(CNA 23/9/2006) Diễn từ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tại Đại Học Regensburg, bài diễn từ đã được đón nhận với những vụ phản đối bạo động tại nhiều nơi trên thế giới, thực sự đã mở ra những kênh đối thoại thực sự với Hồi Giáo. Ông Reuel Marc Gerecht, chủ bút tờ Wall Street Journal đã nhận định như trên trong bài xã luận đăng trên tờ Wall Street Journal số ra 21/9/2006.

Gerecht, một thành viên American Enterprise Institute, coi diễn từ của Đức Thánh Cha tại Đại Học Regensburg là “một lời mời gọi thay đổi lối nói dễ nghe trong đối thoại ‘liên tôn’”

“Từ sau vụ khủng bố 11/9, bài diễn từ của ngài là một trong số rất ít các khuôn mặt Tây phương nhấn mạnh đến những vấn nạn trầm kha về linh đạo và văn hóa bên trong thế giới Hồi Giáo”.

Gerecht thúc giục những người Hồi Giáo và thế giới Tây phương hãy can đảm chấp nhận lời mời gọi của Đức Thánh Cha cho một cuộc đối thoại “thẳng thắn dù phải trải qua đau đớn”, và than trách phản ứng nhanh chóng của Tây phương trong những ngày qua muốn tránh đi một cuộc đối đầu.

“Không ai muốn xúc phạm ai, và vì thế chúng ta chọn một thái độ công khai tránh né, hy vọng cuộc đối thoại thiện chí, không đối đầu, trong đó chỉ trích tất cả hành vi ‘của chúng ta’ có thể gây ra xúc phạm trong khi chúng ta lại đánh giá thấp ‘họ’, sẽ cách nào đó dẫn đến một thế giới hòa bình và liên đới”.

“Chúng ta hãy thẳng thắn: Tuyệt đối không có điều gì trong diễn từ của Đức Thánh Cha là không thích hợp hay không liên quan đến một cuộc thảo luận văn minh về các tôn giáo và về luân lý”.

Gerecht khẳng định rằng đa số người Tây phương và cả đa số người Hồi Giáo biết rất rõ “những sai trái” bên trong Hồi Giáo nhưng nén lại trong lòng không dám nói ra công khai. Chính vì thế các nhà lãnh đạo Hồi Giáo thường cố tình lẩn tránh việc thảo luận công khai về chính niềm tin của họ.

Theo ông Gerecht, Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra hai tính cách biểu trưng của Hồi Giáo hình thành ra mối quan hệ với thế giới.

“Trước hết, tiên tri Muhammad, gương mẫu của tất cả những người Hồi Giáo đã truyền bá đức tin bằng chiến tranh và chinh phạt. Thứ hai là hình ảnh của Thiên Chúa trong đạo Hồi. . là một biểu tượng rõ rệt cho về ý chí vô hạn, toàn năng hơn hình ảnh Thiên Chúa trong Kitô Giáo”.

“Khi người Hồi Giáo cấp tiến tin vào hình ảnh Thiên Chúa đáng sợ này, niềm tin đó có thể nhanh chóng hình thành luân lý ‘thông thường’, trong đó cho phép những người thanh niên trẻ tin rằng việc sát hại đàn bà và trẻ con không có gì là gớm ghiếc”.

“Theo nghĩa đó, chủ nghĩa thánh chiến Hồi Giáo, giống như chủ nghĩa Phát Xít, đang viết lại DNA luân lý của chúng ta, coi tội lỗi như là nhân đức”.

“Chúng ta cần đối thoại và lý sự với họ về những vấn đề này. Chúng ta hãy ngưng coi những người Hồi Giáo là con nít và hãy thẳng thắn đối thoại với họ”.

“Về phần mình, Đức Bênêđíctô XVI chí ít cũng đã đặt ra những vấn nạn không thể tránh né này, những vấn nạn xác định bất cứ một cuộc thảo luận có ích nào. Khi nói Đức Thánh Cha nên tỏ ra ngoại giao hơn, người Tây phương đang thực sự làm hại người Hồi Giáo với một thành kiến chết người là luôn luôn đánh giá thấp họ, luôn luôn tránh né bất cứ một cuộc đối thoại ngang hàng và thẳng thắn với họ”.