SỐNG TRONG THỬ THÁCH
Vụ Đức Thánh Cha Benedictô XVI bị thế giới Hồi giáo phản đối dữ dội là một sự kiện bất ngờ. Nay khủng hoảng đó kể như đã lắng dịu.
Dù sao, cơn đau vẫn còn âm ỉ trong lòng Giáo Hội. Đối với một số người có lòng sùng kính Đức Mẹ, thì biến cố vừa qua được kể như một khởi đầu cho những chuỗi dài tai hoạ, mà Đức Mẹ đã cảnh báo ở Fatima.
1/ Hướng suy nghĩ hợp lý
Tất nhiên, một biến cố thời sự có thể trở nên đề tài cho nhiều hướng suy nghĩ khác nhau. Là người sống đức tin, chúng ta nên chọn hướng suy nghĩ nào hợp với lịch sử cứu độ hơn cả.
Nếu đúng phải thế, thì chúng ta nên coi biến cố đau buồn vừa qua là một thử thách.
Chúa dùng thử thách này, để đánh thức lương tâm chúng ta. Đánh thức và gọi con cái Chúa hãy nhận ra rằng: Hội Thánh và thế giới hiện nay đang rất cần đón nhận ơn cứu chuộc. Ơn cứu chuộc sẽ không thể tìm được ở đâu ngoài Chúa Giêsu trên thánh giá.
Mọi con cái Chúa đều được kêu mời bước theo Đấng Cứu thế. Hãy thông phần vào chương trình cứu chuộc của Người. Mỗi người mỗi cách. Nhưng cách nào cũng vẫn là con đường thánh giá.
Với suy nghĩ trên đây và với chút kinh nghiệm riêng tư, tôi chắc rằng:
a) Số người bị thử thách sẽ tăng
Họ là ai? Thưa nói chung là mọi người trên thế giới. Nhưng nhất là các đấng bậc và các thành phần ưu tú trong Hội Thánh. Nay người mai ta.
b) Các thứ thử thách sẽ tăng
Nếu ai hỏi tôi: Những thử thách đó sẽ cụ thể thế nào? Thì tôi chỉ xin nêu lên vài hình ảnh cụ thể nơi Chúa Giêsu xưa. Từ đó có thể đoán được bước đi của những người môn đệ Người, hôm nay và sau nay, tại đây và khắp nơi.
2) Những thử thách cụ thể
a) Buồn sầu sợ hãi
Phúc Âm thánh Luca thuật lại rằng: Tại vườn Cây Dầu, "Chúa Giêsu quỳ gối cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha. Bấy giờ có thiên thần từ trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến sợ hãi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất" (Lc 22,41-44).
Có ai đã lâm vào cảnh buồn sầu sợ hãi y hệt cơn thử thách trên đây của Chúa Giêsu chưa? Điều đó chúng ta không biết. Nhưng tôi chắc nhiều người đã được nếm phần nào cơn cô đơn xao xuyến đó. Nhất là các vị mang trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên Chúa trao cho.
Các vị không ngừng thao thức tìm ý Chúa và cố gắng thực thi ý Chúa. Nhưng biết ý Chúa và thực thi ý Chúa để cứu các linh hồn là công việc không dễ dàng. Dù với thiện chí tới đâu, các vị nhiều khi cũng cảm thấy sợ hãi lo âu. Một sự sợ hãi lo âu đầy cô đơn. Cầu nguyện với Chúa, thì xem ra Chúa làm thinh. Muốn chia sẻ với bạn bè, thì chẳng biết ai đây. Một mình vật lộn với những buồn sầu sợ hãi, đó là một thử thách có thể đưa con người tới những hao mòn kiệt quệ. Nếu đó là ý Chúa, thì người môn đệ Chúa sẽ vượt qua, nhưng với vô vàn đau đớn, lặng thinh, triền miên, sâu thẳm.
b) Bị phỉ báng khinh chê
Phúc Âm thánh Matthêu, khi thuật lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đã ghi lại một chi tiết về sự người ta làm nhục Người: "Họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người và nói: Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng ta nghe đi: Ai đánh ông đó" (Mt 26,67).
Chúa Giêsu là Đấng cực thánh, mà còn để cho người ta nhục mạ phỉ báng như thế. Đó là một giá để cứu chuộc nhân loại. Người đã đi trước làm gương cho các môn đệ của Người.
Như tôi, tội lỗi đầy mình, nếu phải chịu phỉ báng khinh chê đến mức nào, thì cũng đáng tội. Còn những người đạo đức, mà bị nhục mạ, thì đúng là bị thử thách.
Cách đây không lâu, tôi nhận được một cú điện thoại. Từ đầu dây, một giọng nói quát mắng: "Ông là giám mục hả. Làm giám mục để bao che mấy ông linh mục tội lỗi, mà không biết xấu hổ à. Ông chết đi cho rồi". Tôi biết đó là một giáo dân không xa lạ.
Với những lời đó, một cơn mây mù lạnh lẽo vô hình bao phủ tâm hồn tôi. Tôi nghĩ tới các giám mục, linh mục cũng đã và đang bị nhục mạ cách này cách nọ. Trong âm thầm, tôi cầu nguyện xin Chúa nâng đỡ các ngài.
c) Vác thánh giá
Phúc Âm thuật lại rằng: "Quân lính điệu Đức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Núi Sọ, tại đó họ đóng đinh Người vào thập giá" (Ga 19,16-18).
Nhìn Chúa Giêsu vác thánh giá và bị đóng đinh vào thánh giá, tôi tự hỏi: Chúa Giêsu không còn cách nào khác, để cứu chuộc nhân loại và tỏ bày sự hiến dâng trọn vẹn của Người sao? Tôi không dám nghĩ thay Chúa. Nhưng điều gì Chúa đã chọn thì phải kể là tốt nhất.
Chúa Giêsu đã chọn cho Người con đường thánh giá. Người cũng muốn các môn đệ của Người chia sẻ lựa chọn đó.
Ý thức như vậy, tôi nhìn thánh giá Chúa gởi đến là một thứ thuốc của tình thương cứu độ. Thánh giá của mỗi người là những khổ đau do nhiều yếu tố gây nên. Như những bệnh tật, những yếu đuối, những thiếu thốn, những giới hạn, những bất toàn, những vất vả do trách nhiệm, những lo âu do thông cảm, và muôn vàn khổ đau liên đới gặp trên đường đời.
d) Đổi mới chính mình qua thánh giá
Phúc Âm thánh Luca thuật lại lời Chúa Giêsu nói với hai môn đệ trên đường Emmau: "Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24,26).
Lời Chúa phán trên đây đã, đang và sẽ giúp chúng ta tin tưởng: Chịu khổ hình thánh giá là một điều kiện để đổi mới mình ta và Hội Thánh ta. Nên coi đó là một vinh quang.
Chia sẻ trên đây của tôi rút ra từ tinh thần tháng Mười.
Một tháng Mười xưa có biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima với nhiều cảnh báo.
Một tháng Mười xưa có lễ Đức Mẹ Mân Côi được thiết lập để nhớ lại sự Đức Mẹ đã cứu nhân loại khỏi cơn thử thách ngặt nghèo.
Một tháng Mười nay đang xảy ra nhiều tai hoạ khắp nơi và nhiều đổi mới rất phức tạp.
Xin Đức Mẹ giúp Hội Thánh và mỗi người chúng ta biết sống trong mọi thử thách với tinh thần tỉnh thức, phấn đấu, khôn ngoan, đặc biệt là biết cầu nguyện, sám hối, đổi mới mình, tuyệt đối phó thác mình trong tay Chúa giàu lòng thương xót.