Trong Tin Mừng thứ tư của Tân Ước, Thánh sử Gioan có viết: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên.” [1] Những lời này được viết xuống cách đây gần hai nghìn năm vẫn là những lời tuyên xưng nhiệm vụ cao cả của người mục tử và đã được chứng minh qua trường kỳ lịch sử, lúc yên hàn cũng như khi sóng gió, ở một đất nước văn minh hay tại một nơi quê mùa thô lậu, người mục tử nhân lành luôn luôn hiện diện, sống chết giữa đàn chiên.

Trong hai thế kỷ XVII và XVIII, giáo xứ Lũy hay Động Hải (tiền thân của các xứ đạo Sáo Bùn và Tam Tòa) đã giữ đạo với tính cách cha truyền con nối, rất hiếm khi có được linh mục sống thường trực với họ để ban các phép bí tích hay làm công tác mục vụ. Tuy vậy, các vị mục tử dù ở xa tận kinh đô Huế vẫn tìm cách vượt qua bao khó khăn để đến với giáo hữu những lúc có cơ hội. Bước qua thế kỷ XIX và XX đã hình thành các cơ cấu giáo xứ khá chặt chẽ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Ngoại Quốc Truyền Giáo có trụ sở chính tại Paris và mặc dầu còn ít nhưng bóng dáng linh mục cũng đã hiện diện nhiều nơi tại Quảng Bình, đặc biệt là tại giáo xứ Sáo Bùn. Đối với người Công Giáo, mỗi giai đoạn lịch sử mới có một thử thách mới nhờ đó đức tin như sắt thép được trui rèn trong lửa mà trở nên dẻo dai, cứng cáp hơn.

Dưới thời Tây Sơn rồi trải qua các triều đại của Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức cũng như qua biến động lịch sử của phong trào Cần Vương – Văn Thân, các cuộc bách hại đạo Công Giáo được nâng lên tầm vóc quốc gia với những chỉ dụ gắt gao, với các cuộc tàn sát khốc liệt thì cũng xuất phát trong bối cảnh nghiệt ngã đó những tấm gương các vị mục tử anh hùng sống chết với đàn chiên mà giáo xứ Sáo Bùn có thời là một điểm nóng trong lịch sử tử đạo trước đây.

1.- Một chút bối cảnh chính trị – xã hội của giáo xứ Sáo Bùn qua lịch sử.

Năm 1797, giáo xứ Động Hải dời về xóm Bùn (khu vực Cầu Ngắn) lấy tên mới là giáo xứ Sáo Bùn. Tên Sáo Bùn được đặt cho giáo xứ vì có liên hệ với nghề nghiệp của đa số giáo dân tại đây vốn dùng những tấm sáo cắm vào chỗ nước nong đầy bùn để bắt cá nên có tên gọi nôm na như vậy. Trong tư liệu Les lieux historiques du Quảng Bình (Những vùng đất lịch sử của Quảng Bình) linh mục Léopold Cadière (tên VN là Cả) khi viết về lũy Đồng Hới nằm trong hệ thống chiến lũy Đâu-Mâu – Nhật Lệ, chỉ đề cập thoáng một chút về con kênh nhỏ Sáo-bùn (le petit arroyo dit de Sáo-bùn) [2], một vị trí mà ngày nay nhìn trên bản đồ ta thấy đó là một con lạch chảy qua một chiếc cầu nhỏ gọi là Cầu Ngắn nằm trên quốc lộ IA. Phạm vi cương giới của giáo xứ Sáo Bùn ngày xưa chắc phải nằm ở cả hai bên quốc lộ IA này từ Cầu Ngắn trở vào.

Với cuộc sống dĩ nhiên vất vả của những người dân quê Công Giáo này quanh năm cột buộc vào chốn bùn lầy nước đọng để nuôi sống bản thân nên họ cũng ít có hy vọng một ngày mai sáng tươi hơn, mặc dù vậy tấm lòng của họ lại là môi trường thuận lợi nuôi dưỡng đức tin tôn giáo kiên cường. Các thế lực cầm quyền, cai trị thường đánh giá sai lầm cho rằng những người dân quê ít học, thấp cổ bé miệng là thành phần dễ sai bảo, dễ đàn áp, nói gì cũng nghe. Thực tế không phải như vậy bởi vì trời sinh ra họ có lương tri (bon sens), và riêng trong lãnh vực tín ngưỡng, tôn giáo khi giáo dân cảm nhận được ơn thúc đẩy từ bên trong hoặc từ trên cao – mà người Công Giáo thường gọi là Chúa Thánh Thần hay Thần Khí – họ sẽ hành động theo sự hướng dẫn, thúc đẩy đó dù phải chấp nhận thử thách,mất mát, đau khổ, kể cả cái chết. Mẫu người giáo dân giáo xứ Sáo Bùn ngày trước hay Tam Tòa ngày nay cũng như vậy.

Vào thập niên cuối của thế kỷ XVIII, lúc bấy giờ chúa Nguyễn Ánh ở Gia Định cứ hàng năm đợi dịp gió mùa kéo quân ra tấn công Tây Sơn khi thì ở Bình Định, lúc Đà Nẵng tạo thành truyền thống mong chờ, hy vọng đi vào ca dao như:

Lạy trời cho chóng gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn dong buồm thẳng ra.


Giáo xứ Sáo Bùn ở trong vùng cai trị của Tây Sơn mà thủ đô chính trị của Nguyễn Quang Toản (con vua Quang Trung) khi đó là Phú Xuân. Bản chất của Tây Sơn không tốt lành gì với các tôn giáo. Theo các tư liệu để lại, gia đình Hồ Phi Phúc, cha của anh em Nguyễn Nhạc vốn theo Công Giáo khi họ còn ở Nghệ An nhưng Nhạc bỏ Công Giáo mà trở thành một kẻ vô thần. Nguyễn Huệ tu trong một ngôi chùa rồi hồi tục. Giáo sĩ La Bartette nhận định: “Tôi không thấy gì tốt có thể hy vọng được nơi các ông đó; ở đây, họ đã phá hủy những giáo đường đẹp đẽ nhất của chúng tôi, họ đã phá hủy tất cả các chùa chiền cùng bắt buộc hết thảy các nhà sư phải mang khí giới ra trận.” [3] Chắc chắn số phận của những người Công Giáo giáo xứ Sáo Bùn cũng không mấy tốt đẹp nếu không nói là sống trong khắc khoải, lo âu trước tương lai vô định.

Qua lãnh vực tôn giáo, giáo dân từ Phú Xuân trở ra còn bị buộc cung ứng cho chế độ Tây Sơn các nhu cầu về chiến tranh, chẳng hạn như nộp cho họ 10.000 cân đồng có lẽ dùng đúc súng đạn [4]. Trong thời gian này, Cảnh Thịnh nghi ngờ người Công Giáo làm loạn vì bắt được lá thư của Nguyễn Ánh gửi cho Đức Cha Labartette ở Phú Xuân nên hạ lệnh cho các quan bí mật đến tháng 5 năm 1798 sẽ bắt gọn các bổn đạo giết cho sạch. Các quan hết sức can ngăn nhưng vua cương quyết bắt phải thi hành mệnh lệnh. Giáo dân nghe biết bèn rũ nhau trốn kẻ lên núi, người xuống biển [5]. Ngày 17.8.1798 Tây Sơn đưa ra sắc lệnh bài đạo dựa trên lý lẽ: “Xét rằng kiến thức điều khiển quốc gia đều gồm trong tam cương. ngũ thường (...) trong khi đạo Hoa lang lại đầy mê tín, dối gạt dân chúng và đảo lộn trật tự xã hội.” [6] Luận điệu này gần giống với quan điểm của Minh-Mạng, khi ông ban hành sắc dụ cấm đạo ngày 6.1.1833 với những lời lẽ như: “Đã từ lâu nhiều người Âu-Châu đến giảng đạo Da-Tô, lừa dối dân đen, dậy chúng có một Thiên Đàng Hỏa Ngục, chúng không thờ Phật, không thờ ông bà, thật là vô đạo, hơn nữa chúng dựng những nhà thờ, trong đó trai gái ra vào lẫn lộn, mục-đích chúng là quyến rũ phụ-nữ đàn bà, chúng còn múc mắt những người đau ốm! Thật là một điều trái với luân thường đạo nghĩa...” [7] Linh mục sử gia Phan Phát Huồn cho rằng “những quan niệm trên có nhiều chỗ không đúng sự thật. Người Công Giáo không thờ cúng tổ tiên không có nghĩa là họ không thảo kính và mến yêu ông bà, tổ tiên. Chứng cớ là khoản 4 của Thập Điều dậy tín hữu công giáo phải thảo kính cha mẹ. Đạo Công –giáo cấm thờ cúng tổ tiên hoặc một thực tài nào khác ngoài Thiên-Chúa do đó đạo Công-Giáo là một tôn giáo độc-thần.” [8] Trong sắc dụ cấm đạo ngày 17.1.1860, Tự-Đức viết rằng: “Từ lâu đạo Da-Tô đã vào nước chúng ta và đã làm mê hoặc dân chúng, đã có những sắc dụ rất nghiêm khắc cấm tả-đạo, mỗi lần có tên công-giáo nào bị bắt chúng ta đã trừng trị nó, vậy mà vẫn có những bọn người ngu ngốc mù quáng nhất định không chịu xuất giáo.

Lúc tàu bọn mọi rợ đến trong nước chúng ta, vô cớ chúng đã đưa sự loạn lạc trong các tỉnh Quảng-Nam và Gia-Định, nhưng chúng đã không đi đến một kết quả nào, ban đầu chúng muốn liên lạc với chúng ta, và đã khiêm nhường yêu cầu chúng ta kính trọng sự tự-do tín-ngưỡng. Rõ ràng chúng không có mục-đích gì khác ngoài mục-đích nầy.

Những kẻ thủ lãnh của bọn chúng đã tưởng rằng vì lời yêu cầu ấy chúng ta sẽ hủy bỏ những dụ cấm đạo, chúng ta biết chắc chúng nuôi ý tưởng ấy thầm kín ở trong lòng. Chúng ta cần phải trừng trị chúng một lần nữa cho chúng biết mặt. Chúng ta cần phải rẽ lúa tốt ra khỏi cỏ lùng, người lương dân với bọn côn đồ, chúng ta phải tiêu diệt tất cả những ước vọng xấu xa của chúng...”
[9]

Thêm nữa các lý lẽ do giới cầm quyền nêu lên xét ra không vững vì với lập luận hàm hồ xa rời thực tế đối chiếu cùng nội dung mà giáo lý Công Giáo truyền dạy lúc bấy giờ. Trong cuốn sách nhỏ mới in gần đây có tên Đạo Trung Tùy Bút, giáo sư Trần Văn Toàn đã soi sáng những uẩn khúc nằm trong cái lý lẽ nêu trên: “Người Việt, bên lương cũng như bên giáo, thường có điều thắc mắc, vì nghĩ rằng theo đạo từ ngoại quốc đưa vào, thì tất không hợp với tập tục của mình. Có người cho rằng đi đạo là bỏ ông bà cha mẹ. Vì thế ngay từ buổi đầu, các giáo sĩ đã ra công giải thích rằng: tuy đạo Thiên Chúa từ Thái-Tây truyền sang, nhưng nguồn gốc nó lại là từ Tiểu Á, đàng khác truyền thống tam giáo Việt Nam cũng là từ ngoại quốc, Ấn Độ và Trung Hoa, đem vào, và sau cùng thì người theo đạo Thiên Chúa sống ở đời cũng không ngoài phạm vi trung hiếu, có khác chăng là khác thể thức. Muốn giảng tin lành cho một xã hội tổ chức trên căn bản Nho giáo, lẽ tất nhiên là các giáo sĩ đạo Thiên Chúa phải nói đến lập trường của mình về tam cương ngũ thường, vì lẽ rằng từ vua quan cho đến dân chúng, ai cũng đứng vào lập trường chính đạo để đánh giá tin lành, xem có thể chấp nhận được hay là không.” [10]

Một vị túc nho ở Huế, linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích đã mượn những chữ trong sách Xuân Thu và Trung Dung qua một đối liên tuyệt diệu để nói lên tấm lòng người Công Giáo đối với gia đình, đất nước và nhất là sự trung thành, chung thủy với tôn giáo của mình:

Tử hựu hà phương, vi trung vi hiếu,
Đạo bất khả lị, duy nhất duy tinh.


Nghĩa là:

Chết nào hại được ai, vẫn trung vẫn hiếu,
Đạo không thể xa lìa, duy nhất duy tinh.
[11]

Câu trên lấy ý từ sách Xuân Thu của Khổng Tử, câu dưới mượn ở sách Mạnh Tử của thầy Mạnh. Trong trường hợp này, linh mục Nguyễn Văn Thích muốn nói lên tấm lòng của Thánh Micae Hồ Đình Hy (1808-1857) là một vị quan lớn trong triều Tự Đức với chức tước Thái Bộc Tự Khanh, thuộc Giáo phận Huế, đã được phúc tử vì đạo, để chứng minh rằng cái chết không thể nào làm hại được ai, càng tôn lên phẩm tiết của người tử đạo và tấm lòng hiếu với nhà, trung với nước vẫn tỏ rõ cùng trời đất, nhất là đạo Công Giáo là chính đạo, là đạo duy nhất, duy tinh nên càng không thể bỏ được.

Trần Văn Giàu, sử gia của chế độ Cộng Sản Việt Nam tuy rất kính trọng linh mục Nguyễn Văn Thích nhưng trong một số bài viết vẫn cho rằng linh mục Sảng Đình đã dùng tư tưởng triết học Trung Quốc cổ đại để biện minh cho đạo Công Giáo. Thật sự, quan điểm của linh mục Nguyễn Văn Thích cũng là quan điểm của một số các nhà Trung Hoa Học (Sinologue) trong đó có nhiều vị thừa sai nổi tiếng như Léon Wieger, Séraphin Couvreur, Henri Bernard-Maitre, mục sư James Legge v.v... Trong tác phẩm Sage chinoise et Philosophie chrétienne, [12] Henri Bernard-Maitre trình bày nhiều đề tài triết học, tôn giáo của Tây Âu đối chiếu với triết học và lịch sử Trung Quốc. Chống đối hay biện minh cho một tôn giáo hoàn toàn tùy thuộc vào chỗ đứng và cách nhìn của từng người. Điều quan trọng là phản ảnh đúng sự thật và nhất là luận điểm đưa ra có thuyết phục được người khác hay không.

Nếu trước đây, trong các thế kỷ XVII, XVIII, khi số lượng giáo dân còn ít, các chúa Nguyễn nhắm đối tượng cấm đoán là các giáo sĩ ngoại quốc để vu cho họ là gián điệp, do thám nhằm có cớ để giết hay trục xuất thì qua thế kỷ XIX, lúc con số giáo dân đã đông đảo dần lên có thể trở thành một thế lực trong chính trị, nhà cầm quyền như Tây Sơn hay các vua nhà Nguyễn dồn chủ đích tiêu diệt vào khối thần dân của mình. Các lý lẽ cấm đạo trong nhiều sắc dụ của triều đình đều giống nhau nhưng hoàn toàn sai lạc, xa với sự thật khi đối chiếu lại với giáo lý, đường lối, phong cách xử thế của Công giáo.

Tuy nhiên giữa trận bão âm thanh cuồng loạn, ác sát, ngập mùi tử khí đối với người Công Giáo từ triều đại Cảnh Thịnh qua thời Minh Mạng, Thiệu Trị rồi Tự Đức, bỗng nhiên xuất hiện một luồng ánh sáng tươi dịu qua tờ trình của Nguyễn Đăng Giai, kinh lược sứ miền Bắc của triều Huế thời Tự Đức xin nhà vua kính sự tự do tín ngưỡng của người Công Giáo cũng là con dân của mình. Tờ trình có dụng ý làm cho Tự Đức nhận chân được sự thật và đình chỉ việc bách hại đạo.

Sau đây là một vài đoạn trích dẫn: “Đạo Da-Tô là một tả đạo, đạo này đã lừa dân và đưa lại bao sự xấu xa cho dân chúng như lời Hoàng Đế đã tuyên bố. Vậy đạo nầy không phải là một đạo mới tràn lan trong dân chúng Việt Nam. Những người dân công giáo bây giờ giữ đạo vì cha mẹ, tổ tiên họ đã có đạo; số của người công giáo già trẻ, nam phụ lão ấu có đến 100.000 người; không phải trong vài tháng, vài năm mà chúng ta có thể sửa lại sự sai lầm của chừng ấy người!... Sách của chúng, về mặt văn chương chẳng có gì đáng kể, nhưng những sách ấy không dạy điều gì trái ngược luân thường đạo lý. Sách ấy không hại đến xã hội. Tất cả lời lẽ trong sách đều có một mục đích: “Đem hạnh phúc cho loài người”. Mặc dù người công giáo có nhiều điều sai lầm nhưng họ sống trong bình an. Họ trả thuế đàng hoàng và ít khi bắt được người công giáo làm nghề ăn trộm hay là nghề phiến loạn. Tối sáng bọn chúng đọc kinh, đêm cũng như ngày chúng ra sức cải thiện đời sống của mình để được phúc thiên đàng. Chỉ vì sai lầm như thế, hỏi có nên trừng trị họ một cách quá nghiêm khắc không?” [13] Tờ trình của Nguyễn Đăng Giai có những điểm xem ra phù hợp với thực trạng người Công Giáo nhiều thế kỷ về sau nhất là về phương diện xã hội.

Đoạn văn trích dẫn tiếp đây càng phản ảnh đúng con đường phát triển Tin Mừng của người Công Giáo trong những năm đầu thế kỷ XIX mà có lẽ xứ đạo Sáo Bùn cũng là một trong những giáo xứ điển hình: “Đây là phương pháp người công giáo thường dùng để tuyên truyền đạo: trước nhất họ làm cho nhiều người đàn ông theo đạo, tất nhiên cả gia-đình người đàn ông ấy cũng theo đạo. Ban đầu chỉ có vài gia đình công-giáo, với thời gian cả ấp, rồi cả làng đều có đạo Công giáo; và cứ lặng lẽ họ đã đi đến cái con số khổng lồ ngày nay. Người công-giáo nuôi nấng những kẻ bần cùng, đói rách, giúp đỡ những người đau khổ xác hồn. Không kể màu da nước tóc, họ vẫn coi nhau như phần-tử của một thân hình, vì thế những ai đã theo tả-đạo, người ấy lấy làm thích thú và không sao bỏ đạo được. Vả lại người công-giáo thấy những kẻ không công-giáo, ở ngoài xã-hội phải làm việc quá nhọc, trong gia đình phải khổ cực trăm bề, cha mẹ con cái, bà con không giúp đỡ lẫn nhau, cả ngày say đắm trong tài sắc, sống trong bất công và hằn thù ghen ghét nhau.” [14] Tuy ông Nguyễn Đăng Giai đã cố đưa ra những dữ kiện rất cụ thể để thuyết phục vua Tự Đức bãi bỏ các chỉ dụ cấm đạo nhưng nhà vua vẫn quyết định chính sách theo ý riêng của mình, bất chấp những lời can gián hợp lý.

2.- Những chủ chăn sống chết giữa đàn chiên xứ đạo Sáo Bùn (Tam Tòa).

Một trong những vị chủ chăn đã đem hết tinh thần và sức lực phục vụ đàn chiên trong thời kỳ khó khăn nhất của Giáo hội và đã đổ máu đào minh chứng cho Đức tin tại giáo xứ Sáo Bùn, đó là linh mục Gio-an Đoạn Trinh Hoan.

Linh mục Đoạn Trinh Hoan sinh năm 1798 tại làng Vân Dương, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, về sau dời đến làng Kim Long, tổng An Ninh, huyện Hương Trà cùng tỉnh. Ngài là con của ông Batôlômêô Đoạn Trinh Sương và bà Isave Diệm, là em của ông Đoạn Trinh Cung.

Linh mục Đoạn Trinh Hoan xuất thân trong một gia đình có nhiều người làm linh mục, bị đày đọa, bắt bớ, cầm tù, chết trong ngục hay chết vì đạo.

Ông Đoạn Trinh Cung chết rũ tù dưới thời bắt đạo của Tây Sơn. Các con của ông là Đoạn Trinh Cách bị lưu đày, và một người con khác là linh mục Đoạn Trinh Khoan (1829-1885) bị quân Văn Thân thiêu sát tại nhà thờ Dương Lộc, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngày 8.9.1885.

Thuở ấu thời, Đoạn Trinh Hoan học La-Tinh với cha Kiết, sau được cha này bảo trợ vào học Tiểu chủng viện An Ninh hoặc Tiểu chủng viện Di Loan thời Đức Cha Labartette làm Giám đốc, từ 1802. Khoảng năm 1816, Đoạn Trinh Hoan được Đức Cha Labartette gửi qua học tại chủng viện Pénang, rồi về nước năm 1824. Thầy Hoan giúp chủng viện An Ninh rồi khi thừa sai Jaccard (tên Việt là Phan) đưa chủng viện vào Dương Sơn, thầy Hoan cũng theo vào và từ đó làm thư ký cho Đức Cha Taberd. Năm 1836 Đức Cha Stéphane Cuénot (tên Việt là Thể) truyền chức linh mục cho thầy Hoan tại nhà thờ Gò Thị (Bình Định) và phái tân linh mục ra coi hai xứ Kẻ Sen và Kẻ Bàng từ năm 1836 đến 1838.

Từ năm 1838 đến 1842 cha Hoan làm quản xứ giáo xứ Bái Trời thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, kế tiếp đi coi một vài họ đạo tại Huế rồi lại ra Sen-Bàng lần thứ hai trong 4 năm.

Năm 1850, Giáo phận Bắc Đàng Trong (tức Giáo phận Huế ngày nay) được thành lập và Đức Cha Sohier (tên Việt là Bình) bổ nhiệm linh mục Đoạn Trinh Hoan làm cha sở giáo xứ Sáo Bùn (Tam Tòa, Đồng Hới) khoảng cuối năm 1851, đồng thời phụ trách hai tu viện Dòng Mến Thánh Giá Mỹ-Hương và Kẻ Bàng. Ngoài ra linh mục Hoan cũng coi thêm một họ đạo nhỏ gần giáo xứ Sáo Bùn là Kẻ Lái (hay Kẻ Lậy cũng gọi là Lý Nhơn) ở Bố Trạch, Quảng Bình.

Ngày nay các tư liệu còn lại của Giáo phận Huế cho biết linh mục Đoạn Trinh Hoan là người có công trong việc đào tạo, huấn luyện một số linh mục trẻ tuổi xuất sắc như linh mục Đoạn Trinh Khoan (gọi ngài bằng chú), linh mục Trần Phi Long, linh mục Inhaxiô Lê Văn Huấn, thầy Sáu Cang v.v... Các giám mục Cuénot, Pellerin, Sohier rất tín nhiệm cha Hoan trong công tác giáo dục, đào tạo thế hệ linh mục trẻ và nhiệt liệt khen ngợi ngài. [15] Lúc bấy giờ, làn sóng khủng bố người Công Giáo dâng cao với chính sách “phân sáp” ác liệt đang bổ xuống trên đầu giáo dân. Vào đầu năm 1861, cha Hoan đến xứ đạo Sáo Bùn (Tam Tòa) cho giáo dân xưng tội để chuẩn bị mừng Lễ Ba Vua (Lễ Hiển Linh). Nơi đây cha được ông Trùm xứ Nguyễn Văn Phượng lo nơi trú ẩn chu đáo. Khi đó có hai người ngoài Công Giáo thuộc hai làng Đức-Phổ và Hữu Cai (còn gọi là Hồ Cai) rình rập theo dõi và đi tố cáo với quan. Quan quân tại phủ lị Đồng Hới chuẩn bị kéo đến Sáo Bùn. Có ba giáo dân Sáo Bùn thấy vậy bèn chạy về cấp báo vì biết có thể người ta định đến bắt cha Hoan, trong khi đó các vị trong Ban Chức Việc bán tín bán nghi nên không chịu dẫn cha Hoan đi trốn ngay. Khi quan quân kéo đến Sáo Bùn, cha Hoan chạy ra bờ sông, xuống được một chiếc thuyền chèo ra xa. Không tìm thấy dấu tích vị linh mục, quan quân dập tắt hết đèn đuốc kéo ra bờ sông phục kích. Cha Hoan thấy bốn bề yên tĩnh bèn lên bờ tìm một bụi kín để núp nhưng bị lính phát hiện, báo động và ngài buộc phải lên tiếng xưng mình là đạo trưởng. Lính bắt ngài dẫn về Đồng Hới lúc đó đã quá nửa đêm ngày mồng 2 rạng mồng 3.1.1861.

Sáng ngày 3.1.1861, quan quân lùng bắt được ông Trùm xứ Nguyễn Văn Phượng.

Nghe tin cha Hoan bị bắt, Đức Cha Sohier (tên Việt là Bình) lúc đó đang ẩn trốn tại Sen Bàng xuất 15 nén bạc cộng thêm một số tiền của một vài giáo hữu giàu có ở đó đem vào Đồng Hới để tính chuộc cha Hoan ra nhưng các quan ở Đồng Hới không dám thả ngài vì ngài là đạo trưởng vốn là đối tượng chủ yếu trong chiến dịch lùng bắt người Công Giáo.

Ngày 4.1.1861 cha Hoan bị đưa ra xét xử cùng với 9 giáo dân. Trong tù, linh mục Đoạn Trinh Hoan bị tra tấn nhiều lần nhưng ngài không chịu xuất giáo, bị đánh 19 roi và vẫn hiên ngang làm công tác mục vụ như giải tội cho các tù nhân, an ủi khuyên bảo họ. Cuối tháng ba, cha Hoan bị kết án tử hình và tịch thu tài sản. Một số các giáo dân khác bị xử lưu đày gồm có: ông Biện, Thầy Huệ, ông Quế và bà Ban. Bốn người khác có liên can đến vụ này nhưng đã chạy trốn sẽ bị kết án khi bắt được.

Ngày 25.5.1861, bản án vua Tự Đức duyệt phê ra tới Đồng Hới.

Ngày 26.5.1861, một viên cai đội cùng lính tráng đến nhà tù tuyên đọc bản án trước sự hiện diện của cha Đoạn Trinh Hoan như sau: “Tự Đức năm thứ 14, ngày 17 tháng 4, tên Hoan là đạo trưởng, dạy đạo và lừa dối nhiều người, luận phải xử chém lập tức” . Sau đó ông ra lệnh đóng gông vào cổ cha và cho bốn tên lính cầm giáo áp tải cha đi ra cửa thành và đưa ra pháp trường là một cánh đồng trống ở ngoài thành Động Hải, kế cận làng Phú Ninh. Biết trước cuộc tử đạo của cha Hoan sắp diễn ra nên giáo dân Sáo Bùn đã chuẩn bị đến pháp trường trước, trải chiếu sẵn để cha quì lên trên.

Sau khi ngước mắt lên trời cầu nguyện rất sốt sắng một hồi lâu, linh mục Đoạn Trinh Hoan bình thản nói với lý hình: “Tôi đã sẵn sàng”. Trước khi khai đao, lý hình nhảy múa chờ lệnh để chém xuống. Nhát đao thứ nhất chém trúng vai khiến cha Hoan té ngửa, tên lính túm tóc cha ngồi lên và chém nhát thứ hai vào má rồi chém tiếp theo hai nhát nữa. Nhát sau cùng đã trúng cổ khiến đầu cha văng ra xa khoảng năm bước. [16] Giáo dân thuộc nhiều xứ Sáo Bùn, Mỹ Hương được phép vào thấm máu và tẩm liệm rồi đem về an táng tại nghĩa trang các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá ở Mỹ Hương. Sau khi vua Tự Đức tha đạo và giáo hội lập hồ sơ phong á thánh, xác ngài được cải táng và đưa về đại chủng viện Phú Xuân (Huế).

Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn linh mục Đoạn Trinh Hoan lên hàng Chân Phúc ngày 2.5.1909.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh cha Hoan lên bậc Hiển Thánh ngày 19.6.1988.

Cùng chịu tử vì đạo với linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan ngày 26.5.1861 tại pháp trường Đồng Hới còn có ông Matthêu Nguyễn Văn Phượng (1801-1861), Trùm xứ Sáo Bùn và Trùm hạt Quảng Bình.

Hai vị thừa sai người Pháp cũng đã chia xẻ những khổ cực, gian nan với giáo dân Sáo Bùn, sống chết với đàn chiên trong hoàn cảnh truân chuyên nhất dưới thời Văn Thân – Cần Vương (1885-1886) đó là linh mục Jean Héry (tên Việt là Y) và linh mục Claude Bonin (cố Ninh).

Từ tháng giêng năm 1886 đến tháng 6-1886, linh mục Jean Héry (tên Việt là Y) trông coi giáo xứ Sáo Bùn với dân số khoảng 1200 giáo dân, Có tu viện Dòng Mến Thánh Giá và một viện dục anh nuôi trẻ em mồ côi. Thời gian đầu năm 1886, trong khi các giáo xứ nam Quảng Bình như Mỹ Hương, Mỹ Phước, Trung Quán, Xuân Hồi còn yên ổn thì các giáo xứ ở Quảng Trị, chủng viện An Ninh bị tấn công. Cha Héry tới xin đồn Pháp đóng ở cửa Đồng Hới một số súng ống nhưng bị từ chối vì trước đó họ đã giúp cho cố hai lần một số vũ khí và ngài đã chở vào giúp cho giáo xứ và chủng viện An Ninh khoảng tháng 9.1886. Không trông chờ được sự giúp đỡ của người Pháp, các giáo xứ nam Quảng Bình khi bị Văn Thân tấn công phải tự cứu mình trong hoàn cảnh khẩn trương. Lúc bấy giờ đại đa số giáo dân bỏ chạy về giáo xứ Sáo Bùn nên giáo xứ Sáo Bùn trở thành một khu tị nạn lớn. Mặc dù khó khăn nhưng giáo dân Sáo Bùn hết lòng cưu mang, giúp đỡ anh chị em của mình. Cha Héry đã lo tổ chức cứu trợ rất tận tình, chu đáo.

Sau đó, tình hình trở lại yên ổn và mọi người ai nấy trở về giáo xứ của mình.

Ngày 14.6.1886, được phép của giáo quyền, linh mục Héry rời Sáo Bùn qua Hồng Kông chữa bệnh, sau 6 năm làm quản nhiệm ở đây. Sau đó cha Héry về Pháp và năm 1906 ngài qua đời tại đó.

Linh mục Claude Bonin (tên Việt là Ninh) đến thay cố Y làm quản xứ Sáo Bùn. Nhận được giáo xứ sau mười ngày, thì ngày 24.6.1886 quân Văn Thân bất ngờ tấn công Sáo Bùn, một mặt đốt phá nha dân chúng, một mặt tấn công nhà thờ giết 52 giáo dân đang trốn ở đó. Một số lớn giáo dân khác chạy về ẩn núp tại Đồng Hới. Linh mục Bonin nhanh chân xuống ghe chèo ra Đồng Hới cùng với giáo dân.

Ngày 5.8.1886, quân Văn Thân do tên chỉ huy tên là Cộc đánh vào thành Đồng Hới nhưng thất bại. Trong trận này có 3 giáo dân Sáo Bùn bị tử thương.

Một biến cố khác có liên hệ tới giáo xứ Sáo Bùn là việc quânVăn Thân tấn công giáo xứ Mỹ Phước, bắt cha sở Tống Viết Cơ đem đi giết. Giáo dân chạy vào nhà thờ nên quân Văn Thân đốt nhà thờ thiêu sát khoảng 442 người ngày 13.1.1886. Cùng bị bắt với cha sở Tống Viết Cơ và bị giết có một nữ tu Dòng Mến Thánh Giá ở tu viện Nhu Lý tên là Y [18] Theo Bulletin Des Amis Du Vieux Hué tháng 7-8 năm 1941, tr. 297-298. Khi xảy ra thảm kịch nói trên, linh mục Héry đến đồn Pháp ở cửa Đồng Hới xin giúp đỡ. Chỉ huy trưởng người Pháp cho một tiểu đội theo cha Héry lên giáo xứ Mỹ Hương tìm không gặp được ai cả. Tất cả giáo dân chạy trốn sau những động cát ngoài bờ biển. Cha Héry đã đi tìm và gặp được họ đang sợ hãi ẩn náu ở đó nên đưa tất cả về tạm trú tại ba địa điểm: Sáo Bùn, Sáo Cát Thượng và Sáo Cát Hạ. Số giáo dân này gồm có 50 nữ tu, các trẻ em mồ coi viện Dục anh và 410 giáo dân họ đạo Mỹ Hương [17]. Theo linh mục Nguyễn Văn Ngọc, cuối năm 1886, linh mục Bonin lập trại định cư trên sở đất gần cửa Đồng Hới gọi tên mới là Tam Tòa gồm có dân Sáo Bùn, và một số đông giáo dân Mỹ Hương, Mỹ Phước, Trung Quán, Mỹ Duyệt. [18] Linh mục Cadière, trong cuốn sách Les lieux historiques du Quảng Bình, có viết: “Ở giữa trại lính là một cái miếu mỗi năm đều có lễ tế các tử sĩ trận vong đã hy sinh vì xứ sở trong việc bảo vệ lũy. Muốn tới đó người ta phải qua một cổng khoét ở tường thành. Ở trung tâm nơi này ngày xưa có ba tòa miếu nên do đó có tên Tam Tòa mà người công giáo hiện đang chiếm cư trại đó.” [19] Căn cứ theo sự sưu khảo của nhà Quảng Bình học Nguyễn Tú (1920-2006), “trước Cách mạng tháng 8-1945, phường Đồng Mỹ bao gồm làng Lệ Mỹ và họ giáo Tam Tòa. Địa giới phường này từ cầu Mụ Kề đến Khe Nước (Khe này có vị trí tương đương với con mương phóng thủy ở Hải Thành hiện nay). Một con đường duy nhất đi suốt chiều dài phường Đồng Mỹ, cũn bắt đầu từ phía cầu Mụ Kề đến Khe Nước. Mùa hè, khe cạn, con đường có thể cho xe vượt qua để đi tiếp đến bãi tắm Nhật Lệ. Họ giáo Tam Tòa ăn ở tập trung trên chiều dài dọc con lộ này, đến trước mặt nhà thờ thì có một con đường cắt ngang thẳng từ nhà thờ đến đường quốc lộ hiện nay.” [20] Tác giả Nguyễn Tú cho biết thêm: “Người làng Lệ Mỹ là một vạn chài, sinh sống bằng nghề cá trên sông, biển, lênh đênh mạn thuyền, ít người sống trên đất, nên phường Đồng Mỹ, dân cư chủ yếu là họ giáo Tam Tòa.. Họ giáo này không phải là người bản địa ở làng Lệ Mỹ mà họ có sự khai thiết từ thế kỷ XVII. Ngày nay, chúng ta quen gọi Tam Tòa như một địa danh làng xóm, nhưng thực ra, Tam Tòa là nơi ba cái miếu thờ: Cửu Thiên huyền nữ, Liễu Hạnh công chúa và Huyền Trân công chúa.” Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển VII chép về Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế, nói “năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) dựng hai miếu Hội Đồng và Tam Tòa ở Quảng Bình. Miếu Hội Đồng ở xã Lương Yến huyện Phong Lộc (nay là xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh); miếu Tam Tòa ở ngoài lũy Nhật Lệ (tức phường Đồng Mỹ ngày nay).” [21]

Ngày nay, dù bối cảnh lịch sử có khác nhưng tâm tình hiệp thông giữa các vị mục tử với đàn chiên, cụ thể là qua biến cố Tam Tòa ngày 20-7-2009 đã được nâng lên tầm mức cao hơn. Thực chất của biến cố ngày nay cũng không khác gì cốt lõi của sự kiện lịch sử ngày trước với cảnh các vị chủ chăn lên tiếng đòi hỏi cho Công lý và Sự thật mà bị đánh đập, sách nhiễu, lăng mạ, chửi rủa. Riêng trong biến cố Tam Tòa, có thể so sánh Giám Mục Cao Đình Thuyên của Giáo phận Vinh với Giám Mục Joseph Hyacinthe Sohier (tên Việt là Bình) của Giáo phận Huế. Các linh mục Lê Thanh Hồng, Nguyễn Đình Phú, Ngô Thế Bính là hậu thân của các linh mục Manuel Nguyễn Văn Bổn, Lôrensô Huỳnh Văn Lâu, Gioan Đoạn Trinh Hoan, biểu trưng sự gắn bó nhiệt thành, sự hiểu biết sâu sắc giữa mục tử và đàn chiên. Tất cả đều gợi nhớ lại nội dung của Tân Ước nói về vai trò mục tử. Chỉ khác là ngày nay hệ thống truyền thông từ hai phía thống trị và bị trị đều đã nhập cuộc trong một thế trận sống mái, quyết liệt. Chính Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã công khai phủ nhận quan hệ xin – cho trong tôn giáo. Đức Giám Mục Cao Đình Thuyên bày tỏ một tình hiệp thông sâu đậm khi tuyên bố “Việc của Thái Hà cũng là việc của Giáo phận Vinh, việc của Vinh cũng là việc của Thái Hà” và cho biết Giáo hội không chủ trương bạo động, không đòi lật đổ chính quyền mà chỉ đòi Công lý và Sự thật. Qua biến cố Tam Tòa, chúng ta học được nhiều bài học lịch sử chẳng những của quá khứ mà còn của cả hiện tại thể hiện trong vai trò của các vị mục tử nhân lành. Dĩ nhiên vai trò đó không chỉ xuất hiện trong thời buổi khó khăn, nghĩa là lúc Giáo hội bị bách hại, mà còn cả trong thời gian yên ổn khi Giáo hội được tự do rao giảng Tin Mừng mà việc tổ chức Năm Thánh Cầu Cho Linh Mục càng có thêm ý nghĩa đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

New Jersey Sept. 11, 2009

CHÚ THÍCH:
1.-Gio-an 10: 11-13; Nhóm phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ, Kinh Thánh Tân Ước, Tòa Tổng giám mục Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, 1994, trang 438.
2.- R. P. Cadière, Missionnaire apostolique, Les lieux historiques du Quảng Bình, B.E.F.E.O, No. 3, 1903,
3.- Thư của Labartette, viết ngày 23.6.1786, Documents, trang 14, dẫn lại theo Nguyễn Phương, Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn, Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, 1967, trang 327.
4.-Thư giáo sĩ Longer cho Giám đốc nhà Dòng các Phái đoàn Truyền giáo, 14.4.1792 (A. Launay, III, t. 239, dẫn lại theo Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, từ 1771 đến 1802, Nxb. Văn Sử Học, 1973, tr. 309.
5.- Thư giáo sĩ Longer cho Giám đốc nhà Dòng các Phái đoàn truyền giáo, Tonkin, 3.6.1799 (A. Launay, III, t. 250, dẫn theo Tạ Chí Đại Trường, Sđd, tr. 309.
6.- Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, Cứu Thế Tùng Thư xb. Quyển I, 1965, tr. 247.
7.- Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, Cứu Thế Tùng Thư xb., bản in lần hai, 1965, quyển I, tr. 327.
8.- Phan Phát Huồn, Sách đã dẫn, tr. 319.
9.- Phan Phát Huồn, Sđd, tr. 450.
10.- Trần Văn Toàn, Đạo Trung Tùy Bút, Nxb. Tôn Giáo, 2008, tr. 86.
11.- Nguyễn Đức Cung, Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại, Nxb. Nhật-Lệ, 2006, Quyển I, 2006, tr. 563.
12.- Henri Bernard-Maitre, Sage chinoise et Philosophie chrétienne, in tại Sienhsien, Trung Quốc, 1935.
13.- Louvet, La Cochinchine religieuse, II, 200, dẫn lại theo Phan Phát Huồn, Sđd, tr. 416-417.
14.- Phan Phát Huồn, Sđd, tr. 416.
15.- Linh mục Nguyễn Văn Hội, Tiểu sử các linh mục Giáo phận Huế, Tài liệu đánh máy, tr. 63.
16.- Lữ Giang, Tam Tòa: Nối tiếp gương các Thánh Tử Đạo, VietCatholic News, Aug. 01.2009
17.- Lm Nguyễn Văn Ngọc, Trang sử giáo xứ Quảng Bình. Tlđd, tr. 23.
18.- Lm Nguyễn Văn Ngọc, Tư liệu đã dẫn, tr. 23-24.
19.- Léopold Cadière, Sđd, tr. 181.
20.- Nguyễn Tú, Địa chí Đồng Hới, Trung Tâm VNTT Thị xã Đồng Hới, 2000, tr. 149.
21.- Nguyễn Tú, Sđd, tr. 149.