CÁC CẶP DỰ HÔN XÂY DỰNG
‘DỰ ÁN GIÁO DỤC CON CÁI’

Đặc biệt tặng các anh chị
đã theo khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân XX
Mùa Phục Sinh 2005, tại Giáo Xứ VN Paris

Trần Văn Cảnh
Ngày thứ sáu 11.02.2005, trong chương trình khoá học ‘CHUẨN BI HÔN NHÂN, khoá thứ 20, một cuộc thảo luận về ‘Giáo dục Con cáĩ’ đã đươc tổ chức tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. 21 anh chị đang chuẩn bị đi vào hôn nhân đã đến tham dự buổi thảo luận này.
Có trách nhiệm dìu dắt cuộc thảo luận này, để mở đầu, tôi hỏi các anh chị muốn thảo luận về đề tài ‘Giáo Dục con cái‘ như thế nào? Thảo luận một cách cổ điển, có tính cách tìm hiểu về những mục tiêu, những lãnh vực, những phương pháp giáo dục con cái ? Hay thảo luận một cách cởi mở hơn, có tính cách hành động thực tiễn hơn, bằng cách phác họa một dự án hướng dẫn việc giáo duc con cái trong tương lai. Cả 21 anh chị đều đồng ý thảo luận một cách thực tiễn, xây dựng ‘Dự án Giáo Dục con cái’.
Làm sao xây dựng dự án
Tôi mừng vì thấy 21 anh chị, sau một tuần làm việc mệt mỏi mà vẫn hăng hái, muốn học hỏi, muốn xây dựng hạnh phúc gia đình, muốn giáo dục con cái tốt. Tôi hỏi các anh chị :
- Các anh chị muốn xây dụng một ‘Dự án Giáo Dục con cái’. Vậy, theo các anh chị, để xây dụng ‘Dự án Giáo Dục con cái’, mình phải vạch ra được những điểm nào ?
Anh Giuse Trần Quốc Bình và chị Thérèse Đỗ Uyên Thi trả lời ngay :
- Thưa giáo sư, mình phải xác định được những mục tiêu mà mình muốn.
Chị Thảo và anh Lê Dân tiếp theo :
- Dạ thưa bác, mình phải đề ra được những việc mà mình phải làm.
Chị Thanh Tâm và anh Anh Sĩ điềm tĩnh giơ tay và phát biểu :
- Thưa bác và các anh chị, chúng em đồng ý với anh chị Bình-Uyên và anh chị Dân-Thảo là phải định được mục tiêu mình muốn rồi từ đó, thảo ra chương trình mình sẽ phải làm. Nhưng vấn đề là mục tiêu mình định và chương trình mình thảo có cụ thể, có khả thi và có hợp với mình không ? Bởi vậy, chúng em nghĩ, trước khi xác định mục tiêu và thảo chương trình, mình cần phải nhận ra hoàn cảnh hiện tại của mình và hiểu được những nguyên nhân đưa đến tình huống hiện nay.
Anh Mai Duy Hoà và Chị Vũ Thị Kim Dung vỗ tay :
- Đúng, ý kiến của anh chị Sĩ-Tâm đúng. Thưa thầy và các bạn, chúng em đồng ý với anh chị Bình-Uyên, Dân-Thảo và nhất là anh chị Sĩ-Tâm.
Tôi khen các anh chị dã tìm ra một phương pháp làm việc rất khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng dự án. Dự án là một dự tính cho tương lai, với mục đích, kết quả muốn đạt được và chương trình thực hiện với những việc phải làm và những phương pháp, những dụng cụ phải có để thực hiện tốt được những kết quả mong muốn. Nhưng tương lai là cái tiếp tục, cái nối dài của hiện tại. Bởi vậy, muốn cho dự án được cụ thể, khả thi và hữu hiệu, dự án phải được xây dựng với những dữ kiện của hoàn cảnh hiện tại và những nguyên nhân đưa đến tình huống hiện tại này.
Theo phương pháp ‘Bánh xe Deming’, mỗi công việc đều được quản lý xoay vòng theo chiều bánh xe 4 giai đoạn này : Dự án (to plan), thực hiện (to do), kiểm soát (to check) và thăng tiến (to act). Ở giai đoạn thứ nhất, giai đoạn dự án, 4 việc phải làm là :
1. nhận ra những tình huống thực tại, những tình huống khách quan, cụ thể và có tầm vóc quan trọng;
2. phân tích những nguyên nhân khác nhau của những tình huống ấy;
3. xác định những mục tiêu mới muốn đạt tới những kết qủa cụ thể có thể nhận ra và đo lường được;
4. phác thảo một chương trình làm việc với những việc phải làm, những phương tiện nhân sự, vật liệu, phương pháp, dụng cụ và thời biểu rõ rệt.
Áp dụng phương pháp ‘Bánh xe Deming’, cả 21 anh chị mỗi cặp cùng góp ý xây dựng một ‘Dự án Giáo Dục con cái’. Sau đây là bốn dự án đã hoàn tất. Tôi xin phép được sao y nguyên bản.
1. Dự án nhấn mạnh đến mục tiêu dung hoà văn hoá Việt Pháp
Dự án sau đây do anh Anh Sĩ và chị Thanh Tâm viết chung :
Nhận định tình hình hiện tại
- Nhiều ngưới trẻ không nói được tiếng Việt
- Thiếu sự trao đổi giữa cha mẹ và con cái
- Thời gian xem TV, chơi ‘jeux ordinateur’, làm ‘chat’ trên mạng lưới điện tử quá nhiều
- Thiếu đời sống đức tin vững mạnh, để bị lôi cuốn bởi cuộc sống tiêu thụ và vật chất
- Tệ nạn xã hội : thuốc lá, cần sa, ma túy,...
Phân tích nguyên nhân
- Cha mẹ không khuyến khích con cái
. Xử dụng tiếng Việt giữa các thành phần gia đình
. Học hỏi về văn hoá, truyền thống và lịch sử của dân tộc Việt nam
. Tham gia những sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Pháp
- Ngay cả những cuộc đối thoại hàng ngày với nhau, cha mẹ thường dùng tiếng Pháp
- Những người cha mẹ Việt Nam thường không coi trọng những ý kiến của con cái
- Cha mẹ quá bận về công ăn việc làm, thiếu thời gian để sống với con cái, tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ và cảm thông những khó khăn, ước muốn, hy vọng của chúng
Mục đích của dự án
- Dù hội nhập vào xã hội Pháp, cũng không quên cội nguồn dân tộc và tiếng nói quê hương của mình
- Dạy con cái biết dung hoà giữa hai nền văn hoá Pháp-Việt
- Tạo dựng và củng cố tình cảm, sự tin tưởng, sụ tôn trọng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái
- Dạy cho con cái biết trách nhiệm làm người về mặt đời cũng như đạo
Chương trình hành động
- Khuyến khích nói tiếng Việt từ lúc nhỏ, tham gia các sinh hoạt của những cộng đoàn người việt tại Pháp, như Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Tổng Hội Sinh Viên,..
- Thường xuyên đọc truyện Việt Nam cho con nghe : cổ tích, lịch sử, luân lý, phong tục tập quán,...
- Mỗi ngày, cha mẹ nên dành một ít thời gian riêng cho con cái, để chia sẻ, nói truyện, giúp con cái giải quyết những khó khăn hàng ngày, như bài tập, thắc mắc,...
- Mỗi ngày, cha mẹ dành thời gian để cầu nguyện chung với nhau trong gia đình
- Cha mẹ nên tập lắng nghe con cái, theo dõi sự phát triển của chúng về tinh thần lẫn thể xác
- Tạo đìều kiện để cha mẹ và con cái ‘sống chung’ với nhau : cinéma, thể thao, du ngoạn,...
2. Dự án giáo dục nhấn mạnh đến mục tiêu làm giáo dân tốt
Dự án sau đây do chị Lucia Nguyễn Thị Bích Hạnh dự thảo :
Khi chúng ta đã quyết định tiến tới hôn nhân, thì lúc dó trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều thay đổi. Thay đổi ở đây là thay đổi về cách sống, về tinh thần và ở nhiều lãnh vực khác nữa. Chúng ta không còn sống độc thân một mình như lúc trước nữa, mà ngược lại, bên cạnh ta, lúc nào cũng có một nguời bạn đời để cùng chia sẻ vui buồn, để cùng vượt qua những khó khăn, để cùng có được một mái ấm gia đinh hạnh phúc.
Để có được như vậy, hai người chung sống phải biết nhường nhịn lẫn nhau, tha thứ cho nhau và phải sống trước nhất cho người mình yêu, sống theo gương Chúa Giê Su đã hy sinh mạng mình cho người Ngài yêu.
Không chỉ có một người bên cạnh mình, mà có thể còn có hai hay ba người nữa. Là những ai vậy ? Xin thưa đó là những đứa con tương lai của chính mình tạo ra. Thật là khó phải không ? Khi có con thì chúng ta lại còn có rất nhiều trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm dậy dỗ cho con thành người tốt, thành người biết hiếu thảo, thành một giáo dân tốt trong Giáo Hội, biết đến Chúa, siêng năng đi dâng thánh lễ.
Để được những điều trên, thì từ bây giờ chúng ta phải lập ra một mục tiêu, vì có mục tiêu rồi, thì chúng ta sẽ dễ thành công hơn, sẽ dễ thực hiện hơn. Để được như vậy, trước nhất chúng ta phải nhìn nhận ra những khuyết điểm ở nơi con cái chúng ta, rồi từ dó, hai vợ chồng ngồi lại phân tích và tìm ra phương án để giảm bớt những khuyết điểm đó.
Giống như hiện tại, chúng ta sống ở nước ngoài, thì con cái không thường xuyên được tiếp xúc với ông bà, cô cậu, chú bác. Từ đó, chúng sẽ không biết bà con thân thuộc của mình là ai. Vì vậy, chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở, để chúng không quên được cội nguồn.
Thứ đến, thường ngày chúng chỉ tiếp xúc với những người bạn ở trường và chỉ nói tiếng nước ngoài. Vì thế, chúng ta phải thường xuyên đưa con cái đến những nơi có nhiều người đồng hương để sinh hoạt và cùng tập cho các cháu biết nói tiếng mẹ đẻ, để chúng không bao giờ quên tiếng mẹ đẻ của mình.
Ngoài ra, còn rất nhiều điểm khác nữa. Vì thế, giữa chúng ta, chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện. Xin Chúa ban phúc lành cho chúng ta, để chúng ta luôn được thành công, dể con cái noi gương theo. Và như vậy, chúng ta sẽ đạt được giấc mơ dạy con cái thành người.
3. Dự án giáo dục nhấn mạnh đến mục tiêu tôn trọng cha mẹ
Dự án sau đây do anh Mai Duy Hoà và chị Vũ Thị Kim Dung dự thảo :
Nhận định
- Nhiều đứa trẻ không được giáo dục tốt
. Không nghe lời và không coi trọng cha mẹ
. Thích tự do, tự lập, thích sống riêng
. Tìm đến cái xấu
- Tương lai của nhiều đứa trẻ
. Không được tốt
. Hoặc tốt, nhưng không có hạnh phúc
Phân tích
- Hoặc vì cha mẹ ít quan tâm đến con cái,
. Làm cho chúng cảm thấy
ít có sự ấm cúng gia đình
không được thương yêu
không đươc bằng bạn bè
. Từ đó, chúng trở nên
không nghe lời cha mẹ nữa
không coi trọng cha mẹ nữa
và dần dần sống cô lập
- Hoặc vì cha mẹ nuông chiều con cái quá, tạo nên cho chúng một thói quen như là
. Muốn gì được đó
. Đua đòi
Mục Tiêu
- Làm cho chúng biết tôn trọng cha mẹ
- Dậy cho chúng hiểu biết thêm, biết cách quan tâm đúng mức
Kế hoạch
-Tập cho chúng một thói quen tốt từ nhỏ : chỉ cho chúng biết điều gì đúng, điều gì sai, điều gì nên làm và điều gì không được làm.
- Dậy cho chúng biết tôn trọng bề trên.
- Cho chúng tiếp cận với môi trường tốt, như cho chúng đến nhà thờ, cho chúng học giáo lý, cho chúng chơi trong môi trường tốt
- Sau này hướng dẫn chúng bước vào đời khi chúng trưởng thành.
- Cho chúng thấy được cuộc sống hạnh phúc của gia đình. Từ đó, chúng có thể nhận thức và tiếp nối bước vào cuộc sống riêng của chúng sau này.
4. Dự án giáo dục nhấn mạnh đến mục tiêu làm người tốt
Dự án sau đây là do hai anh chị không đề tên.
Đời sống mới đã đưa cho người trẻ thời nay về chỗ loạn lạc. Sự loạn lạc đó được biểu hiện ra bằng nhiều hình thức khác nhau.
Thứ nhất, tuổi trẻ thời nay được sự che chở của nhiều luật lệ. Cho nên, nhiều bạn trẻ đã lợi dụng để tung hoành, để làm tổn hại ngườ bên cạnh. Ví dụ tổn hại về tinh thần, vật chấtvà sức khoẻ.
Thứ hai, nhiều người trẻ luôn luôn muốn ‘mình’ là con số ‘một’ ở giữa đám đông. Ví dụ con trai thì hung hăng nhất, vĩ đại nhất; con gái thì mình là đẹp nhất. Nhiều bạn trẻ tìm đủ mọi cách để đạt được ý muốn của mình. Con trai thì đi theo băng đảng, con gái (mà người pháp thường gọi là ‘lolitas’) thì chạy theo ‘mode ‘ : sửa ngực, mặc đồ ‘sexy’, trang điểm theo thời, làm percing,.... Những người trẻ dó không muốn sống theo một cuộc sống hợp với lứa tuổi của họ, mà chỉ chạy theo những minh tinh ‘star’, mà giới thương mại cho là tuyệt vời.
Cái loạn lạc nói trên chỉ là kết quả của nhiều thiếu sót của những bậc cha mẹ, vì muốn đua đòi theo xã hội, mà phải cố làm việc; đâm ra bỏ bê sự dạy dỗ con cái.
Ngoài ra, phim ảnh, nhạc ca, tập truyện, báo chí, internet của thời đại mới làm cho nhiều bạn trẻ bị dễ cám dỗ : con trai thì Doc-génico, rocky, boy‘s band,... con gái thì Madona, Britney, Lorie,...
Nhiều cám dỗ khác, do ảnh hưởng của nhóm, như phải giống như mọi người bên cạnh, không muốn thua bạn bè trong trường.
Thêm vào đó, giới thương mại tiếp tay để cám dỗ, bằng cách bán đồ rẻ, đồ sexy, để đáp ứng những nhu cầu mới ngay cả cho những lứa tuổi từ 8 tuổi đến 14 tuổi.
Trước sự loạn lạc đó, chúng ta là những người chamẹ tương lai phải cần để ý để dậy dỗ con cái thành người tốt.
Để ý ở đây nghĩa là chúng ta nên dành thời gian để gần con cái. Chỉ có cách này, đứa bé mới có thể theo gương đời sống của bố mẹ nó.
Chúng ta cũng đừng tỏ ra yêu dấu con cái quá. Mình càng thả lỏng con cái bao nhiêu thì chúng càng dễ bị cám dỗ bấy nhiêu. Ông bà mình có câu là :
Thương con, cho roi cho vọt
Ghét con, cho ngọt cho bùi.
Điều cần thiết nhất là phải làm sao cho con cái chúng ta được gia nhập vào một môi trường lành thánh. Ví dụ như đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo Xứ chúng ta. Để cho con cái chúng ta được lôi cuốn theo một đời sống ý nghĩa hơn, nói tóm lại, là được ăn uống lời Chúa.
Đây chỉ là một bí quyết riêng của hai chúng con. Mong rằng các bạn sẽ chia sẻ nhiều ý kiến tốt lành hoặc hay hơn, để chúng con có thể áp dụng một cách thực tế hơn.
Đọc qua những ‘Dự án giáo dục’ trên đây của các anh chị trẻ đang bước vào hôn nhân, tôi tràn ngập một tâm tình tin tưởng vào các thế hệ tương lai của cộng đoàn giáo xứ, vì thấy họ có những suy nghĩ rất chín chắn và trưởng thành. Tôi chợt nhớ đến ‘Giấc mơ giáo dục bình dân’ được ca dao ghi lại rằng :

Trên trời có cái cầu vồng.
Kẻ chợ cầu Muống, cửa đông cầu Rền.
Vua trên đền, cầu vàng cầu bạc.
Các lái buôn cầu nước cầu non.
đôi ta càu của cầu con :
Con đẹp giống mẹ, con giòn giống cha.
Con gáidệt cửi trong nhà,
Con trai di học đỗ ba khoa liền.
Con lớn thi đỗ trạng nguyên,
Hai con tiến sĩ đỗ liền cả ba,
Vinh qui bái tổ về nhà,
Bõ công đèn sách mẹ cha nuôi thầy.

Giaoxuvnparis.org
Trần Văn Cảnh
Tranvancanh_paris@yahoo.fr