Theo tin Reuters, ngày 24 tháng 10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hội đàm hôm thứ Hai, về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và triển vọng hòa bình ở đó dự kiến sẽ là chủ đề thảo luận chính của họ.



Vatican cho biết cuộc nói chuyện riêng của họ kéo dài 55 phút nhưng theo thông lệ, họ không nói rõ các vị này đã thảo luận những gì.

Trước chuyến thăm của Macron, các nạn nhân bị lạm dụng tình dục cho biết Giáo Hội Công Giáo phản ứng quá chậm trước một báo cáo tiết lộ các vụ tấn công của các giáo sĩ Pháp đối với hơn 200,000 trẻ em, và thúc giục ông nêu vấn đề trực tiếp với Đức Giáo Hoàng.

Vatican nói rằng Ukraine, đặc biệt là tình hình nhân đạo ở đó, đứng đầu chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán sau đó của Macron với hai nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican. Họ cũng thảo luận về Caucasus, Trung Đông và Châu Phi.

Các chủ đề trong các cuộc họp như vậy thường phản ảnh những gì được thảo luận trong các buổi tiếp kiến riêng của các nhà lãnh đạo.

Macron, được phu nhân Brigitte tháp tùng và được chào đón long trọng bởi Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ, đã trao cho Đức Giáo Hoàng ấn bản đầu tiên của cuốn "Hòa bình vĩnh viễn" của nhà triết học Đức Immanuel Kant, được xuất bản bằng tiếng Pháp vào năm 1796. Đức Giáo Hoàng đã trao cho Macron một huy chương mô tả một kế hoạch ban đầu của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và một số trước tác của ngài.

Từ Vatican, Macron đã tới dự bữa trưa chính thức do Tổng thống Sergio Mattarella của Ý tổ chức, sau khi hội đàm với tân Thủ tướng Giorgia Meloni vào Chúa nhật.

Macron đang ở Ý để tham dự một hội nghị quốc tế do Cộng đồng Sant'Egidio của Ý, một nhóm từ thiện và hòa bình trên toàn thế giới tổ chức. Ông và Đức Giáo Hoàng sẽ cùng bế mạc hội nghị tại Đấu trường La Mã vào thứ Ba.

Mở đầu hội nghị này hôm Chúa nhật, Macron nói rằng ông tin rằng có cơ hội cho hòa bình ở Ukraine. Ông cũng cho biết Giáo hội Chính thống Nga đang để cho mình bị Moscow thao túng nhằm biện minh cho cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời kêu gọi nước này chống lại áp lực như vậy.

Quyết định thương thảo với Nga hoàn toàn tùy thuộc Ukraine

Trong khi ấy, theo A.P., phát biểu tại hội nghị hòa bình kéo dài 3 ngày ở Rome, do một tổ chức từ thiện Công Giáo có quan hệ chặt chẽ với Vatican tổ chức, Macron cho biết Ukraine có quyền quyết định thời gian và các điều khoản hòa bình với Nga và cộng đồng quốc tế sẽ có mặt khi chính phủ Ukraine chọn thời điểm đó.

Ông nhấn mạnh rằng, “Giữ thái độ trung lập có nghĩa là chấp nhận trật tự thế giới của những người mạnh nhất, và tôi không đồng ý với điều này”.

Có lo ngại cho rằng sự hỗ trợ từ các đồng minh của Ukraine ở châu Âu có thể bị xói mòn do chi phí năng lượng tăng cao khi mùa đông đến gần.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến sẽ kết thúc hội nghị "Kêu gào cho Hòa bình", được bảo trợ bởi Cộng đồng Sant’Egidio, với một bài phát biểu vào thứ Ba tại Đấu trường La Mã.

Trong suốt cuộc chiến bắt đầu với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine tám tháng trước, Đức Giáo Hoàng đã cảnh cáo chống lại việc tích trữ vũ khí. Nhưng ngài nói Ukraine có quyền tự vệ.

Trong khi thủ tướng mới của Ý, nhà lãnh đạo cực hữu Giorgia Meloni, là người ủng hộ trung thành giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền của mình, thì các đồng minh trong liên minh của bà lại có thiện cảm với Nga.

Vào buổi tối, Meloni và Macron đã gặp riêng tại Rome để hội đàm.

Văn phòng thủ tướng cho biết cả hai đã đồng ý làm việc cùng nhau "về những thách thức lớn, chung ở cấp độ châu Âu và về lợi ích quốc gia hỗ tương". Tuyên bố cho biết, hai bên đã thảo luận về sự cần thiết phải đưa ra "phản ứng nhanh chóng và chung" đối với các vấn đề về chi phí năng lượng cao, hỗ trợ Ukraine, thời điểm kinh tế khó khăn và quản lý dòng người di cư.

Macron, một người theo chủ nghĩa trung tâm ủng hộ châu Âu, đã tweet một bức ảnh về cuộc họp vào buổi tối, viết rằng “với tư cách là người châu Âu, với tư cách là các quốc gia láng giềng, với tư cách là những người thân thiện, với Ý, chúng ta phải tiếp tục mọi công việc đã bắt đầu”.

Macron nói thêm: “Chúng ta cần tuổi trẻ và nhân dân của chúng ta để cùng thành công với nhau”, và nói rằng cuộc họp hôm Chúa nhật đã “đi theo hướng này”.

Tổng thống Pháp cho biết cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận “mang tính xây dựng”, “thẳng thắn” và “cởi mở” trong hơn một giờ đồng hồ và họ nhất trí về sự cần thiết phải có các cuộc tiếp xúc thường xuyên ở tất cả các cấp để tiến tới chương trình nghị sự của châu Âu.

Chuyến thăm của tổng thống Pháp đến Ý bao gồm một cuộc tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng tại Vatican vào thứ Hai.

Macron đề cập đến sự lo ngại cho rằng bất cứ cuộc đàm phán hòa bình nào cũng có thể bị coi là dấu hiệu của sự thiếu ủng hộ đối với Ukraine. Nhà lãnh đạo Pháp nói, “Nói về hòa bình bây giờ, kêu gọi hòa bình, có vẻ như là một điều không thể chịu đựng được đối với những người đang đấu tranh cho tự do, nó có vẻ như là một sự phản bội” đối với Ukraine.

Nhưng ông nói hòa bình không thể bị “sức mạnh của Nga chiếm đoạt. Hòa bình không thể là sự tuân thủ luật pháp của kẻ mạnh nhất, cũng không thể là sự ngừng bắn (đánh dấu) nguyên trạng của sự việc."

Marcon nói: “Chúng ta muốn người dân Ukraine, vào một thời điểm nào đó, quyết định hòa bình, thời điểm và các điều khoản của hòa bình”.

"Hòa bình sẽ được xây dựng với bên kia, kẻ ngày nay là kẻ thù, xung quanh bàn hội nghị, và cộng đồng quốc tế sẽ ở đó."

Tuần trước, nhà lãnh đạo phe đối lập theo chủ nghĩa dân túy chính của Ý, cựu Thủ tướng Giuseppe Conte, nói rằng Ý không nên gửi thêm vũ khí cho Ukraine.

Macron đề cập đến các cuộc gặp trong quá khứ của mình với Tổng thống Nga Vladimir Putin, kiến trúc sư của cuộc chiến.

Nhà lãnh đạo Pháp nói, sự gây hấn của Moscow là "thành quả của chủ nghĩa dân tộc quá trớn" và cảm thấy bị cô lập. Ông nhận định rằng hành động gây hấn là điều không được biện minh.

Ông nói: “Họ tin rằng có những mối đe dọa, rằng phần còn lại của thế giới, ít nhất là thế giới phương Tây, đang cố gắng tiêu diệt Nga".

Macron cảnh cáo chống lại tình cảm ngày càng tăng về chủ nghĩa dân tộc ở lục địa châu Âu, nơi các lực lượng chính trị cực hữu đã trở nên phổ biến ở một số quốc gia.

Với nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo tại hội nghị, tổng thống đã khuyến khích họ thúc đẩy "cuộc chiến chống lại sự điên cuồng của chiến tranh."

Macron chỉ trích rằng “Chính thống giáo đang bị Nga thao túng”. Ông không nói rõ thêm. Nhưng Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill đã nhiệt thành ủng hộ Putin trong cuộc chiến chống Ukraine, gọi cuộc xâm lược là một phần của cuộc chiến “siêu hình” chống lại phương Tây.

Nhận thức rõ rệt sự gần gũi của Kirill với Putin, cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tìm cách gặp gỡ với vị giáo chủ này trong thời chiến.

Cuối cùng, Macron nói, việc nuôi dưỡng hòa bình ở châu Âu phụ thuộc vào "sự cân bằng của việc tôn trọng, hỗ tương, công lý." Ông cảnh cáo chống lại các mưu toan ở châu Âu nhằm “loại bỏ ‘người khác’ trong xã hội của chúng ta” nhằm tìm kiếm “sự thuần khiết sắc tộc, sự thuần khiết tôn giáo”.