Hàng ngàn giáo dân đã tham dự lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ giáo xứ Vĩnh Phước (Quảng Bình) vào sáng ngày 29.10.2010. Thánh lễ do Đức Giám mục Giáo phận Phaolô Nguyễn Thái Hợp cử hành lúc 8h30’ với sự hiện diện cha Chánh văn phòng Phêrô Nguyễn Văn Hương, cha Quản lý TGM Antôn Trần Văn Công, cha Linh hướng Đại Chủng viện Vinh Thanh Gioan TC Nguyễn Phước, ofm và hầu hết các linh mục đang phục vụ tại Quảng Bình.

Xem hình ảnh

Giáo xứ Vĩnh Phước được chính thức thành lập vào thời gian nào đến nay vẫn chưa được rõ, nhưng đoán là khoảng năm 1835. Chỉ biết một cách khái quát rằng: Sau thời gian Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) vào truyền giáo tại miền Bắc Bố Chính (15-4-1629), tức Quảng Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa ngày nay, giáo xứ được thành lập và mang tên cũ thường gọi của làng là Giáo xứ Làng Ngang.

Đó là một trong bốn giáo xứ mẹ và là tiên khởi của giáo hạt Bình Chính ngày nay, gồm có: giáo xứ Đơn Sa, Thọ Đơn (Nhân Thọ), Nội Hà (Cồn Nâm), và Làng Ngang (Vĩnh Phước). Lúc đầu giáo xứ Làng Ngang bao gồm các họ lẻ như: Hòa Ninh, Diên Trường, Minh Lệ, Vĩnh Tân, Cồn Sẻ, Hạ Thôn, cùng các họ thuộc về phía Nguồn Nậy. Tổng số giáo dân lúc ấy là 5.988 người, đông nhất trong số 4 giáo họ mẹ.

Đến năm 1835, các giáo họ phía Nguồn Nậy được tách ra thành lập giáo xứ Cồn Dừa (Kinh Nhuận). Năm 1864, các họ phía Nam tách ra thành lập giáo xứ Hòa Ninh. Năm 1913, các họ phía tây tách thành giáo xứ Chợ Sàng. Về sau, tử hai giáo xứ Kinh Nhuận và Chợ Sàng này lại lần lượt tách bớt ra: thêm 4 giáo xứ mới là Kim Lũ (1886), Phú Kinh (1897), Minh Cầm (1897) và Đá Nện (1918).

Năm 1875, đời vua Tự Đức, giáo xứ Làng Ngang đổi tên mới là giáo xứ Vĩnh Phước và chọn thánh quan thầy là Đức Mẹ Carmêlô, lễ kính vào ngày 16-7 dương lịch hàng năm. Nay giáo xứ Vĩnh Phước chỉ còn lại 6 giáo họ là: Hợp Lộc, Thượng Lộc, Trung Lộc, Hạ Lộc, Cồn Sẻ và Hạ Thôn (Quảng Tân).

Theo thống kê của giáo hạt năm 1996, số giáo dân của Vĩnh Phước là 5.799 người. Ngoài ra giáo dân của các xứ Troóc, Khe Gát, Cây Lim, hầu hết là giáo dân xứ Vĩnh Phước đến khẩn hoang, lập nghiệp vào khoảng thế kỷ 18 và 19... Sau hai biến cố 1954 và 1975, một số giáo dân giáo xứ Vĩnh Phước đi làm ăn và định cư tại nhiểu nơi như Ba Đồn, Đồng Hới, Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cam Ranh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận...Cũng có khoảng 200 người hiện sống ở nước ngoài.

Giáo xứ Vĩnh Phước có 4 đơn vị giáo họ thì chỉ còn tồn tại duy nhất ngôi nhà thờ xứ. Trước đây có một họ đạo là Hạ Thôn đã bị xóa sổ hoàn toàn vào những năm 60 thế kỷ trước. Nhiều người dân Vĩnh Phước Hạ đã dần quên lãng Đức tin và trở nên xa lạ với các sinh hoạt giáo xứ trong khoảng thời gian 50 năm không có cha quản xứ.

Mặc dầu vậy nhưng bằng tinh thần đoàn kết và quyết tâm, linh mục quản xứ và giáo dân Vĩnh Phước đã làm nên “đại sự” với sự kiện ngày 20.7.2007, nhát cuốc đầu tiên được bổ trên đất thánh khởi đầu cho công cuộc xây dựng nền móng nhà Chúa.

Đến ngày 27.11. 2007, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nhà thờ trên một khuôn viên chừng 6.000m2 vừa mới lấy lại để đến hôm nay sau 3 năm thi công, công trình đã hoàn thành trong sự xúc động của cộng đoàn dân Chúa.

Công trình mới đã thay thế cho ngôi nhà thờ cũ kỹ trước đây làm bằng gỗ lim mái lợp ngói vảy với kích thước nhỏ bé chừng 240m2. Dấu tích nhà thờ xưa chỉ là ngọn tháp được xây dựng vào khoảng năm 1922 thời cha Giuse Đường được dùng làm cổng vào giáo xứ.

Sau khi gửi lời chúc mừng tới cha xứ Gioan B. Nguyễn Minh Dương (sinh 1973, gốc Giáo xứ An Nhiên, Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, LM 2004) và chừng 3.200 giáo dân trong dịp vui trọng đại này, Đức Cha Phaolô mong muốn anh chị em đẩy mạnh công tác tái truyền giáo ngay trên xứ sở của mình, nhất là những giáo dân Vĩnh Phước vì lý do nào đó đã xa rời đời sống Đức tin Công giáo.

Trong ngày vui này, giáo xứ sung sướng đón chào những người con ưu tú trở về thăm quê. Được biết, nơi đây là quê hương của hai anh em linh mục Gioan TC Nguyễn Phước, Linh hướng Đại Chủng viện Vinh Thanh và Anxenmô Nguyễn Hải Minh, Học viện Phan sinh, Quận 9; linh mục Đoàn Văn Liệu (Cam Ranh); linh mục Bonaventura Mai Thái (Đà Nẵng); linh mục Simon Nguyễn Đức Thắng (London – Anh); linh mục Phêrô Lê Trọng Nghĩa (Hoa Kỳ, đã qua đời)...