ĐỒNG HƯƠNG GIÚP ĐỒNG HƯƠNG
Đọc tựa đề bài viết này, có lẽ nguời bi quan không thể không buột miệng kêu lên: “Đồng hương giết đồng hương” thì có, chứ làm gì có chuyện “Đồng Hương Giúp Đồng Hương”.
Sở dĩ có người bi quan như thế là vì lâu nay trong Cộng Đồng người Việt ở hải ngoại họ chứng kiến những màn đả kích nhau, trên báo chí, truyền thanh, ngoài đường, trong tiệm, và ở nhiều hang cùng ngỏ hẽm. Người Nhật phê bình hễ nơi nào có trên 3 người Việt, nơi đó có bất đồng. Tuy thích lập hội hè, nhưng người Việt mình ít làm việc chung với nhau, được lâu. Bất đồng ý kiến sinh ra bất hòa thì hội rả đám, mỗi người ra lập hội khác. Rả đám đôi khi cũng vì thành phần lãnh đạo đã lạm dụng tiền đóng góp của hội viên cho việc tư riêng gia đình và vài hội bị thụt két. Chính vì thế mà hầu như tổ chức nào trong Cộng Đồng chúng ta đâu đâu cũng đều sinh đôi sinh ba, ngay cả trong tôn giáo hay vài hội ái hữu trường học và tổ chức bác ái xã hội cũng bị khủng hoảng lãnh đạo và lây bệnh “chia rẽ” trầm kha này.
Trong sinh hoạt hằng ngày, không ít dịch vụ bác ái, xã hội, văn hóa, học vấn, pháp lý, chính trị, y tế hay hậu sự trong Cộng Đồng chúng ta cũng đã bị thương mại hóa quá đáng, đưa đến hậu quả cạnh tranh vô bổ, không cần thiết. Trong mùa bầu cử chúng ta lại nghe nói đồng hương phục vụ đồng hương, bầu đúng cử xứng, nhưng biết bầu chọn ai bây giờ khi có hai hay ba nhóm đồng hương tranh giành nhau một chỗ đứng! Việc ứng cử tranh cử thể hiện tinh thần và quyền tự do dân chủ. Tuy nhiên cử tri đứng đắn không bao giờ bầu cho những ứng cử viên, cho dù họ là đồng hương, đồng đạo hay đồng đảng phái đi chăng nữa, nếu xét thấy ứng viên ấy thiếu tư cách, vô luân, vô loài, vô lương, mị dân, háo danh, ngạo mạng, khinh người, thiên cộng, sử dụng tiền bạc thuê muớn thợ viết báo ca tụng cá nhân mình hay đả kích, dèm pha đối phương!
Ngoài đường thì cũng không thiếu những cảnh trái tai gai mắt”! Đồng hương nhiều khi phải cười ra nước mắt trước cảnh đồng hương tranh giành nhau chỗ đậu xe khi đi chợ, đi xem văn nghệ, đi đám cưới, đám tang, đi nhà thờ, đi chùa, v.v… rồi kết cuộc chửi thề, văng tục, hạ nhục nhau. Mua thức ăn ở vài tiệm “food to go” cũng theo thói “đến sau mà đòi mua trước”, ngang tàng dành chỗ những kẻ lịch sự chờ đợi trước mình. Một vài ngõ hẽm có bảng chỉ dẫn đường một chiều rõ ràng ở hai đầu hẽm thế mà một số đồng hương cứ ung dung lái xe ra vào đại hằng ngày. Nếu có ai nhắc nhở thì lại ưỡn ngực với bộ mặt vênh váo thò tay ra ngoài cửa xe thách thức lầm bầm chửi thề. Những vị này mà được may mắn gọi vào “bồi thẩm đoàn”, chắc chắn sẽ bị quan tòa đồng hương chê trách vì đã là công dân Mỹ lâu năm rồi mà không rành tiếng Anh để được chọn vào dự phiên xử hay thậm chí chỉ để hiểu bảng chỉ dẫn ngoài đường hầu giữ cho đúng luật đi đường, nhưng họ lại nói thông thạo những từ ngữ tiếng Việt chói tai. Một hiện tượng đáng buồn là một số đồng hương mình chỉ tuân giữ luật lệ khi biết mình sẽ bị bắt và bị phạt nếu vi phạm chứ không phải vì tinh thần thượng tôn luật pháp hay biết tự trọng hoặc có ý tôn trọng quyền lợi và sự an toàn của kẻ khác.
Ngay cả việc đậu xe tại khu buôn bán của người Việt cũng là vấn đề nhức nhối. Một số đồng hương vì vô tình hoặc vào lúc sáng sớm thấy vắng người mà lỡ dại đậu xe dọc đường phố gần các tiệm buôn bán và sửa chữa xe hơi thì khi trở ra thế nào cũng bị một hay hai hoặc cả bốn bánh xe của xe mình nằm xẹp lép sát mặt đường. Không phải một xe là nạn nhân mà vài xe gần bên cạnh cũng chịu chung số phận. Rồi tại vài khu dân cư, thỉnh thoảng đồng hương phải chứng kiến cảnh tượng trẻ con Việt Nam đi học về thấy sẵn vài xe đẩy của siêu thị nằm ngổn ngang dọc theo đường liền túm lấy xe rượt đuổi nhau náo loạn rồi sau đó vứt bừa bải, gây phiền hà cho một số cư dân người bản xứ trong xóm có xe đang đậu ngoài đường. Họ rất bực bội, nhứt là khi xe của họ rũi ro bị trầy trụa. Hậu quả là họ mất thiện cảm với mọi người Á Châu cư ngụ trong xóm.
Trong các công tư sở hay đoàn thể, kể cả tổ chức tôn giáo, vài cá nhân hễ có chút quyền hành thì hống hách, tác oai tác quái, độc tài bắt kẻ khác theo ý mình, bất chấp nội quy và nguyên tắc. Còn có người khi lên làm ông bà chủ rồi thì lại bóc lột hay cư xử thậm tệ thợ hay nhân công người đồng hương của mình. Tình trạng này cũng không hiếm. Trong thương trường thì chủ phố lợi dụng thời buổi “cầu nhiều hơn cung” đã mau mắn tăng giá tiền mướn phố mặc dù mọi chi phí bảo trì, thuế má người mướn phải chịu hết, và dĩ nhiên người thuê mướn ấy là đồng hương. Vài trường hợp khi đồng hương ta làm ăn khấm khá mua lại nhiều cơ sở thương mại hay chung cư của người bản xứ liền tăng giá mướn, thuê nhà hay phố buôn bán đối với chính đồng hương mình. Có người bạn kể lại cho biết lúc trước chỉ trả 85 xu một ‘square foot” đến khi cơ sở lọt vào tay chủ người Việt, giá thuê liền vọt từ 85 xu lên trên 2 mỹ kim! Đồng hương ưu đãi đồng hương như thế sao!
Những cảnh tượng vừa kể trên thật mân thuẫn với những điều chúng ta chứng kiến và lắng tai nghe trong những ngày qua, đặc biệt sáng ngày thứ Năm 24-8-2006 vừa qua, khi gia đình, người thân, đồng nghiệp và bạn hữu đã ngậm ngùi tiễn đưa anh Rémi Đỗ NgọcYến đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều cá nhân, đoàn thể người Việt cũng như ngoại quốc đã viết bài hoặc nói về sự nghiệp của anh, ca tụng những đức tính dặc biệt của anh, và nhờ những đức tính này mà anh đã thành công xây dựng và phát huy cơ sở Người Việt to lớn như chúng ta nhìn thấy ngày nay. Vợ con, họ hàng thân thích thương tiếc anh. Những người từng cộng tác làm việc với anh biết ơn anh. Những bạn hữu cảm mến anh. Nhiều người không quen biết anh nhưng cũng tỏ lòng yêu quý anh. Nhà quàn và nhà thờ trong Thánh Lễ tiễn đưa anh chật ních người thăm viếng và dự Lễ đã chứng minh điều này.
Trong Thánh Lễ an tang anh Rémi Đỗ Ngọc Yến, Linh Mục Giuse Nguyễn Thái khi chia sẻ Phúc Âm đã nói, “Xưa kia, cố nhạc sĩ Văn Cao có lần đã viết đại khái như sau, tôi không nhớ rõ lắm, ‘Con tàu đi qua để lại sóng. Đoàn tàu hỏa rời bến để lại tiếng còi. Con người ra đi để lại bóng’. Ông Rémi Đỗ NgọcYến ra đi cũng để lại những đợt sóng ngậm ngùi thương tiếc trong lòng muôn người. Như một huynh trưởng Hướng Đạo Việt Nam ông đã để lại những tiếng còi vang lời kêu gọi yêu nước, thương dân và một lý tưởng sống cao đẹp cho các thế hệ trẻ mai sau. Ông để lại cái bóng ân phúc của từ bi nhân ái đối với vợ con, bạn bè, các nhân viên và mọi người; cái bóng của sự hiểu biết và kiến thức bao phủ tất cả các độc giả của Nhật Báo Người Việt trong và ngoài nước. Ông ra đi đã để lại bóng mát cho đời!”
Có người bảo tôi nếu cộng đồng người Việt mình có được dăm ba anh Đỗ NgọcYến thì sẽ không có những cảnh bi hài kịch được mô tả trên đây! Nói như thế thì bi quan quá vì chả lẽ trong thực tế chúng ta chỉ có mỗi một anh Đỗ NgọcYến mà nay anh ấy không còn nữa! Vậy thì Cộng Đồng ta sẽ ra sao? Tôi nghĩ Cộng Đồng mình còn nhiều anh Đỗ NgọcYến đang âm thầm phục vụ, đặc biệt trong giới trẻ. Họ xả thân hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình, tham gia tích cực nhiều hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ, tự do tôn giáo, bảo tồn và phát huy di sản truyền thống văn hóa, tiếng mẹ đẻ, văn nghệ, bác ái xã hội, không kèn không trống, không xưng hùng xưng bá. Họ là những chiến sĩ vô danh trong mọi môi trường thật đáng khâm phục. Sự ra đi của anh Đỗ Ngọc Yến dĩ nhiên là một mất mát to lớn, nhưng cũng mang lại một niềm hy vọng đối với thế hệ con em chúng ta và đặc biệt thúc đẩy mọi thành phần trong Cộng Đồng người Việt ở hải ngoại phải suy tư trong khi cùng nhau hướng về tương lai của Cộng Đồng và Quê Hương Dân Tộc. Người đồng hương chúng ta học nhiều điều từ anh Đỗ Ngọc Yến và gương anh sáng ngời trong Cộng Đồng người Việt hải ngoại.
Văn Hào người Mỹ William Faulkner đã nói, “Kẻ nào muốn dời một ngọn núi thì hãy khởi sự mang đi những hòn đá nhỏ.” Chúng ta hằng mong ước thăng tiến bộ mặt Cộng Đồng và tạo tình đoàn kết, hợp tác chân thành và hiệp nhứt trong mọi nỗ lực và mục tiêu chung, thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi nhóm nhỏ, mỗi tổ chức ái hữu, mỗi đoàn thể, mỗi hiệp hội, từ môi trường tôn giáo ra đến ngoài xã hội, hãy khởi sự suy nghĩ về ý tưởng mà LM Nguyễn Thái đã nói về người quá cố. Đó là hãy “tập chuyển hóa cái tâm từ bi nhân ái của Phật, của Chúa làm cái tâm của chính mình” trước đã. Thánh Phaolô đã nói, “Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức Mến không bao giờ mất được” (1Cr 13:7,8). Và sách Châm Ngôn của Vua Sa-lô-môn cũng nhắc nhở, “Ghen ghét sinh cãi vã, tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm.”
Đọc tựa đề bài viết này, có lẽ nguời bi quan không thể không buột miệng kêu lên: “Đồng hương giết đồng hương” thì có, chứ làm gì có chuyện “Đồng Hương Giúp Đồng Hương”.
Sở dĩ có người bi quan như thế là vì lâu nay trong Cộng Đồng người Việt ở hải ngoại họ chứng kiến những màn đả kích nhau, trên báo chí, truyền thanh, ngoài đường, trong tiệm, và ở nhiều hang cùng ngỏ hẽm. Người Nhật phê bình hễ nơi nào có trên 3 người Việt, nơi đó có bất đồng. Tuy thích lập hội hè, nhưng người Việt mình ít làm việc chung với nhau, được lâu. Bất đồng ý kiến sinh ra bất hòa thì hội rả đám, mỗi người ra lập hội khác. Rả đám đôi khi cũng vì thành phần lãnh đạo đã lạm dụng tiền đóng góp của hội viên cho việc tư riêng gia đình và vài hội bị thụt két. Chính vì thế mà hầu như tổ chức nào trong Cộng Đồng chúng ta đâu đâu cũng đều sinh đôi sinh ba, ngay cả trong tôn giáo hay vài hội ái hữu trường học và tổ chức bác ái xã hội cũng bị khủng hoảng lãnh đạo và lây bệnh “chia rẽ” trầm kha này.
Trong sinh hoạt hằng ngày, không ít dịch vụ bác ái, xã hội, văn hóa, học vấn, pháp lý, chính trị, y tế hay hậu sự trong Cộng Đồng chúng ta cũng đã bị thương mại hóa quá đáng, đưa đến hậu quả cạnh tranh vô bổ, không cần thiết. Trong mùa bầu cử chúng ta lại nghe nói đồng hương phục vụ đồng hương, bầu đúng cử xứng, nhưng biết bầu chọn ai bây giờ khi có hai hay ba nhóm đồng hương tranh giành nhau một chỗ đứng! Việc ứng cử tranh cử thể hiện tinh thần và quyền tự do dân chủ. Tuy nhiên cử tri đứng đắn không bao giờ bầu cho những ứng cử viên, cho dù họ là đồng hương, đồng đạo hay đồng đảng phái đi chăng nữa, nếu xét thấy ứng viên ấy thiếu tư cách, vô luân, vô loài, vô lương, mị dân, háo danh, ngạo mạng, khinh người, thiên cộng, sử dụng tiền bạc thuê muớn thợ viết báo ca tụng cá nhân mình hay đả kích, dèm pha đối phương!
Ngoài đường thì cũng không thiếu những cảnh trái tai gai mắt”! Đồng hương nhiều khi phải cười ra nước mắt trước cảnh đồng hương tranh giành nhau chỗ đậu xe khi đi chợ, đi xem văn nghệ, đi đám cưới, đám tang, đi nhà thờ, đi chùa, v.v… rồi kết cuộc chửi thề, văng tục, hạ nhục nhau. Mua thức ăn ở vài tiệm “food to go” cũng theo thói “đến sau mà đòi mua trước”, ngang tàng dành chỗ những kẻ lịch sự chờ đợi trước mình. Một vài ngõ hẽm có bảng chỉ dẫn đường một chiều rõ ràng ở hai đầu hẽm thế mà một số đồng hương cứ ung dung lái xe ra vào đại hằng ngày. Nếu có ai nhắc nhở thì lại ưỡn ngực với bộ mặt vênh váo thò tay ra ngoài cửa xe thách thức lầm bầm chửi thề. Những vị này mà được may mắn gọi vào “bồi thẩm đoàn”, chắc chắn sẽ bị quan tòa đồng hương chê trách vì đã là công dân Mỹ lâu năm rồi mà không rành tiếng Anh để được chọn vào dự phiên xử hay thậm chí chỉ để hiểu bảng chỉ dẫn ngoài đường hầu giữ cho đúng luật đi đường, nhưng họ lại nói thông thạo những từ ngữ tiếng Việt chói tai. Một hiện tượng đáng buồn là một số đồng hương mình chỉ tuân giữ luật lệ khi biết mình sẽ bị bắt và bị phạt nếu vi phạm chứ không phải vì tinh thần thượng tôn luật pháp hay biết tự trọng hoặc có ý tôn trọng quyền lợi và sự an toàn của kẻ khác.
Ngay cả việc đậu xe tại khu buôn bán của người Việt cũng là vấn đề nhức nhối. Một số đồng hương vì vô tình hoặc vào lúc sáng sớm thấy vắng người mà lỡ dại đậu xe dọc đường phố gần các tiệm buôn bán và sửa chữa xe hơi thì khi trở ra thế nào cũng bị một hay hai hoặc cả bốn bánh xe của xe mình nằm xẹp lép sát mặt đường. Không phải một xe là nạn nhân mà vài xe gần bên cạnh cũng chịu chung số phận. Rồi tại vài khu dân cư, thỉnh thoảng đồng hương phải chứng kiến cảnh tượng trẻ con Việt Nam đi học về thấy sẵn vài xe đẩy của siêu thị nằm ngổn ngang dọc theo đường liền túm lấy xe rượt đuổi nhau náo loạn rồi sau đó vứt bừa bải, gây phiền hà cho một số cư dân người bản xứ trong xóm có xe đang đậu ngoài đường. Họ rất bực bội, nhứt là khi xe của họ rũi ro bị trầy trụa. Hậu quả là họ mất thiện cảm với mọi người Á Châu cư ngụ trong xóm.
Trong các công tư sở hay đoàn thể, kể cả tổ chức tôn giáo, vài cá nhân hễ có chút quyền hành thì hống hách, tác oai tác quái, độc tài bắt kẻ khác theo ý mình, bất chấp nội quy và nguyên tắc. Còn có người khi lên làm ông bà chủ rồi thì lại bóc lột hay cư xử thậm tệ thợ hay nhân công người đồng hương của mình. Tình trạng này cũng không hiếm. Trong thương trường thì chủ phố lợi dụng thời buổi “cầu nhiều hơn cung” đã mau mắn tăng giá tiền mướn phố mặc dù mọi chi phí bảo trì, thuế má người mướn phải chịu hết, và dĩ nhiên người thuê mướn ấy là đồng hương. Vài trường hợp khi đồng hương ta làm ăn khấm khá mua lại nhiều cơ sở thương mại hay chung cư của người bản xứ liền tăng giá mướn, thuê nhà hay phố buôn bán đối với chính đồng hương mình. Có người bạn kể lại cho biết lúc trước chỉ trả 85 xu một ‘square foot” đến khi cơ sở lọt vào tay chủ người Việt, giá thuê liền vọt từ 85 xu lên trên 2 mỹ kim! Đồng hương ưu đãi đồng hương như thế sao!
Những cảnh tượng vừa kể trên thật mân thuẫn với những điều chúng ta chứng kiến và lắng tai nghe trong những ngày qua, đặc biệt sáng ngày thứ Năm 24-8-2006 vừa qua, khi gia đình, người thân, đồng nghiệp và bạn hữu đã ngậm ngùi tiễn đưa anh Rémi Đỗ NgọcYến đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều cá nhân, đoàn thể người Việt cũng như ngoại quốc đã viết bài hoặc nói về sự nghiệp của anh, ca tụng những đức tính dặc biệt của anh, và nhờ những đức tính này mà anh đã thành công xây dựng và phát huy cơ sở Người Việt to lớn như chúng ta nhìn thấy ngày nay. Vợ con, họ hàng thân thích thương tiếc anh. Những người từng cộng tác làm việc với anh biết ơn anh. Những bạn hữu cảm mến anh. Nhiều người không quen biết anh nhưng cũng tỏ lòng yêu quý anh. Nhà quàn và nhà thờ trong Thánh Lễ tiễn đưa anh chật ních người thăm viếng và dự Lễ đã chứng minh điều này.
Trong Thánh Lễ an tang anh Rémi Đỗ Ngọc Yến, Linh Mục Giuse Nguyễn Thái khi chia sẻ Phúc Âm đã nói, “Xưa kia, cố nhạc sĩ Văn Cao có lần đã viết đại khái như sau, tôi không nhớ rõ lắm, ‘Con tàu đi qua để lại sóng. Đoàn tàu hỏa rời bến để lại tiếng còi. Con người ra đi để lại bóng’. Ông Rémi Đỗ NgọcYến ra đi cũng để lại những đợt sóng ngậm ngùi thương tiếc trong lòng muôn người. Như một huynh trưởng Hướng Đạo Việt Nam ông đã để lại những tiếng còi vang lời kêu gọi yêu nước, thương dân và một lý tưởng sống cao đẹp cho các thế hệ trẻ mai sau. Ông để lại cái bóng ân phúc của từ bi nhân ái đối với vợ con, bạn bè, các nhân viên và mọi người; cái bóng của sự hiểu biết và kiến thức bao phủ tất cả các độc giả của Nhật Báo Người Việt trong và ngoài nước. Ông ra đi đã để lại bóng mát cho đời!”
Có người bảo tôi nếu cộng đồng người Việt mình có được dăm ba anh Đỗ NgọcYến thì sẽ không có những cảnh bi hài kịch được mô tả trên đây! Nói như thế thì bi quan quá vì chả lẽ trong thực tế chúng ta chỉ có mỗi một anh Đỗ NgọcYến mà nay anh ấy không còn nữa! Vậy thì Cộng Đồng ta sẽ ra sao? Tôi nghĩ Cộng Đồng mình còn nhiều anh Đỗ NgọcYến đang âm thầm phục vụ, đặc biệt trong giới trẻ. Họ xả thân hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình, tham gia tích cực nhiều hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ, tự do tôn giáo, bảo tồn và phát huy di sản truyền thống văn hóa, tiếng mẹ đẻ, văn nghệ, bác ái xã hội, không kèn không trống, không xưng hùng xưng bá. Họ là những chiến sĩ vô danh trong mọi môi trường thật đáng khâm phục. Sự ra đi của anh Đỗ Ngọc Yến dĩ nhiên là một mất mát to lớn, nhưng cũng mang lại một niềm hy vọng đối với thế hệ con em chúng ta và đặc biệt thúc đẩy mọi thành phần trong Cộng Đồng người Việt ở hải ngoại phải suy tư trong khi cùng nhau hướng về tương lai của Cộng Đồng và Quê Hương Dân Tộc. Người đồng hương chúng ta học nhiều điều từ anh Đỗ Ngọc Yến và gương anh sáng ngời trong Cộng Đồng người Việt hải ngoại.
Văn Hào người Mỹ William Faulkner đã nói, “Kẻ nào muốn dời một ngọn núi thì hãy khởi sự mang đi những hòn đá nhỏ.” Chúng ta hằng mong ước thăng tiến bộ mặt Cộng Đồng và tạo tình đoàn kết, hợp tác chân thành và hiệp nhứt trong mọi nỗ lực và mục tiêu chung, thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi nhóm nhỏ, mỗi tổ chức ái hữu, mỗi đoàn thể, mỗi hiệp hội, từ môi trường tôn giáo ra đến ngoài xã hội, hãy khởi sự suy nghĩ về ý tưởng mà LM Nguyễn Thái đã nói về người quá cố. Đó là hãy “tập chuyển hóa cái tâm từ bi nhân ái của Phật, của Chúa làm cái tâm của chính mình” trước đã. Thánh Phaolô đã nói, “Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức Mến không bao giờ mất được” (1Cr 13:7,8). Và sách Châm Ngôn của Vua Sa-lô-môn cũng nhắc nhở, “Ghen ghét sinh cãi vã, tình yêu khỏa lấp mọi lỗi lầm.”