Thật khó để dự đoán số ca trưởng đáp ứng lời mời của Ban Tổ chức tham dự “Ngày Ca trưởng”, bởi những lý do chủ quan lẫn khách quan đại loại như: uy tín, tư cách của Ban Tổ chức, tâm lý của ca trưởng thời nay, suy nghĩ của các cha sở, công việc làm ăn hằng ngày của các ca trưởng, đường sá xa xôi, Ngày Ca trưởng họp mặt rơi vào ngày thường và nhất là chọn đối tượng nào để gửi thư, nếu gửi hết mọi giáo xứ trên toàn quốc (trên 2000 giáo xứ) “lỡ” người tham dự đông quá thì lo sao cho xuể; nếu gửi thư mời có giới hạn, ít người đi dự thì Ngày Ca trưởng có còn ý nghĩa hay không v.v… Cho nên Ban Tổ chức chọn giải pháp gửi cho mỗi giáo phận một thư mời chung 10 ca trưởng đại diện, riêng giáo phận Tp.HCM, Ban Tổ chức gửi thư mời hết 195 giáo xứ, tức mời hết mọi ca trưởng trong giáo phận. Trong bất kỳ thư mời nào, cũng có một thiệp mời bằng giấy trắng dày thật trang trọng, một lá thư kính gửi cha sở để gọi là trình báo sự việc, xin phép và xin tạo điều kiện cho ca trưởng của mình và một Tờ đăng ký danh sách ca trưởng trong giáo xứ & đăng ký người tham dự (nhân cơ hội này lập Danh sách Ca trưởng trong và ngoài nước). Làm như thế rồi, cũng không sao đoán nổi số người tham dự! Thật là khó! Nhưng sau đó, thư hồi báo gửi về ngày càng nhiều, trái với thường lệ (ở VN, người ta ít có thói quen hồi báo). Mỗi ngày, số giáo xứ hồi báo “có đi tham dự” dồn dập tăng lên, càng về cuối, tốc độ hồi báo càng có vẻ khẩn trương và tấp nập. Cách hồi báo phổ biến nhất là hồi báo bằng điện thoại… Dù phấn khởi, nhưng vẫn không dự đoán được số người tham dự. Nỗi hồi hộp, lo âu cứ đeo dai dẳng cho đến tận sáng thứ Tư 22.11.2006, Ngày Ca trưởng và chỉ chịu buông tha sau khi chính thức khai trương ngày hội lớn.

Theo chương trình thì 8 giờ mới khai mạc, vậy mà 6g30 sáng đã có người đến. Số ca trưởng đến ngày một đông, chẳng mấy chốc đã tăng lên đến 220 người vào lúc gần đến giờ khai mạc; 8g khai mạc, mọi người tề tựu trong thánh đường Tân Sa Châu chứ không phải trong hội trường như đã thông báo, vì số người đông bất ngờ. Không bao lâu sau đó, con số vọt lên đến hơn 300 người, cộng với Ban Tổ chức, nhóm anh chị em Tình nguyện viên… Số người trực tiếp tham gia và hiện diện trong ngày Ca trưởng đã lên đến gần 400 người. Thật là bất ngờ, ngoài tầm kiểm soát!

Mỗi ca trưởng đến dự khi tiến vào được đón tiếp tại bàn ghi danh, nhận bảng tên, phù hiệu “Ca trưởng Công giáo” và tài liệu gồm hai tập sách: “Ngày Ca trưởng Công giáo Việt Nam, tài liệu sinh hoạt và học hỏi” & “Thế nào là hát đúng phụng vụ?”

Linh mục nhạc sĩ Nguyên Hữu, tức Nguyễn Hữu Triết, chánh xứ Tân Sa Châu khai mạc bằng những lời nhắn nhủ chung về thánh nhạc xong, nhạc sĩ Ngô Ngọc Thắng đại diện nguyệt san THÁNH NHẠC NGÀY NAY chào mừng mọi người hiện diện, cáo lỗi về những gì nằm ngoài khả năng và cám ơn các Ca trưởng hải ngoại hiệp thông, chia sẻ và hỗ trợ bằng tinh thần lẫn vật chất cho Ban Tổ chức.

Bài thuyết trình thứ nhất với đề tài “Cách hát mới” do nhạc sĩ Ngọc Kôn, nhạc sĩ Nguyễn Bách và nhạc sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Xuân Quang đồng trình bày. Nội dung chủ đạo của Ngày Ca trưởng lần thứ nhất nầy là “Làm mới cách hát thánh ca”. Đây là chủ đích của nguyệt san THÁNH NHẠC NGÀY NAY muốn đưa vấn đề “khó nuốt” ra để các ca trưởng làm quen dần hơn là lặng thinh tránh né.

Sau bài thuyết trình vừa nêu, ban Diễn tập, gồm ca trưởng Cao Xuân Vỹ và nữ tu Nguyễn Thị Lan Chi, thuộc hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán đã tập hát những bài thánh ca phụng vụ thuộc thế hệ “Cách hát mới” và hát mẫu những bài ca hiệu và sinh hoạt.

Linh mục nhạc sĩ Tiến Lộc và nhạc sĩ Nguyễn Bách rất khéo léo, linh hoạt điều phối các tiết mục trong ngày hội nầy trở nên sinh động và vui tươi; hướng dẫn thời biểu hoạt động của Ngày Ca trưởng bằng micro của nhạc sĩ Hải Nguyễn cũng đã làm cho chương trình trơn tru và diễn tiến tốt đẹp.

Phần giới thiệu “Dòng nhạc mới” của linh mục nhạc sĩ Tiến Lộc rất hấp dẫn, nhất là bài “Chúa là cây đàn” do chính linh mục nhạc sĩ Tiến Lộc hát với cộng đoàn giúp bầu khí trở nên sôi động và trẻ trung vì linh mục nhạc sĩ vốn trẻ trung và sôi nổi.

Mọi người được giải trí, đồng thời cũng có dịp tiếp cận với loại hình “Hát dụ ngôn” mới lạ và hấp dẫn của nhạc sĩ Nguyễn Bách qua nhóm Dàn nhạc và Ban Hợp xướng Suối Việt. Ý đồ của Ban Tổ chức lúc này muốn gợi ý các ca trưởng ngoài việc hát trong phụng vụ, ca đoàn phần đông là giới trẻ, họ cần có nhiều giờ hát bên ngoài phụng vụ để vui sống và giúp làm tròn mọi nhiệm vụ, cần cung cấp cho giới trẻ ca đoàn những loại thức ăn thật bổ dưỡng và qua đó gây ý thức thêm cho họ về sống đức tin thể hiện nhẹ nhàng và sinh động bằng những dụ ngôn trong Tin Mừng; kế đến nền giáo dục Công giáo dường như đang bỏ ngỏ… Hãy bắt đầu lại nền giáo dục Công giáo bằng việc giáo dục giới trẻ - ca đoàn với nhiều hình thức, kể cả văn hóa - văn nghệ, vì hiện nay và trong tương lai chỉ còn có giới trẻ - ca đoàn là năng đến với Giáo hội hơn hết. Hiện có nhiều người tỏ ra rất quan tâm về vấn đề này, trong đó linh mục nhạc sĩ La Thập Tự tỏ ra rất thao thức và trao đổi với THÁNH NHẠC NGÀY NAY về vấn đề này.

Bài ca hiệu của giới ca trưởng “Hãy tìm đến nhau” dù đã được phát thanh từ sáng sớm, trước sân nhà thờ nhưng khi tập hát, vẫn được mọi ca trưởng phấn chấn hát theo rôm rả, vì chưa ai quan tâm đến giới ca trưởng, nên lần quan tâm này, đi kèm nhiều sự chăm sóc là một ca hiệu lạ thường: không có tính hành khúc, tính kinh nhạc hoặc tính châm ngôn, tuyên tín, tuyên bố, quyết tâm hay tuyên truyền mà là một ca khúc ngọt ngào mang tính tự sự, khái quát hóa nghề nghiệp, nỗi lòng, những khó khăn, những nỗi niềm hay tâm sự và cả những quyết tâm nho nhỏ của ca trưởng. Tất cả làm thành những giai tiết ngọt ngào, sâu lắng đức tin, vui tươi, trẻ trung, dễ hát và có thể hát mọi nơi, kể cả lúc buồn nhất, ca trưởng vẫn có thể hát với tính cách ủi an thư giãn. Một loại nhạc hiệu đặc chủng.

Bài thuyết trình thứ hai được nhạc sĩ Ngô Ngọc Thắng và nhạc sĩ Hải Nguyễn trình bày ngắn gọn.

Ăn trưa và thư giãn dưới hội trường vào lúc 11g

12g sinh hoạt trở lại bằng cuộc giao lưu giữa các ca trưởng với các nhạc sĩ.

Bài thuyết trình thứ ba do Thạc sĩ Trung Nhân, Giảng vỉên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, kiêm Phó tổng biên tập Nguyệt san THÁNH NHẠC NGÀY NAY, kiêm tổng đạo diễn chương trình Ngày Ca trưởng, nói về những phương tiện hỗ trợ “Cách hát mới”; Ca truởng Cao Xuân Vỹ nói về quyển Sách hát chung do THÁNH NHẠC NGÀY NAY sẽ xuất bản vào đầu tháng 1 năm 2007; Nhạc sĩ Nguyên Hùng (Nguyễn Hùng Lân) giới thiệu trang web www.thanhnhacngaynay.net giới thiệu với các ca trưởng sự ích lợi trong việc sử dụng các website để tìm bài hát. Với lối trình bày gãy gọn khúc chiết, nhạc sĩ Nguyên Hùng chỉ dành ra đôi ba phút mà đã phác họa được tất cả chiều sâu và tính hiện đại của THÁNH NHẠC NGÀY NAY, lôi cuốn các ca trưởng vào không gian thoáng đãng của thế giới tiến bộ.

13g Thánh lễ đồng tế do linh mục nhạc sĩ Thiên Ý và quý linh mục trưởng ban thánh nhạc một số giáo phận cùng với các linh mục nhạc sĩ cử hành. Linh mục nhạc sĩ Tiến Lộc phát hiện có sự trùng hợp lạ lùng:

- Mỗi vị linh mục đồng tế là một đại diện của giáo phận mình, vì mỗi vị thuộc về một giáo phận.

Sau thánh lễ là niệm hương tưởng nhớ các ca trưởng quá cố. Vài lời dẫn ý của nhạc sĩ Ngô Ngọc Thắng, mọi người dành một phút mặc niệm cách trang nghiêm; mặc niệm xong đại diện giới ca trưởng đọc tặng các ca trưởng quá cố câu đối:

"Sống quảng đại lặng thầm, không danh không tướng nơi trần thế, cam lòng tổn hao như ngọn nến: để tròn tấu thánh ca sống.

Chết siêu thăng vinh hiển, có tuổi có tên chốn vĩnh hằng, trọn dạ son sắt tựa vầng hồng: cho vẹn bày bài hát dâng."

Tất cả ca trưởng có mặt đều lên cắm nhang tưởng niệm. Đi đầu có Ca trưởng Đinh Thiện Bản, giảng dạy tai trung tâm đào tạo ca trưởng đặt tại Nhà thờ Chúa Cứu thế, nữ ca trưởng Tố Ngọc, phụ trách ca đoàn Giáo lý rất danh tiếng tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài gòn…

Nghi thức “Ra đi” với bài hát “Xin đốt cháy con đi!” đã kết thúc Ngày Ca trưởng lần thứ nhất, một Ngày Ca trưởng được “tổ chức để lấy ngày”, cách nói nửa chơi thật của nhạc sĩ Cao Huy Hoàng, cũng vừa là để khởi đầu cho một nhịp sống mới, một dòng thác lớn đầy tiềm năng và sức mạnh của nền thánh nhạc VN.

Mọi người tham dự đứng đầy các bậc cửa chính nhà thờ, chụp ảnh lưu niệm dưới tấm băng-rôn vải nền đỏ, chữ trắng trang trọng treo trước cửa chính nhà thờ do Ban mục vụ Hội đồng giáo xứ Tân Sa Châu thực hiện: “Ngày Ca trưởng toàn quốc lần thứ nhất 22-11-2006 (Lễ Thánh Nữ Cêcilia)”. Tất cả chia tay ra về trong lưu luyến hẹn nhau Ngày Ca trưởng lần thứ hai vào thứ năm ngày 22.11.2007 cũng tại nơi này...

Đúng vậy! Đây chỉ là nhịp khởi đầu của bản đại hòa tấu. Mọi chuyện còn ở phía trước. Rất nhiều việc, công việc rất đa dạng và nhiều công cuộc đầy hứa hẹn mà Ban Tổ chức phải làm cho giới ca trưởng VN trong và ngoài nước.

Bên lề cuộc lễ còn có nhiều người đóng góp rất nhiều ý kiến nóng hổi, bổ ích nhằm chung tay góp sức, vì biết Ban Tổ chức lần đầu tiên làm một việc vừa mới mẽ, vừa hàm chứa nhiều rủi ro và thách thức. Những ý kiến chan chứa yêu thương, thấm đẫm tình hiệp nhất, đầy tính san sẻ và thể hiện ước muốn đóng góp một tay đã được gửi đến Ban Tổ chức, trong đó có nữ tu Mai Thành gửi lên bàn thuyết trình một tờ giấy nho nhỏ nội dung nhắc nhở: “Tóm bớt bài thuyết trình… Diễn giả đơn điệu, nên xen kẻ bằng minh họa cho sinh động…”; linh mục nhạc sĩ Minh Anh (Huế) chỉ vào cảnh các ca trưởng nhộn nhịp tiến vào nhà thờ:

- Chỉ cần có người quan tâm đến họ (ca trưởng) là họ đáp ứng như thế đấy!”.

Riêng nói về sự đóng góp, nếu đã ngưỡng phục và biết ơn thái độ cởi mở, quảng đại và đầy tình huynh đệ của linh mục chánh xứ Nguyễn Hữu Triết (nhạc sĩ Nguyên Hữu) và linh mục phó xứ Nguyễn Quốc Thắng trẻ trung, tài giỏi và năng động, thì không thể không cảm phục những nghĩa cử hào phóng, lòng hiếu khách, tính cách nhiệt thành, vui tươi và tình bác ái của Hội đồng Mục vụ giáo xứ Tân Sa Châu thể hiện qua sự đón tiếp nồng hậu, giúp đỡ tận tình cho việc tổ chức từ khi chuẩn bị cho đến tận lúc kết thúc.

Còn nhiều lắm những sự đóng góp âm thầm nhưng rất quan trọng và cao cả khiến Ban Tổ chức như được bồi bổ làm tăng thêm sức mạnh.

Tuy nhiên, điều mà Ban Tổ chức cảm thấy xấu hổ chính là tự nhận thấy bản thân mình không đủ sức đáp ứng sự mong mỏi, sự nhiệt thành và mối quan tâm của giới ca trưởng trong và ngoài nước thể hiện qua hơn 300 ca trưởng hiện diện; càng xấu hổ hơn khi thấy nhiều linh mục trưởng ban thánh nhạc, linh mục chánh xứ… từ xa dắt díu các ca trưởng từ nhiều nơi trong cả nước lặn lội về dự Ngày Ca trưởng; làm sao yên tâm khi thấy các linh mục như linh mục Nguyễn Hoàng An ở Bắc Ninh, linh mục Nguyễn Công Bình tận giáo phận Vinh, linh mục nhạc sĩ khách mời ở tận Quy Nhơn là La Thập Tự, linh mục nhạc sĩ Minh Anh ở Huế, linh mục Hoàng Kim Tốt ở Phan Thiết, linh mục Nguyễn Văn Gioan ở Đà Lạt, nhạc sĩ Hải Ánh từ Mỹ về… cũng có những linh mục vì quan tâm, muốn gửi gắm cho Ban Tổ chức sự cổ vũ tận tình bằng sự hiện diện như linh mục Nguyễn Văn Doanh. Ngoài ra cũng có vị, tuy không dự được cũng đã có lời động viên và thể hiện tình cảm quý mến như linh mục Đinh Huy Hưởng bằng quà tặng.

Ý thức mình còn non kém và khả năng chưa đủ sức đáp ứng nhiệt tình đối với mọi tầng lớp người tham dự nhất là giới ca trưởng, nên Ban Tổ chức cố gắng làm hết sức mình; phần còn lại, van xin Mẹ Maria cầu cùng Chúa thương bổ túc cho như xưa ở tiệc cưới Cana.

“- Con ơi! nhà này hết rượu rồi”

Chúa sẽ làm tiếp những gì chúng tôi còn thiếu; sẽ giải gỡ những gì chúng tôi bị bế tắc và sửa sai những gì chúng tôi lỡ làm hư hỏng.

Còn bây giờ, chúng tôi xin chịu mắc nợ quý ca trưởng.

Nhất quyết phải nghĩ cho ra cách trả món nợ này cho thật sớm và thật chu đáo.