MỘT NHẬN ĐỊNH BUỒN !

Trả lời phỏng vấn riêng với trang báo điện tử VnExpress.net, giáo sư Tom Cannon - nhà hoạch định kinh tế nổi tiếng thế giới - không ngần ngại nói rằng: "Nhật Bản có Panasonic hay Sony, Hàn Quốc nổi tiếng vì Daewoo và Samsung. Nhưng không có bất kỳ thương hiệu nào tiêu biểu cho Việt Nam". Nghe câu trả lời này, Hai Tôm vốn đang đau đáu chuyện Tam Toà lại càng đau thêm cho nhận định xem ra là quá buồn ấy !

Ông cũng bộc bạch nhiều điều mà nếu ngẫm nghĩ xem ra đau lắm, nào là:

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Để khai thác thế mạnh và xây dựng thương hiệu về lĩnh vực này, cần phát triển nhiều loại thực phẩm mới, có giá trị vượt trội so với thế giới. Nếu như Italy nổi tiếng vì mỳ thì Việt Nam cũng cần đem lại tầm cao hơn cho gạo. Quy trình sản xuất hạt gạo Việt Nam vẫn không thay đổi nhiều so với trước 1975. Trong khi đó tại các nước khác, họ đã trồng lúa bằng phương pháp hiện đại, sử dụng năng lượng sạch. Bên cạnh sản xuất, việc tiếp thị hình ảnh, marketing, giới thiệu thương hiệu đến cộng đồng quốc tế cũng rất cần thiết.

Nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ đến Sony hay Panasonic. Hàn Quốc nổi tiếng thế giới vì Daewoo hay Samsung. Nhưng nói đến Việt Nam, người ta không nhớ ra bất cứ thương hiệu nào. Đây là cả một câu chuyện dài và đòi hỏi một thời gian khá lâu mới có thể giải quyết. Xây dựng thương hiệu của riêng mình rất cần thiết. Thay vì cứ đi gia công sản xuất cho các hãng, cần có thương hiệu của riêng mình và sẽ không bị ảnh hưởng khi hãng chuyển nhà máy sang quốc gia khác. ..

Tom Cannon nói đúng ! Nhìn lại mấy chục năm qua, ai ai cũng biết rằng cái “anh Hàn Quốc” trước đây thua Việt Nam, phải đi đánh thuê nhưng nay họ ra sao ai cũng rõ. Hiện giờ, “anh Hàn Quốc”, “anh Nhật Bản” ra sao thì mọi người đã rõ !

(Nhớ lại một công dân Việt Nam được đi đây đi đó ước gì Việt Nam ta cũng được như các “anh Hàn Quốc”, “anh Nhật Bản” thì bị lên án, bị lăng mạ đầy trên các mặt báo. Công dân có lòng yêu nước thật sự ấy “được” loa phóng thanh lu loa ầm ĩ là còn xứng đáng là công dân Việt Nam hay không ???)

Mấy chục năm rồi mà không có thương hiệu là ấn tượng của Việt Nam thật.

Thật là đau lòng và cười ra nước mắt. Thương hiệu thì không có mà “tai hiệu” thì đầy ! “Tai hiệu” là có quá nhiều công trình để lại những “hiệu quả tai tiếng”.

Ở miền Bắc, làm sao người ta có thể quên được đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Điện Biên Phủ. Công trình chưa kịp cắt băng khánh thành thì đã có vết nứt, đã có vấn đề. Hầu như toàn bộ công trình đã hư hỏng nghiêm trọng. Phần kè chân tượng bị lún nứt, có chỗ bị nghiêng ra ngoài, một góc sân hành lễ bị sụp đổ. Các nhà thi công lý giải nguyên nhân sự cố là do làm tạm để phục vụ lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên.

Tại nhà máy thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La), Hội đồng nghiệm thu cho rằng có một số tồn tại về chất lượng như công tác khoan phụt xi măng chống thấm ở nền đập khu vực cửa nhận nước chưa đạt yêu cầu; xuất hiện vết nứt ở bê tông đầm lăn khối C2 đập không tràn.

Một nhà máy thủy điện khác, nhà máy thủy điện Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), tồn tại chủ yếu về chất lượng là việc rò rỉ nước từ đường ống áp lực vào gian máy.

Với nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng (tỉnh Quảng Ninh), Hội đồng nghiệm thu đánh giá, trong quá trình vận hành thử nhà máy, còn một số vấn đề kỹ.

Rồi đến cầu sông Đuống: những vết nứt cầu sông Đuống đã làm cho người dân xanh mặt khi phải buộc đi qua nó mà mối nguy hiểm đang rình rập. Chiều tối ngày 4 tháng 5 vừa qua, nhịp dầm số 4 của cầu Đuống (thuộc địa phận phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) đã xảy ra sự cố lún nứt khiến hàng ngàn lượt người và phương tiện qua lại tại khu vực này lâm vào cảnh ùn tắc kéo dài từ Quốc lộ 5 tới đầu cầu Đuống.

Mới đây thôi, chất lượng hầm Kim Liên như thế nào thì mọi người đã rõ: Lúc 7 giờ sáng ngày 16/6, hầm cơ giới tại nút giao thông Kim Liên được thông xe. Đây là công trình hầm cơ giới được coi là hiện đại nhất Hà Nội với đường dẫn dài 100 m, chiều rộng hầm 18,5m, chiều cao 6,25m. Ngoài đường hầm dành cho xe cơ giới còn có hầm dành cho người đi bộ gồm hai nhánh cắt qua đường Lê Duẩn và Giải Phóng, cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, tuy nen kỹ thuật...

Tuy vậy, cơn mưa bất ngờ đã làm hầm bị ngập nước nặng và phải đóng cửa ngay sau khi thông xe 1 giờ !?!?!?

Trở vào Nam thì cũng chẳng kém gì ! Có quá nhiều “tai hiệu” !

Người dân miền Nam, cách riêng dân ở thành phố Cần Thơ mỗi lần đi qua cầu Cần Thơ sẽ không thể nào quên được hình ảnh của hơn 50 con người đã bị dìm xuống nước và nhiều khối bê tông đè lên người trước lúc đi xa. 7 giờ 45 sáng 26 tháng 9 năm 2007, đường dẫn cầu Cần Thơ dài 90 m nặng hàng trăm tấn đã đổ sập, chôn vùi gần 200 công nhân đang thi công. Đã thống kê được hơn 50 người chết và gần 200 người bị thương.

Mới đây thì chất lượng cầu bắt qua sông Chợ Đệm như thế nào thì báo chí đã loan tin. 15 giờ 23 phút chiều 10/3/2009, tại công trình cầu chợ Đệm thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đã xảy ra sự cố sập dầm bê tông nhịp số 9, làm 2 công nhân bị thương nặng, trong đó 1 người đã tử vong. Được biết, công trình cầu chợ Đệm được khởi công từ tháng 8 năm 2006, với chiều dài 500m. Nhưng đến thời điểm tháng 3 khi xảy ra sự cỗ cây cầu này vẫn chưa hoàn thành. Trước đó, trong tháng 12/2008, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, bắt quả tang các đơn vị thi công và giám sát thông đồng nhau, không bơm vữa vào ống siêu âm trong các cọc khoan nhồi hạng mục cọc móng của công trình này. Theo tính toán của cơ quan điều tra, bằng phương thức "rút ruột" vật liệu sika thì với thiết kế 300 trụ cầu trong gói thầu của Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long thực hiện, đã gây thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Ở thành phố mang tên Bác thì làm sao người dân có thể quên được những “công trình nổi tiếng” như là cầu Bình Triệu hư lên hỏng xuống, đường Nguyễn Hữu Cảnh thì với cơn mưa nhỏ hạt thì đường phố bỗng thành sông, hầm Thủ Thiêm chưa kịp dìm xuống thì đã đầy vết nứt !

Trở về với vùng biển mặn Cần Giờ, người dân Cần Giờ sẽ mãi mãi không thể nào quên được “cây cầu hiệu” mang tên Dần Xây ! Có phải để đúng với cái tên của nó hay không mà người ta xây dần dần. Tiến độ thi công cây cầu xây dần dần ấy chậm đi vài năm trong đó bi đát nhất là chuyện hai bên đầu cầu xây phóng qua để gặp nhau giữa sông bị lệch tim hơn mét !

Nói đến cây cầu Dần Xây mà không nói đến con đường Rừng Sác, con đường Duyên Hải quả là một điều thiếu sót ! Chỉ cần phỏng vấn vài người dân Cần Giờ thôi thì họ sẽ cho cái cảm nghiệm ai oán như thế nào ? Không tin thì xin kính mời mọi người cứ đi về Cần Giờ sẽ thấy tận mắt chứ không phải thông tin lừa bịp. Có nhiều đoạn không phải là 2 tầng nữa mà là 3 tầng, đường đi Cần Giờ như thế nào thì chỉ có những ai đi mới có thể cảm thấu được.

Còn đó và còn đó qúa nhiều “tai hiệu” !

Trở lại với lời nhận định của Tom Cannon, Hai này buồn lắm ! Thế nhưng, buồn thì buồn vậy thôi chứ phận vẫn là một kẻ sống ở vùng biển mặn Cần Giờ có làm gì được cho ai ? Cái không làm gì được cho ai thì cũng thấy sợ, cũng thấy buồn nhưng cái buồn, cái sợ là khi nói ra sự thật sẽ đụng, sẽ chạm đến “ai đó” để rồi “ai đó” làm khó làm dễ cho những ngày còn lại của cuộc đời Hai Tôm.

Hai Tôm cũng không phủ nhận được tất cả những cố gắng, những thành quả của tất cả các vị lãnh đạo tài đức của đất nước nhưng nhìn vào thực trạng của cuộc sống thường ngày, nhìn vào những công trình đã, đang và sẽ xây dựng, lòng Hai Tôm cảm thấy nó làm sao ấy.

Thôi thì với thân phận nhỏ bé, Hai Tôm chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện cho đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, cầu nguyện cho đất nước có những thương hiệu nổi tiếng để sánh vai với các nước bạn hơn.