Những viên đạn vô tình!

Vào năm 1866, sau khi nhà Bác học Alfred Nobel, người Thuỵ Điển (1833-1896) mày mò tìm cách làm ra một loại chất nổ mới (dynamite), được thử nghiệm để khai thác các quặng mỏ, và đúng là nhờ sức công phá của nó mà việc khai thác có hiệu quả hơn. Thế nhưng, con người với những tham vọng trong lãnh vực quân sự, liền tận dụng tối đa các kỹ thuật về chất nổ vào “công nghiệp chiến tranh”!

Trước đó rất lâu, khoảng thế kỷ 14-15, người ta đã biết cách làm ra thuốc nổ nhẹ, thuốc súng. Từ những viên đạn thời sơ khai của súng “hoả mai”, nhồi nhét thuốc nổ vào nòng súng bắn từng viên nghe lẹt đẹt, những khẩu đại pháo nặng hàng tấn đặt cố định hay nhẹ hơn được kéo trên bánh xe ngựa, mỗi lần bắn phải châm lửa khói toả mịt mù, rồi đến súng trường bắn hàng loạt, súng cối đặt trên xe tăng, tàu thuỷ, tàu bay và cuối cùng người ta còn gắn nó vào hoả tiễn để phóng đi xa hàng ngàn dặm! Chất nổ theo thời gian quả thực là một phát minh “khủng khiếp”, lợi thật nhiều mà hại cũng chẳng ít, ngay cả người em ruột của ông Nobel cùng với một số nhân công đã bỏ mạng trong xưởng chế tạo chất nổ vào năm 1864. Có lẽ vì thế ông Nobel mới để lại gia tài bạc triệu của ông vào thời đó (khoảng hơn 4 triệu đô la Mỹ), dành cho việc phát giải thưởng đến những ai mang lại hoà bình, phát kiến những điều hữu ích cho nhân loại.

Nói đến bom đạn là nói đến một vật vô tri vô giác mà ai thấy cũng nơm nớp lo sợ, tất nhiên là nó chẳng bao giờ có mắt cả, nó “đi” đâu thì chỉ có người bắn nó biết mà thôi! Có khi người bắn ra cũng chẳng biết nó đi đâu nên mới có người bị…“lạc đạn”! Dân Việt Nam trong thời chiến tranh hầu như ai cũng biết ít nhiều về bom đạn, có những người còn rành nghe, phân biệt được tiếng các loại đạn khác nhau nữa, và cũng có rất nhiều người đã “nếm” mùi bom đạn, trên thân thể còn lưu lại những “vết thương đau” của một thời quê hương điêu linh khói lửa!

Miền Nam thời chiến tranh trước 1975, những “đêm nghe tiếng đại bác” chen lẫn với tràng đạn tiểu liên M16 hay AK54 dòn tan, đã trở thành một bản nhạc “hòa tấu” quen thuộc của người dân trên mọi miền đất nước. Có người đêm nằm ngủ giật mình thức giấc vì một tiếng “xoẹt” trên mái tôn, chẳng biết cái gì, sớm mai thấy mái tôn lủng một lỗ, tìm xem thì thấy một cái mũi đạn bẹp dúm trong góc nhà! Phúc bảy mươi đời là nó không rớt trúng người! Chuyện lạc đạn kiểu đó thì có lẽ rất nhiều trong dân chúng thời chiến tranh.

Ở những thôn làng gần các khu rừng hoang, phải nói là tội nghiệp cho các cô cậu đi bò, hàng ngày lang thang khắp chốn đồng quê, chẳng biết bom đạn đâu mà tránh, đã có em đi lạc vào bãi mìn “quanh năm nằm im chờ …địch” và chẳng may lại vấp phải “thần chết”! Cũng đã có những em thiệt mạng vì trái bom bi, cả đời chẳng biết trái bom bi mặt mũi ra sao, đi bò sát mé rừng thấy một cục sắt màu mè trông đẹp mắt, cầm lên cũng chẳng thấy “động đậy” gì cả, bèn cùng nhau hí hửng liệng chơi, chẳng biết đến “ngày giờ” ra sao mà nó phát nổ. Có em còn nhỏ, lân la chơi sát lũy tre mấy cổng làng thấy lựu đạn gài bằng cây kim găm, chẳng biết nguy hiểm gần kề thò tay rút cây kim để chơi không ngờ lựu đạn nổ!

Đó là chưa kể đến những vùng quanh năm có “đụng độ”, dân làng mang họa vì những quả đạn không biết phân biệt “đâu là địch, đâu là ta”, có thể những người lính cả hai bên trong cơn hăng máu mùi thuốc súng đã bắn bừa trúng đâu thì trúng! Và thật là oan nghiệt, những viên đạn quả đạn được bắn đi từ những hằn thù phi lý, những ý niệm mơ hồ về mục đích đã trật những mục tiêu dự định, thay vào đó là những người dân lành hứng chịu hậu quả!

Năm 1968, chẳng biết “vô tình” hay “cố ý”, một số quả đạn súng cối “phía bên kia” đã rơi vào làng xóm Bình Giã, có những quả “mon men” rơi sát bên hồi nhà, nghe đâu có một hay hai quả đã “tận tình chiếu cố” xuyên mái tranh rớt giữa nhà dân! May mắn là những quả đạn này đã “tịt ngòi” trước khi rơi xuống đất, nên hầu hết không phát nổ! Nếu không thì lần đó chưa biết bao nhiêu chiếc khăn tang được mang lên đầu trong dịp mừng Xuân mới! Bà con Bình Giã tin rằng nhờ ơn trên của Đức Mẹ Maria che chở nên đã bình an vô sự, một Tượng Đài Đức Mẹ đã được dựng lên trong dịp này tại khuôn viên Thánh đường Giáo xứ Vinh Châu, trung tâm xã Bình Giã để tạ ơn Đức Mẹ.

Sau những năm chiến tranh, có lẽ khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam đều đầy những vỏ đạn, mảnh bom và cả những quả bom, mìn, lựu đạn…chưa nổ, vùng đất thân yêu Bình Giã cũng không thiếu những thứ đó. Những ngày cuối của cuộc chiến vào tháng Tư năm 1975, súng đạn các loại bị bỏ lại khắp nơi, chẳng ai muốn thu nhặt cái “của nợ” đó để đem về nhà cả, chỉ có lớp choai choai “hí hửng” và “lặng lẽ” lấy đem vào rãy đốt nổ nghe chơi cho vui!

Rất nhiều cu cậu đã vì khoái nghe tiếng nổ của đạn mà phải mang tật nguyền. Trước 1975 đạn M16 ở đâu cũng có, hầu hết các ông, các thanh niên trong làng đi Nghĩa quân, đạn cấp phát cho dư giả, lớp đi bắn chim, lớp mang về để ở nhà, các cậu nhóc chừng mười, mười hai tuổi vớ lấy đi ra vườn ra rãy đốt chơi. Các cậu cạy mũi đạn một viên, đổ bớt thuốc súng ra, nhét cái mũi đạn vào trong các-tút rồi đổ lại thuốc súng cho đầy, một viên khác để nguyên được cắm mũi sâu xuống đất, viên kia đặt chồng lên, hai cái hạt nổ giáp nhau, thế rồi châm lửa, nghe một tiếng nổ của cả hai viên đạn cùng lúc “thật sướng cái lỗ tai”! Viên đạn nằm trên thì bay bổng lên trời, viên nằm dưới thì bể toác ra làm bung cả một mảng đất “thật sướng cái con mắt”!

Một cách thông thường nữa của các cậu là dùng cái súng kéo tay để bắn, lọai súng nhỏ này bằng nhựa cứng của quân đội, dùng vào việc bắn pháo hiệu cầu cứu, cậu nào không có thì biến chế một cây súng tương tự với dây thun kéo “kim hoả” bằng khúc kẽm gai mài nhọn và mấy cái nẹp tre để giữ viên đạn. Bắn lọai súng “tự chế” này phải cạy mũi đạn ra đổ bớt thuốc, nếu không sức nổ làm “toét” các-tút, bung cả “súng”! Mũi đạn chỉ bay đi chừng mươi lăm mét, nhưng vậy là thích quá rồi! Đã có nhiều cậu đã vì táy máy những viên đạn kiểu này mà mấy ngón tay tươm máu, có khi “mất vài lóng”, tệ hại hơn một con mắt không bao giờ thấy lại ánh mặt trời!

Ở những vùng đất quanh vòng rào tre Ấp chiến lược Bình Giã trước 1975, gần những lô cốt cổng làng thì phải nói đã một thời mìn, lựu đạn nằm la liệt, và không ít bò me đã phải khiêng về làm thịt vì đạp phải lựu đạn. Chập tối, bò nhà mình chưa về, mà lại nghe một tiếng nổ phía cổng làng là lo thót ruột, chưa biết bò nhà ai đây? Cha mẹ thấy đã chiều tối mà thằng cu con đi tìm bò chưa về, đã hơi lo lắng, nếu nghe tiếng lựu đạn nổ thì “hồn vía lên mây”, liền bỏ dở công việc đó chạy tất bật ra phía cổng làng để nghe ngóng coi con mình ở đâu! Có khi vừa chạy vừa cầu xin “của đi thay người”, bò có chết thì chết miễn thằng con bình an vô sự là mừng! Đã có lần bà con làng Ba vào lúc chập tối nghe tiếng mìn nổ phía góc Bình Linh (khóm Nhân Hòa) khoảng năm 1973, hai anh em con ông bà C… đi tìm bò về đạp phải mìn, cả hai chết tại chỗ! Thật là thảm thương!

Sau năm 1975, bà con chặt phá hàng rào tre vì cũng không còn cần thiết nữa, lúc đốt cháy những bụi tre, đạn nổ đì đạch, lâu lâu cũng có một quả lựu đạn nổ vang! Nguy hiểm nhất là một số đạn M79 bắn ra mà chưa nổ, mấy quả đạn này nằm rải rác, đã có người phát rãy, cuốc đất trồng cây đúng quả đạn này nó phát nổ làm bị thương, có khi mất mạng. Thời điểm 1975, còn có cả những những quả M72 bỏ rải rác trong các bụi chuối, bờ ruộng rãy, những quả đạn này bị bỏ lại trên đường rút lui của lính trận. Hồi đó, mấy cậu choai choai dọn rãy, thấy M72 trong bụi chuối bèn lấy ra bỏ vào đống cây rồi đốt lửa chờ nổ nghe chơi, ai ngờ quả đạn M72 bị đốt nó không nổ tại chỗ mà chẳng biết sao nó bay đi cả trăm mét rồi mới nổ, may mắn chẳng ai bị gì cả. Rút kinh nghiệm mấy quả sau các cậu chúi đầu đạn xuống đất cho nó khỏi “phiêu diêu” như lần trước!

Lựu đạn thì tìm thấy nhiều hơn, các cậu vặn cái đầu nổ ra, đốt cháy thuốc nổ trong bầu đạn, rồi thả xuống khe suối, sau đó đi dọc khe suối lượm cá bị “say thuốc đạn” đỏ con mắt nằm lờ đờ, có khi nổi lên mặt nước! Có cậu gan dạ hơn, rút chốt thảy xuống mấy vũng nước sâu, lựu đạn nổ xong thì xách bao tới hốt cá!

Lâu lâu tìm được một quả đạn cối 105 ly, các cậu cũng cho vào đống củi rồi đốt, quả này thì đặt đâu nằm đó nổ, chứ không “lang thang” rồi mới nổ như M72, và cũng tìm thấy nhiều hơn loại M72. Nói chung là các cậu mười lăm, mười bảy của những ngày tháng trước 1975 rất quen thuộc với các lọai đạn, và cũng chẳng mấy cậu sợ những thứ “không có trí khôn” đó!

Bom đạn đã gây bao nhiêu cái chết, vết thương tật nguyền cho con người! Vậy mà có một thứ vô tri vô giác cũng mang đầy “mảnh đạn” trong thân mình, để lại những “vết sẹo suốt đời” nữa! Đó là…cây rừng!

Trước 1975, ở cổng chính làng Ba, Bình Giã có một trại cưa máy, xe “be” chở gỗ rừng vể đổ lan ngan nơi mấy khoảng đất trống ngoài cổng làng, trại cưa suốt ngày ồn ào tiếng máy, lâu lâu nghe một tiếng “rẻng” vừa chói tai vừa rờn rợn, làm lũ nhỏ đi bò ghé coi cưa máy giật mình, thì ra giàn cưa máy đụng phải mảnh bom găm trong cây gỗ! Đụng mảnh bom như thế là phải ngừng cưa, thay lưỡi khác, có khi nó làm đứt ngang lưỡi cưa! Mặc dù mấy người thợ cưa rất kinh nghiệm trong chuyện này. Họ xem xét kỹ những cây gỗ, nhìn vết sẹo họ đoán biết có mảnh bom trong thân không, họ dùng búa, rìu khoét chỗ đó để moi cái “của nợ” ra. Trăm lần đúng cũng có một lần sai, và cái tiếng “rẻng rẻng” phát ra là do “sự cố” đó!

Khoảng năm 1978, lúc đó bà con Bình Giã bắt đầu phát rãy trồng trọt, cây gỗ rừng được xe bò chở về làm củi, làm cọc trồng tiêu, cưa xẻ ra làm nhà, các nhóm “cưa líu” của đám thanh niên mọc ra như nấm, chỉ cần một bóng cây, hay che đỡ tấm bạt, là mấy cặp cưa líu xẻ từng khúc gỗ ra thành cột, thành xà…thành ván mỏng để làm nhà, và các thợ cưa líu cũng đã nhiều phen phải khốn đốn vì mảnh bom nằm trong thân cây gỗ!

Đi rừng, nhìn những cây gỗ thẳng băng như Bằng lăng, nhưng lại đầy vết sẹo của mảnh bom, mấy cây này chỉ làm củi, chứ cưa xẻ ra gỗ cũng hư hỏng nhiều. Có khi gặp một cây Gõ đỏ, hay Cẩm lai rất thẳng thớm đẹp mắt, nhìn trên thân cây cũng mang mấy vết sẹo do bom gây ra. Hầu như những khu rừng quanh Bình Giã, không có chỗ nào cây cối không “bị thương” do bom đạn! Chiến tranh để lại cho con người những đau thương, mang những vết sẹo trên thân xác, trong tâm hồn có khi suốt đời người, và ngay cả cấy cối cũng không tránh khỏi những vết tích “khốn khổ” đó!

Ở những vùng quê khác, bà con còn tìm thuốc nổ để bán, bằng cách cưa những trái đạn 105 hay 255 ly hoặc những quả bom nằm nơi đồng ruộng. Có người kể chuyện cưa loại này giống như “cưa cổ Thần Chết”! Nó nằm im chịu cưa là mình sống có tiền, nó mà “vùng dậy” coi như mình đi đời nhà ma! Người kinh nghiệm cưa bom nói, lưỡi cưa sắt phải mới, sắc bén, vừa cưa vừa đổ ít nước cho khỏi sức ma sát gây xẹt lửa phát nổ, và cũng vừa vừa nước thôi, kẻo ướt hư mất một lượng thuốc nhiều! Và không ít người “thiếu kinh ngiệm làm ăn với Tử Thần” đã phải theo chân “Thần Chết” làm đệ tử vì cưa bom đạn kiểu này!

Bà con Bình Giã cũng đã có người mất mạng vì “thuốc nổ” dưới giếng sâu! Giếng cần đào sâu thêm vài mét mới đủ nước tưới tiêu, mà đáy giếng thì lại gặp đá “bàn”, đá khối, chỉ còn cách moi lỗ đặt thuốc nổ thì mới mong đào sâu thêm. Sau khi nổ vài ngày, xuống giếng hốt đá lên chẳng may ngạt thở ngất xỉu dưới giếng, và người ở trên vừa lúng túng vừa chẳng dám xuống giếng cứu, nạn nhân dưới đáy giếng đành phải về “chầu Chúa”! Khí độc từ thuốc nổ còn tích tụ lại dưới đáy giếng rất nhiều đã làm chết người rất mau lẹ!

Đến hôm nay, đã qua đi hơn ba mươi năm sau chiến tranh, nhưng vẫn còn rải rác đâu đó những bom đạn còn sót lại, lâu lâu lại nghe tin người bị thương hay chết vì bom đạn ngoài ruộng rãy. Chỉ có cây rừng, hầu hết đã bị triệt hạ để thành đồng ruộng, nên gỗ vùng Bình Giã không còn, và chẳng bao giờ dân mình có dịp nghe lại tiếng “rẻng rẻng” đau thương của lưỡi cưa líu chạm mảnh bom trong cây gỗ nữa!