“Chúng ta phải biết đem các biến cố của cuộc sống hàng ngày của mình vào trong lời cầu nguyện, để tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn của chúng,” nhờ đó, ”chúng ta sẽ có thể sống với lòng thanh thản, can đảm, và niềm vui trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc đời.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 30 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 18 tháng 4 năm 2012 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Lần này ĐTC nói về lời cầu nguyện của Cộng Đồng Kitô hữu tiên khởi trong Sách Tông Đồ Công Vụ sau khi Thánh Phêrô và Gioan bị bắt và được trả tự do vì rao giảng Đức Kitô Phục Sinh.

* * * * *


Anh chị em thân mến,

Sau những ngày Đại Lễ, giờ đây chúng ta trở lại với bài giáo lý về cầu nguyện. Trong buổi triều yết trước Tuần Thánh, chúng ta đã ngừng lại ở hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, hiện diện giữa các tông đồ trong cầu nguyện lúc mong chờ Chúa Thánh Thần ngự đến. Một bầu khí cầu nguyện đi kèm theo những bước đầu tiên của Hội Thánh. Lễ Hiện Xuống không phải là một biến cố cô lập, vì sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần hướng dẫn và làm sinh động một cách liên tục con đường của cộng đồng Kitô hữu. Thực ra, trong sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Luca, không những chỉ nói về việc hiện xuống cả thể của Chúa Thánh Thần xảy ra trong Nhà Tiệc Ly năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua (x. Cv 2:1-13), mà còn tường thuật về những cuộc hiện xuống đặc biệt khác của Chúa Thánh Thần, là Đấng trở lại trong lịch sử của Hội Thánh. Và hôm nay tôi muốn ngừng lại ở điều đã được gọi là “Lễ Hiện Xuống nhỏ”, xảy ra ở sau một giai đoạn khó khăn trong đời sống Hội Thánh thời sơ khai.

Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng, sau khi chữa lành một người bất toại ở Đền Thờ Giêrusalem (x. Cv 3:1-10), Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã bị bắt (Cv 4.1) vì công bố việc Phục Sinh của Chúa Giêsu cho toàn thể dân chúng (x. Cv 3,11-26). Sau một phiên tòa ngắn, các ngài đã được trả tự do, các ngài đến cùng các anh em mình và cho họ biết hai ngài đã phải chịu đau khổ vì làm chứng về việc Phục Sinh của Chúa Giêsu như thế nào. Vào lúc ấy, Thánh Luca kể, “họ cùng nhau một lòng dâng lời lên cùng Thiên Chúa” (Cv 4,24). Ở đây Thánh Luca ghi lại lời cầu nguyện rất phong phú của Hội Thánh mà chúng ta tìm thấy trong Tân Ước, ở cuối lời cầu nguyện đó, như chúng ta đã được nghe, “nơi mà họ đã đang tụ họp cùng nhau bị rung chuyển, và tất cả đều được đầy Thánh Thần, cùng mạnh dạn công bố Lời Chúa” ( Cv 4:31).

Trước khi xét đến lời cầu nguyện xinh đẹp này, chúng ta ghi nhận một thái độ quan trọng căn bản: trước sự nguy hiểm, khó khăn, đe dọa, các Kitô hữu của cộng đồng tiên khởi không cố gắng phân tích xem phải phản ứng ra sao, tìm các chiến thuật nào, phải tự bảo vệ hay dùng biện pháp nào, nhưng trước thử thách họ bắt đầu trong cầu nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa.

Và lời cầu nguyện này có đặc tính gì? Đây là một lời cầu nguyện thống nhất và đồng tâm nhất trí của toàn thể cộng đồng, phải đối diện với một hoàn cảnh bị bách hại vì Chúa Giêsu.

Trong bản Hy Lạp nguyên thủy, Thánh Luca sử dụng từ “homothumadon” - “tất cả cùng nhau”, “đồng tâm nhất trí” - một thuật ngữ xuất hiện trong các phần khác của Sách Tông Đồ Công Vụ để nhấn mạnh về lời cầu nguyện kiên trì và thống nhất này (x. Cv 1:14, 2:46). Sự đồng tâm nhất trí này là yếu tố quan trọng của cộng đồng tiên khởi và luôn luôn là điều căn bản của Hội Thánh. Khi ấy, nó không những chỉ là lời cầu nguyện của Thánh Phêrô và Thánh Gioan, là những vị đã thấy mình gặp nguy hiểm, nhưng của cả cộng đồng, vì kinh nghiệm của hai Tông Đồ không chỉ lien quan đến các ngài, nhưng đến toàn thể Hội Thánh. Đối diện với cuộc bách hại vì Chúa Giêsu, cộng đồng không những không sợ hãi và không bị phân chia, nhưng hiệp nhất một cách sâu xa trong cầu nguyện, họ hành động như một người để kêu cầu cùng Chúa. Tôi có thể nói rằng đây là phép lạ đầu tiên xảy ra khi các tín hữu bị thử thách vì đức tin của mình: sự hiệp nhất được tăng cường, thay vì bị tổn thương, bởi vì được hỗ trợ bằng việc kiên tâm cầu nguyện. Hội Thánh không cần phải sợ sự bách hại là điều cần phải trải qua trong lịch sử của mình, nhưng luôn luôn tín thác, như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, trong sự hiện diện, sự giúp đỡ và quyền năng của Thiên Chúa, được cầu khẩn trong cầu nguyện.

Hãy đi một bước nữa: cộng đồng Kitô hữu xin Thiên Chúa điều gì trong lúc thử thách này? Họ không xin Ngài sự an toàn của đời sống trước cơn bách hại, hoặc xin Chúa trả thù những kẻ đã bắt giữ Thánh Phêrô và Thánh Gioan, nhưng chỉ xin Ngài cho phép họ “rao giảng với hết lòng can trường” Lời Chúa (x. Cv 4:29), có nghĩa là xin Ngài vui lòng đừng để họ mất long can đảm về đức tin, lòng can đảm tuyên xưng đức tin. Nhưng trước đó, họ tìm cách hiểu sâu xa hơn những gì đã xảy ra, cố gắng đọc các biến cố theo ánh sáng đức tin và làm cho nó thành của riêng mình qua Lời Chúa, là điều làm cho chúng ta giải đoán được thực tại của thế giới.

Trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa từ cộng đồng để nhớ lại và cầu khẩn sự cao cả và bao la của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó” (Cv 4:24). Đây là lời cầu khẩn Đấng Tạo Hóa, chúng ta biết rằng tất cả mọi sự đều đến từ Ngài, rằng tất cả mọi sự đều ở trong tay Ngài. Chính trong ý thức này mà chúng ta tìm thấy sự chắc chắn và lòng can đảm: tất cả mọi sự đều đến từ Ngài, tất cả mọi sự đều ở trong tay Ngài. Sau đó, họ nhận ra Thiên Chúa đã hành động trong lịch sử thế nào – cho nên họ bắt đầu với việc tạo dựng và tiếp tục trong lịch sử - Ngài đã gần gũi với dân Ngài thế nào để tỏ mình là một Thiên Chúa quan tâm đến loài người, không nghỉ ngơi và không bỏ rơi con người, tạo vật của Ngài. Và ở đây họ nhắc đến Thánh Vịnh 2 một cách rõ ràng, được đọc trong ánh sáng của hoàn cảnh khó khăn mà Hội Thánh đang sốngvào thời điểm ấy. Thánh Vịnh 2 mừng lễ đăng quang của vua nước Giuđa, nhưng nó được đề cập đến một cách tiên tri, về việc Đấng Thiên Sai đến, mà không cuộc nổi loạn, bách hại, hay ngược đãi nào của loài người có thể làm được gì để chống lại Người: “Tại sao Dân Ngoại lại nổi giận, và dân chúng bày chuyện viển vông? Vua chúa thế gian cùng đứng lên và các lãnh chúa đều hợp lại, chống lại Chúa và Ðấng Được Xức Dầu của Ngài.” (Cv 4,25). Thánh Vịnh đã nói về điều này, một cách tiên tri, về đề tài Đấng Cứu Thế và cuộc nổi loạn ấy chống lại quyền năng cao cả của Thiên Chúa, là điều đặc trưng trong suốt lịch sử. Chỉ bằng cách đọc Thánh Kinh, là Lời Chúa, cộng đồng có thể thưa cùng Thiên Chúa trong kinh nguyện của mình: “Vì thật sự chúng đã kết hợp trong thành này để chống lại Thánh Tớ của Ngài, Chúa Giêsu, là Ðấng Ngài đã xức dầu,… để thực hiện tất cả những gì mà trong quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài, Ngài đã tiền định phải xảy ra” (Cv 4,27). Các biến cố được đọc trong ánh sáng của Đức Kitô, Đấng là chìa khóa để hiểu ngay cả việc bách hại, và trong ánh sáng của Thánh Giá, điều luôn là chìa khóa để hiểu biến cố Phục Sinh. Việc chống lại Chúa Giêsu, Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Người, được đọc lại qua Thánh Vịnh 2, như việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa Cha để cứu độ thế gian. Và đây là ý nghĩa của kinh nghiệm về cuộc bách hại mà cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã trải qua. Cộng đống tiên khởi này khôngđơn thuần chỉ là một hội đoàn, nhưng một cộng đồng sống trong Đức Kitô. Điều xảy ra cho Người là một phần của kế hoạch của Thiên Chúa. Như đã điều ấy xảy ra cho Chúa Giêsu thế nào, thì các môn đệ cũng gặp phải sự chống đối, hiểu lầm và bách hại như thế. Trong cầu nguyện, việc suy niệm về Thánh Kinh theo ánh sáng của mầu nhiệm Đức Kitô, giúp chúng ta đọc thực trạng hiên nay trong lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trong thế gian, luôn luôn theo cách của Ngài.

Đó chính là lý do tại sao lời cầu xin mà cộng đồng Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem đã công thức hóa để thưa cùng Thiên Chúa khi cầu nguyện không phải là xin được bảo vệ, được thoát khỏi cơn thử thách và đau khổ, đó cũng không phải cầu xin cho thành công, nhưng chỉ để công bố Lời Chúa cách “parrhesia”, nghĩa là, thẳng thắn, với sự tự do, với lòng can đảm (x. Cv 4:29).

Rồi họ xin thêm rằng việc công bố này được kèm theo bởi bàn tay Thiên Chúa, là bàn tay thực hiện các việc chữa lành, các dấu lạ và các việc kỳ diệu (Cv 4:30), nghĩa là để cho người ta thấy sự tốt lành của Thiên Chúa, như một động lực có thể biến đổi thực tại, thay đổi tâm hồn, trí khôn, cuộc sống con người và mang lại sự mới mẻ hoàn toàn của Tin Mừng.

Ở cuối lời cầu nguyện - Thánh Luca viết – “nơi họ tụ họp bị rung chuyển, và tất cả đều được đầy Chúa Thánh Thần, và mạnh dạn công bố Lời Thiên Chúa” (Cv 4:31); nơi ấy bị rung chuyển, có nghĩa là đức tin có sức mạnh biến đổi trái đất và thế giới. Chúa Thánh Thần, Đấng đã nói qua Thánh Vịnh 2, trong lời cầu nguyện của Hội Thánh, đã tràn vào nhà và đổ đầy tâm hồn tất cả những ai kêu cầu Chúa. Đó là kết quả của lời cầu nguyện tình mà cộng đồng Kitô hữu dâng lên Thiên Chúa: sự tuôn đổ Thánh Thần, hồng ân của Đấng Phục Sinh, là Đấng đã nâng đỡ và hướng dẫn việc công bố cách tự do và can đảm Lời của Thiên Chúa, là Đấng thúc đẩy các môn đệ của Chúa đi ra đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất mà không sợ hãi.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng thế, chúng ta phải biết đem các biến cố của cuộc sống hàng ngày của mình vào trong lời cầu nguyện, để tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn của chúng. Và như cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, chúng ta cũng để cho mình được Lời Chúa soi sáng. Qua việc suy niệm Thánh Kinh, chúng ta có thể học để thấy rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời của mình, và cũng hiện diện trong những lúc khó khăn, và rằng tất cả mọi sự - kể cả những điều không thể hiểu được - là một phần của một kế hoạch yêu thương cao cả hơn, trong đó chiến thắng cuối cùng trên sự dữ, tội lỗi và cái chết thật sự là lòng nhân lành, ân sủng và sự sống của Thiên Chúa.

Cũng như cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, việc cầu nguyện giúp chúng ta đọc lịch sử cá nhân và tập thể của chúng ta trong một viễn cảnh công bằng hơn và trung tín hơn, là viễn cảnh của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng muốn đổi mới lời cầu nguyên của mình bằng cách cầu xin hồng ân Chúa Thánh Thần, để hồng ân này sưởi ấm lòng chúng ta cùng soi sáng tâm trí chúng ta để nhận ra Thiên Chúa đáp lại lời cầu xin của chúng ta theo ý muốn yêu thương của Ngài như thế nào, chứ không theo ý tưởng của chúng ta. Được dẫn dắt bởi Thần Khí của Đức Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ có thể sống với lòng thanh thản, can đảm, và niềm vui trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc đời, và chúng ta có thể cùng với Thánh Phaolô khoe khoang rằng: “những gian khổ, khi biết rõ rằng gian khổ tạo ra kiên nhẫn, và kiên nhẫn đưa đến chịu đựng, và chịu đựng đưa đến hy vọng”: Hy vọng này “không làm chúng ta thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào tâm hồn chúng ta, qua Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta” (Rm 5:3-5). Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

http://giaoly.org/vn