Từ ngày Đức Phanxicô đảm nhiệm thừa tác vụ Phêrô cho tới nay, người Công Giáo đã mở rộng tầm nhìn của họ đối với việc bảo vệ và chăm sóc sự sống trong mọi giai đoạn và trong mọi trạng huống của nó, thay vì chỉ chú mục tới sự sống còn trong bụng mẹ. Một trạng huống được quan tâm hơn chính là sự khuyết tật.

Thực vậy, ngay trong Lễ Nhậm Chức của ngài, Đức Phanxicô đã làm cả thế giới xúc động khi ngài dừng lại ôm hôn một người đàn ông khuyết tật. Rồi sau Thánh Lễ Phục Sinh năm 2013, ngài ôm hôn cậu bé khuyết tật Dominic Gondreau, 8 tuổi, người Rhodes Islands, Hoa Kỳ, mắc chứng liệt não (cerebral palsy): cử chỉ em bé khuyết tật này níu lấy cổ vị giáo hoàng 77 tuổi làm cả thế giới ngưng thở, cho thấy người khuyết tật không những cần được yêu thương mà còn có rất nhiều khả năng biểu lộ tình yêu. Một năm sau, tức vào ngày 15 tháng 5, 2014, khả năng biểu lộ này lại diễn ra một lần nữa cũng tại quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô và với vị giáo hoàng “đến từ tận cùng trái đất” này: một người khuyết tật vừa ôm hôn vừa vuốt má và rờ đầu Đức Phanxicô.

Báo chí thế giới liên tiếp tường thuật các điển hình thương yêu người khuyết tật của Đức Phanxicô. Ngày 7 tháng 11, 2013, CNN thuật lại việc ngài ôm hôn người dị hình. Ngày 11 tháng 11 cùng năm, LifeNews.com tường thuật việc ngài tươi cười tiếp đón hàng trăm người khuyết tật tới thăm. Nhân dịp này, ngài phê phán việc xã hội có khuynh hướng “dấu diếm sự mỏng dòn về thể lý” và hắt hủi người khuyết tật. Ngài khuyến khích người tàn tật về thể lý loại bỏ bất cứ tâm tư buồn tủi nào và nhất quyết trở thành “những người chủ đạo” trong xã hội cũng như trong Giáo Hội.

Dịp Phục Sinh vừa qua, ngài lại một lần nữa rửa chân cho người khuyết tật. Và dù hết sức bận bịu trong 3 ngày viếng thăm Đất Thánh vừa qua, ngài vẫn không quên gặp người khuyết tật tại Gióc Đăng vào ngày 24 tháng 5.

Văn hóa gặp gỡ

Ngày 11 tháng 6 năm 2013, nhân đề cập tới việc Chúa Giêsu chữa lành một người mù, Đức Phanxicô khuyến khích người khuyết tật “tích cực tham gia” vào xã hội. Với Hiệp Hội Người Mù và Khiếm Thị Ý Đại Lợi, ngài khuyến khích họ “loan truyền một nền văn hóa gặp gỡ, liên đới và hiếu khách đối với những người khuyết tật, không phải chỉ đòi hỏi các dịch vụ xã hội thích đáng mà thôi mà còn khích lệ họ tích cực tham gia vào xã hội”.

Khía cạnh tham gia tích cực này được người cha của cậu bé khuyết tật Dominic Gondreau phát biểu một cách tuyệt vời. Ông vốn là một giáo sư thần học tại Học Viện Providence ở Hoa Kỳ và lúc đó đang phụ trách một khóa học 6 tháng tại Rôma. Đối với ông, “Giây phút diụ dàng này, cuộc gặp gỡ giữa một Phanxicô hiện đại và một Dominic hiện đại này (như phần lớn chúng ta đã thấy, truyền thống vẫn cho rằng Thánh Phanxicô từng gặp gỡ Thánh Dominic), không những chỉ làm gia đình tôi, những người đứng gần chúng tôi và những người chứng kiến cuộc gặp gỡ này trên màn ảnh lớn xúc động mà là khắp thế giới”.

Nhân dịp này, Paul Gondreau, cha em bé, cho hay: Với ông “Dominic chia sẻ Thập Giá Chúa Kitô hơn là tôi đến ngàn vạn lần. Tôi tự hỏi, điều này có mục đích gì? Mặt khác, tôi có khuynh hướng hay nhìn mối liên hệ của tôi với Dominic theo kiểu một chiều. Đúng, con tôi đau khổ hơn tôi, nhưng chính tôi là người luôn luôn phải giúp đỡ con. Đó là thái độ nền văn hóa của ta hay nhìn những người khuyết tật: coi họ là những người yếu đuối, nhiều nhu cầu, phải tùy thuộc phần lớn ở người khác, và là những người đóng góp ít ỏi cho những người chung quanh”.

Nhưng sự kiện Đức Phanxicô và Dominic ôm hôn nhau tại quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô đã thay đổi hoàn toàn thứ luận lý học nói trên. Và việc thay đổi này được một người đàn bà vô danh đứng cạnh vợ chồng Gondreau nói lên. Dàn dụa nước mắt vì xúc động, người đàn bà này nói với Christina Gondreau: “chị thấy không, con trai chị có mặt ở đây để chỉ cho người ta thấy phải yêu thương thế nào”. Paul Gondreau cho rằng “nhận xét này, đối với vợ tôi, là một xác nhận dịu dàng từ trời gửi xuống đối với điều nàng vẫn bán tín bán nghi từ lâu rằng: ơn gọi đặc biệt của Dominic trên cõi đời này là thúc đẩy người ta yêu thương, là chỉ cho người ta thấy phải yêu thương thế nào. Con người nhân bản chúng ta được tạo nên để yêu thương, và chúng ta tùy thuộc các gương sáng cho ta thấy phải thực hiện việc này ra sao”.

Từ kinh nghiệm trên, Paul Gondreau tự hỏi: người khuyết tật dạy ta yêu thương ra sao? Ông cho rằng “Thập Giá Chúa Kitô dịu ngọt và thuộc một trật tự cao hơn. Việc Người phục sinh từ Thập Giá chứng minh rằng tình yêu Người hiến tặng ta, một tình yêu mà đến lượt ta, ta phải biểu lộ cho người khác, chính là lý do thực sự của việc Người chấp nhận Thập Giá. Trái tim chai đá của ta được biến đổi thành trái tim biết yêu thương như Chúa Kitô, và do đó, được ban cho khả năng biến đổi hận thù thành yêu thương, qua ngả Thập Gía. Nhưng không ai chia sẻ Thập Giá một cách nồng nàn hơn người khuyết tật. Và vì thế, người khuyết tật trở thành kiểu mẫu và gây hứng của ta. Đúng là tôi đã cho con trai Dominic của tôi thật nhiều. Nhưng con tôi cho tôi nhiều hơn thế, nhiều hơn nhiều. Tôi giúp con đứng và bước, nhưng con chỉ cho tôi cách yêu thương. Tôi cho con ăn, nhưng con chỉ cho tôi phải yêu thương ra sao. Tôi đem con tới điều trị vật lý, nhưng con chỉ cho tới cách biết yêu thương. Tôi thoa bóp các bắp thịt của con và nô giỡn quanh con, nhưng con tôi chỉ cho tôi biết yêu thương ra sao. Tôi nâng con lên và giúp con ra khỏi ghế, tôi đẩy xe đưa con đi mọi nơi, nhưng con chỉ cho tôi cách biết yêu thương. Tôi hy sinh thì giờ, rất nhiều thì giờ cho con, nhưng con chỉ cho tôi phải yêu thương ra sao”.

Ông quả quyết rằng: “Bài học này làm bối rối sự khôn ngoan của thế gian. Thực thế, nó khiến tôi ngạc nhiên khám phá ra rằng, với tư cách cha mẹ, tôi thường không biết nhìn tình trạng con tôi như nó thực sự là. Bài học do con trai khuyết tật của tôi đem lại chứng minh hùng hồn rằng mọi con người nhân bản, nhất là những người bị thế gian coi là yếu đuối nhất và 'vô dụng' nhất, đều có phẩm giá và giá trị vô song. Nhờ chia sẻ Thập Giá 'điên rồ', người khuyết tật thực sự là những người mạnh mẽ nhất và có hiệu năng nhất”.

Jean Vanier và khuyết tật tâm thần

Cái nhìn đúng đắn trên, thực ra, đã có từ lâu trong Đạo Công Giáo, ít nhất cũng từ lúc Jean Vanier tới Trosly-Breuil gần Paris năm 1963, sống trong một cộng đoàn do linh mục Thomas Philippe làm tuyên úy. Cộng đoàn này lúc đó gồm chừng 30 người khuyết tật tâm thần.

Sống bên cạnh những người này, ông thấy họ thật khác với các sinh viên của ông tại Toronto. Các sinh viên này quan tâm tới điều ông giảng dạy, chứ không lưu ý gì tới con người ông cả. Những người ở đây, ngược lại, không quan tâm tới cái đầu của ông mà muốn biết ông là ai, tên ông là gì, ông làm gì và “ông có trở lại với chúng tôi không?”. Họ cần một liên hệ. Toàn bộ thân xác họ, toàn bộ con người họ hiển nhiên thiếu vắng tình bạn và âu yếm. Tiếng kêu xin tình bạn của họ làm ông xúc động và đánh thức trong ông một điều gì hết sức sâu sắc.

Cái điều gì sâu sắc này khiến ông “nhẩy một bước thật dài vào bóng tối, hay đúng hơn, để mình sa vào vòng trói của yêu thương, một vòng trói sẽ cột chặt ông suốt đời” bằng cách liều tiếp nhận hai người khuyết tật tên Raphael và Philippe vào căn nhà đầu tiên của L’Arche ngay tại Trosly-Breuil. “Tôi tự để mình cuốn hút vào cõi vô minh”.

Thoạt đầu, ông nghĩ ông muốn đem đến cho những con người dị hình này một khuôn mặt người, nhưng chẳng bao lâu sau đó, ông thấy chính họ mang đến cho ông khuôn mặt người thực sự. “Họ mở mắt để tôi khám phá ra chính nhân tính của mình”.

Theo Vanier, người khuyết tật thường là những người rất dễ nhận ra. Sự khuyết tật của họ hiện rõ trên nét mặt, nơi đôi chân hay nơi đôi tay. Nhưng người khuyết tật tâm thần thì không dễ thấy. Sự khuyết tật của họ được biểu lộ qua sợ sệt, thiếu lòng tin, qua trầm cảm, bạo động, huyễn tượng và rút lui khỏi thực tại. Tóm lại, sự khuyết tật của họ được biểu lộ qua một hình ảnh chập chờn về chính mình, một mặc cảm tội lỗi sâu xa và việc rút lui khỏi đời sống.

Nhìn bề ngoài, họ là những người đáng sợ hoặc ít nhất cũng là nỗi nhục, niềm xấu hổ, thậm chí cho chính gia đình. Chính vì thế, người ta đã tìm cách tách họ ra khỏi xã hội, “nhốt” họ vào các viện tâm thần. Đối với Vanier, những viện tâm thần này, những định chế bề ngoài gọi là nhân đạo này, thực sự là những định chế bất nhân, chính chúng tạo nên khuôn mẫu tiền chế về người khuyết tật tâm thần.

Trong cuốn “Người Dựng Nên Họ Có Nam Có Nữ” (Homme et Femme Il les fit), ông cho rằng “xử với ai như người khùng thì người ấy sẽ thành người khùng. Sợ người nào là ghi khắc nơi họ nỗi sợ chính họ và người khác. Trái lại, coi ai bình thường, người ấy sẽ thành bình thường”.

Ông quyết chí coi người khuyết tật tâm thần là bình thường. Thế là năm 1964, ông bỏ hết, bỏ cả cái cơ nghiệp Tổng Toàn Quyền Gia Nã Đại của ông bố, bỏ cả nghề giáo sư ĐH Toronto, qua Paris sống với người khuyết tật “như người trong nhà”.

Mà họ sống như người trong nhà thật. Ông mời hai người khuyết tật về sống với ông tại một căn nhà tồi tàn ở Trosly-Breuil. Nó thiếu tiện nghi nhưng đầy tình người, những người bình thường, vì tất cả đều khao khát yêu thương, tất cả đều có khả năng yêu thương, cái tia lửa vốn bắn ra từ mặt trời yêu thương là Thiên Chúa. Và đó là khởi đầu của cả một dự án nay thành quốc tế là L’Arche, đặt theo con tầu Nôê từng cứu sống cả một nhân loại tả tơi. Hiện L’Arche có mặt tại 36 quốc gia với 145 cộng đoàn và hơn 200 nhà.

Cũng như bất cứ ai khác, thoạt đầu ông rất ngỡ ngàng trước tác phong của người khuyết tật tâm thần. Nhưng rồi ông khám phá ra một điều kỳ diệu: họ vẫn là người như chúng ta với khả năng khao khát yêu thương và biết cho đi như chúng ta. Cái nhân tính ấy, nhờ người khuyết tật tâm thần mà ông thấy ra và từ việc thấy ra này, ông cho rằng tất cả chúng ta đều là những người khuyết tật, vì nào có ai hoàn hảo trong khả năng yêu thương?

Cũng từ đó, ông bảo thái độ cần có của ta với người khuyết tật không phải là đại lượng. Vì đại lượng bao hàm ta đứng ở trên, ta cao hơn họ, hay đúng hơn, ta lành lặn hơn họ, trong khi thực sự họ y như ta, có khi còn hơn ta nữa, vì họ quan tâm hơn ta tới nhu cầu nhân bản thiết thân nhất là yêu thương. Người khuyết tật, cũng giống như đưá trẻ thơ trong bụng mẹ, thiếu nhiều khả năng, nhưng khả năng yêu thương, khả năng nối kết, thì họ không bao giờ thiếu cả. Trái lại cả con người họ chỉ muốn được yêu thương, được nối kết mà thôi. Điều họ cần để thành người bình thường theo định nghĩa của ta là được yêu thương, là gặp gỡ. Chỉ một dấu hiệu khước từ nhỏ nhất cũng được họ nhận ra và làm họ lún sâu hơn vào con đường khuyết tật tâm thần.

Nhưng người khuyết tật tâm thần có nhu cầu đặc biệt hơn ta. Ở đây, một điểm tế nhị được Vanier đặc biệt lưu ý là nền đạo đức học Kitô Giáo. Trong cuốn sách nói trên, ông bảo: với người khuyết tật tâm thần “thụ động tiếp nhận nền đạo đức học Kitô Giáo” là điều không thích hợp. “Ta phải thăm dò xem điều gì được coi là hợp đạo đức đối với những người đàn ông và đàn bà khuyết tật tâm thần, là những người vốn không thể nào tự lập hoàn toàn”.

Ông cho rằng muốn sống trong xã hội, muốn phát triển, con người cần có luật lệ. “Nhưng nguyên các ngăn cấm hay thái độ ức chế mà thôi không thể là nhân tố phát triển được. Nền đạo đức học truyền thống giả thiết người ta phải hiểu luật lệ, phải có một sức mạnh ý chí nào đó mới có thể điều hòa các thúc đẩy sinh lý và tránh gây hại cho mình và cho người khác. Nhưng người khuyết tật tâm thần thiếu sót cả ở hai bình diện lý trí và ý chí, dù họ vẫn có trực giác sâu xa về chân thiện mỹ. Do đó, thông thường, nếu không được sống trong một môi trường nâng đỡ, họ thường không có cả ý chí lẫn tự chủ cần thiết để tránh thoát việc bị khuất phục bởi các thúc đẩy kia… Ít khi họ có đủ tự lập và tự do nội tâm để tự mình lèo lái cuộc đời mình. Họ rất dễ bị gây ấn tượng và thường tùy thuộc môi trường bao quanh”.

Chính những nguyên tắc trên đã đem lại thành công rực rỡ cho dự án L’Arche. Ngày 21 tháng 3 vừa qua, ông đã được yết kiến riêng Đức Phanxicô. Khi tường thuật biến cố này, RomeReports.com cho hay “Từ năm 1964, phong trào L’Arche vốn đã và đang bênh vực phẩm giá người khuyết tật và cổ vũ việc hội nhập họ vào xã hội”. L’Arche tranh đấu chống lại điều Đức Phanxicô vốn mô tả là “nền văn hóa vất bỏ”. Trong cuộc yết kiến, một người có hội chứng Down, nạn nhân của nền văn hóa này, đã ôm hôn bàn tay của Đức Thánh Cha.

Theo tường thuật của Cindy Wooden, thuộc Catholic News Service, trước khi yết kiến Đức Phanxicô, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập nhà L’Arche đầu tiên, Vanier nói tới niềm vui, sự dịu dàng và việc chống lại nền văn hóa vứt bỏ.

Ông cho hay: “cảm thấy mặc cảm tội lỗi về việc hiện hữu của mình và không có chỗ đứng ở trên đời là một cảm nhận khủng khiếp”. Rất nhiều các thành viên của L’Arche từng có những cảm nhận như thế. Cho nên kinh nghiệm của L’Arche là tiếp nhận, là trân quí và yêu thương người khác trong chính con người thực của họ. Những ai được thế giới coi là khoẻ mạnh, lành lặn và thành công cần học để biết mở rộng vòng tay và tâm trí đón nhận người khác.

Theo ông, “Điều dễ hiểu là người yếu cần người mạnh, nhưng có lẽ điều khó hiểu hơn là người mạnh cũng cần người yếu. Chúng ta cần những người nhỏ mọn và dễ bị thương tổn. Ta cần người nghèo để khám phá ra cái nghèo của mình. Sống với những người bị thương, ta khám phá ra chính các vết thương của ta. Và, có tiếp nhận các vết thương của người khác, ta mới học được cách biết tiếp nhận các vết thương của mình”.

Trong cuộc phỏng vấn tại Chicago của Judy Valente năm 2006, Vanier cho rằng “tôi không chắc liệu ta có thực sự hiểu sứ điệp của Chúa Giêsu không nếu ta không lắng nghe người yếu”. Theo ông người yếu và người bị thương có một sức mạnh bí mật. Và nếu chịu mở lòng ta ra với họ, ta sẽ trở nên người hơn, nhờ hai phương diện: “Thứ nhất, nhờ ta khám phá ra rằng ta có khả năng yêu người khác, và khi nói yêu người, ta muốn hiểu là nhận ra giá trị và vẻ đẹp của họ, và ta có thể yêu những người bị đẩy qua một bên, bị nhục mạ, bị coi là vô giá trị. Và rồi thấy ra rằng họ đã thay đổi. Thứ hai, ta khám phá ra rằng cả ta nữa cũng tả tơi, cũng có những khuyết tật. Khuyết tật này là chủ nghĩa duy ưu tú, là quyền lực, là cho rằng giá trị chỉ là việc có quyền”.

Thực ra, chính Thiên Chúa cũng “yếu thế” (vulnerable). Vì trong cuộc phỏng vấn này, Vanier nói rằng: Thiên Chúa yếu thế vì Người tôn trọng tự do của ta. “Và nếu Thiên Chúa là tình yêu như Thư Thánh Gioan viết, thì bất cứ ai từng yêu trong đời đều biết mình trở nên yếu thế. Ngươi và người kia nữa đang ở đâu và ngươi có yêu Ta như Ta đã yêu ngươi không? Bởi thế, nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì điều này có nghĩa Người hết sức yếu thế. Và Người không muốn bước vào một liên hệ trong đó Người ép ta phải làm điều này điều nọ. Một bản văn rất hay trong Sách Khải Huyền viết thế này: “Ta đứng ở cửa và Ta gõ cửa. Ai nghe Ta và mở cửa, thì Ta bước vào”. Ở đây, điều làm tôi xúc động là Thiên Chúa gõ cửa, chứ không đá tung cửa, Người chờ đợi. Ngươi có chịu mở cửa không? Ngươi có nghe thấy Ta không? Vì ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều điều tràn ngập đầu óc và trái tim ta rồi nào là lo lắng nào là dự án khiến ta không nghe tiếng Thiên Chúa gõ cửa tâm hồn ta. Do đó, tôi có thể nói rằng điều gây xúc động cho tôi hơn cả, có lẽ vì nay tôi đã trở nên yếu thế hơn, là khám phá ra sự yếu thế của Thiên Chúa, Đấng không hề thúc ép”.

Vanier cho rằng Thánh Gioan Tẩy Giả là người mạnh mẽ, năng nổ, trái lại Chúa Giêsu thì trầm lặng. Ở Nadarét thì sống với mẹ. Ra ngoài đời thì ăn uống với những người có thành tích đĩ điếm, thu thuế, cùi hủi… “Nơi Chúa Giêsu, có điều gì đó đơn giản đến làm ta ngỡ ngàng chịu thua. Ta không biết phải làm gì với nó. Vì thường thường ta hay thích một Chúa Giêsu mạnh mẽ, đầy quyền lực, giải quyết mọi sự cái một, chữa lành mọi người, sẵn sàng làm những gì chúng ta yêu cầu. Nhưng thực tế không phải vậy".

Ông cũng cho rằng “Vấn đề không phải chỉ tin Thiên Chúa, mà còn phải tin người ta nữa, tin chính ta, tin ta như là con cái Thiên Chúa. Ta được mời gọi coi mọi người như Thiên Chúa coi họ, chứ không như người ta muốn họ trở nên”. Nói tóm lại, phải coi người khuyết tật là người bình thường và làm mọi cách để họ tin họ là người bình thường.