Quá Trình Phương Bắc Xâm Lăng Nước Ta

(Nhân kỷ niệm mồng 5 Tết, vua Quang Trung đại phá quân Thanh)
Theo Việt sử, từ buổi đầu thời đại đồng thau, có khoảng 15 bộ lạc Lạc Việt dưới đây đã định cư ở Bắc bộ và bắc Trung bộ:

1- Văn lang (Bạch hạc, tỉnh Vĩnh yên)
2- Châu diên (Sơn tây)
3- Phúc lộc (Sơn tây)
4- Tân hưng (Hưng hóa-Tuyên quang)
5- Vũ định (Thái nguyên-Cao bằng)
6- Vũ ninh (Bắc ninh)
7- Lục hải (Lạng sơn)
8- Ninh hải (Quảng yên)
9- Dương tuyền (Hải dương)
10-Giao chỉ (Hà nội, Hưng yên, Nam định, Ninh bình)
11-Cửu chân (Thanh hóa)
12-Hoài an (Nghệ an)
13-Cửu đức (Hà tĩnh)
14-Việt thường (Quảng bình, Quảng trị)
15-Bình văn

Trong số các bộ lạc Lạc Việt, bộ lạc Văn lang hùng mạnh hơn cả. Lãnh thổ của bộ lạc nầy trải rộng từ chân núi Ba vì đến sườn Tam đảo, có sông Hồng chảy xuyên giữa.

Thủ lãnh bộ lạc Văn lang đứng ra thống nhất tất cả bộ lạc Lạc Việt, dựng lên nước Văn lang. Ông xưng vua, sử gọi là Hùng vương, đóng đô ở Văn lang, hiệu nước là Văn lang truyền được 18 đời Hùng vương, cai trị một nước có núi rừng trùng điệp, biển rộng sông dài, ruộng đồng bát ngát, cây cối bốn mùa xanh tươi, sinh vật phong phú.

Triều đại Hùng vương 18, vị vua cuối cùng, chấm dứt vào khoảng năm quí mão (258 trước TL), lúc đó cục diện ở Phương Bắc đang biến chuyển. Thời Chiến quốc (481-221 trước TL) kết thúc, nhà Tần thống nhất Trung quốc, Tần Doanh Chính xưng hoàng đế (Tần Thủy Hoàng) với ý tưởng “Bình Thiên Hạ”, tham vọng bành trướng bắt đầu với ý đồ xâm lược phương nam.

Nhà Tần đã phát 50 vạn quân tràn xuống phía nam, chiếm một số đất đai ở phía nam sông Trường giang như Phúc kiến, Quảng đông, Quế lâm, Quảng tây. Nhưng khi đi vào đất Việt, quân Tần bị người Việt anh dũng chống lại, ban đêm phục kích quân Tần. Người Việt kiên trì chiến đấu cả chục năm, hàng vạn quân Tần với chủ tướng là Đồ Thư bị giết.

Theo truyền thuyết thì chính Thục Phán dựng nước Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến mười năm chống quân xâm lược Tần

Năm 207 (trước TL), Triệu Đà, một quan lại của Tần đánh thắng An Dương Vương rồi tự xưng vua, tức Vũ Vương, sáp nhập nước Âu lạc vào quận Nam hải, lập thành một nước gọi là Nam Việt, chia Âu lạc thành hai quận: Giao chỉ (Bắc bộ), Cửu chân (bắc Trung bộ), cử quan lại cai trị và cho quân lính đóng đồn lũy tại hai quận.

Năm 111 (trước TL), sau khi xưng vương được ít lâu, họ Triệu qui phục Bắc triều. Lúc bấy giờ triều Hán đã thay triều Tần, quân Hán đánh chiếm Nam Việt, tiêu diệt nhà Triệu, bọn sứ giả nhà Triệu đem hàng trăm trâu bò, hàng ngàn hũ rượu và sổ hộ khẩu của hai quận Giao chỉ và Cửu chân nộp cho tướng tá nhà Hán và xin hàng. Nước Nam Việt bị diệt. Đất Âu lạc được nhà Hán lập thành bộ Giao chỉ, bổ nhiệm một viên thứ sử trông coi chín quận: -Giao chỉ (Bắc bộ), -Cửu chân (bắc Trung bộ), -Nhật nam (trung Trung bộ). Dân số ba quận gồm 143.643 hộ với 981.735 nhân khẩu. Sáu quận còn lại ngoài phạm vi nước ta là Đạm nhĩ, Chu nhai (đảo Hải nam), Nam hải, Hợp phố (Quảng đông), Uất lâm, Thương ngô (Quảng tây). Đứng đầu mỗi quận là một viên thái thú coi việc hành chánh và một viên đô úy chỉ huy quân đội. Từ đây nước ta khởi đầu bị Bắc thuộc lần thứ nhất (111TTL-39STL).

Việc cai trị rất hà khắc với Tích Quang, thái thú Giao chỉ và Nhâm Diên,thái thú Cửu chân. Nhân dân ta phải cống nạp của quý vật lạ như sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi, vàng bạc......

Bọn thống trị còn chiếm đất tư nhân để lập trang trại, độc quyền sản xuất và mua bán muối ăn, đánh thuế nông nghiệp rất nặng nề. Thái thú Tô Định, thay Tích Quang, là kẻ tham lam tàn bạo khủng khiếp, người Giao chỉ rất oán giận. Vì thế,toàn dân cả nước nổi dậy chống bọn cai trị Bắc Phương với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Theo truyền thuyết thì mẹ Hai Bà là cháu chắt bên ngoại Hùng Vương. Hai Bà là con gái Lạc tướng huyện Mê linh (miền Sơn tây-Vĩnh phú), chồng Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu diên (Hà tây-Nam hà). Hai gia đình Lạc tướng đang mưu toan khởi nghĩa chống bọn xâm lược Phương Bắc thì Thi Sách bị thái thú Tô Định giết. Trưng Trắc và em là Trưng Nhị quyết tâm tiến hành cuộc khởi nghĩa tiêu diệt bọn xâm lăng tàn bạo và giành độc lập cho đất nước.

Tháng 3 năm 40 (sau TL), Hai Bà phát động cuộc khởi nghĩa ở sông Hát, tụ nghĩa ở Mê linh. Nhiều cuộc hưởng ứng khởi nghĩa nhất tề nổ ra khắp bốn quận Giao chỉ (Bắc bộ), Cửu chân (bắc Trung bộ), Nhật nam (trung Trung bộ) và Hợp phố (nay thuộc Quảng đông).

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng dấy lên phong trào cứu nước, chống ngoại xâm, giành độc lập. Việc Trưng Trắc xưng vương xóa bỏ ý tưởng “Bình Thiên Hạ” của nhà Hán.

Tháng 4 năm 42 (sau TL), vua Hán sai Mã Viện đem đại binh thuỷ bộ, tập trung ở Hợp phố (Quảng đông) rồi tiến vào miền Lãng bạc (Tiên sơn, Hà bắc).

Trưng vương phát quân từ Mê linh tiến xuống Lãng bạc đánh địch. Quân Trưng vương chiến đấu rất anh dũng nhưng vì thế yếu nên rút về Cẩm khê (Vĩnh phú). Sau gần một năm cự địch, quân ta tan vỡ, Hai Bà về Hát Môn gieo mình xuống Hát giang tự tận vào tháng 5 năm 43.

Sau ba năm kháng chiến gian khổ giành độc lập, nhân dân ta lại phải lầm than bởi chính sách nô dịch, bóc lột và đồng hóa của nhà Đông Hán Phương Bắc đô hộ.

Sau khi Đông Hán sụp đổ, cục diện Tam Quốc tranh quyền giữa Ngụy, Thục, Ngô (220-280), Lưu Bị xưng đế, thành lập nước Thục Hán, Tôn Quyền xưng đế thành lập nước Ngô. Nhà Ngô tách châu Giao cũ làm hai: Nam hải, Uất lâm và Thương ngô lập thành Quảng châu; Giao chỉ, Cửu chân và Nhật nam (Bắc và trung Trung bộ Việt nam) lập thành Giao châu. Các thế lực thời Tam Quốc gây chiến tranh triền miên làm cho dân Việt khốn khổ vô cùng với nạn bắt lính, chết trận, dân công, sưu cao thuế nặng, bóc lột, hà hiếp, tham lam, tàn bạo.

Năm 248, nước ta bùng nổ cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, tên là Triệu thị Trinh, người con gái 19 tuổi có chí lớn, giàu mưu trí, đầy khí phách, quê ở núi Nưa huyện Triệu sơn tỉnh Thanh hóa, đã cùng anh là Triệu quốc Đạt, tập hợp nghĩa quân, mài gươm luyện võ, lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa tiến công bọn quan lại nhà Ngô. Nghĩa quân đánh thắng quân Ngô, giết viên thứ sử châu Giao. Khắp hai quận Giao chỉ và Cửu chân đều nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu.

Nhà Ngô phái danh tướng Lục Dận dẫn tám vạn quân sang nước ta đàn áp phong trào khởi nghĩa. Bị bao vây ráo riệt, Bà Triệu đã hy sinh trên núi Tùng (Thanh hóa)

Sau khi Bà Triệu mất, nhà Ngô tăng cường áp bức và bóc lột, bắt hàng ngàn thợ thủ công giỏi người Việt đi xây dựng kinh đô Kiến nghiệp (Nam kinh), bắt trói thanh niên ta đem sang Ngô đi lính đánh giặc, bắt nhân dân ta nộp ba ngàn chim cuông và nhiều heo thịt. Nhân dân ta lại nổi dậy khởi nghĩa giết Tôn Tư và Đặng Tuân là hai viên thái thú nổi tiếng tham lam tàn bạo. Cuộc chống xâm lược tiếp tục, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, âm ỉ, kiên nhẫn và bền bỉ lan tràn khắp ba châu Giao chỉ, Cửu chân và Nhật nam suốt thời kỳ thống trị của nhà Tấn (265-420), nhà Tống và nhà Tề (420-588). Cuối đời Tề tiếp đến nhà Lương, Tiêu Tư làm thứ sử Giao châu là một người tàn bạo, lòng người ai cũng oán giận. Bởi vậy Lý Bôn có cơ hội nổi lên lập ra nhà Tiền Lý.

Lý Bôn cũng gọi là Lý Bí, vốn dòng dõi người Tàu, lánh nạn chạy sang Giao chỉ đã bảy đời thành người bản xứ ở Long hưng (huyện Thái bình tỉnh Sơn tây) lãnh chức giám quận ở Châu đức (Hà tĩnh), thương dân, căm ghét bọn đô hộ, ông từ quan về quê chiêu tập hiền tài, tụ họp nghĩa binh. Mùa xuân năm 542, đại khởi nghĩa toàn dân do Lý Bôn lãnh đạo với khí thế tiến công khắp nơi quét sạch bọn đô hộ nhà Lương.

Tháng giêng năm 544, Lý Bôn tuyên bố dựng nước, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Nam Đế (Lý Nam Đế), niên hiệu là Thiên Đức, ban sắc thần phong cho Bà Triệu để nhớ ơn vị nữ anh hùng tiền bối.

Đầu năm 545, nhà Lương cho quân sang xâm lược nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế lãnh đạo cuộc kháng chiến chống giặc. Năm 548, Lý Nam Đế qua đời, các quan văn võ vẫn tiếp tục cuộc chống xâm lăng. Năm 571, Lý Phật Tử, thuộc hàng thân tộc Lý Nam Đế, xưng đế hiệu, đóng đô ở Phong châu (tỉnh Vĩnh yên). Năm 602, vua nhà Tùy sai tướng Lưu Phương sang đánh nước ta, vây thành Cổ loa, bức Lý Phật Tử đầu hàng và bắt giải về Tàu. Từ đây đất nước ta lại rơi vào ách thống trị của nhà Tùy, nước Tàu thêm 336 năm Bắc thuộc nữa.

Nhà Tùy cải đơn vị hành chánh thành quận: quận Giao chỉ (Bắc bộ), quận Cửu chân (Thanh hóa), quận Nhật nam (Nghệ an-Hà tĩnh) với 56.106 hộ và thêm đất mới chiếm được của Chiêm thành (Quảng bình, Quảng trị, Thừa thiên) gồm 4.135 hộ, bổ nhiệm Khâu Hoa làm thái thú Giao chỉ, một tên bóc lột dữ dội và khét tiếng.

Năm 618 vua Tùy chết, nhà Đường kế nghiệp làm vua nước Tàu. Nền cai trị của vua quan nhà Đường trên đất nước ta vô cùng xảo quyệt và thâm độc, nên thái thú Cửu chân (Thanh hóa) là Lê Ngọc, vợ là người Việt, cùng các con chia binh lập đồn lũy chống cự nhà Đường, sau bị quân Đường đánh bại.

Năm 679, nhà Đường chia nước ta thành 12 châu gồm 56 huyện, dưới huyện là hương và xã, đặt An Nam Đô Hộ Phủ. Nước ta gọi là An Nam khởi đầu từ đây.

Trong gần ba thế kỷ (289 năm) bị nhà Đường (618-907) thống trị, nhân dân ta đã nhiều lần nổi lên chống áp bức bóc lột, sự cai trị khắt khe và tàn bạo của vua quan nhà Đường:

*Lý Tự Tiên phát động khởi nghĩa năm 687, nghĩa quân vây thành Tống bình (Hà nội) giết viên đô hộ Lưu diên Hựu, nhưng bị viện binh nhà Đường đánh bại.

*Mai Thúc Loan, quê ở Mai phụ (Hà tĩnh), như mọi người dân Việt, Mai thúc Loan phải đi phu, quanh năm phục dịch vất vả cho bọn quan lại nhà Đường. Năm 722, Mai thúc Loan kêu gọi dân phu nổi dậy khởi nghĩa, nhân tài và quần chúng hưởng ứng rất đông, lập căn cứ ở vùng núi rừng hiểm trở cạnh sông Lam. Mai Thúc Loan xưng đế, đóng đô ở Vạn an (vùng rú Đụn cạnh sông Lam). Vì mặt mũi đen sì nên còn gọi là Mai Hắc Đế. Ít lâu sau, nhà Đường cử Dương tư Húc đem 10 vạn quân đàn áp cuộc khởi nghĩa, Mai hắc Đế thua, ít lâu sau thì mất, nghĩa quân tan vỡ.

*Phùng Hưng ở Sơn tây nổi lên chống sưu thuế quá nặng, năm 766 đem quân về vây phá phủ đô hộ ở Tống bình, phát động cuộc khởi nghĩa chống Tàu. Sau 7 năm, Phùng Hưng mất, con là Phùng An nối ngôi, suy tôn cha làm Bố Cái Đại Vương. Phùng An làm chủ đất nước được hai năm thì nhà Đường cho Triệu Xương sang làm đô hộ An Nam, dụ Phùng An ra hàng. Năm 791, Phùng An đầu hàng nhà Đường.

*Năm 803, một tướng lãnh người Việt là Vương quý Nguyên nổi dậy, nhưng cuộc binh biến bị Triệu Xương dập tắt.

*Dương Thanh, một thủ lãnh người Việt căm phẩn vì sự khắc nghiệt và hung bạo của bọn phong kiến Phương Bắc, đã cùng con là Chí Liệt lãnh đạo binh lính dưới quyền tập kích thành đô hộ giết Lý tương Cổ thuộc tôn thất nhà Đường giữ chức đô hộ. Sau đó nhà Đường cất đại quân tiến công thành Tống bình, Dương Thanh bị giết, con là Chí Liệt rút về mạn Yên mô-Ninh bình cầm cự đến tháng 7 năm 820 thì thất bại.

*Nhân cơ hội triều đình nhà Đường đổ nát, Khúc Thừa Dụ, quê ở Hải dương, được nhân dân ủng hộ, tự xưng là tiết độ sứ, tuy mang tước hiệu quan chức của nhà Đường, nhưng Khúc Thừa Dụ đã xây dựng một chính quyền tự chủ, loại trừ được bọn quan lại phong kiến thống trị nước ta. Ông qua đời năm 907, con là Khúc Hạo nối nghiệp cha, tiếp tục sự nghiệp xây dựng nền độc lập của dân tộc, Ông mất năm 917, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay.

Năm 930, nhà Nam Hán sai tướng Lương khắc Trinh đem quân sang đánh nước ta, Khúc thừa Mỹ bị bắt giải về Quảng châu, quan quân của Nam Hán chiếm đóng Tống bình (Hà nội) nhưng không dám ra khỏi thành bởi các tướng cũ của họ Khúc và các hào trưởng địa phương giữ quyền cai trị nhân dân mình.

Một trong các tướng cũ của họ Khúc là Dương đình Nghệ, người châu Ái (Thanh hóa) quyết chí giành độc lập cho dân tộc. Ông tự xưng là tiết độ sứ, nuôi và luyện tập ba ngàn quân rồi mở cuộc tiến quân ra châu Giao đánh bọn Lý Tiến, quan quân nhà Hán tháo chạy về nước. Năm 931, đất nước ta lại giành được quyền tự chủ. Năm 937, Dương đình Nghệ bị viên tướng của mình là Kiều công Tiển giết chết để đoạt chức tiết độ sứ.

Tháng 11 năm 938, Ngô Quyền, viên tướng giỏi và là con rể của Dương đình Nghệ hay tin nhạc phụ bị giết, liền kéo quân từ châu Ái ra trị tội tên phản bội. Cùng thời điểm nầy (năm 938) vua Nam Hán phong con là Hoàng Thao làm Giao Vương, đem thủy quân sang xâm lược nước ta. Ngô Quyền (899-944) cùng con là Ngô Mân, được quân sĩ và nhân dân ủng hộ đã hạ thành Đại la, giết tên phản bội Kiều công Tiển để trừ nội gián, nội ứng, rồi gấp rút tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược.

Nắm vững đường tiến quân của địch từ biển vào, Ngô Quyền lệnh cho quân dân chặt cây đẽo cọc, đầu bịt sắt nhọn, cắm ngầm xuống lòng sông Bạch đằng rồi cho quân mai phục sẵn sàng chờ giặc. Đang lúc thủy triều lên, Ngô Quyền cho quân ra khiêu chiến,quân Nam Hán đuổi theo, lúc thủy triều vừa xuống, Ngô Quyền hồi quân đánh quật lại, thuyền giặc bị cọc nhọn đâm thủng bị vỡ và đắm rất nhiều. Hoằng Thao, viên chỉ huy thủy binh của địch cũng bị giết tại đây.

Chiến thắng oanh liệt tại sông Bạch đằng cuối năm 938, dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền đã kết thúc hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc hơn một ngàn năm (111 TTL-931 STL), mở đầu thời kỳ độc lập lâu dài qua các triều đại Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần. ..

Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương. Cổ loa là kinh đô cũ của nước Âu lạc thời An dương vương được Ngô Quyền chọn làm kinh đô của vương quốc độc lập. Ông mất năm 944 nhưng đến năm 965 chính quyền trung ương mới bị tan rã bởi loạn 12 sứ quân tranh giành nhau quyền hành và lãnh thổ, mỗi sứ quân chiếm cứ một vùng, xây thành đắp lũy đánh giết nhau làm cho nhân dân khổ sở vô cùng.

Sự sống còn của dân tộc và nền độc lập của đất nước là bức thiết nhất, đòi hỏi chấm dứt nội loạn 12 sứ quân để đem lại đoàn kết nhân dân và thống nhất nước nhà, người nêu cao ngọn cờ chính nghĩa trong giai đoạn lịch sử nầy là ông Đinh Bộ Lĩnh.

Đinh Bộ Lĩnh người ở động Hoa lư (Ninh bình), được sứ quân Trần minh Công cho giữ quyền bính. Khi Trần minh Công chết, Đinh Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa lư, chiêu mộ anh hùng hào kiệt, hùng cứ một phương, lần lượt đánh bại các sứ quân khác, đến năm 967, loạn 12 sứ quân bị dẹp tan, đất nước được thống nhất. Năm 968 Ông lên ngôi hoàng đế gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa lư nơi núi non hiểm trở để đóng đô với công trình phòng ngự rất kiên cố. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị Đổ Thích ám hại. Triều đình trị tội Đổ Thích và tôn Vệ Vương mới 6 tuổi lên làm vua, quyền chính do thập đạo tướng quân Lê Hoàn nắm giữ.

Trong lúc đó ở Phương Bắc, nhà Tống tự coi mình là «thiên triều» thống trị các nước lân bang, nghe tin Đinh Tiên Hoàng bị ám hại, tự quân còn nhỏ dại, nước ta bị nội loạn, bèn hội đại binh gần biên giới chuẩn bị xâm chiếm nước ta.

Trước vận nước sắp bị ngoại xâm, quân sĩ và quan lại suy tôn Lê Hoàn lên làm vua, hiệu Lê Đại Hành, sử gọi là nhà Tiền Lê, gấp rút tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Ông áp dụng chiến thuật của Ngô Quyền hơn 40 năm trước, sai quân sĩ đóng cọc nhọn ở sông Bạch đằng để chống chiến thuyền địch và phục kích sẳn tại các địa điểm trên đường tiến quân của địch.

Đầu năm 981, quân Tống theo hai đường thủy bộ ào ạt tấn công nước ta. Lê Hoàn trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến, đánh bại quân xâm lược Tống trên sông Bạch đằng rồi thừa thắng truy kích tiêu diệt quân Tống, khiến cho nhà Tống phải ra lệnh bãi binh, thừa nhận sự thất bại của đạo quân viễn chinh. Tuy vậy nhà Tống vẫn không từ bỏ tham vọng xâm lăng nước ta.

Nhà Tiền Lê làm vua được ba đời, khi Long Đĩnh mất rồi, con còn bé, đình thần tôn Lý Công Uẩn lên làm vua vào năm1010, lập nên triều Lý, dời đô từ Hoa lư về Đại la, đổi tên là Thăng long (Hà nội), đổi tên nước là Đại Việt.

Năm 1072, vua Lý thánh Tông từ trần, Lý nhân Tông lên nối ngôi mới 7 tuổi. Nhà Tống coi đó là một cơ hội để tái xâm lược nước ta, quân Tống tập trung ở thành Ung châu gần biên giới nước ta. Lý thường Kiệt tổ chức một cuộc tập kích sang đất Tống nhằm tiêu diệt căn cứ của quân xâm lược Tống. Sau 42 ngày công phá, quân ta chiếm được thành Ung châu, phá thành, tiêu hủy kho tàng,..v.v.... rồi rút về nước.

Năm 1075, quân Tống phục hồi lại doanh trại Ung châu và cuối năm 1076, bộ binh và kỵ mã Tống vượt biên giới tiến về phía Thăng long bị quân ta đập tan với các trận đánh ác liệt, địch bị thảm bại. Sau hơn ba tháng tiến quân vào nước ta, số lính Tàu và phu vận chuyển đã bị chết hơn phân nửa, quan lính mệt mỏi, tinh thần sa sút, tiến thì không đủ sức, lui thì mất mặt thiên triều, đóng quân lại thì có nguy cơ bị tiêu diệt. Lý Thường Kiệt bèn đặt vấn đề điều đình để mở lối thoát cho địch mà ta khỏi tốn xương máu. Tháng 3 năm 1077, quân Tống rút chạy về nước trong hỗn lọan, đạp lên nhau. Mộng xâm lược của Tống đến đây bị tiêu tan.

Trong khí thế chiến thắng quân Phương Bắc xâm lược, Lý Thường Kiệt đã sáng tác một bài thơ bất hủ để cổ võ quân sĩ, khiến ai nấy đều nức lòng đánh giặc:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
.

Bài thơ tuy ngắn, nhưng có giá trị như một bản tuyên ngôn độc lập, đã nói lên khí phách anh hùng và nghiêm khắc cảnh cáo quân xâm lược.

Chống xâm lược Mông cổ (1258):

Trong khi nhà Lý mất ngôi về tay nhà Trần, thì bên Tàu, nhà Tống bị người Mông cổ đánh phá. Người Mông cổ hung hăng, hiếu chiến, cưỡi ngựa giỏi, bắn cung hay, binh lính đều là quân kỵ, là đoàn quân viễn chinh khét tiếng tàn bạo của Thành Cát Tư Hãn (hiệu là Nguyên Thái Tổ), từng hoành hành trên lục địa Á-Âu, lập thành một đế quốc rộng lớn từ bờ Thái bình dương đến bờ biển Hắc hải. Năm 1252, Hốt thất Liệt đánh chiếm Vân nam (Trung quốc). Năm 1257, Hốt thất Liệt cho sứ sang dụ vua Trần Thái Tông đầu hàng. Nhà vua không ngần ngại tống giam sứ giả Mông cổ rồi sai Trần quốc Tuấn đem binh lên giữ biên cương phía bắc. Cả nước được lệnh sẵn sàng chống giặc. Tháng 1 năm 1258, quân địch theo lưu vực sông Hồng tiến đến Vĩnh phú. Quân thủy bộ do vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy, sau nhiều trận chiến ác liệt phải rút về Thăng long. Địch tiếp tục tiến công ào ạt, triều đình bỏ kinh thành Thăng long rút về vùng Hải hưng. Trước tình thế nguy ngập, vua Trần Thái Tông hỏi thái sư Trần Thủ Độ, được ông Độ đáp: «Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo». Nghe lời đanh thép ấy, nhà vua cảm thấy an tâm.

Ngày 29-1-1258, quân ta ngược dòng sông Hồng, mở cuộc tiến công quyết liệt, quân địch bị đánh bật khỏi kinh thành, theo dòng sông Hồng tháo chạy về Vân nam. Âm mưu xâm lược Đại Việt của Mông cổ đã bị thất bại, cuộc kháng chiến lần thứ nhất, quân dân ta đã dành được thắng lợi.

Sau thời gian hòa hoản (1258-1284), năm 1282 nhà Nguyên sai Thoát Hoan, Toa Đô và Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn quân, lấy cớ mượn đường đi qua nước ta để đánh Chiêm thành. Vua Trần Nhân Tông hội bách quan bàn kế chống giữ. Phần đông đồng ý cho quân Nguyên mượn đường, duy chỉ có Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư không đồng ý và quyết xin đem quân phòng giữ. Nhà vua chấp thuận, phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thống lĩnh mọi quân đi chống quân Nguyên, đồng thời cho sứ sang Tàu thương lượng xin hoản binh.

Việc thương lượng không thành, biết rõ ý đồ xâm lăng của địch, vua Trần Nhân Tông triệu tập các bô lão dân gian tại điện Diên Hồng để bàn xem nên hòa hay nên đánh. Các bô lão đều đồng thanh «Xin Đánh». Thấy dân gian đoàn kết một lòng, vua cũng quyết chí chống giặc cứu nước. Theo lệnh của Trần Quốc Tuấn: «Tất cả quận huyện trong nước, nếu có giặc đến, phải liều chết mà đánh, nếu không địch nổi thì cho phép lẫn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng. ..»

Cuối tháng giêng năm 1285, quân Nguyên vượt biên giới với một lực lượng viễn chinh rất lớn, từ ba mặt đánh vào nước ta. Đạo quân Toa Đô đóng ở vùng Việt lý, Ô lý (Quảng trị,Thừa thiên) phía bắc Chiêm thành tiến công lên phía nam nước ta, đạo quân Thoát Hoan từ Quảng tây tiến vào Lạng sơn, đạo quân Nạp tốc lạt Binh từ Vân nam tiến sang nước ta theo lưu vực sông Chảy. Quân ta tạm thời rút lui. Vua Trần Nhân Tông tỏ ý lo sợ mới bảo Hưng Đạo Vương rằng: «Thế giặc to như vậy mà chống nó thì dân sự tàn hại hay là trẫm hãy chịu hàng để cứu muôn dân ». Hưng Đạo Vương tâu rằng: « Xin bệ hạ hãy chém đầu tôi rồi sau sẽ hàng ». Vua nghe lời trung liệt như vậy mới an tâm. Trên chiến trường, một số chiến sĩ bị giặc bắt,trong đó có tướng Trần Bình Trọng bị nộp cho Thoát Hoan. Thoát Hoan nói rằng: «Nếu đầu hàng, ta sẽ cho ngươi làm vua đất Bắc». Trần Bình Trọng quát lên: «Ta thà làm quỉ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì chỉ có chết mà thôi, can gì mà hỏi lôi thôi!». Thoát Hoan thấy không dụ được, sai quân đem chém.

Quân địch truy kích, triều đình phải rút về Thiên Trường (Nam hà),Trường yên (Ninh bình). Từ Thăng long, Thoát Hoan đánh xuống Thiên trường, từ Thanh hóa, Toa Đô đánh thốc lên Trường yên. Quân địch tiến công thế gọng kềm bao vây quân ta. Trong khi đạo quân Toa Đô vượt qua Thanh hóa tiến ra Trường yên thí quân của Trần Quốc Tuấn từ Hải phòng quay vào chiếm Thanh hóa làm căn cứ. Quân Toa Đô vừa đến Trường yên lại phải quay ngược lại để đánh vào Thanh hóa.

Tháng 5 năm 1285, Trần quốc Tuấn tiến quân ra Bắc, đánh mạnh vào các căn cứ của địch ở phía nam Thăng long. Hệ thống phòng thủ của địch trên sông Hồng bị vỡ, quân ta thừa thắng xông lên tiến công dữ dội vào thành Thăng long. Thoát Hoan rút quân ra khỏi thành Thăng long và trên đường thoát chạy về nước, bị quân ta truy kích ráo riết, quân Thoát Hoan chạy đến Vạn kiếp bị quân ta mai phục tiêu diệt vô số quân giặc, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân lính khiêng mới thoát chết và về đến biên giới Tàu. Còn đạo quân Toa Đô từ Thanh hóa định tiến lên Thăng long, khi đến Tây kết bị tiêu diệt, Toa Đô bị chém đầu tại trận.

Cuộc kháng chiến lần thứ hai rất gay go và ác liệt, đã quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, quân địch thất bại nhục nhã làm Hốt Thất Liệt mất mặt tức tối và nuôi ý chí phục thù rửa nhục cho nhà Nguyên.

Tháng 12 năm 1287, quân Nguyên từ ba mặt tiến đánh nước ta. Đạo quân Thoát Hoan tiến vào Lạng sơn, đạo quân Ái Lỗ từ Vân nam tiến theo sông Hồng, đạo thủy binh của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp vượt biển tiến vào sông Bạch đằng. Thủy binh địch do Ô mã Nhi và Phàn Tiếp bị thủy binh ta do tướng Trần Khánh Dư chỉ huy mai phục ở Văn đồn chận đánh tiêu diệt toàn bộ thuyền tải lương của địch. Tháng 2 năm 1288, quân Nguyên vượt sông Hồng đánh vào thành Thăng long. Triều đình rút về hạ lưu sông Hồng rồi phối hợp dân quân khắp nơi tập kích các căn cứ và chận đánh các cuộc hành quân của địch, làm cho địch ngày đêm lo sợ. Tháng 3 năm 1288, Thoát Hoan ra lệnh đốt kinh thành Thăng long rồi rút về Vạn kiếp và chia quân thành hai đạo theo đường thủy bộ rút về nước. Quân ta bám riết quân thù và chôn vùi đạo thủy quân của Ô mã Nhi tại sông Bạch đằng, Ô mã Nhi và Phàn Tiếp bị bắt sống. Đạo quân bộ của Thoát Hoan rút qua vùng Lạng sơn bị quân ta chận đánh liên tục, truy kích, tập kích liên tiếp, Thoát Hoan phải mở đường máu chạy thoát về nước.

Trong vòng 30 năm (1258-1288) dân tộc ta đã chiến đấu anh dũng kiên cường chiến thắng quân xâm lược Mông cổ, một đế quốc đã từng chiến thắng khắp vùng Âu-Á, nhưng đã bị thảm bại trước sức phản công đầy mưu lược và anh dũng của quân dân ta với những chiến công oanh liệt làm cho kẻ thù không dám tái xâm phạm nước ta.

Hai vua cuối đời Trần, Dụ Tông thì ham chơi, Nghệ Tông thì không biết phân biệt hiền, gian nên bị Lê quý Ly mưu sự thoán đoạt rồi lập ra nhà Hồ (Hồ quý Ly). Tại Trung quốc, năm 1368, triều Nguyên bị đánh đổ; triều Minh, một triều đại của dân tộc Hán, được thiết lập với tham vọng «thu phục cả thiên hạ» dưới quyền nhà Minh.

Ngày 19-11-1406, quân Minh vượt biên giới vào nước ta với một lực lượng 215.000 lính bộ binh, chưa kể hàng vạn phu phục dịch. Ngày 22-01-1407, quân Minh tràn xuống chiếm kinh thành Thăng long. Quân nhà Hồ phản công thất bại rồi rút xuống mạn hạ lưu sông Hồng, quân địch truy kích tiếp, quân Hồ rút vào Thanh hóa và đến tháng 6 năm 1407 thì Hồ quý Ly bị giặc bắt. Nguyễn Trải, từng làm quan với nhà Hồ, đã phê phán chính sách của vương triều nầy như sau: « Họ Hồ. .. lấy gian trí để hiếp dân chúng... kẻ thân yêu được tôn hiển, người xu nịnh được tin dùng...người trung trực phải khóa miệng, kẻ lương thiện đều ngậm oan »

Sau khi đánh bại triều Hồ, quân Minh xóa bỏ nền độc lập của dân tộc ta. Tháng 4 năm 1407, nhà Minh đổi nước ta thành quận Giao chỉ và bổ nhiệm các quan lại người Tàu sang cai trị nước ta từ cấp quận đến các phủ, châu, huyện. Vùng địch chiếm đóng thì nhân dân ngấm ngầm chống lại chính qưyền đô hộ và chính sách bóc lột. Thỉnh thoảng có các cuộc bạo động lẻ tẻ xuất hiện.

Đến năm 1416, tại núi Lam sơn tỉnh Thanh hóa, Lê Lợi cùng 18 bạn chiến đấu tuyên thệ tại Lam sơn, thề sống chết vì sự nghiệp đuổi giặc cứu nước. Các anh hùng hào kiệt và những người yêu nước ở Thanh hóa và khắp nơi lần lượt về Lam sơn để tụ nghĩa. Nguyễn Trải bị quân Minh giam lỏng ở Đông quan cũng tìm cách về Lam sơn để cùng với Lê Lợi tổ chức cuộc khởi nghĩa.

Ngày 7-2-1418 (mồng 2 Tết Mậu Tuất), trong bầu khí Tết Nguyên đán, Lê Lợi và nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa ở Lam sơn. Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch kêu gọi toàn dân nhất tề vùng lên đuổi giặc cứu nước, dùng vùng núi Lam sơn làm căn cứ địa.

Nhà Minh huy động 10 vạn quân bao vây núi Chí linh (Thanh hóa) và Khôi nguyên (Ninh bình). Nghĩa quân cạn lương thực, Lê Lai xin cải trang làm Lê Lợi, dẫn 500 quân ra đánh, làm lạc hướng quân địch để Lê Lợi trốn thoát. Sau đó Lê Lợi và nghĩa quân bỏ Thanh hóa và Ninh bình tiến vào giải phóng Nghệ an.

Tháng 6 năm 1425, nghĩa quân giải phóng phủ Diễn châu (bắc Nghệ an) rồi tiến công ra Thanh hóa, quân địch phải rút vào thành Tây đô cố thủ, bị nghĩa quân bao vây. Tháng 8 năm 1425, một bộ phận nghĩa quân giải phóng vùng Quảng bình, Quảng trị vá bắc Thừa thiên. Từ đây binh thế của Bình Định Vương Lê Lợi ngày càng mạnh.

Tháng 10 năm 1427, viện binh địch chia làm hai đạo tiến sang nước ta, Liễu Thăng dẫn 10 vạn quân từ Quảng tây sang, Mộc Thạch 5 vạn từ Vân nam vào. Ngày 10 tháng 10, đội quân tiên phong của địch lọt vào trận địa bị quân ta tiêu diệt gọn, Liễu Thăng bị chém tại trận, phó tướng Lương Minh lên nắm quyền chỉ huy cũng bị giết với hàng vạn quân địch. Nghe tin Liễu Thăng chết, đạo quân Mộc Thạch đang cầm cự ở vùng biên giới cũng tháo chạy.Tướng quân Vương Thông của nhà Minh thấy viện binh bị diệt, trong hoàn cảnh tuyệt vọng, phải điều đình để rút quân về nước. Lê Lợi và Nguyễn Trải thuận cho địch rút về nước an toàn và cấp cho quân địch lương thực, hàng trăm thuyền và ngựa để đi đường. Ngày 3-1-1428, tên địch cuối cùng ra khỏi bờ cõi nước ta.

Bình Định Vương Lê Lợi dẹp xong giặc Minh, sai ông Nguyễn Trải làm tờ bá cáo cho thiên hạ biết, gọi là « Bình Ngô Đại Cáo », được xem như bản Tuyên Ngôn Độc Lập lần thứ hai của dân tộc ta.

Bình Ngô Đại Cáo (Trích đoạn mở đầu)

Từng nghe:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Cõi bờ sông núi đã riêng,
Phong tục Bắc – Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu.

. ..............................................

Quân xâm lược Mãn Thanh (1788-1789)

Lê Mẫn Đế, hiệu Chiêu Thống bị quân Tây sơn đánh thua đã cùng bà Hoàng thái hậu chạy sang Tàu cầu cứu. Nước Tàu lúc nầy triều Minh đã sụp đổ, triều Thanh đang thống trị Trung quốc. Với danh nghĩa cứu vua Lê, nhà Thanh, dưới triều vua Càn Long, sai Tôn sĩ Nghị dẫn 20 vạn quân tiến vào nước ta vào tháng 11 năm 1788. Quân Thanh chia làm 4 đạo: đạo quân Tôn sĩ Nghị qua Lạng sơn tiến xuống Thăng long (Hà nội); đạo quân Sầm nghi Đống từ Cao bằng tiến xuống; đạo quân Ô đại Kinh qua Tuyên quang; đạo quân thứ tư theo đường Quảng ninh tiến vào. Quân Tây sơn từ Thăng long rút về Thanh hóa và Ninh bình. Ngày 17 tháng 12, quân Thanh tiến đến Bắc ninh, vua Lê Chiêu Thống ra chào mừng rồi đem quân Tàu về Thăng long. Tôn sĩ Nghị ngạo nghễ tự đắc, xử sự với vua rất khinh bạc, đôi khi ông ta không cho vua vào « yết kiến ». Thời bấy giờ bàn tán rằng: « Nước Nam ta từ khi có đế vương tới bây giờ, không thấy vua nào hèn hạ đến thế..., việc gì cũng bẩm lên quan tổng đốc (TSNghị), thế thì có khác gì đã bị nội thuộc rồi không ? ».

Trong lúc quân Thanh tự đắc tự mãn với những thắng lợi, thì tại Phú xuân (Huế), ngày 21 tháng 12 năm 1788, Nguyễn Huệ nhận được tin báo khẩn cấp. Ngày hôm sau Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi hoàng đế, hiệu Quang Trung, rồi lập tức thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc. Quân Tây sơn dừng lại ở Nghệ an 10 ngày để bổ sung lực lượng, quân số được tăng lên 10 vạn. Quang Trung tổ chức một cuộc duyệt binh lớn và đọc lời hiệu triệu quân sĩ:

« Quân Thanh sang xâm lăng nước ta, hiện ở Thăng long, các người đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, trời nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam phương Bắc chia nhau mà cai trị...Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng nữ vương, đời Tống có Đinh Tiên hoàng, Lê Đại hành, đời Nguyên có Trần Hưng đạo, đời Minh có Lê Thái tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa binh, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Minh đến đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi hại, được mất ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng... »

Trước khi xuất phát, Quang Trung mở tiệc khao quân và tuyên bố: « Nay ta hãy ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang xuân, ngày 7 vào thành Thăng long sẽ mở tiệc lớn... ».

Đêm 25-1-1789 (tức đêm 30 tết) đạo quân chủ lực của Nguyễn Huệ vượt sông Đáy, vây đồn Hà hồi, mở đầu cuộc tiến công đại phá quân Thanh. Sáng ngày 30-1, tức mồng 5 Tết, quân ta bước vào trận quyết chiến với địch, đồn Ngọc hồi bị san bằng, tiêu diệt toàn bộ quân Thanh ở đó. Cùng thời điểm nầy, quân ta tiêu diệt đồn Khương thương (Đống đa, Hà nội), Sầm nghi Đống khiếp sợ, thắt cổ tự tử. Tôn sĩ Nghị không kịp mặc áo giáp và đóng yên ngựa, bỏ cả ấn tín, vội vàng cùng toán hầu cận vượt cầu phao tháo chạy. Vua Chiêu Thống và bà Hoàng thái hậu cũng chạy theo. Khi đã qua cầu, Tôn sĩ Nghị ra lệnh cắt cầu phao để cản đường truy kích của quân Tây sơn, do hành động tàn nhẫn nầy, hàng vạn quân Thanh bỏ xác dưới sông Hồng.

Chiến công rực rỡ Xuân Kỷ Dậu 1789, quét sạch 20 vạn quân Thanh, giải phóng kinh đô Thăng long, giữ vững nền độc lập của nước nhà, Quang Trung Nguyễn Huệ đã trở thành anh hùng vĩ đại của dân tộc ta.

*****

Trung hoa là một quốc gia rộng lớn, đông dân, từ xưa đã đô hộ nước ta. Khi dân tộc ta tranh thủ được độc lập thì người Tàu lại mang mộng bá chủ, ý tưởng bành trướng lãnh thổ, uy hiếp nước yếu. Nước ta tuy đã độc lập nhưng các triều đại muốn cầu hòa, nể nang nước lớn, nên hể ông nào lên làm vua cũng sai sứ sang Tàu xin cầu phong và giữ lệ triều cống mỗi ba năm.

Nhưng đến năm 1840, tình thế nước Tàu suy sụp. Việc cấm thuốc phiện ở Quảng đông (Trung hoa) dẫn đến chiến tranh với Anh, nhường Hương cảng cho nước nầy. Sau đó quân Anh, Pháp đánh chiếm hải khẩu rồi kéo lên đánh Bắc kinh. Trong các cuộc chiến tranh Trung-Pháp, chiến tranh Trung-Nhật và chiến tranh liên quân 8 nước xâm lược Trung hoa, Từ Hy Thái Hậu đã ký kết hàng loạt điều ước mất quyền nhục nước, nhượng nhiều đất đai vào tay ngoại bang. Năm 1911, cách mạng Tân Hợi lật đổ vương triều Thanh, chấm dứt chế độ phong kiến quân chủ hàng ngàn năm cai trị Trung hoa.

Tuy vậy Trung hoa không từ bỏ chủ trương bành trướng mỗi khi đất nước họ phục hồi sức mạnh. Nạn nhân mãn ở Trung quốc với trên một tỉ ba trăm triệu người phát triển nhanh hơn các thức nuôi sống dân họ, đã thúc đẩy họ tìm đất sống bằng cách bành trướng xâm lấn đất đai các nước láng giềng. Họ không thể bành trướng lên phía bắc bởi bị Liên bang Nga lớn mạnh; phía tây gặp Ấn độ, một nước cũng đất rộng người đông và có vũ khí nguyên tử; phía đông gặp hai nước Nam Bắc Triều tiên, xưa kia là An Đông Đô Hộ Phủ của nhà Đường, nhưng nay đã có quân đội Hoa kỳ án ngữ và Nhật bản hổ trợ; chỉ còn Việt nam ở phía nam, đã từng bị thống trị dưới các triều Hán, Tống, Nguyên, Minh... Chính sách bành trướng xuống phía nam tạm ngưng một thời gian khi Trung hoa lâm cảnh suy yếu, nay họ là cường quốc kinh tế, có vũ khí hạt nhân và đang hiện đại hóa quân đội, chính sách bành trướng được tái thể hiện khởi đầu với vụ hải chiến năm 1974 giữa Hải quân Việt nam Cộng hòa giữ đảo Trường sa Hoàng sa và Hải quân Trung cộng chiếm đảo. Thời gian gần đây, báo đảng Cộng sản Trung quốc đòi giải quyết vấn đề biển Đông bằng vũ lực.

Trung quốc là một nước lớn mạnh, tham lam và có nhiều mưu lược, quỉ kế. Từ xưa họ đã có tam thập lục kế hay thất thập nhị kế, ngày nay họ có hàng trăm kế sách xảo quyệt, nham hiểm, thâm độc, gián điệp của họ đang trở nên ráo riết và tinh vi hơn, cái vòi bạch tuộc của họ đang vươn dài ra thế giới. Trong ý đồ xâm lược nước ta, cách thức lấn đất, giành biển, chiếm đảo, xâm nhập vào guồng máy quản lý và nền kinh tế nước ta hàm ẩn nhiều thủ đoạn, phương pháp, mánh khóe lừa lọc. Đối với Trung quốc, nhà cầm quyền Việt Nam cần cảnh giác cao độ về vấn đề an ninh, nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà./-

Sách tham khảo:

-Việt nam Sử lược của Trần Trọng Kim
-Lịch sử Việt nam của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt nam
-Lịch sử Trung hoa của Trần văn Chánh...