Giám Mục Iraq: Diễn từ của Đức Thánh Cha động viên dấn thân cho đất nước

Kirkuk (AsiaNews) - Trong diễn từ trước ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mạnh mẽ lên án bạo lực và bất công chống lại các Kitô hữu - với những đề cập đến Iraq, Ai Cập và Nigeria - và nhấn mạnh đến tự do tôn giáo, định nghĩa như là "nền tảng để xây dựng hòa bình". Hãng Tin Tức Á Châu đã nhận được bài viết của Đức Cha Louis Sako, Tổng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Can đê của Kirkuk (miền bắc Iraq) bình luận về bài diễn văn. Vị giám mục đã cám ơn Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vì ngài là "vị mục tử kết hiệp sâu sắc với đàn chiên" và nhấn mạnh rằng diễn từ của ngài là "một nguồn sức mạnh cho cuộc đấu tranh vì vùng đất của chúng tôi và các giáo hội chúng tôi". Dưới đây là bài bình luận của Đức Tổng Giám Mục Louis Sako:

Vấn đề quan trọng nhất đối với khu vực chúng tôi, Trung Đông, là tự do tôn giáo, cụ thể là quyền tự do lương tâm của mỗi cá nhân. Người Iraq rõ ràng đang trải qua sự bất khoan dung, phân biệt đối xử, và đàn áp tôn giáo cả đối với Kitô hữu và người Hồi giáo. Đức Thánh Cha đã nhận thức được những gì đang diễn ra và tuyên bố rõ ràng khi ngài nói rằng bạo lực, rất nhiều bạo lực, đẫm máu hay không đẫm máu là cội rễ của điều này. Danh sách này bắt đầu từ Đông phương và khẳng định Á Châu là lục địa mà tự do tôn giáo bị vi phạm nhiều nhất.

Không may tôn giáo cuồng tín đã trở thành một hiện tượng để mô tả thách đố thực sự cho sự chung sống hài hòa giữa các tôn giáo khác nhau. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo là nền tảng của hòa bình, ngài nêu rõ: "Tự do tôn giáo là đường hướng cơ bản để xây dựng hòa bình".

Các quốc gia Trung Đông được điều chỉnh bởi chính trị thần quyền bằng cách này hay cách khác. So với các quốc gia có một chính phủ thế tục, các nước này nên hiểu nhiều hơn giá trị của tự do tôn giáo ảnh hưởng đến mọi quan hệ và các hoạt động. Thật dễ dàng hơn để hiểu những lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi ngài cho hay: "Thực tế, hòa bình được xây dựng và bảo tồn chỉ khi người dân có thể tự do tìm kiếm và phục vụ Thiên Chúa trong con tim, trong đời sống họ, và trong mối quan hệ với tha nhân". Sự tôn trọng này thắt chặt với phẩm giá của con người như là một giá trị tuyệt đối sau Thiên Chúa.

Thật là vô lý khi phạm vào tội giết người lại nhân danh Thiên Chúa, Đấng là tình yêu đối với Kitô hữu chúng ta và là tất cả lòng nhân từ đối với những người anh em Hồi giáo chúng ta! Phạm vào sự sống con người là một hành vi xúc phạm chống lại Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của sự sống và nhân loại. Tôn giáo bị áp đặt bằng vũ lực, chứ không từ Thiên Chúa! Đức Thánh Cha là một vị mục tử, một người cha kết hiệp sâu sắc với đàn chiên của ngài, và ngài đau đớn vì nó và cố gắng để bảo vệ nó bằng tất cả sức mạnh đạo đức của mình. Đây là lý do tại sao ngài nói đến bi kịch của Kitô hữu ở Iraq, Ai Cập và các nơi khác. Đó là bức tranh bắt đầu với Iraq, nơi mà "các cuộc tấn công đã gieo rắc cái chết, nỗi đau và sự hỗn loạn giữa các Kitô hữu", "đủ để đẩy họ rời khỏi vùng đất mà tổ tiên họ đã sống qua nhiều thế kỷ" và kế đến là Ai Cập, với vụ thảm sát mới đây ở Alexandria.

Chúng ta có thực sự cần thiết lặp lại điều đó một lần nữa không? Kitô hữu Trung Đông là những công dân gốc và đích thực, trung thành với đất nước và trung thành với tất cả các trách nhiệm trong nước. Cũng chỉ là điều tự nhiên khi mà họ có thể tận hưởng đầy đủ quyền công dân, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, tự do giảng dạy và giáo dục, trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông.

Với những lời động viên được Đức Thánh Cha thể hiện, chúng tôi được an ủi trong dấn thân gìn giữ đất nước và các giáo hội của chúng tôi. Để làm chứng cho tình yêu và sự tha thứ của Chúa vốn bao trùm tất cả.