“Ngày tháng cho chúng ta kinh nghiệm, sách cho chúng ta kiến thức” (Hugô). Dòng chữ nổi bật trên tường căn phòng thư viện nhỏ xinh nằm trong khuôn viên giáo xứ Vinh Tân, hạt Hàm Tân, GP Phan Thiết cũng chính là mục đích của cha sở và cộng đoàn khi lập ra phòng đọc sách này. Được tổ chức bài bản theo qui trình của một thư viện thu nhỏ, phòng đọc sách Vinh Tân trở thành nơi thu hút tất cả các giới trong giáo xứ.

Xem hình ảnh

Sáng kiến của vị linh mục

Một nơi yên tĩnh trong khuôn viên nhà thờ dành cho những người yêu sách. Trên các dãy ghế là những mái đầu nghiêng nghiêng chăm chú đọc sách. Kia là người thủ thư nhỏ nhẹ trao đổi và tìm sách cho bạn đọc. Tôi khá bất ngờ và thích thú vì bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của thời sinh viên cặm cụi với sách vở nơi thư viện Tổng hợp ngày nào của mình.

Thư viện giáo xứ Vinh Tân chính thức đi vào hoạt động phục vụ bà con ngày 1.11.2010. Đây là sáng kiến của cha xứ GB. Hoàng Văn Khanh. Ý tưởng lập một thư viện nhỏ tạo một không gian giải trí vừa tao nhã, vừa tăng kiến thức nâng cao hiểu biết và nhất là đưa văn hóa đọc sách về cho bà con vùng biển được cha chia sẻ với HĐMV và cộng đoàn. Nhận thấy đây là một việc làm có ý nghĩa và ích lợi cho mọi người, nhất là lớp thanh thiếu niên nên giáo xứ nhiệt tình hưởng ứng. Kinh phí dự tính khoảng 100 triệu đồng dùng cho việc sửa sang phòng ốc, mua sách, băng đĩa và các trang thiết bị phục vụ việc quản lý thư viện. Giáo xứ đóng góp 50.000đ/1 hộ, phần còn thiếu do cha sở tài trợ.

Đi vào hoạt động, thư viện Vinh Tân khá thành công trong việc thu hút bạn đọc mọi lứa tuổi không phân biệt lương giáo. Chú thủ thư Phêrô Trần Văn Nhung cho biết, có những giờ cao điểm, thư viện phục vụ đến 150 bạn đọc. Còn trung bình khoảng 200 lượt/ngày. Thứ bảy, Chúa Nhật đông hơn khoảng 300 - 400 lượt. Thư viện phục vụ 3 ca. Sáng từ 7g30 – 10g30, chiều từ 14g30 – 16g30, tối từ 19g – 20g15. Chú Nhung phụ trách chính thư viện trong suốt tuần, những lúc cao điểm thì có các anh chị Huynh trưởng giúp cho mượn sách. Tủ sách khá phong phú với gần 2.000 đầu sách được đánh mã số và sắp xếp theo từng thể loại như Khoa học thường thức, Văn học, Giáo dục nhân bản, Sức Khỏe & Đời sống, truyện tranh. v.v. Bạn đọc tìm sách trên sổ mục lục, ghi phiếu mượn sách gởi cho thủ thư, sau đó chờ nhận sách về chỗ đọc. Hiện thư viện chỉ phục vụ bạn đọc tại chỗ, trong tương lai sẽ cho mượn sách về nhà.

Đến những kết quả tích cực

Bà Trần Thị Đính, 65 tuổi, và cô cháu gái đang chăm chú đọc chung câu chuyện tranh trên một trang báo, bà khe khẽ đọc và chỉ cho cháu đọc theo từng chữ. Bà cho biết thường đi lễ, đọc kinh xong thì tranh thủ vô thư viện đọc báo một lúc. Bà nói phải đọc để biết đám trẻ bây giờ suy nghĩ và thích làm gì để có thể hiểu con cháu phần nào. Và nhất là học hỏi thêm nhiều cái mới của cuộc sống.

Nhóm 3 bạn gái Thu Hồng – Nhi – Hằng thì lại thích đọc truyện thiếu nhi và các thánh, các bạn cho biết tuần 2 lần vào đọc sách vào những ngày nghỉ học. Bạn Nguyễn Trường Đông, lớp 12, thì thường xuyên đến với phòng đọc vào những giờ rảnh. Đông cho biết từ khi có thư viện, các bạn ở giáo xứ bớt đi chơi vào buổi tối mà đến đây đọc sách. Đông nói: “Ở miền biển, chẳng có gì giải trí ngoài tắm biển. Sách báo hiếm lắm và mắc tiền nên Đông và các bạn thích đến đây! Đầu tiên chưa quen, nhưng bây giờ thì “nghiền” đến thư viện vì có nhiều loại sách để tham khảo, vừa tăng kiến thức vừa giải trí”.

Thầy Trần Văn Hiên, Trưởng ban Giáo lý Vinh Tân, phấn khởi cho biết kết quả tích cực thấy rõ nhất là từ khi phòng đọc đi vào phục vụ thì các em thiếu nhi trong xứ bớt đi chơi lêu lổng ở bên ngoài mà tập trung vào thư viện đọc sách vào ngày nghỉ, nhất là các buổi tối. Không chỉ thiếu nhi, thanh niên mà nhiều ông bà lớn tuổi cũng thường xuyên lui tới thư viện đọc sách báo.

Cha quản xứ cho biết thư viện không chỉ dừng lại ở việc phục vụ đọc sách, trong thời gian sắp tới sẽ giới thiệu và hướng dẫn những bộ phim nổi tiếng, chất lượng đến bà con. .. Thư viện sẽ liên tục cập nhật thêm các đầu sách và tổ chức giới thiệu sách hay có giá trị tới độc giả.

Trên đường về, bạn tôi cứ tấm tắc khen mãi về mô hình tổ chức thư viện giáo xứ Vinh Tân. Anh bảo phải chi các giáo xứ cũng phát triển được mô hình này giúp cho bà con có điều kiện nâng cao kiến thức, nhất là góp phần định hướng và giáo dục cho thanh thiếu niên giữa những giải trí thiếu lành mạnh hiện nay vì “Được đọc những cuốn sách hay giống như được đàm đạo với hiền nhân của các thế kỉ đã qua” (Descartes).