Nữ Ký Giả Inés San Martín của tạp chí Crux, vừa cho hay một nghiên cứu mới của Paulina Guzik và Cecilia O’Reilly, những người từng giúp tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, Ba Lan, chứng tỏ rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới, theo bất cứ loại tiêu chuẩn nào, cũng là một biến cố lớn. Phát động bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1985, nó đã trở thành một trong những biến cố thường xuyên lớn nhất trên hành tinh, có lẽ chỉ thua Thế Vận Hội và Giải Túc Cầu Thế Giới về kích cỡ và tầm quan trọng, chưa tính đến các hệ lụy hậu cần.

Một biến cố cỡ ấy hiển nhiên không bỗng chốc diễn ra, nó đòi 2 tới 3 năm để lên kế hoạch, và rồi nhiều tháng hoạt động cật lực lúc gần tới ngày khai mạc. Lần tổ chức tại Krakow, Ba Lan, năm 2016 được coi là biến cố lớn nhất ở Âu Châu cho đến nay trong thế kỷ 21.

Lẽ dĩ nhiên, những cuộc tụ tập đại qui mô như thế không hẳn nhất định vẻ vang, chúng cũng có thể kết thúc trong thảm hại, thất bại ê chề, nếu nhiều người không lưu ý tới các chi tiết đủ loại, dù rất tầm thường. Hai người trong số những người có trách nhiệm ở Krakow là Paulina Guzik, người Ba Lan, và Cecilia O’Reilly, người Mỹ. Hai người này, có lúc, đã dành 20 giờ một ngày trong nhiều tháng để mọi chuyện được êm xuôi.



Hai người vừa viết 1 cuốn sách, được trình bầy như một “trường hợp điển hình” kể lại kinh nghiệm của họ và cung cấp nhiều tài nguyên cho các nhà tổ chức tương lai. Crux gần đây đã nói chuyện với Guzik về điều họ muốn đạt được qua cuốn sách này.

Crux: Tại sao hai chị quyết định viết cuốn Ngày Giới Trẻ Thế Giới Krakow Năm 2016, Biến Cố Âu Châu Lớn Nhất của Thế Kỷ 21?

Guzik: Chúng tôi hợp ý viết cuốn sách này đúng vào ngày Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Krakow kết thúc! Ngày Giới Trẻ Thế Giới che dấu một nghịch lý: nó quả thực là biến cố lớn nhất trên thế giới, và bạn phải bảo đảm để mọi chuyện được êm xuôi, để người trẻ hài lòng, Đức Giáo Hoàng hài lòng, Giáo Hội hài lòng, chính phủ hài lòng, mọi người hài lòng! Rất nhiều người liên hệ, chứ không phải sao? Đồng thời, ủy ban tổ chức lại chẳng có kinh nghiệm gì. Đúng thế, Tòa Thánh cho bạn một số chỉ dẫn, nhưng các chỉ dẫn này có tính mục vụ, không hẳn hậu cần, tổ chức, tài chánh hay truyền thông.

Nên phải bắt đầu từ đâu đây? Nhờ hỏi han những người đã ở đó trước, và có can đảm nói cho chúng tôi hay điều gì xuôi chẩy điều gì không, để chúng tôi không lặp lại cùng các lỗi lầm.

Một cách chuyên biệt, Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2011 tại Madrid có viết một trường hợp điển hình hết sức hữu ích, cả đối với chúng tôi.

Nên chúng tôi quyết định tiếp tục truyền thống ấy, và tổng hợp mọi kiến thức đã thu thập được trong suốt biến cố tại Krakow, và chuyển cho Panama cũng như bất cứ nhà tổ chức các biến cố đại qui mô nào trong tương lai cho Giáo Hội. Ngoài ra, Cecilia cũng đóng góp các kinh nghiệm từ Cuộc Họp Mặt Các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia năm 2015, nơi chị ấy là phối trí viên truyền thông quốc tế.

Một số kết luận thì như nhau, nhưng một số có khác nhau, vì có sự thay đổi nhiều trong 7 năm: truyền thông xã hội, nghiệp vụ truyền thông và nhiều khía cạnh khác. Chúng tôi cảm thấy cần phải cập nhật hóa.

Các chị có tiếp xúc với các nhà tổ chức ở Panama không? Họ có sẵn lòng tiếp nhận việc học hỏi từ kinh nghiệm của các chị không?

Dạ, có. Chúng tôi trình bầy với họ cuốn sách của chúng tôi, trao nó cho Đại Sứ Panama bên cạnh Tòa Thánh, và Bà trao 1 bản cho ủy ban. Mấy ngày sau, chúng tôi nhận được 1 điện thư từ Victor Chang, Tổng Thư Ký Ngày Giới Trẻ Thế Giới Panama năm 2019, nói rằng: “Cám ơn các bạn đã gửi sách, nó thực sự hữu ích đối với chúng tôi”. Đây là điều khích lệ và tưởng thưởng hơn cả sau khi viết cuốn sách, vì chúng tôi viết chỉ vì mục đích này.

Chúng tôi cũng trao 1 bản cho Cha João Chagas, Giám Đốc Phòng Tuổi Trẻ của Thánh Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống, với hy vọng rằng khi chúng ta biết ai là nhà tổ chức sau Panama, ngài sẽ đề nghị cuốn sách này cho họ.

Chúng tôi biết rằng các thành viên của ủy ban tổ chức rất bận bịu, nên họ có thể nghĩ: “tôi không có thì giờ đọc sách!”. Nhưng thực ra, tình hình khác hẳn. Đọc cuốn sách sẽ tiết kiệm được nhiều thì giờ, tiền bạc và cố gắng. Khi bạn đối đầu với một vấn đề nghiêm trọng hay 1 cuộc khủng hoảng, và bạn không biết phải làm gì, bạn có thể mở cuốn sách và đọc lại một chương của nó.

Chúng tôi đã làm thế với cuốn trường hợp điển hình của Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2011: nếu chúng tôi không biết phải truyền đạt vấn đề tài chánh ra sao, chúng tôi đi tham khảo cuốn sách. Nếu chúng tôi không biết phải tổ chức ra sao phòng truyền thông, chúng tôi cũng đã tham khảo cuốn sách. Một điều y hệt cũng sẽ xẩy ra với cuốn sách này: Panama sẽ tìm thấy các kinh nghiệm hữu ích phải xử lý ra sao với các phóng viên ngoại quốc, hay phải tổ chức ra sao vấn đề hậu cần cho các phương tiện truyền thông.

Năm nay, Giáo Hội tập chú cao độ vào tuổi trẻ, với 1 Thượng Hội Đồng vào tháng Mười. Các chị nghĩ việc truyền thông đối với Thượng Hội Đồng hiện ra sao từ trước đến nay?

Tôi nghĩ việc thực sự hỏi người trẻ để biết họ cần gì là một ý tưởng tuyệt vời. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã 81 tuổi, và ngài vẫn với tay ra với giới trẻ đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác với thế giới của ngài, hỏi xem họ mong đợi gì nơi Giáo Hội, và thực sự đưa việc này vào xem xét cho các văn kiện sau này của Giáo Hội, thì quả là một chuyện tuyệt vời. Đây quả là một dấu hiệu cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một nhà lãnh đạo vĩ đại.

Với cuộc gặp gỡ tiền Thượng Hội Đồng diễn ra tại Rôma trước Lễ Phục Sinh, tôi thấy sự phấn chấn của giới trẻ, phấn chấn vì họ được coi như một thành phần trong diễn trình tạo quyết định của Giáo Hội. Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận năm 2018, Đức Giáo Hoàng thúc giục: hãy trao trách nhiệm cho giới trẻ, để họ quyết định, và họ cảm thấy họ là một phần của Giáo Hội. Với tôi, chiến lược này rất chói sáng, cả dưới góc độ kinh nghiệm Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Việc có khả năng nói cho chính họ trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới, việc có khả năng thấy Giáo Hội trẻ trung và sinh động chung quanh họ quả có ảnh hưởng lớn đối với ơn gọi của họ, đời sống họ và các lựa chọn trong đời sống họ, việc mà các cuộc thăm dò sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã chứng tỏ. Ngày Giới Trẻ Thế Giới tăng cường đức tin của họ, làm họ gần gũi Chúa Kitô hơn, họ công khai nhìn nhận điều này.

Ta hãy nhớ rằng chính tuổi trẻ tổ chức biến cố, vì không có họ, sẽ không có các biến cố chính, không có các bài giáo lý, không có Đại Hội Tuổi Trẻ. Chúng tôi hy vọng một điều y hệt sẽ diễn ra tại Thượng Hội Đồng.

Chị là một giáo sư tại Giáo Hoàng Đại Học Gioan Phaolô ở Krakow. Sau tài liệu của cuộc gặp gỡ tiền Thượng Hội Đồng, một số người nêu câu hỏi tại sao chúng ta phải lắng nghe giới trẻ vì họ không biết gì về nền thần học và đời sống của Giáo Hội. Chị muốn nói gì với những người này?

Quan điểm của những người “thậm chí không bận tâm tới việc lắng nghe giới trẻ” theo ý kiến tôi hoàn toàn không thích đáng và thậm chí nực cười. Nếu ta không lắng nghe, người trẻ sẽ quay lưng lại với chúng ta! Thực tế, trong tư cách giáo sư, hàng ngày, tôi thấy việc lắng nghe và trao trách nhiệm cho giới trẻ thực sự hữu hiệu như thế nào.

Tôi xin đơn cử 1 thí dụ. Các sinh viên của tôi điều hành 1 kênh truyền hình, tựa là JP2TV, chuyên sản xuất các câu chuyện liên quan tới việc chuẩn bị và cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới, trong sự hợp tác với chi nhánh vùng của Truyền Hình Ba Lan. Các chương trình của họ tốt đến nỗi, sau biến cố, Truyền Hình Ba Lan ở Warsaw – cơ quan truyền hình lớn nhất trong nước, đã yêu cầu JP2TV sản xuất trọn chương trình biểu diễn cho kênh nhằm mô tả thành quả của Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2016.

Thoạt đầu, các sinh viên hoàn toàn lo sợ, họ nói “Làm sao chúng tôi làm được điều đó trên kênh quốc gia?” Nhưng cho họ cơ hội, dạy họ cách thực hiện, trợ giúp họ và hướng dẫn họ, đã được họ đền đáp. Họ sản xuất 11 kỳ truyền hình một cách rất chuyên nghiệp, và vươn tới 1 triệu người trẻ trên trang Facebook của họ chưa kể số khán giả trên truyền hình. Đây quả là 1 điển hình của Tân Phúc Âm Hóa, vươn tay ra với người trẻ qua người trẻ. Bạn hãy tưởng tượng 1 người 40 tuổi mà còn xem chương trình, huống chi 1 người mới 15 tuổi!

Đôi khi nói đến việc mời gọi giới trẻ, ta thường chỉ chú ý tới những vấn đề nóng bỏng như tính dục chẳng hạn. Nhưng cốt lõi đức tin là Chúa Kitô, chị có nghĩ người trẻ còn đáp ứng Chúa Kitô không?

Câu hỏi của chị quả lớn. Và cách duy nhất để biết câu trả lời là... hỏi chính người trẻ về các vấn đề này. Ở Krakow, chúng tôi thuê một cơ quan thăm dò; họ thực hiện 2 cuộc thăm dò nơi giới trẻ, một cuộc về động lực khiến họ đến với Ngày Giới Trẻ Thế Giới, và cuộc thứ hai về việc họ đã đem được những gì về nhà họ.

Chỉ có 44 phần trăm trả lời rằng họ muốn gặp người khác, trong khi 32 phần trăm muốn khám phá Ba Lan. Nhưng sau đây là những con số lớn nhất: 75 phần trăm “muốn tìm thấy chính tôi qua Chúa Giêsu Kitô”. Sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới, 63 phần trăm nói Ngày Giới Trẻ Thế Giới giúp họ tăng cường mối tương quan của họ với Thiên Chúa; 96 phần trăm nói sinh hoạt được thực hành nhiều nhất tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới là cầu nguyện, và đối với quá bán, Ngày Giới Trẻ Thế Giới giúp họ tăng cường cam kết của họ với Giáo Hội.

Thành thử, tôi không nghĩ họ không ý thức được đâu là cốt lõi của Kitô Giáo. Nhiều người trẻ thực sự rất khôn ngoan và được giáo dục tốt, và đây là cách chúng ta nên nhìn vào người trẻ Công Giáo ngày nay. Họ hoàn toàn ý thức được các thách đố, và họ không sợ hỏi những câu hỏi khó trả lời. Thành thử, có, họ có hỏi những câu hỏi về ngừa thai, vai trò người đàn bà và giáo dân trong Giáo Hội hay các bằng hữu đồng tính luyến ái của họ, nhưng bạn có mong là họ đừng hỏi không?

Sống trong một xã hội tân tiến, chường mặt cho đủ thứ thách đố và đe dọa của xã hội này, điều thực sự khiến ta lo lắng là họ không hỏi những câu hỏi đó. Cám ơn Chúa họ đã hỏi, nhờ thế, chúng ta có thể trả lời và giải thích khá nhiều. Và bạn nên nhớ, không bao giờ có câu hỏi xấu, chỉ có những câu trả lời xấu...

Năm nay, chúng ta cũng có cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, vốn là một biến cố giống như Ngày Giới Trẻ Thế Giới về tầm cỡ. Chị có lời khuyên gì cho các nhà tổ chức không?

Mẩu khuyên đầu tiên có thể là: hãy có một khung tưởng có tính quốc tế. Đúng là biến cố diễn ra tại xứ sở bạn, trên lãnh thổ chuyên biệt của bạn, nhưng nhiều người khác, thậm chí cả thế giới, nên được hưởng ích lợi của nó.

Không dễ gì có được một viễn tượng quốc tế khi bạn ngồi ở một chỗ, bất cứ là ở Dublin hay Panama City hay Krakow, các phương tiện truyền thông địa phương vẫn không ngừng hỏi bạn các câu hỏi về hậu cần và bạn thì tiếp tục quên rằng chẳng bao lâu khoảng 1,500 đại diện các phương tiện truyền thông quốc tế sẽ tới hỏi bạn những câu hỏi mà bạn cần phải chuẩn bị cho vì cả thế giới đang quan sát bạn. Nên, khung tưởng (mindset) hay viễn tượng quốc tế chắc chắn là một điều chủ yếu, và kiến thức của những người đã từng làm điều này trước đó cũng là điều bạn cần xem xét.

Lời khuyên nữa là: cậy nhờ các thiện nguyện viên, nhưng phải có sẵn các nhà cố vấn nữa. Các biến cố như Ngày Giới Trẻ Thế Giới và cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới phức tạp y như các Thế Vận Hội, nhưng với ngân sách 1,000 lần nhỏ hơn! Bạn cần phải thực sự khôn khéo trong việc tổ chức nó, kể cả việc thuê các chuyên viên trong nhiều lãnh vực khác nhau, không những chỉ lãnh vực truyền thông, mà cả lãnh vực hậu cần, chuyên chở, IT, tài chánh và bảo trợ...

Điều cũng quan trọng là nghĩ trước các vấn đề có thể có. Bạn thực sự cần một kế hoạch khi biến cố rơi vào khủng hoảng. Càng gần tới ngày của biến cố, bạn càng bận bịu hơn và càng nhiều vấn đề xuất hiện hơn. Nếu ít nhất bạn đã có nửa số vấn đề này sẵn trong kế hoạch vừa nói và biết phải giải quyết nhanh chóng ra sao, thì chắc bạn sẽ yên ổn. Nếu không có 1 kế hoạch như thế, bạn sẽ cảm thấy rất lúng túng. Dublin hiển nhiên không còn mấy thì giờ, nhưng họ vẫn còn có thể nghĩ đến nó. Họ có thể lên kế hoạch cho việc truyền thông và thông điệp thực sự họ muốn có để gửi cho thế giới. Panama còn nhiều thì giờ hơn, nhưng vẫn tốt để họ lên kế hoạch một cách thích đáng và chuẩn bị đầy đủ.