Giáo dân Tam Tòa trình bầy ước muốn với ĐC Hợp
ĐC Hợp thăm nhà thờ Tam Tòa đổ nát
Chính quyền lấy đất giáo xứ Tam Tòa làm Công viên
Thánh lễ hiện nay tại Nhà ông Trần Công Lý
Linh mục Tân Quản xứ Tam Tòa
Toàn cảnh giáo xứ Tam Tòa
ĐC Hợp và giáo dân Tam Tòa tại nhà thờ Sen Bàng
QUẢNG BÌNH - Trong hai ngày 28-29.11.2010 vừa qua, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã thực hiện chuyến thăm mục vụ tới các giáo xứ Nam sông Gianh. Đây là địa bàn thuộc Tổng Giáo phận Huế mới sát nhập vào Vinh thời điểm 4 năm về trước. Xin giới thiệu cùng quí bạn đọc cái nhìn tổng quát về hiện tình phát triển các xứ đạo Tam Tòa, Sen Bàng, Trung Quán, Phúc Tín, Hoành Phổ và Bình Thôn nơi mảnh đất địa đầu cực nam Giáo phận.

Giáo xứ Tam Tòa trong quá trình hồi sinh

Theo dòng lịch sử, giáo xứ Tam Tòa cách riêng và hạt Quảng Bình thuộc Tổng Giáo phận Huế là nơi gánh chịu nhiều khổ đau trong các cuộc bách hại dưới thời phong kiến và Văn thân. Một trong những trang sử bi hùng của giáo xứ phải kể đến là thời điểm năm 1886 với cuộc tàn sát khủng khiếp của giới Văn Thân Quản Bình. Sáo Bùn - tiền thân giáo xứ Tam Tòa bị Văn Thân bổ vây, 52 giáo dân bị giết chết trong cơn hỗn loạn.

Mảnh đất Đồng Hới là chứng nhân lịch sử ghi dấu những cuộc tử đạo của các thánh tử đạo hai Giáo phận Vinh và Huế qua các thời điểm: 24.11.1838 (Đức Cha Borie Cao, linh mục PhêrôVũ Đăng Khoa; linh mục Vinhsơn Nguyễn Thời Điểm), 10.7.1840 (trùm xứ Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, thầy giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự), 25.5.1861 (linh mục Đoàn Trinh Hoan, trùm xứ Matthêu Nguyễn Văn Phượng). Mồ hôi nước mắt và cả máu của tiền nhân đã đổ thấm đẫm để rồi từ đó viết nên trang sử xanh để lại cho muôn đời sau.

Nhìn lại thời điểm 1939, thống kê của Giáo phận Huế có khoảng 18 giáo xứ, 93 giáo họ với 16.411 giáo hữu trên địa bàn Nam sông Gianh gồm ba huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Thế nhưng cũng với làn sóng di cư 1954-1955 sau hiệp định Giơnevơ, đã lần lượt xóa sổ các xứ đạo. Tuy vậy, vẫn còn một số ít giáo dân bám trụ, họ bị kẹt lại trong mảnh đất giáp ranh hai giáo phận miền Trung phải chịu nhiều thiệt thòi vì chính sách hạn chế tôn giáo và không được tham dự trọn vẹn các nghi thức phụng vụ bởi không còn linh mục coi sóc.

Một trang sử mới mở ra trên mảnh đất Nam Quảng Bình với việc chính quyền đồng ý để Tổng Giáo phận Huế chuyển quyền quản lý các xứ đạo sang Giáo phận Vinh kể từ thời điểm 2006.

Sự kiện Tam Tòa diễn ra mùa hè 2009 không cản ngăn được bước đường phát triển cũng như làm nhụt chí của người tín hữu Công giáo trên mảnh đất này.

Hơn một năm sau sự kiện Tam Tòa, quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ để nhìn nhận và đánh giá lại để rút ra bài học kinh nghiệm bằng con mắt khách quan.

Hiện đất đai nhà thờ trở thành vấn đề lưu tâm số một của giáo quyền cũng như chính quyền. Theo thông tin từ phía linh mục quản xứ, có thể giáo xứ sẽ nhận phần đất nằm ở phường Nam Lý thuộc vùng trung tâm thành phố Đồng Hới, cách quốc lộ 1A chừng 1km. Diện tích đất đai giáo xứ yêu cầu phía chính quyền cấp dự kiến khoảng 6.200m2.

Ngoài ngôi nhà thờ xứ đã trở thành “di tích tội ác của đế quốc Mỹ”, nhiều người chưa biết nơi đây vẫn còn phế tích của một ngôi nhà thờ họ của Tam Tòa. Trong buổi sáng ngày 29.11, Đức Giám mục Giáo phận đã tới thăm ngôi nhà thờ nguyên trước đây là họ đạo Sáo Cát nằm bên kia bán đảo Bảo Ninh, cách nhà thờ Tam Tòa chừng 2km. Ngôi nhà thờ bị chiến tranh, thời gian và cả con người tàn phá đã mất toàn bộ phần mái, chỉ trơ lại bốn bức tường. Các hộ dân đã lấn chiếm khuôn viên và còn sót lại một diện tích rất nhỏ bao quanh nền móng nhà thờ.

Tiếp theo là nhân sự cho giáo xứ Tam Tòa. Ngày 27.7.2010, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp chính thức bổ nhiệm linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng quản xứ Tam Tòa. Trước đây cha Hồng quản xứ Sen Bàng, phụ trách Tam Tòa. Một Ban đại diện giáo dân hình thành từ trước đang được củng cố trở nên một Hội đồng Mục vụ giáo xứ vững mạnh.

Nói chuyện với đông đảo giáo dân Tam Tòa có mặt trong buổi lễ tại giáo xứ Sen Bàng, cách Tam Tòa 19km về phía tây nam, Đức Giám mục Phaolô đã chia sẻ nỗi khó khăn vất vả của đoàn chiên nơi đây. Ngài động viên các tín hữu cố gắng xây dựng lại giáo xứ, cùng nhau vực dậy mảnh đất thiêng nơi nhiều vị tử đạo đã đổ máu đào minh chứng Đức Tin. Ngài cũng nhân danh Giáo phận cảm ơn anh chị em giáo dân đã có công gìn giữ Đức Tin và ước mong Chúa sẽ trả công cho những hi sinh vất vả của anh chị em.

Được biết, vào giữa tháng 12 sắp tới, đại diện Tòa Giám mục Xã Đoài sẽ có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình để bàn về một số vấn đề đất đai và nhân sự trên địa bàn Nam Quảng Bình, trong đó có vấn đề đất đai giáo xứ Tam Tòa.

Hiện tại, linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng đang phải tiếp tục dâng thánh lễ cho gần 1000 giáo dân Tam Tòa trong tư gia ông Trần Công Lý trên đường Nguyễn Du, phường Đồng Mỹ.

.

.

.

.

.

.


Sau đây là đề nghị chi tiết của Tòa Giám mục Vinh cho mặt bằng Nhà thờ Giáo xứ Tam Tòa



(còn tiếp...)