mất như người chồng thân yêu của nàng.

Roosevelt Island là một nơi mà ngay những người Patty không biết cũng mỉm cười với nàng và với Anthony, chồng nàng. Sự hiện diện của Anthony trong cộng đoàn này còn lớn hơn cả đời thực. Con trai Patrick của vợ chồng nàng từng theo lớp mẫu giáo tại trường công của cộng đoàn, và các bà mẹ luôn duy trì mối liên hệ gắn bó. Cho nên, trong các ngày tiếp theo cuộc tấn công 11 tháng 9, không ai ngạc nhiên khi các bà mẹ này kéo nhau tới nhà Patty thăm hỏi. Họ cùng ngồi lại với nhau, và theo đề nghị của một bà, họ nắm tay nhau cùng đọc một kinh ngắn. Thế là các phụ nữ, cả người theo Do Thái Giáo, người theo Kitô Giáo lẫn người theo Hồi Giáo, cùng tham gia lời cầu nguyện hàn gắn.

Mười ngày sau cuộc tấn công, theo yêu cầu của Patty, một nhóm còn đông hơn nữa tụ họp nhau để cử hành một cuộc tưởng niệm có tính liên tôn. Thánh Lễ Công Giáo cầu cho Anthony chỉ được tổ chức vào ngày hôm sau, nhằm ngày Thứ Bẩy. Còn hôm nay, Patty muốn có buổi tưởng niệm bao gồm cả cộng đoàn nơi gia đình nàng vốn sinh sống. Em trai và em gái chồng hoài nghi không biết có cần phải tổ chức một buổi tưởng niệm như thế hay không. Nhưng Patty thì nhất quyết “Đây là việc gia đình chị cần làm, đây cũng là điều cộng đoàn chị cần phải làm”. Thế lả gia đình chồng nàng ai cũng tham dự. Và khi thấy trẻ em hàng xóm ngồi tréo chân trên sàn nhà, chung quanh bàn thờ, của ngôi nhà nguyện đại kết, họ rất mừng là mình đã tham gia.

Ngày hôm sau, cách nơi nàng được tin về cái chết của Anthony khoảng 20 dẫy phố, một Thánh Lễ tưởng niệm chàng đã được tổ chức tại Nhà Thờ St Ignatius Loyola. Bên ngoài nhà thờ, đội kèn bao (bagpipes), do một bà mẹ của trường thuê bao, chơi một bài tang chế buồn bã. Khung cảnh rất cảm động, nhưng cũng là khung cảnh làm một số bạn bè rất Ý Đại Lợi của Anthony tự hỏi không biết mình có tới đúng địa điểm hay không. Khung cảnh bên trong thì đúng rồi: nhà thờ chật ních bạn bè và các gia đình có con em học trường nhà xứ cũng như những người cần một nơi chốn để thương tiếc, một nơi để cảm thấy Thiên Chúa gần gũi hơn.

Patty luôn cảm nhận được một liên hệ gần gũi với Thiên Chúa. Nàng rất tích cực tham gia sinh hoạt giáo xứ, dự các buổi tĩnh tâm và có cảm thức mạnh về sự tốt lành của thế giới. Và lạ thay, nàng thấy cái chết của Anthony, cả các cuộc tấn công lẫn những người khủng bố đều không thay đổi được cảm thức ấy. Không thể thay đổi được nó. Nàng cũng rút tỉa được sức mạnh từ lòng tin tưởng của Cha Modrys vào khả năng nàng có thể đương đầu được với những chuẩn bị tang chế này cũng như cuộc đời trước mắt. Patty bảo: “Hãy để con làm điều con cảm thấy cần phải làm”. Nhưng khi chuẩn bị cho nghi lễ, nàng nói với cha: “Xin thú thực với cha, con không tìm được phấn khích nào từ sách thánh; chính đức tin vào Chúa đã nâng đỡ con qua các biến cố này”. Cha Modrys đành chọn các bài đọc. Patty có những chọn lựa khác phải làm.

Nàng chọn không đổ lỗi cho Chúa. Nàng chọn lợi dụng tối đa hoàn cảnh hiện nay của nàng. Hàng ngày, nàng chọn thức giấc vào mỗi buổi sáng và cương quyết tiếp tục sống. Nàng bảo: “Tôi cảm thấy như người ta ai cũng muốn thấy ta o.k., và nếu ta o.k. thì họ cũng o.k. Nhưng không thiếu người không biết họ có o.k. hay không”

Nói một cách chính xác, làm thế nào để mọi chuyện o.k. là một trong những câu hỏi mà Patty phải đương đầu trong nhiều tháng sau cuộc tấn công 11 tháng 9. Những câu hỏi ấy không có giải đáp dễ dãi, nhất là những câu hỏi do Anthony, con trai nàng, đặt ra trước khi đi ngủ. Nó thường hỏi má, tại sao lại có người lái máy bay đâm vào tòa nhà để sát hại một ai đó? Patty suy nghĩ một hồi. Đáng lẽ nàng có thể đổ lỗi cho nhiều thứ: chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố, tôn giáo. Nhưng nàng biết: câu hỏi ở đây là về lòng hận thù, nó cưỡng bức người ta phải làm gì, nó làm con người hư rỗng ra sao.

Nên nàng bảo con: “Cũng giống như Star Wars, con ạ. Con có sức mạnh và phía tối, điều này trong ta ai cũng có. Điều làm cho Anakin hướng về phía tối chính là anh ta đã tức giận và hận thù, thế là phía tối chiếm hữu anh ta. Chúa Giêsu bảo ta phải chiến đấu chống lại bóng tối ở trong ta để duy trì con người tốt ở bên trong”. Câu nói ấy không ngờ có hiệu nghiệm với cậu bé 8 tuổi. Nhưng đối với Patty, cuộc chiến giữa bóng tối và ánh sáng, giữa thiện và ác, không khởi nguyên từ phim ảnh Holywood mà từ nền thần học sâu sắc. Nàng bảo: “Điều trọng yếu là ta có ý chí tự do. Thiên Chúa rõ ràng cho phép ta tự do chọn điều mình làm. Nếu mỗi lần có lỗi lầm mà Người bước vào can thiệp, chẳng hóa ra tự do không có. Nuôi dậy con cái cũng thế: bạn muốn dưỡng dục để chúng trở thành những người trưởng thành hạnh phúc, tự lập, tự chủ. Bạn đâu chỉ muốn một dịch bản cũ mèm ngày chúng 12”.

Nói với Người Cha

Patty và chồng nàng không thuộc loại người ưa hỏi “Tại sao lại là tôi?”. Nhưng sau ngày 11 tháng 9, nhiều người hỏi câu đó thay cho nàng, to tiếng thắc mắc tại sao gia đình Fallones, những con người yêu thương là thế, sống trọn cuộc sống là thế, mà lại chịu nhiều đau khổ như thế? Patty chỉ có một câu trả lời: “Vậy ra một ai khác đáng phải thế hay sao?”. Đối với Patty, câu hỏi tại sao luôn luôn ít quan trọng hơn câu hỏi: làm gì bây giờ?

Trong những ngày và tuần lễ sau cuộc tấn công, Patty liên tiếp cầu nguyện. Ngày nay, nàng vẫn còn cầu nguyện. Đôi lúc nàng chuyện trò với Anthony y như lúc nàng điện thoại cho chàng tại sở làm. Đôi lúc, nàng chuyện trò với Chúa. Nàng xin Người sức mạnh và dâng lời tạ ơn. “Có những lúc, khi nói chuyện với Chúa, tôi thấy xốn xang trong bụng, một thứ bướm bay bạn thấy khi biết mình được yêu thương”. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, thực tế cuộc đời không buông tha nàng. Nàng nghĩ “trời ơi, mấy con tôi lớn lên không có bố”. Lần đầu tiên thấy cảnh cha và con gái người ta khiêu vũ, nàng thấy như có dao cắt ruột. Ở buỗi lễ mãn khóa trung học của con gái, tim nàng thắt lại khi nghĩ tới sự vắng bóng của chồng. Không phải trong những lúc khó khăn, mà là trong những thời điểm đẹp đẽ nhất, cảm kích nhất, nàng mới thấm thía cái đau của việc mất chồng. Nàng biết chàng sẽ hãnh diện xiết bao khi thấy các con khôn lớn. Nàng biết các con tiếc nuối xiết bao khi không có Anthony trong đời chúng, không được nghe giọng cười oang oang của chàng, không được gần gũi bóng hình tươi vui của chàng. Nhưng nàng cảm thấy an ủi về thời gian gia đình còn đông đủ. Nàng nói với các con: “Các con thấy thời gian các con còn sống với Bố tốt đẹp như thế nào, vì Bố thương yêu các con. Có những người sống với bố suốt đời nhưng nào có cảm nhận được chi”.

Hồi các con còn nhỏ, Patty thường cuốc bộ với chúng tới đường xe điện ngầm vào buổi sáng. Họ đi dọc theo Sông Đông (East River), băng qua những dẫy hồng và cây bách xù (juniper). Vào những ngày nắng vàng rự rỡ, nàng thường hỏi các con “Các con nói gì vào những ngày đẹp như hôm nay?”. Các con nàng biết ngay phải trả lời như thế nào: “Lạy Chúa, tạ ơn Chúa!”. Đó là điệp khúc Patty rất muốn nghe và không bao giờ quên.

Sau ngày 11 tháng 9, nhiều bạn hữu có ý ngay lành muốn an ủi nàng. Họ bảo: “mọi sự xẩy ra đều có lý do”. Với Patty, những câu như thế vô nghĩa. “Mày không thể nói Anthony bị xé tan xác là có lý do chính đáng. Tao thì tao bảo luôn có cơ hội làm cho sự việc tốt hơn, và đôi khi cần có bước nhẩy vọt của đức tin mới nhận ra và lợi dụng được các cơ hội như thế”. Thí dụ, có lần vào tháng 11 năm 2001, giữa lúc Patty chỉ muốn ở nhà, thì bè bạn thuyết phục được nàng ra ngoài với họ. Đàng sau một tiệm rượu ở New York, họ gặp một nhóm nhân viên cứu hỏa đến từ Los Angeles. Họ chuyện trò với nhau, nhắc lại kỷ niệm rồi cùng òa lên khóc. Họ nói về đức tin, về Thiên Chúa, rồi các nhân viên cứu hỏa giới thiệu Patty với gia đình họ qua điện thư. Kết cục, Patty và các con nàng đã qua California gặp gỡ họ và hiện nay vẫn duy trì liên lạc.

Theo Patty “Bạn cần phải cởi mở. Bạn phải muốn thấy sự việc tốt hơn. Bạn phải muốn được hạnh phúc trở lại. Bạn phải chọn lựa: trở nên hạnh phúc hay bị chìm ngập. Có đức tin, bạn có thể chọn lựa được”. Sự nâng đỡ và tình bạn của các nhân viên cứu hỏa đóng một vai trò quan trọng trong diễn trình phục hồi của Patty. Sẽ khác biệt biết bao nếu đêm đó Patty cứ luẩn quẩn ở nhà. Các biến cố trong một ngày, ngay cả trong vài giờ, cũng có thể thay đổi đường đi của mọi sự, điều này Patty biết rõ.

Một thập niên sau, thỉnh thoảng Patty lại nhớ tới người lạ trên đường Park, người đàn ông, chỉ với ít lời, đã vô tình cho nàng hay chồng nàng đã chết hay có thể sẽ chết; con cái nàng sẽ lớn lên không có bố; tương lai như nàng vẫn tưởng tượng đã không còn. Đôi lúc nàng muốn được gặp lại người đàn ông ấy. Nàng muốn làm ông an tâm, như nàng vẫn làm với nhiều người khác. Và nếu người đàn ông ấy thấy nàng, đọc được nét mặt nàng bây giờ, có lẽ không cần được thông báo ông ta cũng biết chính xác rằng nàng muốn nói “mọi sự đều thuận buồm xuôi gió”.

Theo Kerry Weber, phụ tá chủ bút tờ America, A Father's Love, số ngày 9 tháng 9 năm 2011