Nữ Tử Bác Ái: Chứng từ của sự im lặng Giáng Sinh.
LTS: Chúng tôi nhận được bài sau đây của tác giả Trần Duy Nhiên nhận định về sự kiện các Nữ tu Nữ Tử Bác Ái liên quan tới vụ cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu. Có vài điểm chúng tôi không đồng tình với cái nhìn của tác giả nhân bài viết của Hồng Loan mà VietCatholic đã đăng trước đây, tuy nhiên chúng tôi muốn đăng nguyên văn để chúng ta có một cái nhìn khác hầu rộng đường dư luận.
Còn mười hai giờ nữa là đến thánh lễ đêm Mừng Chúa Giáng Sinh. Thế là một Mùa Vọng đã đi qua, và mọi tín hữu trên thế gian đang chờ giờ phút Chúa đến với mình. Tôi muốn nhìn lại những gì Chúa gửi đến cho tôi trong Mùa Vọng năm nay.
Trong ba chủ nhật liên tiếp, Phúc Âm trình bày hai gương mặt chứng nhân trái ngược nhau: Thánh Gioan Tẩy Giả (Chúa Nhật 2 và 3) và Đức Mẹ Maria (Chúa nhật 4). Gioan Tẩy Giả là người lên tiếng với mọi hạng người: chỉ đường cho Anrê và Gioan trở thành tông đồ của Chúa Kitô, kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn, phê phán những cấp lãnh đạo tôn giáo đi lệch đường Thiên Chúa, chỉ mặt kẻ cầm quyền, cụ thể là Vua Hêrôđê, để tố cáo những sai trái đối với lề luật và lương tâm… Và vì động đến quyền lực tội lỗi, nên ông đã trả giá bằng mạng sống mình để làm chứng cho sự thật và công lý.
Trái lại với Gioan Tẩy Giả, Đức Mẹ là một người thinh lặng chia sẻ các truân chuyên và đau đớn của Chúa Kitô trên từng bước một. Mẹ cơ cực nghèo hèn với Chúa ngày giáng sinh ở Bêlem. Mẹ ẵm bồng hài nhi Giêsu trên con đường vô định sang Ai Cập để thoát khỏi bàn tay sát nhân của Hêrôđê, để rồi cuối cùng, Mẹ câm lặng theo Chúa trên đường lên Núi Sọ, chia sẻ trọn vẹn nỗi thống khổ của Chúa trên Thập Giá và bất lực nhìn Con mình chết đi! Mẹ làm chứng bằng sự đồng hành và đồng cảm của mình, mà không hề nói lên một lời nào.
Ba tuần lễ Mùa Vọng này cũng trùng hợp với hai biến cố xót xa trên quê hương Việt Nam, khiến lời chứng của Gioan Tẩy Giả và của Đức Mẹ được tái hiện một cách cụ thể.
Giữa tuần lễ thứ hai và thứ ba Mùa Vọng, khi hình ảnh Gioan Tẩy Giả được Giáo Hội nêu lên, thì tại Hà Nội, tám giáo dân liên quan đến giáo xứ Thái Hà bị ra tòa. Thế là hàng ngàn người tại Hà Nội, cùng với không biết bao nhiêu người tại các tỉnh lân cận, tại khắp nơi trên đất nước Việt Nam cũng như tại các cộng đồng Việt Nam trên thế giới đều lên tiếng đòi hỏi công lý. Và đồng hành từng bước một, các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã khẳng khái nói lớn tiếng trên mọi phương tiện thông tin lời ủng hộ các anh chị em này, đồng thời tố cáo mọi sự gian trá của thế gian, mặc dù các ngài thừa biết rằng những tiếng nói như thế có thể buộc các ngài trả những cái giá thật đắt: Tiếng nói chứng nhân của Gioan Tẩy Giả lại vang lên trên thế giới hôm nay trong Mùa Vọng này.
Vào tuần lễ tư, khi gương mặt chứng nhân của Đức Mẹ được nêu lên với lời ‘Xin Vâng’, thì các Nữ Tử Bác Ái rút lui về tu viện, rồi sau đó là một sự im lặng hoàn toàn. Trên các trang web xuất hiện những lời chia sẻ cầu nguyện hiệp thông với Tu hội, hoặc những phê phán nặng lời đối với nhà dòng, thậm chí nêu đích danh vị cựu bề trên giám tỉnh như là người bắt tay với thế lực bóng tối để ‘làm hại’ Tu hội, nói riêng, và Giáo Hội, nói chung. Sự im lặng vẫn kéo dài: không một lời cám ơn, không một lời giải thích, không một tin tức gì để làm rõ sự việc, ngoại trừ một hàng tin ngắn của một tín hữu cho biết rằng: đã có một biên bản giữa Tu hội và chính quyền, và chính quyền cam kết giữ nguyên hiện trạng. Chứng từ của Đức Maria, giữa bao nhiêu truân chuyên, lại được bộc lộ qua sự im lặng ‘khó hiểu’ của các Nữ Tử Bác Ái.
Hai thái độ làm chứng trái ngược này - chứng từ của Gioan Tẩy Giả và của Đức Maria - thay vì chống đối nhau, thì đấy lại là hai mặt không thể nào thiếu được trong đời sống của người Kitô hữu nói riêng, và của Giáo Hội nói chung. Người ta nói nhiều đến ‘chứng từ bằng lời nói’, đến độ câu nói ‘im lặng là đồng lõa’ gần như trở thành một chân lý. Tuy nhiên, cái ‘im lặng’ của Đức Mẹ là một chứng từ của tình yêu, của khoan nhân, của lời mời gọi. Đúng là có những lời nói chứng nhân như Gioan Tẩy Giả, nhưng cũng có những lời nói gây tổn thương, gây chia rẻ, gây hận thù. Và trái lại, có những ‘im lặng đồng lõa’ nhưng cũng có những im lặng của chứng nhân, cái im lặng đòi hỏi sự cam đảm và tận hiến không thua gì chứng từ của lời nói.
Chúa Kitô, vị chứng nhân tuyệt đối cho Tình Yêu Thiên Chúa, là Đấng đã thể hiện hai khía cạnh làm chứng này: Ngài lên tiếng dạy dỗ và an ủi người cô thế; Ngài chỉ ngay vào những kẻ ‘bó gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào’ và thẳng thắn nói ra: “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng!” (Mt 23, 4.16). Và cũng vì thế mà Ngài bị kết án tử hình. Nhưng mặt khác, Ngài đã im lặng trước những kẻ xử án bất công, Ngài đã im lặng chết đi… và lời Ngài nói lên trong cơn đau đớn cùng cực là: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ” và “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay cha” .
Hai thái độ chứng nhân mà Giáo Hội nêu ra trong Mùa Vọng, cũng như Chúa Kitô đã thể hiện trong cuộc đời trần thế của Ngài, đã được hiện tại hóa qua những gương mặt con cái Giáo Hội hôm nay.
Thái độ chứng nhân của Gioan Tẩy Giả bộc lộ qua biến cố Thái Hà thì đã quá rõ rệt. Chỉ cần google “Thái Hà” thì sẽ thấy xuất hiện 1,690,000 bài, mà trong số đó ít nhất là 80 % nêu lên những lời chứng không ai bịt miệng nổi. Vì thế trong những hàng sau đây, tôi chỉ nói đến chứng từ của các chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn.
Ngày 17-12, các NTBA đến cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu lần thứ ba để chứng kiến người ta đập phá nhà mình, và ở lại đó để canh giữ. Sự hiện diện của các chị được nhiều người công giáo nhìn thấy. Thế là từ Saigon, tiếng nói ủng hộ các chị vang lên và được nối dài trên nhiều phương tiện truyền thông thế giới. Nhưng khi bầu không khí trở nên căng thẳng vì công an đến định làm biên bản vi phạm ‘an ninh trật tự’, thì hôm sau, các chị lẳng lặng rút về tu viện. Trước thắc mắc của bao nhiêu người, và trước một bài báo qui trách nhiệm cho vị cựu giám tỉnh NTBA, một vài thân hữu yêu cầu tôi nói lên một lời giải thích với những người đang xót xa hướng lòng về các chị.
Sở dĩ tôi được yêu cầu như vậy, có lẽ vì tôi là một ‘người ngoài’ biết khá chính xác về các hoạt động và tâm tình của các NTBA. Các chị xem tôi là ‘con cái của Thánh Vinh Sơn’, nên không ngần ngại bày tỏ những điều mà các chị không nói với một người ngoài nào khác. Tôi từng được nuôi dạy và lớn lên trong vòng tay của chị nguyên giám tỉnh; tôi từng dạy ngoại ngữ cho chị đương kim giám tỉnh; tôi từng bước cùng nhịp với Tu hội để biết nhiều thế hệ NTBA dâng hiến cuộc đời mình cho người nghèo, chỉ vì bị thúc bách bởi ‘Tình Yêu Chúa Kitô chịu đóng đinh’.
Tôi từng biết ba NTBA ở Trại Phong Di Linh, những người suốt đời chăm sóc các bệnh nhân tại đấy trải qua hai chế độ, mà không bao giờ nói lên một lời nào. Chết vì đạo là một hành động anh hùng. Đấy là một điều khó và cần ơn Chúa thật nhiều. Nhưng sống vì đạo, sống phục vụ lặng lẽ mà không được ai biết đến, điều này cũng đòi hỏi một thái độ anh hùng không kém. Bằng chứng là một trong ba chị đã được Nhà nước Việt Nam - một Nhà nước không xét gì đến động cơ tôn giáo - phong tước hiệu ‘anh hùng’: chị Mai Thị Mậu. Các chị chưa từng viết lách gì về những việc mình làm.
Tôi từng gần gũi với ‘Dì Hai’ Phạm Thị Ngọc Loan, phụ trách Trại Phong Bến Sắn. Năm 1976, chế độ chăm sóc các bệnh nhân phong hầu như không có gì, trong khi các nhân viên mới đổi tới lấy hết cái này đến cái nọ trong trại về làm của riêng. Dì đã phải đứng ra bảo vệ cho bệnh nhân và cỡi chiếc gắn máy tồi tàn chạy bằng xăng pha dầu lửa về Sàigòn mỗi tuần nhiều lần hầu tìm nguồn lương thực cho họ, đồng thời kêu gọi và đưa về Bến Sắn những bệnh nhân bỏ trại lên sống vất va vất vưởng trên vỉa hè Sàigòn. Tim của dì đập theo từng nhịp của con tim bệnh nhân trong vòng 17 năm trường, để rồi ngưng lại khi người ta phát hiện quá muộn bệnh ung thư trong hình hài của dì. Dì sợ rằng cho biết sớm thì nhà dòng sẽ cấm dì tiếp tục phục vụ bệnh nhân phong: Dì đã hy sinh mạng sống mình cho họ, theo nghĩa đen. Dì âm thầm chết đi mà không nói ra lời nào.
Tôi từng tiếp xúc với chị Tuệ Linh, một NTBA được gửi sang Pháp để học chuyên môn về HIV-AIDS trong bao nhiêu năm, nhưng khi về lại quê hương thì biến mất. Chị không ở lại trong khuôn viên nhà dòng mà dạy dỗ đàn em; chị không bước ra khỏi nhà dòng để chia sẻ kiến thức với những người đang phục vụ cho bệnh nhân Aids; chị ẩn mình vào một khu vực xa thành phố để sống với các bệnh nhân AIDS vào giai đoạn cuối cùng, tại trung tâm Mai Hòa, Củ Chi. Cách đây 10 năm, khi ở Pháp về, chị là một con người trẻ trung, trí thức, xinh tươi. Hiện nay chị là một bà già trước tuổi, mái tóc bạc phơ, gương mặt quê mùa, dáng đi mệt mỏi. Tất cả đã mất hết rồi! Duy chỉ có ánh mắt là còn nguyên: ánh mắt của chị vẫn kiên trì sáng lên bình an và tình yêu của Chúa Kitô. Chị đã sống với bệnh nhân AIDS thay vì lớn tiếng nói về họ.
Và còn bao nhiêu chị em NTBA khác nữa, làm sao tôi kể hết! Mà kể để làm chi, khi các chị luôn luôn yêu cầu đừng ai nhắc đến tên mình. Những chị em ấy đã từng bước đi cùng nhịp với chị nguyên giám tỉnh, dì Béatrice Mỹ, trong một hành trình trên dưới 20 năm. Dì Mỹ là người phụ trách lâu nhất của Tỉnh Dòng Việt Nam. Dì chính là người thổi Tinh Thần Vinh Sơn vào Tu hội, trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử các hội dòng tại Việt Nam.
Trước khi viết bài này, tôi đến nhà Tỉnh Dòng nêu các thắc mắc với hai chị phụ trách: chị Justina Tươi, đương kim giám tỉnh, và dì Béatrice Mỹ, nguyên giám tỉnh. Các chị chỉ lập lại: Chúng tôi không chủ trương loan tin trên các phương tiện truyền thông. Cũng vì thế mà chúng tôi cũng đã yêu cầu xóa trên mạng những lời của một chị nói chuyện với anh chị em đến thăm mình tại hiện trường, mà ai đó đã ghi lại và ưu ái gửi lên. Sở dĩ chúng tôi muốn kéo xuống, không phải vì những lời ấy có gì sai trái, mà vì tất cả các chị em có trách nhiệm trong tỉnh dòng từng từ chối mọi cuộc phỏng vấn, nên không muốn để bất cứ một lời nào của NTBA xuất hiện trên mạng.
Tôi đưa ra mấy bài rút xuống từ internet, trong đó có bài “Nỗi nghẹn ngào của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn…” do VietCatholic đăng. Chị Justina nói: “Chúng tôi đã đọc bài này cho tất cả chị em tối hôm qua. Những gì cần nói với chị em trong nhà, thì chúng tôi đã nói với nhau rồi. Còn đối với các phương tiện truyền thông, bất cứ một lời nói nào cũng có thể gây ngộ nhận. Chúng tôi chỉ cầu nguyện xin Chúa cho chúng tôi sống đúng với thánh ý Ngài, và rồi người đời sẽ nhìn thấy sự thật.”
Tôi bức xúc nói với dì Béatrice: “Dì nói lên lời cải chính đi! Những lời oan ức như thế này thì nhục nhã quá!” Dì nhìn tôi mỉm cười, mà không nói gì! Qua ánh mắt dịu hiền và nụ cười thật buồn nhưng rất bình an, tôi nghe vang lên lời Thánh Augustin nói với một giám mục bạn, đức cha Honorat: “Đức Kitô đã từng chịu nhục nhã đến tuyệt đối. Vậy tôi là hạng tôi tớ nào mà đòi hỏi được ưu đãi hơn chủ mình?”
Im lặng một lúc, dì nói: “Xơ chỉ biết cảm tạ Chúa. Chúa biết dùng những điều thuận lợi cũng như bất thuận lợi để thực thi thánh ý Ngài. Vì thế xơ không có gì để nói về biến cố này. Nếu phải nói một lời, thì đấy là lời cám ơn đối với các anh chị em giáo dân và tu sĩ ở Sàigon, cũng như ở khắp nơi, đặc biệt là các tu sĩ và các cha dòng Chúa Cứu Thế, vì sự hiệp thông rất cảm động trong những ngày vừa qua. Nhưng ngay điều đó cũng không cần thiết, vì chắc chắn quí vị ấy đã hiểu lòng các xơ rồi!”
Tôi ra về trong tâm trạng hơi thất vọng. Tôi không được phép nói gì thêm về vụ việc 32 bis Nguyễn Thị Diệu để trả lời cho anh chị em mong mỏi biết ‘sự thật’ ở hậu trường. Tuy nhiên, những lời nói của các chị đã giúp tôi chuẩn bị đêm Noel này một cách thật ý nghĩa.
Và trước khi cám ơn Chúa về những hồng ân Ngài ban cho tôi trong Mùa Vọng này, tôi muốn cám ơn những người con Chúa, anh chị em của tôi.
Trước hết, cám ơn các anh chị em Thái Hà, đặc biệt các cha Dòng Chúa Cứu Thế, vì đã khẳng khái nói lên lời tố cáo sự dối trá, và sẵn sàng trả mọi giá để làm chứng cho sự thật. Chính các anh chị em và các cha đã đẩy tôi ra khỏi sự ươn hèn của bản thân, để cùng góp tiếng tố cáo sự dữ mà người dân Việt Nam âm thầm chịu đựng không biết bao nhiêu năm rồi. Các anh chị em và các cha xứng đáng là những Gioan Tẩy Giả của ngày hôm nay.
Và cũng không thể nào không cám ơn các chị NTBA, đặc biệt là các chị phụ trách, vì đã nêu lên một khía cạnh khác của lòng can đảm. Các chị im lặng trước những kẻ không đồng thuận với mình, chia sẻ cái câm lặng của những người thấp cổ bé miệng, những người thực sự nghèo: nghèo cả danh dự, bất chấp cả lý trí. Bởi vì như lời của Sr Rosalie Rendu, một NTBA vừa mới được nâng lên hàng chân phước: “Khi có mâu thuẫn giữa tiếng nói của tình yêu và tiếng nói của lý trí, thì chúng tôi vâng theo tiếng nói của tình yêu” . Như Đức Mẹ, các chị đã làm chứng bằng đời sống bác ái và sự thinh lặng của mình.
Và cái tình yêu bất chấp lý trí ấy nhắc lại cho tôi thái độ kiên trì của các chị trong vụ việc 32 bis Nguyễn Thị Diệu: “Thái độ của các chị luôn luôn là chờ đợi một thiện chí. Và cho đến giờ phút này, các chị vẫn còn tiếp tục đợi chờ…”
Từ trước đến giờ, tôi cứ ngỡ rằng Mùa Vọng là mùa mà tôi phải chờ đợi Chúa đến, và Ngài sẽ đến tối hôm nay trong thánh lễ Giáng Sinh. Qua chứng từ thinh lặng của các chị NTBA, tôi hiểu rằng Mùa Vọng là mùa mà Thiên Chúa im lặng kiên trì chờ đợi tôi, chờ đợi nơi tôi một thiện chí để đến với Tình Yêu và Sự Thật của Ngài. Và chua chát thay, cho đến giờ phút này, có thể Ngài vẫn còn tiếp tục đợi chờ…
LTS: Chúng tôi nhận được bài sau đây của tác giả Trần Duy Nhiên nhận định về sự kiện các Nữ tu Nữ Tử Bác Ái liên quan tới vụ cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu. Có vài điểm chúng tôi không đồng tình với cái nhìn của tác giả nhân bài viết của Hồng Loan mà VietCatholic đã đăng trước đây, tuy nhiên chúng tôi muốn đăng nguyên văn để chúng ta có một cái nhìn khác hầu rộng đường dư luận.
Còn mười hai giờ nữa là đến thánh lễ đêm Mừng Chúa Giáng Sinh. Thế là một Mùa Vọng đã đi qua, và mọi tín hữu trên thế gian đang chờ giờ phút Chúa đến với mình. Tôi muốn nhìn lại những gì Chúa gửi đến cho tôi trong Mùa Vọng năm nay.
Trong ba chủ nhật liên tiếp, Phúc Âm trình bày hai gương mặt chứng nhân trái ngược nhau: Thánh Gioan Tẩy Giả (Chúa Nhật 2 và 3) và Đức Mẹ Maria (Chúa nhật 4). Gioan Tẩy Giả là người lên tiếng với mọi hạng người: chỉ đường cho Anrê và Gioan trở thành tông đồ của Chúa Kitô, kêu gọi kẻ tội lỗi ăn năn, phê phán những cấp lãnh đạo tôn giáo đi lệch đường Thiên Chúa, chỉ mặt kẻ cầm quyền, cụ thể là Vua Hêrôđê, để tố cáo những sai trái đối với lề luật và lương tâm… Và vì động đến quyền lực tội lỗi, nên ông đã trả giá bằng mạng sống mình để làm chứng cho sự thật và công lý.
Trái lại với Gioan Tẩy Giả, Đức Mẹ là một người thinh lặng chia sẻ các truân chuyên và đau đớn của Chúa Kitô trên từng bước một. Mẹ cơ cực nghèo hèn với Chúa ngày giáng sinh ở Bêlem. Mẹ ẵm bồng hài nhi Giêsu trên con đường vô định sang Ai Cập để thoát khỏi bàn tay sát nhân của Hêrôđê, để rồi cuối cùng, Mẹ câm lặng theo Chúa trên đường lên Núi Sọ, chia sẻ trọn vẹn nỗi thống khổ của Chúa trên Thập Giá và bất lực nhìn Con mình chết đi! Mẹ làm chứng bằng sự đồng hành và đồng cảm của mình, mà không hề nói lên một lời nào.
Ba tuần lễ Mùa Vọng này cũng trùng hợp với hai biến cố xót xa trên quê hương Việt Nam, khiến lời chứng của Gioan Tẩy Giả và của Đức Mẹ được tái hiện một cách cụ thể.
Giữa tuần lễ thứ hai và thứ ba Mùa Vọng, khi hình ảnh Gioan Tẩy Giả được Giáo Hội nêu lên, thì tại Hà Nội, tám giáo dân liên quan đến giáo xứ Thái Hà bị ra tòa. Thế là hàng ngàn người tại Hà Nội, cùng với không biết bao nhiêu người tại các tỉnh lân cận, tại khắp nơi trên đất nước Việt Nam cũng như tại các cộng đồng Việt Nam trên thế giới đều lên tiếng đòi hỏi công lý. Và đồng hành từng bước một, các cha Dòng Chúa Cứu Thế đã khẳng khái nói lớn tiếng trên mọi phương tiện thông tin lời ủng hộ các anh chị em này, đồng thời tố cáo mọi sự gian trá của thế gian, mặc dù các ngài thừa biết rằng những tiếng nói như thế có thể buộc các ngài trả những cái giá thật đắt: Tiếng nói chứng nhân của Gioan Tẩy Giả lại vang lên trên thế giới hôm nay trong Mùa Vọng này.
Vào tuần lễ tư, khi gương mặt chứng nhân của Đức Mẹ được nêu lên với lời ‘Xin Vâng’, thì các Nữ Tử Bác Ái rút lui về tu viện, rồi sau đó là một sự im lặng hoàn toàn. Trên các trang web xuất hiện những lời chia sẻ cầu nguyện hiệp thông với Tu hội, hoặc những phê phán nặng lời đối với nhà dòng, thậm chí nêu đích danh vị cựu bề trên giám tỉnh như là người bắt tay với thế lực bóng tối để ‘làm hại’ Tu hội, nói riêng, và Giáo Hội, nói chung. Sự im lặng vẫn kéo dài: không một lời cám ơn, không một lời giải thích, không một tin tức gì để làm rõ sự việc, ngoại trừ một hàng tin ngắn của một tín hữu cho biết rằng: đã có một biên bản giữa Tu hội và chính quyền, và chính quyền cam kết giữ nguyên hiện trạng. Chứng từ của Đức Maria, giữa bao nhiêu truân chuyên, lại được bộc lộ qua sự im lặng ‘khó hiểu’ của các Nữ Tử Bác Ái.
Hai thái độ làm chứng trái ngược này - chứng từ của Gioan Tẩy Giả và của Đức Maria - thay vì chống đối nhau, thì đấy lại là hai mặt không thể nào thiếu được trong đời sống của người Kitô hữu nói riêng, và của Giáo Hội nói chung. Người ta nói nhiều đến ‘chứng từ bằng lời nói’, đến độ câu nói ‘im lặng là đồng lõa’ gần như trở thành một chân lý. Tuy nhiên, cái ‘im lặng’ của Đức Mẹ là một chứng từ của tình yêu, của khoan nhân, của lời mời gọi. Đúng là có những lời nói chứng nhân như Gioan Tẩy Giả, nhưng cũng có những lời nói gây tổn thương, gây chia rẻ, gây hận thù. Và trái lại, có những ‘im lặng đồng lõa’ nhưng cũng có những im lặng của chứng nhân, cái im lặng đòi hỏi sự cam đảm và tận hiến không thua gì chứng từ của lời nói.
Chúa Kitô, vị chứng nhân tuyệt đối cho Tình Yêu Thiên Chúa, là Đấng đã thể hiện hai khía cạnh làm chứng này: Ngài lên tiếng dạy dỗ và an ủi người cô thế; Ngài chỉ ngay vào những kẻ ‘bó gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào’ và thẳng thắn nói ra: “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng!” (Mt 23, 4.16). Và cũng vì thế mà Ngài bị kết án tử hình. Nhưng mặt khác, Ngài đã im lặng trước những kẻ xử án bất công, Ngài đã im lặng chết đi… và lời Ngài nói lên trong cơn đau đớn cùng cực là: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ” và “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay cha” .
Hai thái độ chứng nhân mà Giáo Hội nêu ra trong Mùa Vọng, cũng như Chúa Kitô đã thể hiện trong cuộc đời trần thế của Ngài, đã được hiện tại hóa qua những gương mặt con cái Giáo Hội hôm nay.
Thái độ chứng nhân của Gioan Tẩy Giả bộc lộ qua biến cố Thái Hà thì đã quá rõ rệt. Chỉ cần google “Thái Hà” thì sẽ thấy xuất hiện 1,690,000 bài, mà trong số đó ít nhất là 80 % nêu lên những lời chứng không ai bịt miệng nổi. Vì thế trong những hàng sau đây, tôi chỉ nói đến chứng từ của các chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn.
Ngày 17-12, các NTBA đến cơ sở 32 bis Nguyễn Thị Diệu lần thứ ba để chứng kiến người ta đập phá nhà mình, và ở lại đó để canh giữ. Sự hiện diện của các chị được nhiều người công giáo nhìn thấy. Thế là từ Saigon, tiếng nói ủng hộ các chị vang lên và được nối dài trên nhiều phương tiện truyền thông thế giới. Nhưng khi bầu không khí trở nên căng thẳng vì công an đến định làm biên bản vi phạm ‘an ninh trật tự’, thì hôm sau, các chị lẳng lặng rút về tu viện. Trước thắc mắc của bao nhiêu người, và trước một bài báo qui trách nhiệm cho vị cựu giám tỉnh NTBA, một vài thân hữu yêu cầu tôi nói lên một lời giải thích với những người đang xót xa hướng lòng về các chị.
Sở dĩ tôi được yêu cầu như vậy, có lẽ vì tôi là một ‘người ngoài’ biết khá chính xác về các hoạt động và tâm tình của các NTBA. Các chị xem tôi là ‘con cái của Thánh Vinh Sơn’, nên không ngần ngại bày tỏ những điều mà các chị không nói với một người ngoài nào khác. Tôi từng được nuôi dạy và lớn lên trong vòng tay của chị nguyên giám tỉnh; tôi từng dạy ngoại ngữ cho chị đương kim giám tỉnh; tôi từng bước cùng nhịp với Tu hội để biết nhiều thế hệ NTBA dâng hiến cuộc đời mình cho người nghèo, chỉ vì bị thúc bách bởi ‘Tình Yêu Chúa Kitô chịu đóng đinh’.
Tôi từng biết ba NTBA ở Trại Phong Di Linh, những người suốt đời chăm sóc các bệnh nhân tại đấy trải qua hai chế độ, mà không bao giờ nói lên một lời nào. Chết vì đạo là một hành động anh hùng. Đấy là một điều khó và cần ơn Chúa thật nhiều. Nhưng sống vì đạo, sống phục vụ lặng lẽ mà không được ai biết đến, điều này cũng đòi hỏi một thái độ anh hùng không kém. Bằng chứng là một trong ba chị đã được Nhà nước Việt Nam - một Nhà nước không xét gì đến động cơ tôn giáo - phong tước hiệu ‘anh hùng’: chị Mai Thị Mậu. Các chị chưa từng viết lách gì về những việc mình làm.
Tôi từng gần gũi với ‘Dì Hai’ Phạm Thị Ngọc Loan, phụ trách Trại Phong Bến Sắn. Năm 1976, chế độ chăm sóc các bệnh nhân phong hầu như không có gì, trong khi các nhân viên mới đổi tới lấy hết cái này đến cái nọ trong trại về làm của riêng. Dì đã phải đứng ra bảo vệ cho bệnh nhân và cỡi chiếc gắn máy tồi tàn chạy bằng xăng pha dầu lửa về Sàigòn mỗi tuần nhiều lần hầu tìm nguồn lương thực cho họ, đồng thời kêu gọi và đưa về Bến Sắn những bệnh nhân bỏ trại lên sống vất va vất vưởng trên vỉa hè Sàigòn. Tim của dì đập theo từng nhịp của con tim bệnh nhân trong vòng 17 năm trường, để rồi ngưng lại khi người ta phát hiện quá muộn bệnh ung thư trong hình hài của dì. Dì sợ rằng cho biết sớm thì nhà dòng sẽ cấm dì tiếp tục phục vụ bệnh nhân phong: Dì đã hy sinh mạng sống mình cho họ, theo nghĩa đen. Dì âm thầm chết đi mà không nói ra lời nào.
Tôi từng tiếp xúc với chị Tuệ Linh, một NTBA được gửi sang Pháp để học chuyên môn về HIV-AIDS trong bao nhiêu năm, nhưng khi về lại quê hương thì biến mất. Chị không ở lại trong khuôn viên nhà dòng mà dạy dỗ đàn em; chị không bước ra khỏi nhà dòng để chia sẻ kiến thức với những người đang phục vụ cho bệnh nhân Aids; chị ẩn mình vào một khu vực xa thành phố để sống với các bệnh nhân AIDS vào giai đoạn cuối cùng, tại trung tâm Mai Hòa, Củ Chi. Cách đây 10 năm, khi ở Pháp về, chị là một con người trẻ trung, trí thức, xinh tươi. Hiện nay chị là một bà già trước tuổi, mái tóc bạc phơ, gương mặt quê mùa, dáng đi mệt mỏi. Tất cả đã mất hết rồi! Duy chỉ có ánh mắt là còn nguyên: ánh mắt của chị vẫn kiên trì sáng lên bình an và tình yêu của Chúa Kitô. Chị đã sống với bệnh nhân AIDS thay vì lớn tiếng nói về họ.
Và còn bao nhiêu chị em NTBA khác nữa, làm sao tôi kể hết! Mà kể để làm chi, khi các chị luôn luôn yêu cầu đừng ai nhắc đến tên mình. Những chị em ấy đã từng bước đi cùng nhịp với chị nguyên giám tỉnh, dì Béatrice Mỹ, trong một hành trình trên dưới 20 năm. Dì Mỹ là người phụ trách lâu nhất của Tỉnh Dòng Việt Nam. Dì chính là người thổi Tinh Thần Vinh Sơn vào Tu hội, trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử các hội dòng tại Việt Nam.
Trước khi viết bài này, tôi đến nhà Tỉnh Dòng nêu các thắc mắc với hai chị phụ trách: chị Justina Tươi, đương kim giám tỉnh, và dì Béatrice Mỹ, nguyên giám tỉnh. Các chị chỉ lập lại: Chúng tôi không chủ trương loan tin trên các phương tiện truyền thông. Cũng vì thế mà chúng tôi cũng đã yêu cầu xóa trên mạng những lời của một chị nói chuyện với anh chị em đến thăm mình tại hiện trường, mà ai đó đã ghi lại và ưu ái gửi lên. Sở dĩ chúng tôi muốn kéo xuống, không phải vì những lời ấy có gì sai trái, mà vì tất cả các chị em có trách nhiệm trong tỉnh dòng từng từ chối mọi cuộc phỏng vấn, nên không muốn để bất cứ một lời nào của NTBA xuất hiện trên mạng.
Tôi đưa ra mấy bài rút xuống từ internet, trong đó có bài “Nỗi nghẹn ngào của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn…” do VietCatholic đăng. Chị Justina nói: “Chúng tôi đã đọc bài này cho tất cả chị em tối hôm qua. Những gì cần nói với chị em trong nhà, thì chúng tôi đã nói với nhau rồi. Còn đối với các phương tiện truyền thông, bất cứ một lời nói nào cũng có thể gây ngộ nhận. Chúng tôi chỉ cầu nguyện xin Chúa cho chúng tôi sống đúng với thánh ý Ngài, và rồi người đời sẽ nhìn thấy sự thật.”
Tôi bức xúc nói với dì Béatrice: “Dì nói lên lời cải chính đi! Những lời oan ức như thế này thì nhục nhã quá!” Dì nhìn tôi mỉm cười, mà không nói gì! Qua ánh mắt dịu hiền và nụ cười thật buồn nhưng rất bình an, tôi nghe vang lên lời Thánh Augustin nói với một giám mục bạn, đức cha Honorat: “Đức Kitô đã từng chịu nhục nhã đến tuyệt đối. Vậy tôi là hạng tôi tớ nào mà đòi hỏi được ưu đãi hơn chủ mình?”
Im lặng một lúc, dì nói: “Xơ chỉ biết cảm tạ Chúa. Chúa biết dùng những điều thuận lợi cũng như bất thuận lợi để thực thi thánh ý Ngài. Vì thế xơ không có gì để nói về biến cố này. Nếu phải nói một lời, thì đấy là lời cám ơn đối với các anh chị em giáo dân và tu sĩ ở Sàigon, cũng như ở khắp nơi, đặc biệt là các tu sĩ và các cha dòng Chúa Cứu Thế, vì sự hiệp thông rất cảm động trong những ngày vừa qua. Nhưng ngay điều đó cũng không cần thiết, vì chắc chắn quí vị ấy đã hiểu lòng các xơ rồi!”
Tôi ra về trong tâm trạng hơi thất vọng. Tôi không được phép nói gì thêm về vụ việc 32 bis Nguyễn Thị Diệu để trả lời cho anh chị em mong mỏi biết ‘sự thật’ ở hậu trường. Tuy nhiên, những lời nói của các chị đã giúp tôi chuẩn bị đêm Noel này một cách thật ý nghĩa.
Và trước khi cám ơn Chúa về những hồng ân Ngài ban cho tôi trong Mùa Vọng này, tôi muốn cám ơn những người con Chúa, anh chị em của tôi.
Trước hết, cám ơn các anh chị em Thái Hà, đặc biệt các cha Dòng Chúa Cứu Thế, vì đã khẳng khái nói lên lời tố cáo sự dối trá, và sẵn sàng trả mọi giá để làm chứng cho sự thật. Chính các anh chị em và các cha đã đẩy tôi ra khỏi sự ươn hèn của bản thân, để cùng góp tiếng tố cáo sự dữ mà người dân Việt Nam âm thầm chịu đựng không biết bao nhiêu năm rồi. Các anh chị em và các cha xứng đáng là những Gioan Tẩy Giả của ngày hôm nay.
Và cũng không thể nào không cám ơn các chị NTBA, đặc biệt là các chị phụ trách, vì đã nêu lên một khía cạnh khác của lòng can đảm. Các chị im lặng trước những kẻ không đồng thuận với mình, chia sẻ cái câm lặng của những người thấp cổ bé miệng, những người thực sự nghèo: nghèo cả danh dự, bất chấp cả lý trí. Bởi vì như lời của Sr Rosalie Rendu, một NTBA vừa mới được nâng lên hàng chân phước: “Khi có mâu thuẫn giữa tiếng nói của tình yêu và tiếng nói của lý trí, thì chúng tôi vâng theo tiếng nói của tình yêu” . Như Đức Mẹ, các chị đã làm chứng bằng đời sống bác ái và sự thinh lặng của mình.
Và cái tình yêu bất chấp lý trí ấy nhắc lại cho tôi thái độ kiên trì của các chị trong vụ việc 32 bis Nguyễn Thị Diệu: “Thái độ của các chị luôn luôn là chờ đợi một thiện chí. Và cho đến giờ phút này, các chị vẫn còn tiếp tục đợi chờ…”
Từ trước đến giờ, tôi cứ ngỡ rằng Mùa Vọng là mùa mà tôi phải chờ đợi Chúa đến, và Ngài sẽ đến tối hôm nay trong thánh lễ Giáng Sinh. Qua chứng từ thinh lặng của các chị NTBA, tôi hiểu rằng Mùa Vọng là mùa mà Thiên Chúa im lặng kiên trì chờ đợi tôi, chờ đợi nơi tôi một thiện chí để đến với Tình Yêu và Sự Thật của Ngài. Và chua chát thay, cho đến giờ phút này, có thể Ngài vẫn còn tiếp tục đợi chờ…