Lễ Ngân Khánh Linh Mục và tâm tình của các ca viên về một người thầy

Sài Gòn - Hôm 15/05/2010 vừa qua, Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn đã trở về miền đất Xóm Chiếu dấu yêu của ngài để dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Ngân Khánh linh mục. Cùng đồng tế trong Thánh Lễ Tạ Ơn có các linh mục đại diện Giám Mục, Cha Sở và quý cha Giáo xứ Xóm Chiếu, các cựu linh mục Xóm Chiếu, các linh mục Hạt trưởng, các cha giáo Đại Chủng Viện. Tham dự thánh lễ có sự hiện diện của hai Nữ tu là chị của cha Ernest, cùng các tu sĩ Nam Nữ, các cựu chủng sinh đồng môn của ngài và đông đảo giáo dân Giáo xứ Xóm Chiếu.

Trước Thánh Lễ, giáo xứ đã lập dàn chào gồm các em thiếu nhi, các hội đoàn reo hò vỗ tay để chào đón quý cha, quý tu sĩ về giáo xứ cùng hiệp dâng Thánh Lễ. Đúng 10 giờ sáng, đoàn rước tiến dần vào thánh đường để hiệp dâng lời tạ ơn Chúa vì bao hồng ân Chúa đã tuôn đổ trên mỗi người tham dự và cách riêng cho cha Ernest, là một người con của Giáo xứ Xóm Chiếu. Thánh Lễ hôm nay do Ca đoàn Cecilia phụ trách, hát lễ bằng giọng hát của thế hệ ca viên là những người học trò của cha Ernest cùng các ca viên thế hệ kế thừa sau này.

Với tâm tình của một người xuất thân từ giáo xứ Xóm Chiếu, trong bài giảng của mình, Cha Ernest cho hay rằng trong các cuộc trao đổi giữa các cha với nhau, các cha thường bảo cứ nhắc đến Xóm Chiếu thì thái độ của ngài hơi khác, mặc dù ngài ít nói về Xóm Chiếu hơn các nơi khác và xa Xóm Chiếu hơn 20 năm. Tâm tình này cho thấy sự gắn bó keo sơn của ngài đối với miền đất mà ngài xuất thân.

Ngài cho hay: “Ngay từ 3 tuổi, hầu như cả cuộc đời tôi gắn bó với Xóm Chiếu, khi bắt đầu đi tu sự gắn bó càng lớn hơn khi trong nhiều năm làm việc với các anh chị trong ban giáo lý, thiếu nhi thánh thể, ca đoàn, giới trẻ”. Cuộc đời tu trì của cha Ernest bắt đầu từ ngày 01/07/1968, khi ngài vào Tiểu Chủng viện Sài Gòn và vào Đại Chủng Viện ngày 02/09/1970.

Chia sẻ về kinh nghiệm tu trì về quảng đời đã qua cho đến khi được phong chức linh mục, cha Ernest cho hay đã có gần một năm làm việc ở nông trường và về Xóm Chiếu làm việc về chiếu cói. Ngài chia sẻ rằng khi làm việc ở Hợp tác xã chiếu cói Hòa Bình ngài học được kinh nghiệm quản lý, và cách sống với người lao động.

Ngày 11/01/1985, cha Ernest chịu chức phó tế và chỉ vài ngày sau đó, 14/01/1985 ngài được chịu chức linh mục. Bằng sự khiêm nhu của mình, ngài chia sẻ cảm nghĩ của mình khi được chịu chức linh mục: “Với sự trợ giúp của nhiều người, trong số đó có những người ở xứ đạo Xóm Chiếu, thì tôi mới có thể tiến lên lãnh chức linh mục cách đây 25 năm. Thật ra vào lúc đó tôi thấy mình vẫn chưa hẳn hoàn toàn xứng đáng khi Đức Tổng Phaolô (Nguyễn Văn Bình) cho chịu chức linh mục. Tôi vẫn còn thấy thiếu thiếu điều gì đó, nên sau khi chịu chức thì cố gắng học hỏi thêm, tập trung lo soạn bài giảng. Chắc ông bà anh chị em phải chịu đựng những bài giảng đầu đời linh mục của tôi. Sau này khi có dịp đọc lại những bài giảng đó thì thấy thán phục sự kiên nhẫn, lòng bao dung của người giáo dân Xóm Chiếu. Tư tưởng của tôi thích hợp với dân quê nên bài giảng ngắn để người nghe khỏi phải ngán”.

Ngài 15/01/1985, cha Ernest dâng Thánh Lễ Mở tay và 20/06/1985 trở thành Phó xứ Xóm Chiếu, đến 27/08/1990 thì vào Đại Chủng Viện dạy học. Nghĩ về những công việc đã qua, cha cảm ơn những người đã cùng cộng tác với ngài trong suốt quảng đời 25 năm linh mục: “Nếu nghĩ tất cả là Hồng Ân của Chúa thì những người cộng tác với thiên chức linh mục đó cũng là những người hỗ trợ chính để nhờ đó Hồng Ân Thiên Chúa đến với linh mục. Trước khi chịu chức thì tôi cũng không hiểu tại sao, không biết làm sao mà mình có thể thi hành được chức vụ linh mục, làm sao cho người khác nghe theo được nhưng nhiều người đã cộng tác nhiệt tình. Có nhiều người cộng tác thì công việc phục vụ Giáo Hội đơn giản hơn. Những người cộng tác với giáo hội, với công việc rao giảng Tin Mừng không thiếu, vấn đề là phải làm sao để tạo điều kiện cho người ta phát huy”.

Ngài nhấn mạnh đến cách thức để loan báo Tin Mừng và nhắn nhủ đến sự tôn trọng khác biệt trong cộng tác với nhau để làm rạng danh Nước Chúa: “Việc rao giảng Tin Mừng không chỉ do một người nhưng do một nhóm người, mỗi người cố gắng nhận ra tiếng Chúa gọi như Samuel trong bài đọc thứ nhất. Mỗi người cố gắng phát huy khả năng của mình để phục vụ cho việc rao giảng nước Chúa. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu sai đi từng nhóm hai người một để làm việc chung với nhau, rao giảng Tin Mừng chung với nhau. Điều đó cho thấy đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có tôi mới thực sự là người rao giảng Tin Mừng, còn người khác chỉ là tầm bậy. Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có tôi là người rao truyền chân lý, còn người khác toàn là giả dối. Điều quan trọng vẫn là Lạy Chúa, con đến để thực thi ý Chúa. Mỗi người cảm nhận tiếng Chúa gọi mình một cách khác nhau và cố gắng để đáp lại tiếng mời gọi ấy. Ơn gọi ở đây không chỉ là ơn gọi tu trì. Nhều khi thấy anh chị em trong ơn gọi gia đình, vất vả trong đời sống gia đình. Lo cho con cái ăn học, lo lắng khi con cái bị hư hỏng, lo về kinh tế, đủ thứ lo, thì tôi thấy sao mà các anh chị trong ơn gọi gia đình lại giỏi và can đảm đến như thế”.

Cha cũng nhắc nhở cần chu đáo chuẩn bị cho việc loan truyền Tin Mừng: “Bài Phúc Âm hôm nay cũng cho thấy việc rao giảng Tin Mừng cũng khởi đi từ những quan sát cụ thể, để thấy được đầu mối của vấn đề, để thấy được nhu cầu của con người và dùng khả năng của mình để đáp ứng lại những nhu cầu đó. Phạm sai lầm trong quan sát đầu tiên này có thể đi đến hành động xa rời thực tế và không đạt kết quả mong muốn, nếu không muốn nói là đạt kết quả tồi. Bởi thế, phải cầu nguyện cho việc rao giảng Tin Mừng, công việc rao giảng Tin Mừng là việc của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đem đến Tin Mừng cho trần gian và chính chúa Kitô sai các môn đệ tiếp tục nhiệm vụ đó, thiếu cầu nguyện chúng ta không thể đi sâu vào nhiệm vụ Chúa trao phó. Nếu chúng ta không cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương chúng ta thì việc rao giảng Tin Mừng không còn là việc của Chúa, nghĩa là công việc của kỹ thuật, của con người, làm thỏa mãn ý muốn của con người. Những lời dặn dò của Chúa Giêsu bài Phúc Âm hôm nay đi vào chiều sâu vai trò làm môn đệ Chúa Kitô, môn đệ phải thực sự là người rao giảng Tin Mừng, đây là nhiệm vụ chính yếu của con người chúng ta, mỗi người chúng ta được Thiên Chúa mời gọi cùng nhau lên đường rao giảng Tim Mừng. Chúa gọi mỗi người cách khác nhau, và mỗi người phải dùng phương tiện riêng mà Chúa ban cho để đi rao giảng. Xin Chúa cho chúng con biết hỗ trơ nhau trong rao giảng Tin Mừng”.

Trong chia sẻ cám ơn kết lễ cha Ernest đã cám ơn sự hiện diện đông đảo giáo dân xứ Xóm Chiếu đến dự Thánh Lễ tạ ơn của ngài dù ngài xa cách giáo xứ đã 20 năm. Bên cạnh đó, ngài cũng cám ơn chính quyền đã đến tham dự Thánh Lễ và cũng cám ơn Ban Tôn Giáo Thành phố: “Năm ngoái đến Đại Chủng Viện đã nhắc nhở Lễ Mừng Ngân Khánh thì phải xin phép nhà nước và cám ơn chính quyền đã cho tổ chức thánh lễ này”.

Sau Thánh Lễ, Giáo xứ đã khoản đãi cha bằng buổi tiệc mừng với chương trình văn nghệ do các hội đoàn và các ca đoàn thực hiện trong bầu khí ấm cúng tình thân. Đặc biệt, tham dự buổi tiệc còn có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Giáo phận Phan Thiết, nguyên là Giám Mục Phụ Tá TGP Sài Gòn và cũng từng là Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse. Trong tâm tình chia sẻ niềm vui với cha Ernest, Đức Cha cho hay ngài đã cùng cha Ernest sát cánh với nhau trong bao năm qua, ngay từ khi cùng sống với nhau 1 năm trong nông trường, cùng nhau tu học và làm việc ở Đại Chủng Viện. Để buổi tiệc thêm sinh động, Đức Cha đã hát tặng cha Ernest bài hát “Đôi dép” bằng chất giọng mượt mà để nói lên tình thân bao năm gắn bó.

Ca Đoàn Cecilia, giáo xứ Xóm Chiếu, đứa con tinh thần của Bố

Kết thúc buổi tiệc Mừng Ngân Khánh cha Ernest là toàn thể ca viên nhiều thế hệ của ca đoàn Cecilia hát lên bài hát Khúc Cảm Tạ để cảm ơn vị ca trưởng sáng lập và dìu dắt ca đoàn qua dòng thời gian. Trong tâm tình tạ ơn, chị ca trưởng Dung đã đại diện cho tất cả anh chị em để cám ơn cha Sở Giáo xứ Xóm Chiếu đã tạo điều kiện cho anh chị em ca viên cũ được về chung niềm vui với Cha Ernest. Chị cho hay: “Con cũng xin cám ơn Cha Giám Đốc, người đã có công thành lập ca đoàn Cecilia chúng con, cùng đồng hành, dẫn dắt chúng con từ những ngày đầu. Trong Lễ Tạ ơn mừng Ngân Khánh của cha hôm nay, chúng con nguyện xin Thiên Chúa luôn ban cho cha những hồng ân đặc biệt để thi hành trọn vẹn ý Chúa muốn nơi cha”.

Ở Giáo xứ Xóm Chiếu, nhắc đến “Bố Hưởng” gần như các ca đoàn điều biết, nhất là Ca đoàn Cecilia, ca đoàn mà Bố coi sóc từ năm 1973 cho đến khi ngài nhận sứ vụ mới trên cương vị linh mục. Ca viên Cecilia chúng tôi thường gọi ngài bằng bố trong tình thân mật và theo những anh chị ca viên kỳ cựu của ca đoàn kể lại thì thời gian Bố coi sóc ca đoàn là cả một kho kỷ niệm khó quên và thật đẹp về một người thầy thật đáng nể phục. Thuở đó, ca đoàn được ngài đặt tên Cecilia là ca đoàn thiếu nhi Đồng Giọng Nữ nhưng hát rất “chiến”. Về chuyên môn hát xướng, ngài luôn có một kế hoạch huấn luyện thật chu đáo và hiệu quả cho các ca viên:

- Dạy ký xướng âm cơ bản cho tất cả ca viên để xóa mù nhạc, theo đánh giá của các anh chị thì các tài liệu do ngài biên soạn dễ tiếp thu nhất, cho đến bây giờ ca đoàn vẫn còn sử dụng

- Luyện thanh nửa tiếng vào các buổi tập hát, thuở ngài dẫn dắt ca đoàn, ca đoàn hát 1 tuần 4 ngày 3-5-7-CN, và tập hát 3-5-7 sau giờ hát lễ.

- Mỗi tháng đều có thử giọng người mới, xem có vào ca đoàn được không và người cũ sẽ được chuyển sang bè phù hợp với chất giọng phát triển theo độ tuổi, hoặc biết chuyển giọng mượt mà mới được hát Lễ Chúa Nhật, nếu chưa được thì chỉ hát lễ ngày thường và luyện tập thêm.

- Cha còn huấn luyện cho những người đàn và dạy hòa âm để đàn tốt hơn. Theo một chị ca trưởng cũ thì cha là người đàn piano rất giỏi và lại giỏi về hòa âm nữa. Một số chị đã được chọn để dạy đàn nhưng chỉ có chị Thùy Vân và chị Bình là bền đỗ đến cùng và thành quả 2 chị đã đàn cho ca đoàn sau này.

- Cha còn chọn các chị có chất giọng tốt và luyện riêng để hát solo, dạy cách ngân, lấy hơi nhẹ nhàng, phát âm tròn tiếng vì đặc trưng của Thánh Vịnh, vuốt nhẹ v.v... Kết quả là các chị solo rất tâm tình và giọng rất đẹp như chị Kim Hoa, chị Hương, chị Diệp... Để hát 1 bài solo, các chị được chuẩn bị rất kỹ vì cha thật tôn trọng giáo dân và giúp họ cầu nguyện sao cho thật tốt.

- Việc tập hát cũng là một kho kiến thức giúp cho những người đi sau học theo mãi. Cha Ernest là giọng Terno chuẩn nên hát mẫu cho ca đoàn thật tốt, giữ nguyên cung của bài hát, giúp cho ca viên cách chuyển giọng sao cho mướt và nhẹ nhàng, tâm tình diễn tả theo lời bài hát, cách hát biết lắng nghe nhau để người nghe chỉ nghe một giọng cho toàn ca đoàn. Có một điều anh chị em ca viên công nhận là ngài rất thính tai, ca viên nào hát sai giọng hoặc lớ giọng là ngài phát hiện ra ngay, chỉ trúng phóc. Cha rất nóng tính và nghiêm túc, vì thế không được nói chuyện ồn ào trong gười tập hát, làm xao nhãng và mất thời gian của nhau, các chị ca viên thời đó răm rắp nghe theo, nhưng không vì thế mà không khí tập hát bị nặng nề chút nào vì ngài rất có tài khôi hài làm cho các chị được cười rất sảng khoái khi cần thiết.

- Việc chuẩn bị và chọn bài hát cũng rất công phu, vì ca đoàn là đồng giọng nữ nên cha Ernest soạn lại một số bài dị giọng hay, lời tâm tình và giai điệu đẹp cho hát... Vào thời gian đó việc in ấn rất khó khăn, vậy mà với kỹ thuật in trên nẹp và quay ronéo, ngài đã tạo ra một tủ sách khá hoành tráng từ sách 1 đến sách 10. Ngài chọn size A5, để ca viên cầm nhẹ nhàng, không che mắt khi hát, nhìn lên thấy nhịp để hát cho đều và biết cách nâng niu sách.

Làm sao có thể quên về người thầy thuở ấy, với những cuộc đi chơi dã ngoại thật thích thú cho các ca viên với những buổi đi chơi Sở Thú, xem phim. Vào các ngày thường sau giờ tập hát, hoặc trước khi hát lễ Bố còn là người anh, người bạn của các ca viên khi ngài ngồi giữ dép cho các ca viên chơi các trò chơi dân dã như chơi U, chơi Tin vì lúc đó sinh hoạt ca đoàn gần như là sự dấn thân và cũng là sân chơi ngoài giờ học của các ca viên, không có những hoạt động giải trí như bây giờ, đã vậy dưới sự dìu dắt của ngài, các ca viên được bố mẹ tin tưởng trao phó và cho tham gia.

Ca đoàn thưở ấy với 1 tập thể toàn là Nữ thì không tránh được những vụ xung đột và cãi vả nhưng Cha Ernest thất tài tình, lắng nghe, giải quyết và dạy cho các chị ca viên nhiều bài học quý giá trong cư xử với nhau.

Thời gian cha nhậm chức linh mục và làm việc tại giáo xứ, ngài vẫn tiếp tục lắng nghe và hướng dẫn cho người đàn (lúc đó là chị Bình) và cho việc điều khiển ca đoàn như anh Luyện của ca đoàn Cecilia, và các ca đoàn Thiếu Nhi của giáo xứ, ca đoàn Mông Triệu, Trinh Vương, Junior.

Khi ngài về chủng viện để chuẩn bị cho việc tu học ở Pháp từ 09/10/1993 là thời gian ngài hoàn toàn tập trung vào việc học và khi trở về lại Việt Nam là hoàn tất thành công tốt đẹp chương trình học, ngài làm cha giáo ở Đại Chủng Viện từ 21/09/1998, rồi Phó Giám Đốc Đại Chủng Viện từ năm 2000, và Giám Đốc năm 2005. Thời gian này, dù rất bận rộn, ca đoàn Cecilia vẫn tiếp tục được sự dìu dắt của cha vào dịp Lễ Bổn Mạng của ngài, của ca đoàn, dịp Giáng Sinh, Noel, cha vẫn lắng nghe lúc ca đoàn tập hát và góp ý cho việc hát tâm tình hơn, rõ tiếng hơn. Và nhờ sự ưu ái đó mà ca đoàn Cecilia đã có 5 năm hát Lễ đêm Giáng Sinh và các lễ Tiên Khấn và Khấn trọn đời của các Sr. ở Dòng Kín Cát Minh. Ngoài công tác ca đoàn ra, ngài vẫn khích lệ chúng tôi trong các chuyến công tác bác ái từ thiện, đã nhiều năm trước ca đoàn chúng tôi đi tiên phong trong công tác này qua việc dành dụm tiền bạc, kêu gọi quyên góp, làm thiệp để bán... Và nhờ sự ưu ái của cha Sở mô hình này đã được nhân rộng cho khắp các ca đoàn khi tất cả các ca đoàn một năm có một hai chuyến công tác bác ái từ thiện chung với nhau.

Trải qua bao ngày tháng kể từ khi cha Ernest dẫn dắt ca đoàn này đến nay, thế hệ kế thừa hôm nay với nhiều lứa tuổi khác nhau, có những ca viên là chồng vợ, cha mẹ con cùng hát chung ca đoàn. Tuy là lúc giao thời, khi chị ca trưởng Kiều Trang, sau 30 năm hát xướng và 14 năm điều khiển ca đoàn chọn đường hướng phục vụ khác là Thần Học Giáo Dân, và khi một số ca viên đến tuổi cặp kê, đồng loạt lập gia đình nên mất đi một lực lượng nồng cốt, nhưng vẫn còn đó sự hỗ trợ tích cực của một số ca viên kỳ cựu. Chị Dung, ca trưởng hiện nay của ca đoàn đã phải cố gắng rất nhiều để đào tạo một thế hệ ca viên mới để vươn tới những gì mà Cha Ernest đã gầy công chăm sóc và dạy bảo. Qua đó, lời dạy của người thầy cần được thể hiện qua việc chăm chỉ tập luyện đầy hy sinh của tất cả mọi thành viên, để khắc ghi cốt lõi của việc hát: - Tâm tình đặt vào bài hát. – Kỹ thuật để đạt được tâm tình mà ca đoàn cần thể hiện. – Tâm tình phục vụ biết lắng nghe và cùng giúp cho tập thể gắn kết trong yêu thương.

Khi nhắc nhớ những điều này, anh chị em chúng tôi luôn khắc ghi những điều mà Cha Ernest dạy bảo để sao cho lời ca tiếng hát trong Thánh Lễ mà chúng tôi phục vụ có thể giúp cộng đoàn phụng vụ sốt sắng hơn trong việc ca ngợi và thờ phượng Chúa. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn nâng đỡ phù trì để ca đoàn chúng tôi càng thêm vững mạnh bước trên con đường dấn thân phục vụ.