Cái giá của tình bạn ảo

Các trang giao kết xã hội trên liên mạng đang được nhiều người ủng hộ tham gia, nhưng chúng có thể biến đổi nền văn hóa của ta một cách tiêu cực hết sức bất ngờ. Đó là nhận định của Christine Rosen, một chuyên gia về kỹ thuật sinh học (a biotechnology expert), một tác giả và là chủ bút thâm niên của tờ The New Atlantis, tập san chuyên về kỹ thuật và xã hội, người vừa lên tiếng trong một bài diễn văn thuộc chương trình Giảng Khóa Hồng Y John Henry Newman do Viện Khoa Học Tâm Lý bảo trợ. Tựa đề bài diễn văn vừa được đưa lên liên mạng ngày 13 tháng Ba nói trên là “Tình Bạn Ảo và Tân Chủ Nghĩa Tự Yêu Mình Cách Bệnh Hoạn” (Virtual Friendship and the New Narcissism).

Theo Rosen, các trang mạng như MySpaceFacebook hiện đang hết sức nổi tiếng. Thực vậy, riêng Facebook báo cáo là đã có tới 150 triệu hội viên xin gia nhập. Bà thêm rằng: nếu Facebook là một quốc gia, thì đó là quốc gia đứng hàng thứ tám trong số các nước có đông dân nhất thế giới. Bà thúc giục ta xem sét cẩn thận các trang mạng này, sau khi nhận thấy nhiều người thường đặt câu hỏi: “Chúng đang làm gì đối với chúng ta?”. Bà nhìn nhận rằng các phương tiện này đem con người ta lại với nhau và cải thiện các mạng lưới liên lạc xã hội; một người bị bó buộc luẩn quẩn trong nhà vì bệnh hoạn vẫn có thể tiếp xúc với cộng đồng những người đồng cảnh ngộ với mình.

Bà nói tiếp: “Nhưng tôi muốn đặt một câu hỏi khác: Chúng đang làm gì cho chúng ta? Chúng đang làm gì cho ý thức của chúng ta về các ranh giới xã hội? về cá nhân tính? Về tình bạn của chúng ta?”. Diễn giả này nhấn mạnh tới nhu cầu phải tra vấn vai trò của kỹ thuật, và việc kỹ thuật ấy thay đổi ra sao cái hiểu của ta về tình bạn. Bà quả quyết rằng: “Tình bạn trên cái không gian ảo kia hoàn toàn khác với tình bạn ở ngoài đời thật sự”.

Thay đổi bản thân

Theo Rosen, các trang mạng này giúp cho một số loại nối kết trở nên dễ dàng hơn, nhưng vì chúng không bị cột vào địa dư hay một cộng đồng được các quy phạm xã hội điều hòa, nên chúng tùy thuộc ý thích vong mạng (whims) của bản thân. Theo bà, điều ấy làm cho bản thân không còn bị ràng buộc bởi bất cứ loại trách nhiệm nào vốn đi đôi với tư cách thành viên của một cộng đồng, và điều này thay đổi hoàn toàn sắc diện của bất cứ mối liên hệ nào vốn từ đó phát sinh ra.

Theo truyền thống, tình bạn là một mối liên hệ bao hàm việc chia sẻ sự quan tâm lẫn nhau, tính hỗ tương, sự tin cậy, và với thời gian và trong khung cảnh đặc thù, việc thổ lộ dần các chi tiết thân mật xuồng xã. Nó tùy thuộc sự thổ lộ hỗ tương và chỉ có thể nở rộ bên trong biên giới của tư riêng thân mật. Nhưng trên các trang mạng kết liên, hiện đang có thứ khái niệm “tình bạn công cộng”, một khái niệm dễ thay đổi, đầy phóng đãng (promiscuous) và có tính bàn giấy. Rosen quả quyết rằng: chính cấu trúc của các trang mạng này đã được thiết dựng để buộc bạn phải cư xử theo một phương cách nào đó. Nó nhấn mạnh tới việc tụ tập bạn bè, xếp hạng họ và ‘quản trị’ họ. Bà lưu ý điều này nữa: các trang mạng này luôn cổ vũ việc điên cuồng đi tìm bạn mới vì chúng cho rằng qúy hồ đa chứ không qúy hồ tinh.

Rosen cũng khẳng định rằng cái nhu cầu đòi thu lượm cho nhiều bạn bè kia và phải không ngừng diễn xuất sao cho khéo trong việc chào mời mình ấy có thể phá hoại khả năng của ta, làm ta không bao giờ đạt được điều mà trang mạng từng hứa hẹn nghĩa là ý thức chắc chắn hơn về bản thân mình và mạng lưới mình thuộc về. Các trang mạng kết liên xã hội ngày nay thường được sắp xếp quanh các chủ đề về ý thích cá nhân (hobbies), sở thích cá nhân và hình ảnh của một người và do đó, cửa ngõ để bạn bước vào thế giới đó chính là việc thổ lộ các tư liệu thuộc bản thân bạn.

Hoàn toàn bận bịu với chính mình

Diễn giả cũng ghi nhận rằng hiện nay các trang mạng này đang bắt đầu khuyến khích một loại tự yêu mình thái quá. Và điều đó mang lại rất nhiều thiệt hại vì người tham gia tiêu phí rất nhiều thì giờ trong việc tự đánh bóng mình trên liên mạng. Bà đặt câu hỏi liệu cái thì giờ ấy có được dùng xứng đáng không: chỉ loay hoay đầu tư thì giờ vào việc làm thế nào tăng tiến cách trình bày mình trên liên mạng, thì còn thì giờ và cơ hội nào nữa để thực sự cải thiện chính bản thân mình?

Trang mạng luôn khích lệ bạn “phát tuyến thật rộng con người bạn” (broadcast yourself) ra, một lối nói vốn được dùng làm khẩu hiệu cho YouTube, khiến bạn có cơ hội tự quảng cáo mình nhiều hơn bao giờ hết, riết rồi bạn sẽ hoàn toàn tin rằng mọi chi tiết ‘vớ vẩn’ trong đời bạn cũng đáng được đăng tải. Rosen nhấn mạnh rằng: quả tình có nhiều người tham gia việc “phát tuyến thật rộng con người mình” này đã chỉ làm thế vì họ có thể làm như vậy, họ đâu có biết là làm thế nó cũng đã biến đổi con người thực sự của họ.

Bà cho rằng họ không sống giây phút hiện tại mà chỉ quảng cáo cho giây phút hiện tại ấy. Đó là một bình diện khác hẳn của cảm nghiệm, một bình diện sẽ đem lại hệ lụy thực sự cho chính con người nhân bản. Phí tốn ấy đã được chứng tỏ trong các trường hợp điển hình như người đàn ông Florida kia đã tự sát khi người ta đang quan sát ông trên liên mạng. Rosen giải thích rằng: khoảng cách và sự lơ đễnh của tình bạn cũng như các mối liên hệ trên liên mạng sẽ dẫn tới một loại văn hóa phi nhậy cảm hóa có hệ thống nếu ta không thận trọng đối với nó… Ta phơi bày mọi sự, nhưng ta có cảm nhận bất cứ sự gì không?

Đối với Rosen, sự quá bận bịu với chính mình kia sẽ dẫn tới cảm thức cô độc, một điều mà theo bà mỗi ngày một gia tăng, theo tỷ lệ thuận với việc gia tăng các trang mạng kết liên xã hội.

Theo Genevieve Pollock, Zenit ngày 2 tháng Tư năm 2009.