George Weigel, một học giả Công Giáo và là người đã viết tiểu sử Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong một cuộc phỏng vấn dành cho National Review Online đã đề cập đến việc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI rửa tội cho nhà báo Magdi Allam, một ký giả Ý xuất thân từ Hồi Giáo.

Ông Magdi Allam sau khi được rửa tội
Weigel cũng thảo luận sự liên quan với việc Đức Thánh Cha rửa tội cho Magdi Allam với những mối quan hệ giữa các nước Hồi Giáo và không Hồi Giáo và cuộc tranh luận về tự do tôn giáo trong thế giới Hồi Giáo.

Weigel cho biết “Magdi Allam đã can đảm bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của tất cả trong khi chỉ trích sâu sắc những dòng tư duy trong Hồi Giáo trong đó phủ nhận quyền cải đạo của người Hồi Giáo. Giờ đây, anh tiếp tục cuộc chiến của các ý tưởng từ một hố cá nhân khác, có thể nói thế”.

Theo Weigel, những đồng minh Hồi Giáo hữu hiệu nhất trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo là “những người Hồi Giáo muốn làm cho Hồi Giáo trở nên khoan dung, văn minh và đa nguyên”.

Phiên bản Hồi Giáo của Osama Bin Laden, theo Weigel, không chỉ là kẻ thù của hầu hết thế giới không Hồi Giáo, nhưng cũng là kẻ thù của những người Hồi Giáo không chia sẻ khái niệm về những đòi buộc Hồi Giáo do Bin Laden đưa ra.

Trong khi đề cập đến những chủ đề đã được đề cập trong cuốn “Đức Tin, Lý Trí và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo”, Weigel nói rằng bài thuyết trình tại Đại Học Regensburg của Đức Thánh Cha đã “xác định những vấn nạn liên kết với nhau tại trung tâm của hàng loạt những rối ren trong thế giới chính trị ngày nay”. Những vấn nạn này bao gồm cả sự tách rời giữa đức tin và lý trí như trong trường hợp của chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo, lẫn sự đánh mất đức tin trong lý trí như được thể hiện nơi “những nền văn hóa cao” của Âu Châu và Mỹ Châu. Sự tách rời trên phương diện thần học giữa đức tin và lý trí cổ vũ khái niệm cho rằng Thiên Chúa có thể và đang đưa ra những lệnh truyền vô lý, chẳng hạn như giết hại những người vô tội. Sự thiếu tự tin trong lý trí của người Tây phương “dẫn đến Tây phương bị tước khí giới về tri thức trước thách đố của chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo”.

Tại Regensburg, Đức Giáo Hoàng đã mang lại cho thế giới một “kho từ vựng dùng để đương đầu với những vấn nạn này”, đó là “kho từ vựng của sự hợp lý và sự vô lý”.

Theo Weigel, Hoa Kỳ sẽ khó lòng đạt được một chiến thắng trong cuộc chiến với chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan nếu vị tổng thống tương lai không hiểu “bản chất của kẻ thù hay của cố gắng đa diện trong đó chúng ta phải dự phần”.