Niềm tin Việt Nam: Văn hóa mới

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống Việt Nam và cách thức họ sống với niềm tin, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.
Mùa Vọng, Nguyễn Trung Tây


Cuối tuần sau thánh lễ sáng Chúa Nhật Mùa Vọng, ba mẹ con vừa về tới nhà. Bà Miêng vô phòng thay áo dài. Bất ngờ, bà nhận ra cái quần jean Levi gấp gọn mới tinh đang nằm trong tủ áo. Cầm cái quần jean màu xanh lên, bà nhớ tới cô em gái của mình. Chúa Nhật tuần trước hai chị em dẫn nhau lên Uptown Chicago, khu Việt Nam, mua thẻ điện thoại gọi về Việt Nam. Sau khi kiếm được mấy cái thẻ giá rẻ gọi về Sài Gòn không bị tính lệ phí nối đường dây, nhất cử lưỡng tiện, em ở Mỹ hai mươi năm dẫn chị mới qua Mỹ đi ăn phở Việt Nam; chị gọi Phở Tái, tô lớn, thêm hành trần, em gọi Phở Chín, tô nhỏ, thêm bò viên. Sau hai tô phở, em hứng chí đề nghị hai chị em mình đi shopping. Chị thắc mắc,

— Vớ vẩn! Đi shopping để mua cái gì?

— Rõ chuyện! Mua cho bà quần áo chứ mua cái gì. Bên đây không ai mặc quần the áo bà ba ra đường đâu bà nội.

— Gì kỳ vậy? Vậy chứ, bên đây người ta mặc cái gì?

Chị hỏi, em đáp. Chị thắc mắc, em nhẫn nại giải thích về đời sống bên vùng đất Bắc Mỹ. Thế là nhất cử không còn là lưỡng tiện nữa, nhưng hóa ra nhất cử tam tiện: mua thẻ điện thoại, ăn phở, và shopping.

Cả một đời chỉ mặc quần đen, áo cánh, giờ này bà Miêng loay hoay trong thương xá chọn lựa quần jean, áo pull hợp với tạng người petite của người mới qua không phải là một điều dễ dàng. Sau hai ba tiếng đi ra đi vô liên tục từ khu vực quần áo phụ nữ cho tới phòng thử trong tiệm Marshalls, cuối cùng dì Minh, cô em cầm cái quần jean Levi màu xanh ra quầy trả tiền cho cô chị. Đưa cái quần jean cho bà Miêng, cô em gái nói,

— Bây giờ mua cho bà một cái mặc trước. Nếu thích, tuần tới mình ghé vào đây mua thêm.

Nhưng một tuần đã trôi qua, bà Miêng vẫn ngần ngại, chưa dám mặc quần jean đi ra đường. Giờ này, nhận ra khuôn mặt chủ nhân xuất hiện ngay trước mặt, quần jean Levi vải cứng thơm mùi dường như lay động nhắc nhở với bà Miêng về sự hiện diện của mình trong ngăn tủ đóng kín.

Bà Miêng nhìn cái quần jean, tay sờ sờ mặt vải cứng. Sau những ngần ngại, lưỡng lự, bà chép miệng, cầm cái quần jean lên, mặc vào người. Đi tới trước cái gương lớn đặt ngay trong góc phòng, bà Miêng loay hoay ngó trước, liếc sau. Hết nghiêng sang bên trái, ngắm nghía bên tay phải, bà lại kéo lên, cao hơn lên, cao hơn một chút; nhưng rồi nghĩ sao, bà lại đẩy xuống một tí, thêm một tí nữa, rồi lại kéo lên, cao lên một chút. Cứ thế! Tâm hồn bà Miêng dường như chỉ còn đôi mắt mở to chăm chú theo dõi bóng mình và cái quần jean Levi mới tinh đang phản chiếu qua gương. Bà Miêng nghĩ tới cô em gái và câu nói,

— Bà mà cứ quần áo bà ba đi ra đường, cảnh sát bắt bỏ vào nhà thương tâm thần dáng mà chịu. Bên này quần áo bà ba của Việt Nam mình là quần áo chỉ mặc trong phòng ngủ mà thôi.

— Sao kỳ vậy?

— Chị Hai ơi! Bên đây là Mỹ, không ai mặc quần áo bà ba ra đường hết.

Đang miên man với quần jean, với phong tục của hai vùng đất, với hai nền văn hóa khác nhau về trang phục trong nhà và ngoài phố, bà Miêng chợt quay lại với hiện tại, bởi bên ngoài chuông điện thoại bất ngờ reo vang inh ỏi. Reng, reng, reng! Dừng lại, bà Miêng nghiêng tai nghe ngóng tiếng của cậu Ba Hưởng,

— Hêllô! Dạ, cháu đây, cháu là Hưởng. Mẹ cháu? Dì muốn nói chuyện với mẹ cháu… Dạ, dạ, cám ơn dì, để cháu nói với mẹ cháu...

Hai phút sau, bà Miêng nhận ra tiếng gõ cửa và giọng của cậu Ba Hưởng ngay bên cánh cửa,

— Mẹ ơi! Dì Minh vừa mới gọi. Dì ấy nói khoảng mười phút nữa, dì sẽ lái xe qua nhà mình đón mẹ đi ăn phở ở Uptown.

Bà Miêng quyết định xoay người, tiến tới cánh cửa vặn ổ khóa, mở cửa, bước hẳn ra bên ngoài. Cậu Hai Hoàng và cậu Ba Hưởng trợn tròn mắt nhìn mẹ mình. Không hẹn, cả hai cùng buột miệng kêu to,

Wow!

Cậu Ba Hưởng xuýt xoa,

— Trời đất ơi! Ai mua cho mẹ cái quần jean vậy?

Bà Miêng ngượng ngùng nhìn cái quần jean xanh đang mặc trên người, rồi nhìn cậu Hai Hoàng,

— Mày! Đừng có nói lớn làm tao quê!

Ba Hưởng khen,

— Mẹ nhìn đẹp thật. Mặc quần jean vào, nhìn mẹ trẻ hơn mấy chục tuổi.

Hai Hoàng miệng điểm một nụ cười, nháy nháy mắt với em,

— Hèn chi lúc nãy trong nhà thờ, con ngó thấy bao nhiêu ông liếc nhìn theo mẹ lúc mẹ xếp hàng đi lên rước lễ.

Ba Hưởng tiếp tục,

— Phải công nhận, mẹ mới qua Mỹ gần mới có gần một tháng thôi, mà thấy mẹ khác quá. Mai mốt bố con qua đây, chắc không nhận ra mẹ nữa.

Hai Hoàng phụ họa,

— Chắc con phải gọi điện thoại về Việt Nam nói với bố, “Bố ơi, tui con không dám bảo đảm đâu, bố mà không lo giải quyết giấy tờ trục trặc để mà qua Mỹ cho sớm, coi chừng mất mẹ, khi đó đừng có than trách là tại sao hai đứa con lại không chịu báo cho bố hay trước”.

Bà Miêng nói nho nhỏ,

— Tụi bay, cả hai đứa, không đứa nào nói cho mẹ biết về cái vụ này. Đi đâu cũng vậy, tao cứ tỉnh bơ như ruồi khoác vào người cái quần soa đen và cái áo bà ba vải hoa mới may trước lúc lên phi cơ. Hèn chi, mấy bữa nay, lúc đi bộ sang nhà bà Trùm Hoa chơi, tao thấy hàng xóm người Mỹ cứ nhìn nhìn mẹ chòng chọc. Tao thì không hiểu lý do tại sao họ lại cứ nom nom, nhìn nhìn, rồi cười cười, nói nói...

Hai Hoàng gãi gãi tai,

Sorry mẹ! Con cũng quên, gần đây con cũng lu bù quá, chưa kịp chở mẹ đi mua quần áo…

Bà Miêng so sánh,

— Tao thấy bên đây cái chi cũng ngược lại với bên Việt Nam. Bên đó, cỡ như tao, ai mà mặc quần jean. Khoác mấy cái thứ đó vào người, họ hàng bà con láng giềng người ta cười cho thối đầu, nói già rồi mà không nên nết.

— Mẹ ơi, con biết. Nhưng mẹ đâu còn ở bên Việt Nam nữa đâu. Bây giờ mẹ đang bên Mỹ, đời sống bên đây khác, văn hóa khác, mẹ mặc quần jean, ai cười mẹ? Nhưng nếu mẹ mặc quần soa đen với áo bà ba đi ra ngoài đường, người bên đây, người ta cười, nói mẹ…

— Nói chi?

Hai Hoàng cười nói nho nhỏ, liếc nhìn mẹ,

— Nói mẹ nhà quê, miệt vườn! Nhưng, nói không phải nịnh, mẹ mặc quần jean nhìn mẹ trẻ lại cả hai mươi tuổi. Mẹ trông giống như mới có bốn mươi.

Suy Niệm

Khi Đức Giêsu mở miệng khóc chào đời tại thôn làng Bethlehem, địa cầu ngập tràn một nền văn hóa mới, nền văn hóa của bỏ qua, quên đi, và xóa nhòa; một nền văn hóa, trong đó, ách và gánh thôi không còn nặng nề, nhưng trở nên êm ái và nhẹ nhàng (Matt 11:30).

Để chuẩn bị cho dân Do Thái dần dần thích hợp với nền văn hóa mới do Đức Giêsu mang tới, thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong sa mạc, kêu gọi người Do Thái phải thay đổi. Nhận được lời mời gọi của ngôn sứ hoang địa, không phải chỉ có lèo tèo hai ba người da mồi tóc bạc, gần đất xa trời kéo đến đất sỏi lắng nghe bài giảng mùa Vọng của Gioan; nhưng mọi người, từ kinh thành Giêrusalem và toàn thể những thôn làng của miền Nam Giuđêa tấp nập kéo về hoang địa. Họ sám hối (Mark 1:4-5). Họ nhận nước thanh tẩy từ đôi bàn tay của người ngôn sứ sa mạc.

Và họ thay đổi.

Thay đổi ở đây không phải chỉ là một thay đổi của y phục, quần soa đen sang quần jean Levi như bà mẹ Việt Nam mới định cư bên vùng đất mới trong câu truyện, nhưng là một cái thay đổi về tâm linh. Những hạt nước của sông Giođan chảy xuống tới đâu, những vết nhơ tội lỗi dần dần bục vỡ tới đó. Những cáu ghét của ghen tị hờn giận lần lượt rơi xuống, chìm lắng sâu vào trong lòng sông Giođan. Khi người Do Thái giơ bàn chân đạp xuống dòng nước của sông Giođan, tâm hồn của họ bùn đen nước đọng. Sau khi nhận được những hạt nước từ đôi bàn tay của người ngôn sứ, họ đứng dậy, bước lên bờ, khoác vào người áo pull quần jean Levi của nền văn hóa mới để chuẩn bị đón mừng Chú Rể Giêsu.

Mùa Vọng, mùa trông đợi Đức Giêsu, do đó cũng chính là Mùa Văn Hóa Mới.

Hãy tham dự chương trình cấm phòng Mùa Vọng và Hòa Giải cùng Thiên Chúa như người Do Thái năm xưa đã kéo về sa mạc, nhận nước thanh tẩy, và tham dự cấm phòng Mùa Vọng do ngôn sứ Tiền Hô tổ chức ngay trong đất sỏi của hoang địa.

Lạy Chúa, trong Mùa Vọng, xin hãy thay đổi tâm hồn của chúng con, hãy khoác lên chúng con những bộ y phục mới, quần jean mới.

www.nguyentrungtay.com/index.html